Hoa Dẻ (Hoa Giẻ – Desmos chinensis L.)

Hoa Dẻ (Hoa Giẻ - Desmos chinensis L.)

Cây Hoa Dẻ có tên khoa học là Desmos chinensis Lour. được tìm thấy ở nhiều tỉnh trên cả nước. Hoa Dẻ được nhân dân ta sử dụng để chữa mụn nhọt, đau nhức, tê thấp. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Hoa Dẻ

1 Giới thiệu

Đặc điểm thực vật của cây Hoa Giẻ
Đặc điểm thực vật của cây Hoa Dẻ

Tên khoa học: Desmos chinensis Lour. hoặc Unona discolor Vahl.

Tên gọi khác: Dẻ, Hoàng Chỉ, Nối Côi.

Họ thực vật: họ Na Annoacease.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hoa của cây Hoa Giẻ
Hoa của cây Hoa Dẻ

Hoa Dẻ thuộc dạng cây bụi, chiều cao khoảng 1 đến 3 mét, cây sống lâu năm.

Thân và cành tương đối mảnh, bên trên phủ lông màu trắng hơi nhạt khi còn non, về sau cành thân nhẵn, có màu đen, trên thân có thể xuất hiện những nốt sần nhỏ.

Lá mọc so le, phiến lá có hình trái xoan hoặc hình bầu dục, gốc lá tròn, đầu nhọn, mỗi phiến lá có độ dài khoảng 8-10cm và chiều rộng khoảng 3 đến 5cm. Phần trên của mặt lá nhẵn, mặt dưới có phủ lông tơ màu vàng.

Cuống ngắn, có lông trên cuống.

Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc ở bên đối diện với lá. Hoa có màu vàng hơi nhạt.

Lá đài có dạng hình tam giác. Mỗi cánh hoa có độ dài khoảng 6-7 lần lá đài.

Nhị và lá noãn có số lượng nhiều.

Quả có dạng hình chuỗi, mỗi quả có 1-4 hạt.

Mùa hoa rơi vào tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.

1.2 Thu hái và chế biến

Quả của cây Hoa Giẻ
Quả của cây Hoa Dẻ

Bộ phận dùng: Rễ.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Dùng khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Hoa Dẻ phân bố nhiều tại vùng nhiệt đới Châu Á, đặc biệt tại một số quốc gia như Nepan, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Việt Nam.

Tại nước ta, Hoa Dẻ được phân bố rộng rãi tại các tỉnh có vùng núi thấp, vùng trung du và đồng bằng dọc theo Bắc đến Nam.

Với bản chất là cây ưa sáng, Hoa Dẻ thường mọc trên các đồi hoặc ven rừng thứ sinh, bờ nương.

Tại vùng đồng bằng và ven biển của nước ta, cây thường được tìm thấy ở các bãi hoang, lùm bụi và bờ ao.

Hoa Dẻ có khả năng sống trên nhiều loại đất khác nhau, ngay cả những loại đất ít dinh dưỡng như đất đã bị rửa trôi, nhiều đá ong.

Cây có khả năng chịu hạn tốt nhờ bộ rễ ăn sâu vào đất.

Ra hoa quả nhiều. Cây mọc ở nơi có nhiều ánh sáng cho quả nhiều hơn cây mọc ở trong tối.

Hoa Dẻ tái sinh từ hạt.

Thân cây được sử dụng làm củi đun.

2 Thành phần hóa học

Hoa có màu vàng, cánh dài
Hoa có màu vàng, cánh dài

Các thành phần hóa học trong hoa bao gồm:

  • 5-methoxy-7-hydroxy-flavanon.
  • 8-formyl-2,5,7-trihydroxy-6-methyl-flavanon.

Các thành phần hóa học trong rễ cây bao gồm:

  • 4,7-dihydroxy-5-methoxy-6-methyl-8-formyl flavon.
  • 5,7-dihydroxyl-6,8-dimethyl-dihydroflavonol.

3 Tác dụng – Công dụng của cây hoa dẻ

3.1 Tác dụng dược lý

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy rằng, Hoa Dẻ sau khi nấu thành cao có tác dụng chữa bỏng tốt do trong thành phần có nhiều tanin.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Rễ của cây có vị cay, tính ấm.

Tác dụng: Giảm đau, tỳ vị, lợi thấp.

3.2.2 Công dụng

Hoa Dẻ được sử dụng để chữa đầy bụng, ho đờm, đau nhức, tê thấp với liều dùng được khuyến cáo là 20-40g rễ cây khô, sắc với nước uống, có thể phối hợp với các vị thuốc khác.

Nước hãm từ cây được chứng minh có tác dụng an thần.

Người dân Ấn Độ và Malaysia sử dụng nước sắc từ rễ của cây để chữa kiết lỵ, chóng mặt đặc biệt trong các trường hợp phụ nữ sau sinh bị chóng mặt.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Hoa Dẻ

Hình ảnh quả
Hình ảnh quả

4.1 Chữa tê thấp, đau nhức

  • 80g rễ Hoa Dẻ.
  • 80g rễ Rung Rúc.
  • 80g vỏ thân Ngũ Gia Bì Chân Chim.
  • 80g rễ Gắm.
  • 80g Rễ Bưởi Bung.
  • 40g rễ Tầm Xuân.
  • 40g rễ Sâm Nam.
  • 40g rễ Cỏ Xước.
  • 40g rễ Bướm Bạc.
  • 40g rễ Ô Dược.
  • 40g rễ Tầm Gửi cây Dâu.
  • 20g rễ Chỉ Thiên.
  • 20g rễ cả cây Cỏ Roi Ngựa.

Thái nhỏ các vị, đem phơi khô.

Tất cả đem ngâm với 2 lít rượu trắng.

4.2 Chữa mụn nhọt, ăn phải nấm độc

  • 30g rễ Hoa Dẻ.
  • 30g Kim Ngân Hoa.

Sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml.

Chia làm 2 lần uống trong ngày.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Hoa Dẻ, trang 916-917. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2024.

Để lại một bình luận