Hoa Phù Dung (Mộc Phù Dung, Mộc Liên – Hibiscus mutabilis L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Malvales (Bông)

Họ(familia)

Malvaceae (Bông)

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Hibiscus mutabilis L.

Hoa Phù Dung (Mộc Phù Dung, Mộc Liên - Hibiscus mutabilis L.)

Phù dung thuộc dạng cây nhỏ hay cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng vài mét. Thân và cành cây đều có lông dạng hình sao, đặc biệt là ở những cành khi còn non. Lá cây mọc so le, xẻ 5 thùy nông. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Đóa phù dung là gì?

Tên khoa học: Hibiscus mutabilis L.

Hoa Phù dung có tên gọi khác là Mộc phù dung, Mộc liên.

Họ thực vật: Malvaceae (Bông).

Hoa Phù dung
Hoa Phù dung

1.1 Đặc điểm thực vật

Hoa phù dung cao bao nhiêu? Phù dung thuộc dạng cây nhỏ hay cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng vài mét. Thân và cành cây đều có lông dạng hình sao, đặc biệt là ở những cành khi còn non.

Lá cây mọc so le, xẻ 5 thùy nông, gốc lá có dạng hình tim, đầu nhọn, mép lá có khía răng cưa không đều, mặt dưới có màu trắng nhạt phủ một lớp lông tơ, gân chính 7 có dạng hình chân vịt, cuống lá có chiều dài bằng lá hoặc dài hơn, lá kèm sớm rụng.

Hoa to, có vẻ đẹp đặc trưng, thường mọc ở ngọn thân hoặc đầu cành. Hoa Phù dung có điểm đặc biệt đó là hoa có màu trắng, vào buổi chiều, hoa lại chuyển sang màu hồng nhạt rồi đến màu hồng sẫm. Cuống hoa có đốt ở gần giữa, đài có phủ lông màu hung, tràng có cánh mỏng, nhị nhiều, bầu có lông.

Quả hình cầu, có lông màu vàng nhạt, hạt hình trứng, có lông dài.

Mùa hoa quả từ tháng 9 đến tháng 11.

Dưới đây là hình ảnh cây hoa Phù dung:

Hoa Phù dung
Hoa Phù dung

1.2 Thu hái và chế biến

Lá được thu hái quanh năm, hoa thu hái khi cây mới nở, các vị đều dùng tươi.

1.3 Đặc điểm phân bố

Phù dung là loài cây có nguồn gốc ở Trung Quốc, hiện nay được trồng ở nhiều nơi khác thuộc châu Á.

Những cây trồng ở Việt Nam được nhập từ Trung Quốc, hiện nay đã được phân bố ở khắp các địa phương trên miền Bắc, từ đồng bằng đến các vùng núi có độ cao lên đến 1500 mét.

Phù dung có bản chất là loài ưa sáng, ưa ẩm, có hiện tượng rụng lá vào mùa đông khi trồng ở miền núi. Nhiệt độ thích hợp để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất là từ 15 đến 23 độ C. Phù dung ra hoa nhiều nhưng hiếm khi thấy cây kết quả, có khả năng tái sinh tốt. Hàng năm, người ta thường tiến hành chặt bỏ những cành già để kích thích cây ra nhiều chồi và cành mới.

2 Cách trồng

Phù dung thường được trồng ở các vườn hoa hoặc vườn nhà với mục đích làm cảnh. Cây được nhân giống bằng cành, ưu tiên chọn những cành bánh tẻ, không bị sâu bệnh, sau khi cắm xuống đất thì giữ đủ độ ẩm cho cây để kích thích cây ra rễ, tuy nhiên không được tưới quá nhiều nước vì có thể gây thối vỏ. Thời điểm trồng tốt nhất là vào mùa xuân hoặc mùa thu nhưng không nên trồng Phù dung vào thời điểm thời tiết mưa nhiều.

Khi trồng, tiến hành đào hố với kích thước 40x40x40cm, trộn phân chuồng cùng đất sau đó lấp đầy hố, tưới nước để đất luôn ẩm.

Phù dung có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh cũng không cần xây dựng phương pháp chăm sóc đặc biệt.

Cách trồng hoa Phù dung
Cách trồng hoa Phù dung

3 Có nên trồng hoa Phù dung trước nhà? Ý nghĩa trong phong thủy

Phù dung là loài hoa đẹp, lại có điểm nổi bật là đổi màu cánh hoa liên tục trong ngày. Theo phong thủy, Phù dung biểu tượng cho vẻ đẹp thanh cao, trang nhã, trồng hoa Phù dung trước nhà nhằm thu hút tài lộc và những điều may mắn cho gia chủ.

Tuy nhiên, việc trồng bất kỳ loại cây nào trước nhà cũng cần phải chăm sóc kỹ càng, nếu trồng cây ở cổng, lối ra vào nhà thì cần thường xuyên tỉa cành để cây sinh trưởng và phát triển tốt.

4 Thành phần hóa học

Hoa và lá chứa cách Flavonoid như hyperin, isoquercetin,…

Hạt chứa chất dầu gồm các thành phần như acid malvalic, sterculic, vernolic.

Phù dung còn chứa Anthocyanin, Leucoanthocyanidin, Anthocyanidin, Sterol-glucosides, Lupinus, Luteus, Gibberellins, Flavonol và Naringenin-5,7-dimethyl-D-xylopyranosyl-l-darabino-pyranoside. Cây có đặc tính anodyne, giải độc, làm dịu, long đờm và làm lạnh và được sử dụng như thuốc chống viêm, thuốc kháng khuẩn, hạ sốt,…

Thành phần hóa học
Thành phần hóa học

5 Công dụng của cây Phù dung

5.1 Tính vị, tác dụng

Lá và hoa của cây Phù dung có vị cay, tính bình, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu thũng, lương huyết, chỉ thống.

5.2 Công dụng

Theo ghi chép của các tài liệu cổ và kinh nghiệm dân gian, lá và hoa của cây Phù dùng được dùng trong các trường hợp sưng tấy, mụn nhọt, kinh nguyệt ra nhiều, rong huyết.

Nhân dân Trung Quốc sử dụng là và hoa để làm thuốc lợi đờm, dùng trong trường hợp ho nhiều, ho lâu ngày không khỏi hoặc khi bị thương hoặc bị bỏng.

Hình ảnh lá cây Phù dung
Hình ảnh lá cây Phù dung

6 Cây Phù dung trị bệnh gì?

6.1 Chữa nhọt mủ

Khi nhọt mới xuất hiện dùng 30g rễ cây Vông vang hoặc 30g rễ Gai rửa sạch sau đó giã nhỏ đắp vào vết nhọt để tránh tình trạng mưng mủ. Sau đó, dùng 30-40g lá tươi của cây Phù dung giã nhỏ hoặc dùng cả lá và hoa đem phơi khô, tán nhỏ thành bột mịn, thêm nước chè đặc, làm thành bột nhão, đắp tại chỗ bị nhọt giúp giảm mủ và giảm đau nhức.

Sau khi nhọt mưng mủ, tiến hành nặn để loại bỏ hết mủ, dùng nước sắc đặc từ lá của cây Sòi tía hoặc nõn cây Bàng rửa sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Sau cùng, dùng 50g lá cây Dạ cẩm giã cùng với muối, đắp lên vết thương cho chóng lành.

6.2 Chữa sưng vú

50g lá Phù dung.

50g mầm Húng dũi.

Các vị dùng tươi sau đó rửa sạch, giã nhỏ và đắp, mỗi ngày làm vài lần.

Chữa kinh nguyệt ra nhiều, rong huyết, băng huyết

Hoa Phù dung mới nở đem phơi hoặc sấy khô sau đó tán thành bột. Thêm Gương Sen (loại lâu năm) đốt tồn tính tán nhỏ, 2 vị trộn lẫn sau đó mỗi lần uống 8g với nước cơm, ngày uống 2 lần.

6.3 Chữa bỏng

Sử dụng lá cây Phù dung nghiền thành bột, trộn với Dầu Vừng, đắp tại chỗ.

Hoa phù dung trị bệnh gì?
Hoa phù dung trị bệnh gì?

7 Một số câu hỏi thường gặp

7.1 Hoa Phù Dung ý nghĩa trong tình yêu

Hoa Phù dung trong tình yêu biểu thị cho những cảm xúc thay đổi liên tục, mang biểu tượng của sự trái ngang với nhiều khó khăn, trắc trở trong tình yêu. Cánh hoa Phù dung thay đổi màu sắc liên tục trong ngày tượng trưng cho những cung bậc cảm xúc trong tình yêu, có khi nồng nhiệt, có khi hờ hững, có khi lạnh lùng khiến cho cảm xúc dồn nén rồi tan vỡ.

7.2 Vì sao hoa Phù dung lại đổi màu?

Sự tích tụ anthocyanin trong quá trình phát triển của hoa là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi màu sắc của cánh hoa.

Vì sao hoa Phù dung lại đổi màu?
Vì sao hoa Phù dung lại đổi màu?

8 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Phù dung, trang 524-526. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Dipak Raut và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2014). PHYTOCHEMICAL AND PHARMACOLOGICAL OVERVIEW OF HIBISCUS MUTABILIS LINN., Research Gate. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Phù Dung trang 108 – 109. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2024.

Để lại một bình luận