Huyền Hồ (Huyền Hồ Sách – Corydalis yanhusuo W. T. Wang)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Ranunculales (Mao lương)

Họ(familia)

Papaveraceae (Thuốc phiện)

Chi(genus)

Corydalis

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Corydalis yanhusuo W. T. Wang

Huyền Hồ (Huyền Hồ Sách - Corydalis yanhusuo W. T. Wang)

Huyền hồ thuộc dạng cây thảo, thân và cành nhẵn, cây sống lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 10 đến 20cm. Thân rễ của cây gồm những củ nhỏ, dẹt, chắc, mỗi củ dày khoảng 1,3cm, đường kính 1,5cm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Vị thuốc Huyền hồ là gì?

Tên khoa học: Corydalis yanhusuo W. T. Wang

Tên gọi khác: Huyền hồ sách, Duyên hồ sách.

Họ thực vật: Papaveraceae (Thuốc phiện).

Toàn cây Huyền hồ
Toàn cây Huyền hồ

1.1 Đặc điểm thực vật

Huyền hồ thuộc dạng cây thảo, thân và cành nhẵn, cây sống lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 10 đến 20cm. Thân rễ của cây gồm những củ nhỏ, dẹt, chắc, mỗi củ dày khoảng 1,3cm, đường kính 1,5cm, mặt ngoài có màu vàng nâu.

Lá cây mọc so le, xẻ 2-3 lần chân vịt, các thùy lại chia nhỏ hơn, mép lá khía răng cưa.

Cụm hoa mọc thành chùm, các hoa có màu đỏ hồng hoặc đỏ tía, đài 2 răng, nhị 6, tràng 4 cánh, bầu 2 ô.

Quả nang, thuôn hẹp.

Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 5, mùa quả từ tháng 6 đến tháng 7.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Rễ củ.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng thì đem sao tẩm với rượu để hành huyết, sao với giấm để cầm máu, trường hợp chỉ sao không tẩm thì có tác dụng điều huyết.

1.3 Đặc điểm phân bố

Huyền hồ được tìm thấy chủ yếu ở khu vực ôn đới ấm thuộc Đông Á bao gồm Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc.

Theo tác giả Phạm Hoàng Hồ, chi Corydalis Vent. ở nước ta chỉ có 2 loài, một loài là Corydalis balansae Prain được tìm thấy ở Ninh Bình và Lạng Sơn, còn một loài Corydalis tenuifolia Franch. được tìm thấy ở Sa Pa.

Nước ta phải nhập Huyền hồ từ Trung Quốc để sử dụng.

Đặc điểm phân bố
Đặc điểm phân bố

2 Thành phần hóa học

Rễ cây Huyền hồ chứa alcaloid bao gồm:

  • D-corydalin.
  • DL-tetrahydropalmatin.
  • Dehydrocorydalin.
  • Columbamin.
  • D-corybunbin.
  • Protopin.
  • D-yanhumin.

Hàm lượng corydalin và corybubbin đạt hàm lượng tối đa khi rễ cây Huyền hồ được 4 đến 5 tuổi, có thể dùng làm dược liệu. Thành phần cavidin thì không phụ thuộc vào tuổi của cây.

Hàm lượng alcaloid đạt tối đa lần đầu vào tháng 8 hoặc tháng 9.

Củ của cây Huyền hồ còn chứa Vitamin B1 với hàm lượng 0,239-0,278mg/100g củ tươi.

3 Huyền hồ có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

Huyền hồ cho thấy tác dụng giảm đau và an thần. Thành phần hoạt chất trong cây Huyền hồ là tetrahydropalmatin khi tiêm tĩnh mạch ở liều 5mg/kg cho chuột nhắt trắng đã cho thấy tác dụng kéo dài thời gian phản xạ có điều kiện nhưng không đủ để làm thay đổi sự phân biệt. Khi tiêm liều 10mg/kg cân nặng thì phản xạ có điều kiện của chuột mất đi hoàn toàn.

Khi tiêm tetrahydropalmatin ở liều 60mg/kg cân nặng cho chuột cống trắng thì nồng độ dopamin, serotonin, noradrenalin trong não đều giảm.

Sử dụng hỗn hợp nước sắc Huyền hồ, Đan sâm và Dung dịch acid nicotinic bằng liệu pháp ion hóa ở vùng trước tim cho 36 bệnh nhân đau vùng trước tim, nhóm chứng gồm có 30 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp điều trị thông thường (sử dụng thuốc hạ mỡ máu, thuốc giãn mạch). Liệu trình điều trị gồm 15 lần liên tiếp, mỗi lần điều trị kéo dài từ 15 đến 30 phút, mỗi bệnh nhân điều trị 2 liệu trình hoặc hơn. Kết quả cho thấy tương đối tốt.

Huyền hồ sách
Huyền hồ sách

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị

Huyền hồ có vị đắng hơi cay, tính ấm, quy vào kinh Can, Tỳ, Phế, có tác dụng tán ứ, hoạt huyết, chỉ thống, hành khí.

3.2.2 Công năng

Huyền hồ được dùng trong trường hợp khí huyết ngưng trệ, đau bụng, Đau Bụng Kinh, đau khắp mình mẩy, ứ huyết ở phụ nữ sau khi sinh, chấn thương gây sưng đau. Liều dùng từ 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng viên hoàn tán. Có thể phối hợp Huyền hồ với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Người huyết hư không có ứ trệ, phụ nữ có thai không nên dùng.

Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng Huyền hồ chủ yếu với mục đích giảm đau, điều kinh, trị thấp khớp.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Huyền hồ

4.1 Chữa u xơ tuyến vú

12g Huyền hồ.

16g Đan sâm.

12g Đương Quy.

12g Xích Thược.

12g Lá Quất.

12g Hồng Hoa.

12g Đào nhân.

12g Sài Hồ.

12g Hương Phụ chế.

12g Xuyên luyện tử.

Các vị đem sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

4.2 Chữa viêm phần phụ

8g Huyền hồ.

12g Kê Huyết Đằng.

16g Ý dĩ.

12g Bồ Công Anh.

12g Kim Ngân Hoa.

10g Xuyên Khung.

4g Nhũ hương.

4g Một dược.

4g Cam Thảo.

Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày uống 1 thang.

Vị thuốc Huyền hồ
Vị thuốc Huyền hồ

4.3 Chảy máu cam

Huyền hồ sách tán nhỏ, dùng lớp vải lụa bọc lấy bột sau đó nhét vào lỗ mũi, nếu mũi phải bị chảy máu thì nhét vào lỗ mũi trái và ngược lại, nếu mũi trái thì chảy máu thì nhét vào lỗ mũi phải.

4.4 Chữa người lớn, trẻ em bị ho đờm

40g Duyên hồ sách.

10g Khô phàn.

Các vị đem tán nhỏ, làm thành viên.

Mỗi ngày ngậm từ 4-8g.

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Huyền hồ, trang 1016-1017. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Duyên Hồ Sách trang 70 – 71. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2024.

Để lại một bình luận