Hoàng kỳ được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa bệnh đái đường, đái đục, đái buốt, lở loét, phù thũng, phong thấp,mồ hôi trộm, sưng vú và ung nhọt. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Hoàng kỳ.
1 Giới thiệu về cây Hoàng kỳ
Hoàng Kỳ có tên khoa học là Astragalus membranaceus (Fisch.) Bunge, thuộc họ Đậu – Fabaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo sống lâu năm, có nhiều nhánh, cao từ 50-70cm. Rễ có hình trụ, đường kính 1-2cm, dài và đâm sâu, dai và khó bẻ, vỏ ngoài màu nâu đỏ hoặc vàng nâu. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 15-25 lá chét hình trứng dài, có lông trắng mịn ở mặt dưới. Cụm hoa chùm ở nách lá, dài hơn lá, mang 5-20 hoa màu vàng tươi. Quả đậu dẹt, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, mặt ngoài có lông ngắn; hạt hình thận màu đen.
Còn có một loài (var. mongholicus (Bge) Hoicus) còn được gọi là Hoàng kỳ Mông Cổ, tương tự như cây trên nhưng có số lá chét ít hơn (12-18) và nhỏ hơn, cũng được sử dụng.
1.2 Thu hái và chế biến
1.2.1 Bộ phận sử dụng
Rễ củ – Radix Astragali, thường được gọi là Hoàng kỳ.
Thu hái rễ củ của những cây 5-6 tuổi (ít nhất phải sau 3 năm trồng mới cho củ) vào mùa thu, mang về rửa sạch, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, bào hoặc thái phiến mỏng, sấy nhẹ hoặc phơi khô.
Để tạo chích hoàng kỳ, lấy Mật Ong đã luyện rồi hoà với ít nước sôi, tẩm hoàng kỳ đã cắt lát, trộn đều, ủ cho thuốc ngấm nước mật, đun nhỏ lửa cho vàng, rồi lấy ra để nguội.
1.2.2 Mô tả dược liệu
Rễ hoàng kỳ có hình dạng trụ, đôi khi phân nhánh, cao từ 30 đến 90 cm, đường kính từ 1 đến 3.5 cm. Mặt ngoài của rễ có màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt, có những nếp nhăn dọc và rãnh không đều. Rễ cứng, dai, khó bẻ, vỏ màu trắng hơi vàng và gỗ màu vàng nhạt với các vết nứt và tia hình nan quạt. Mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt và hơi tanh.
1.3 Đặc điểm phân bố
Hoàng kỳ thích ánh sáng và ẩm ướt, thích hợp với khí hậu ôn đới ấm. Rụng lá vào mùa đông và ra hoa từ tháng 6 đến tháng 7, quả từ tháng 7 đến tháng 9. Hoàng kỳ được nhân giống bằng hạt và nhập trồng ở Sa Pa, Lào Cai và Đà Lạt, Lâm Đồng nhưng chưa đạt kết quả.
2 Thành phần hóa học
Củ hoàng kỳ chứa saccharose, Glucose, tinh bột, chất nhầy, gôm, cholin, Betain, nhiều loại acid amin, calycosin, astragaloside I-V, III.
3 Hoàng kỳ có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Hoàng kỳ có tác dụng tăng cường miễn dịch, kích thích sự phát triển cơ thể, tăng sự co bóp cơ tim, giãn mạch hạ huyết áp và kháng viêm.
3.1.1 Chống lão hoá
Theo một bài đánh giá nghiên cứu năm 2017, astragalus có thể hỗ trợ quá trình lão hóa khỏe mạnh. Ngoài ra, bài đánh giá cho thấy thảo dược này có thể giảm căng thẳng oxy hóa và suy giảm thần kinh. Nó cũng có thể hoạt động như một chất bổ để tăng sức mạnh và thúc đẩy chức năng miễn dịch.
3.1.2 Có lợi cho bệnh ung thư
Nghiên cứu rễ Hoàng kỳ cho thấy có tác động tích cực đến khối u và ung thư. Các nghiên cứu trên người, thí nghiệm và động vật cho thấy chiết xuất thảo mộc có thể giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang, tăng hiệu quả của hóa trị và tiêu diệt tế bào ung thư dạ dày.
3.1.3 Kiểm soát đường huyết cho bệnh tiểu đường
Các nghiên cứu thí nghiệm đã chứng minh rằng polysaccharides astragalus có thể điều tiết đường huyết và cải thiện độ nhạy Insulin. Các nhà khoa học lưu ý rằng astragalus có thể có tiềm năng để đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó.
3.1.4 Giảm triệu chứng bệnh gan
Theo một nghiên cứu năm 2022, các loài astragalus chứa các thành phần hoạt tính có thể có lợi cho các triệu chứng của bệnh gan, chẳng hạn như xơ gan và tăng huyết áp cửa chủ. Ngoài ra, các tác giả lưu ý rằng các rễ và phần thượng của loài astragalus cũng có tác dụng chống sẹo và chống loét. Chất chống sẹo ngăn chặn vết sẹo.
3.1.5 Có lợi cho bệnh thận
Một bài đánh giá nhỏ về 22 nghiên cứu vào năm 2014 kết luận rằng astragalus có thể có tiềm năng là một phương pháp điều trị bổ trợ cho các liệu pháp truyền thống cho bệnh thận mãn tính. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng hầu hết các nghiên cứu không đủ chất lượng để đưa ra kết luận xác định.
Một bài đánh giá nhỏ khác vào năm 2019 về 66 nghiên cứu cho thấy astragalus có thể có lợi cho bệnh thận do đái tháo đường, nhưng các chuyên gia cần thêm nghiên cứu chất lượng cao để đánh giá hiệu quả và an toàn của thảo dược này.
3.1.6 Hỗ trợ hệ miễn dịch
Nghiên cứu cho thấy rằng astragalus có tác dụng kháng khuẩn và kháng vi khuẩn. Các hợp chất nó chứa, chẳng hạn như Flavonoid và polysaccharide, có thể hỗ trợ hệ miễn dịch và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại. Ngoài ra, thảo dược này có thể có tác dụng chống viêm.
3.2 Vị thuốc Hoàng kỳ – Công dụng theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Hoàng kỳ là một loại thảo dược có vị ngọt, tính hơi ấm và có tác dụng giải độc, lợi tiểu tiện, tiêu thũng, bổ khí, liễm hãn. Theo sách Cố biểu, bài nung sinh cơ chỉ hãn lợi thuỷ và chích hoàng kỳ có tác dụng bổ trung ích khí, làm hưng phấn và tăng lực.
3.2.2 Tác dụng của Hoàng kỳ
Hoàng kỳ được sử dụng để chữa bệnh đái đường, đái đục, đái buốt, lở loét, phù thũng, phong thấp, trúng phong, bán thân bất toại. Nó cũng được sử dụng để trị ra mồ hôi trộm, sưng vú, ung nhọt không vỡ mủ hoặc vỡ mà không thu miệng. Chích hoàng kỳ được dùng để trị mệt mỏi do nội thương, khí hư và huyết thoát. Liều dùng hàng ngày là 6-12g hoặc hơn, dạng thuốc sắc. Ngoài ra, nó còn được chế biến thành dạng cao và viên uống Hoàng kỳ.
3.3 Tác hại của Hoàng kỳ
Tuy nhiên, theo Trung tâm quốc gia về y học bổ sung và tích hợp thuộc Viện Y tế quốc gia (NCCIH), các tác dụng phụ hiếm gặp khi uống Hoàng kỳ có thể bao gồm phát ban, ngứa ngáy và khó chịu ở vùng bụng, triệu chứng liên quan đến mũi.
Lưu ý rằng người âm hư, máu nóng gầy khô, hay bốc hoả, ù tai, chóng mặt, nhức đầu, đường huyết cao hay huyết áp cao, cùng các bệnh ôn nhiệt, xuất huyết, viêm não và các loại sưng viêm đều không nên sử dụng Hoàng kỳ.
4 Bài thuốc từ Hoàng kỳ
4.1 Ngọc bình phong tán
Dược vị:
- 24g Hoàng kỳ.
- 8g Phòng phong.
- 16g Bạch truật.
- Các vị đem tán nhỏ thành bột, mỗi lần uống 8-12g, ngày uống 2 lần. Ngoài ra, có thể dùng dưới dạng thuốc thang để sắc uống.
Ngọc bình phong tán chủ trị biểu hư tụ hãn với các triệu chứng ố phong, thiệt đam, tự hãn, mạch hư, diện sắc hạo bạch (Mặt trắng bệnh, tự ra mồ hôi, mạch hư, lưỡi nhạt). Nguyên nhân gây bệnh do bất năng cố biểu, vệ khí hư nhược.
Ngọc bình phong tán có tác dụng cố biểu, ích khí, chỉ hãn giúp ích khí kiện tỳ, chỉ hãn, cố biểu, trị các chứng biểu hư, dễ bị cảm, ra mồ hôi, mặt trắng bệch.
Giải thích:
- Hoàng kỳ (Chủ dược) có tác dụng cố biểu, ích khí khi dùng liều cao.
- Bạch Truật có tác dụng kiện tỳ.
- Phòng Phong có tác dụng khu phong.
- Khi phối hợp phòng phong với Hoàng kỳ sẽ dẫn dược liệu này ra ngoài biểu có tác dụng chế ngực phong tà, tránh được sự lưu luyến ngoại tà, tránh phát biểu thái quá. Bài thuốc này thuộc về phép ‘trong bổ có tán, trong tán có bổ’.
Ứng dụng trên lâm sàng: Ngọc bình phong tán dùng trong trường hợp cảm bảo, nâng cao sức khỏe. Đối với trường hợp ngoại cảm, ra mồ hôi, sợ gió, mạch Hoãn có thể gia thêm Quế chi. Đối với trường hợp ra mồ hôi nhiều có thể gia thêm Tang diệp, Mẫu Lệ, Ma Hoàng, Ngũ Vị Tử để cố biểu, cầm mồ hôi. Đối với trường hợp viêm mũi mãn tính hoặc viêm mũi do dị ứng có thể gia thêm Thương Nhĩ tử và Bạch Chỉ có tác dụng phong khai khiếu.
4.2 Chữa phù thũng, phong thấp
Sắc hoàng kỳ 5g, Cam Thảo 2g, Phòng kỷ 6g, Quế chỉ 3g, Phục Linh 6g, nước 300ml, sắc còn 100ml, uống trong ngày.
4.3 Chữa cơ thể suy nhược, không muốn hoạt động, thích nằm, biếng nói, ngắn hơi, thở yếu, kém ăn, người xanh bủng, rũ mỏi hay bệnh lòi dom do ỉa chảy lâu ngày, sa dạ con, sa dạ dày
Dùng Hoàng kỳ (tẩm mật sao), Đảng Sâm đều 10g, Bạch truật, Đương Quy đều 8g, Thăng Ma, Sài Hồ, Trần Bì, Cam thảo đều 4g sắc uống.
4.4 Hoàng kỳ giảm cân
Phương thuốc sử dụng trong trường hợp tỳ, vị hoạt động yếu, tích tụ “thấp” dẫn đến tình trạng béo phì, biểu hiện bệnh bao gồm bụng trướng, lưỡi nhờn, mạch trì hoặc trầm mảnh. Dùng “phòng kỷ hoàng kỳ thang” (Kim quỹ yếu lược): Bạch truật 30g, hoàng kỳ 40g, chích thảo 20g, phòng kỷ 40g. Thêm Gừng, táo sắc uống ngày 1 thang.
4.5 Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang – điều trị bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường
Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang đã được ứng dụng trên lâm sàng và được nghiên cứu rộng rãi tại Trung Quốc trong điều trị bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường.
Một nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang cải thiện các triệu chứng trên bệnh nhân do với nhóm chứng đối với các chỉ số:
- Tốc độ dẫn truyền thần kinh cảm giác giữa.
- Tốc độ dẫn truyền thần kinh mác.
- Tốc độ dẫn truyền cảm giác thần kinh mác.
- Tốc độ dẫn truyền vận động thần kinh giữa.
Gần đây, một báo cáo khác cho thấy rằng, việc sử dụng bài thuốc Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang gia giảm đã làm giảm triệu chứng của bệnh nhân bao gồm mất ngủ, đau chi, lạnh chi, tê chi sau 3 tháng sử dụng đồng thời các triệu chứng tiếp tục được cải thiện trong 6 tháng.
Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang có thể là lựa chọn điều trị thay thế trong các trường hợp đã kháng với phương pháp điều trị khác ở bệnh nhân bị bệnh thần kinh ngoại vi do đái tháo đường.
Thành phần bài thuốc:
- 12-1g Hoàng kỳ.
- 8-12g Quế chi.
- 3-5 quả Đại táo.
- 12-16 Bạch Thược.
- 12-16g Sinh khương.
Các vị đem sắc nước uống, chia làm 3 lần mỗi ngày.
5 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Hoàng kỳ trang 74 – 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Hoàng kỳ trang 90 – 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Louisa Richards và cộng sự (Đăng ngày 10 tháng 10 năm 2022). What to know about astragalus benefits, PubMed. Truy cập ngày 03 tháng 11 năm 2023.