Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Tên chung quốc tế: Hyaluronidase.
Mã ATC: B06AA03.
Loại thuốc: Enzym.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Bột đông khô để pha tiêm: Ống 150 và 1500 đvqt. Dung dịch tiêm: 150 đvqt/ml.
2 Dược lực học
Hyaluronidase là một enzym phân giải protein, vô khuẩn, tan trong nước. Hyaluronidase thủy phân mucopolysaccharide loại acid hyaluronic, một trong các polysaccharide nhớt chủ yếu của mô liên kết và da, tồn tại ở dạng gel và là một trong các thành phần chính của chất gắn kết bao quanh các tế bào mô, làm cản trở các dịch khuếch tán qua mô. Bởi vậy hyaluronidase làm giảm độ nhớt của mô liên kết và làm tăng khả năng thấm vào mô của dung dịch tiêm. Tốc độ khuếch tán dịch tiêm tỷ lệ với liều lượng hyaluronidase được dùng. Mức độ khuếch tán dịch tiêm nói chung tỷ lệ với thể tích dung dịch được dùng.
Hyaluronidase giúp tăng sự phân tán và tốc độ hấp thu của những thuốc khác và giảm bớt sự khó chịu do tiêm dưới da hoặc tiêm bắp các dung dịch thuốc.
Không được tiêm hyaluronidase vào xung quanh hoặc vào vùng nhiễm khuẩn vì gây lan rộng nhiễm khuẩn.
Hyaluronidase làm tăng hiệu quả của thuốc gây tê, đặc biệt trong gây tê phong bế thần kinh. Mặc dù hyaluronidase tăng cường (tăng diện tích và tác dụng nhanh) hiệu quả của thuốc tê, nhưng thuốc làm giảm thời gian tê; điều đó có thể khắc phục bằng epinephrin (adrenalin) mà không làm giảm lan tỏa tác dụng của hyaluronidase. Hyaluronidase làm tăng hiệu quả của thuốc gây tê trong phẫu thuật mắt. Thuốc còn được dùng để tăng cường tác dụng giảm trương lực cơ của thuốc gây tê trên mắt sau khi tiêm sau hay cạnh nhãn cầu trước khi phẫu thuật. Hyaluronidase dùng tiêm cạnh nhãn cầu hay hậu nhãn cầu nhằm giúp cho quá trình tiêu máu trong nhãn cầu trong các trường hợp xuất huyết nội nhãn. Không có biến chứng trực tiếp do sử dụng hyaluronidase. Tuy nhiên, tiêm thuốc tê sau nhãn cầu hoặc cạnh nhãn cầu có nguy cơ gây thủng nhãn cầu hoặc gây thấm thuốc tê vào thần kinh thị giác do đó có thể dẫn đến suy giảm thị lực thứ phát do phân tán thuốc vào vỏ thần kinh thị giác. Tuy hyaluronidase làm giảm nhãn áp khi tiêm dưới kết mạc hoặc khi dùng liệu pháp ion cho những người bệnh glôcôm, nhưng thuốc không có giá trị lâm sàng trong điều trị bệnh vì khó dùng và có thời gian tác dụng ngắn.
3 Dược động học
Có rất ít thông tin về dược động học của hyaluronidase đường tiêm. Ở động vật có vú, một số thành phần trong máu có thể bất hoạt hyaluronidase. Hyaluronidase có hoạt tính kháng nguyên, tiêm nhiều lần với số lượng lớn có thể dẫn đến hình thành kháng thể.
4 Chỉ định
Tăng tốc độ hấp thu của thuốc khi tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Tăng tính thấm của thuốc gây tê tại chỗ.
Tăng tính thấm của thuốc gây tê tại chỗ dùng trong phẫu thuật mắt. Tăng tính thẩm của dịch truyền dưới da.
Thúc đẩy tiêu dịch thừa và máu do thoát mạch.
Giúp tiêu máu trong các trường hợp xuất huyết nội nhãn và hốc mắt.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
Tiêm tĩnh mạch hyaluronidase.
Tránh tiêm xung quanh hoặc tiêm vào vùng nhiễm khuẩn hoặc u ác tính.
Tránh tiêm trực tiếp trên giác mạc, nội nhãn.
Không dùng hyaluronidase để làm giảm sưng do bị súc vật cắn hoặc bị côn trùng đốt.
Không sử dụng khi gây tê cho trường hợp chuyển dạ sớm không rõ nguyên nhân.
Không dùng để tăng hấp thu và khuếch tán cho các thuốc chủ vận dopamin và/hoặc alpha – adrenoceptor.
6 Thận trọng
Người cao tuổi (kiểm soát tốc độ và thể tích dịch truyền để tránh quá thừa dịch, đặc biệt ở người suy thận).
Hyaluronidase tăng cường khuếch tán những thuốc kích ứng tại chỗ hoặc thuốc độc bị thoát mạch khi tiêm tĩnh mạch.
Dung dịch tiêm dưới da cần phải đẳng trương với dịch ngoại bào.
7 Thời kỳ mang thai
Không nên dùng hyaluronidase cho người mang thai vì vẫn chưa biết ảnh hưởng của thuốc đối với thai nhi.
8 Thời kỳ cho con bú
Không nên dùng hyaluronidase trong thời kỳ cho con bú vì chưa có chứng minh về sự an toàn của thuốc đối với trẻ bú sữa người mẹ dùng hyaluronidase.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Thường gặp
Phù nề.
9.2 Hiếm gặp
Chảy máu, thâm tím, nhiễm khuẩn, kích ứng tại chỗ tiêm.
Chưa xác định được tần suất
Phản ứng dị ứng nặng với hyaluronidase, bao gồm cả phản ứng phản vệ.
10 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Không có biện pháp giải độc đặc hiệu, ngừng dùng hyaluronidase và tiến hành điều trị triệu chứng và hỗ trợ ngay.
11 Liều lượng và cách dùng
Người lớn
Tăng tốc độ hấp thu khi tiêm dưới da hoặc tiêm bắp: Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 1 500 đv pha trực tiếp vào dịch tiêm (cần đảm bảo tính tương hợp).
Tăng tính thấm của thuốc gây tê tại chỗ: 1 500 đvạt pha vào thuốc tê. Tăng tính thấm của thuốc gây tê tại chỗ dùng trong phẫu thuật mắt: Hòa trộn 15 đvqt trong 1 ml dung dịch thuốc tê.
Tăng tính thấm của dịch truyền dưới da: Hòa trộn trực tiếp 1 500 đvqt hyaluronidase vào 1 ml nước cất pha tiêm hoặc dung dịch Natri clorid 0,9%, tiêm dưới da, trước khi bắt đầu truyền dịch 500-1000 ml.
Thúc đẩy tiêu dịch thừa và máu do thoát mạch, tụ máu: Hòa trộn 1 500 đvqt hyaluronidase vào 1 ml nước cất tiêm hoặc 1 ml dung dịch natri clorid 0,9%, tiêm trực tiếp vào vùng thoát mạch hoặc tụ máu. Nên tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi thoát mạch. Điều trị xuất huyết nội nhãn: Ông tiêm 150 đvqt pha với 1 ml nước cất, tiêm cạnh hay hậu nhãn cầu, trong vòng 7 – 10 ngày.
12 Tương tác thuốc
Khi được trộn cùng thuốc tê tại chỗ, hyaluronidase làm tác dụng giảm đau xuất hiện sớm hơn, giảm sưng tại chỗ tiêm, tuy nhiên, dung dịch gây tê tại chỗ càng khuếch tán rộng thì càng tăng hấp thu và làm giảm thời gian tác dụng, tăng tác dụng toàn thân. Bệnh nhân dùng liều lớn salicylat, cortison, ACTH, estrogen, kháng histamin có thể cần lượng hyaluronidase lớn hơn bởi các thuốc này làm cho mô đề kháng một phần với tác dụng của hyaluronidase.
13 Tương kỵ
Hyaluronidase tương kỵ với một số dịch truyền phổ biến. Đã ghi nhận sử dụng hyaluronidase để hỗ trợ truyền dưới da cùng với natri clorid 0,9%, natri clorid 0,18% và Glucose 4%, natri clorid 0,45% và glucose 2,5% hoặc 5%.
Kali nồng độ 34 mmol/lit đã được dùng truyền dưới da trong glucose hoặc natri clorid đẳng trương và 1 500 đvqt hyaluronidase. Không nên dùng các dịch chứa điện giải, nếu phải dùng, cần đưa thuốc không quá nhanh.
Hyaluronidase đã từng được trộn lẫn cùng với Morphin, diamorphin, hydromorphone, Clorpromazin, metoclopramid, promazine, Dexamethason, thuốc tê tại chỗ và adrenalin.
14 Quá liều và xử trí
14.1 Triệu chứng
Phù hoặc nổi mày đay tại chỗ tiêm, ban đỏ, rét run, buồn nôn, nôn, chóng mặt, tim đập nhanh và hạ huyết áp.
14.2 Xử trí
Không có biện pháp giải độc đặc hiệu, ngừng dùng hyaluronidase và tiến hành điều trị triệu chứng và hỗ trợ ngay.
Cập nhật lần cuối: 2019,