Kê Nội Kim là vị thuốc được sử dụng trong các bài thuốc chữa đau bụng, ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, sỏi thận, đau dạ dày…. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Kê Nội Kim.
1 Giới thiệu về Kê Nội Kim
Kê Nội Kim còn có tên gọi khác là Kê Hoàng Bì, Kê Chuẩn Bì, Màng Mề Gà
Có tên khoa học là Corium Stomachichum Galli. Theo tài liệu Dược điển Việt Nam 5 tập 2, Kê Nội Kim còn có tên khoa học là Endothelium Corneum Gigeriae Galli.
2 Nguồn gốc
Kê nội kim là lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề hay dạ dày con gà Gallus domesticus Brisson thuộc họ Chim trĩ – Phasianidae.
2.1 Cách thu hoạch
Khi thịt gà người ta lập tức mổ mề gà, bóc ngay lấy màng rồi mới rửa sạch phơi khô. Có người nói không rửa, nhưng thực tế phải rửa nhưng nhẹ tay để thức ăn còn sót lại trong mề trôi hết.
2.2 Chế biến Kê nội kim theo dược điển
Kê nội kim sao: Dùng kê nội kim rang với cát cho phồng lên thì lấy ra và để nguội. Sau khi sao Kê nội kim màu nâu vàng sậm tới màu vàng sém đen, có những nốt phồng, những nốt phồng này nhỏ và khi bóp nhẹ bị vỡ.
Kê nội kim chế dấm: Lấy kê nội kim sao cho đến khi phồng lên thì phun dấm lên, sau đó phơi hoặc sấy cho khô, tỷ lệ Kê nội kim và dấm là 15 lít dấm dùng cho 100 kg Kê nội kim
2.3 Mô tả vị thuốc
Màng còn nguyên vẹn hay gồm các mảnh, khô và cuộn lại, mặt ngoài có màu từ vàng, lục vàng đến nâu vàng, phần màng mỏng trong mờ, có những nếp nhăn dọc nhô lên
Màng tốt có màu vàng nâu, trên mặt có những vết nhăn dọc, chất dòn, dễ vỡ vụn, vết bẻ vụn có cạnh bóng. Toàn màng mề gà dài chừng 3,5 cm, rộng 3 cm, dày chừng 2 – 5 mm.
Kê nội kim mùi hơi tanh, hơi đắng
Có thể thu hoạch Kê Nội Kim quanh năm cho nhu cầu dùng trong nước và xuất khẩu.
2.4 Một số thông số chất lượng
Độ ẩm: Không được quá 15%
Tạp chất: Không quá 1%
Tro toàn phần: Không quá 2%
Tro không tan trong acid: Không quá 1%
3 Thành phần hóa học
Các nghiên cứu về thành phần hóa học của Kê Nội Kim vẫn chưa được đầy đủ. Kê Nội Kim có chứa chất prôtit và chất vị kích tố (ventriculin). Các chất khác chưa rõ.
4 Tác dụng của Kê nội kim
4.1 Tính vị, công năng
Kê nội kim là một vị thuốc cổ truyền trong nhân dân Việt Nam và Trung Quốc. Vị thuốc được ghi trong Thần nông bản thảo và Bản thảo cương mục.
Theo các tài liệu có ghi: Kê nội kim vị ngọt, tính bình, vào kinh tỳ, vị, bàng quang và tiểu trường
Có tác dụng tiêu thủy cốc, lý tỳ vị, kiện vị, tiêu thực, sáp tinh
Chủ trị: Thực tích không tiêu, nôn mửa, di tinh, bụng đầy trướng, kiết lỵ, trẻ nhỏ bị đái dầm, cam tích
4.2 Công dụng
Người ta dùng kê nội kim trong những trường hợp đau bụng, ăn uống không tiêu, bụng đẩy chướng, nôn mửa, bệnh lỵ, viêm ruột già, tiểu tiện ra máu, dùng ngoài chữa mụn nhọt.
Liều dùng mỗi ngày uống 2-5g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột
Có thể dùng 3 – 9 g kê nội kim dạng thuốc tán theo Dược điển Việt Nam 5 tập 2
4.3 Kiêng kỵ
Không dùng cho người không bị tích trệ
5 Bài thuốc có Kê Nội Kim
Theo kinh nghiệm của nhân dân dùng kê nội kim đốt thành than, tán nhỏ, rây mịn dùng bôi chữa viêm niêm mạc cổ họng, viêm niêm mạc miệng, cam răng
5.1 Bài thuốc chứa Kê nội kim chữa sỏi thận
Theo Sổ tay lâm sàng Trung dược: Dùng 12g Kê nội kim, 15g Kim tiền thảo, 15g Hồ đào, 10g Uất kim, 15g Hải kim sa, đem sắc uống trị sỏi mật, sỏi đường tiểu
5.2 Bài thuốc chứa Kê nội kim chữa đau dạ dày, viêm loét dạ dày – tá tràng
Dùng 4g bột kê nội kim nghiền mịn, 4g bột mai mực nghiền mịn, 2g bột gạo nếp đã rang thơm, 0,2g bột Cam Thảo đã khử. Đem trộn đều thành 1 gói, mỗi ngày uống 2 gói như vậy sau bữa ăn
5.3 Bài thuốc chữa ho gà: Màng mề gà ngâm mật ong
Dùng Kê nội kim ngâm Mật ong. Cách làm: Lấy 10g Kê nội kim sao vàng, tán bột, 500g mã thầy và 10 nhánh tỏi giã ép lấy nước. Đem tất cả trộn với 50g Mật Ong rồi đun sôi, mỗi lần dùng 10 ml x 2 lần/ngày
Kê nội kim phơi khô tán nhỏ trộn với dầu bôi mụn nhọt sau lưng
6 Tài liệu tham khảo
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Kê nội kim trang 363, Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 26 tháng 06 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Chuyên luận dược liệu: Kê nội kim trang 1212, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 26 tháng 06 năm 2023.