Hồ Tiêu (Tiêu- Piper nigrum L.)

Hồ Tiêu (Tiêu- Piper nigrum L.)

Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cảm sốt, kích thích tiêu hóa, Hồ tiêu được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình  xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Hồ tiêu.

1 Cây Hồ tiêu là cây gì?

Hồ tiêu còn có tên gọi khác là Tiêu, ưa khí hậu nóng ẩm, thích hợp với các loại đất đỏ bazan ở các cao nguyên miền Trung, nhân giống bằng giâm cành.

Tên khoa học của Hồ tiêu là Piper nigrum L., thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae).

Hình ảnh cây Hồ tiêu
Hình ảnh cây Hồ tiêu

1.1 Đặc điểm thực vật

Hồ tiêu là một loại dây leo khác gốc, nhẵn, thân dài không mang lông, bám vào cây khác bằng rễ. Thân mọc cuốn mang lá mọc cách, so le nhau. Lá giống lá Trầu Không nhưng dài và thuôn hơn, dài 11-15cm, rộng 5-9cm, có những chấm rất mờ, mặt trên lục sẫm bóng, mặt dưới xám nhạt; gân lá lồi rõ; cuống lá dài 2-3cm. Có 2 loại nhánh: 1 loại nhánh mang quả và 1 loại nhánh dinh dưỡng, cả hai đều xuất phát từ kẽ lá. 

Cụm hoa hình đuôi sóc. Hoa trần, nhỏ, cuống rất ngắn. Lá bắc thuôn dài, cùng lớn lên với trục bông; hoa khác gốc, nhị 2, bao phấn hình thận, bầu thượng hình tròn. Quả tròn, nhỏ, màu xanh, nằm sát nhau trên cuống hoa tự, với chừng 20-30 quả trên 1 chùm, khi chín màu đỏ cam, đường kính 3-4mm. Hạt tròn, cứng, có mùi thơm.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Quả.

Quả chín được thu hái vào tháng 6-8, nếu đem phơi hoặc sấy khô thì thu được Tiêu đen, nếu ngâm nước rồi chà bỏ vỏ thì thu được Tiêu sọ (Tiêu trắng).

1.3 Nguồn gốc cây Hồ tiêu và đặc điểm phân bố

Hồ tiêu có nguồn gốc ở Ấn Độ, cây mọc hoang, được người dân phát hiện và đưa về trồng, hiện có ở khắp các nước nhiệt đới Nam Á, Đông Nam Á và Nam Mỹ. Tại Việt Nam, cây được trồng với diện tích lớn ở Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang.

2 Thành phần hóa học

Thành phần hóa học trong hạt tiêu đen là saponin, flavonoid, tinh dầu, chavisin, nhựa, tinh bột, piperine, piperylline, piperoleine, piperanine, dihydrocarveol, karyo fillene oxide, cariptone, tran piocarrol và dầu tiêu.

2.1 Saponin

Nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của Saponin là 0,06% trong chiết xuất Hồ tiêu. Tannin và saponin trong chiết xuất Hồ tiêu có chức năng bảo vệ chống tăng cholesterol máu và có tính kháng sinh.

2.2 Flavonoid

Dịch chiết từ quả Hồ tiêu có chứa các hợp chất Flavonoid và hàm lượng flavonoid tổng số trong dịch chiết metanol của quả Hồ tiêu là (1,728 1 ± 0,049 0) mg/g và (1,087 ± 0,002) μg/g.

2.3 Tinh dầu

Tinh dầu thu được là 28mL với hiệu suất 1,27%. Một nghiên cứu khác cho hiệu suất tinh dầu thu được là 2,2% từ quả tiêu tươi, 2% từ quả tiêu khô và 1,2% từ lá tiêu. 

2.4 Chavicine

Piperine có bốn cấu trúc đồng phân, cụ thể là piperine (đồng phân trans-trans), isopiperine (đồng phân cis-trans), chavicine (đồng phân cis-cis) và isochavicine (đồng phân trans-cis).

2.5 Piperin

Piperine (piperinoyl-piperidin) là một chất nitơ nóng được tìm thấy trong hạt tiêu đen. Hạt tiêu chứa hoạt chất chính là piperine, thuộc nhóm pyridin, được dùng làm nguyên liệu trong thuốc ho, chống sốt rét, chống viêm. Hàm lượng Piperin trong hạt tiêu trung bình là 6% nhưng nếu ở dạng Nhựa dầu thì hàm lượng piperin có thể lên tới 25,74% đến 48,32%. 

Các xét nghiệm đã được tiến hành cho thấy trong quả tiêu đen và quả tiêu trắng được chiết xuất bằng các nồng độ Ethanol khác nhau có chứa một hàm lượng piperin. Hàm lượng piperine cao nhất là trong phần alkaloid của dịch chiết ethanol từ quả tiêu đen được chiết xuất bằng ethanol 60% tới 52,81%. Theo các nhà nghiên cứu, nồng độ ethanol càng lớn thì hàm lượng piperine trong dịch chiết quả tiêu đen càng nhỏ.

Một nghiên cứu khác xác định hàm lượng piperine trong dịch chiết ethanol 96% từ hạt tiêu đen bằng phương pháp LC-MS là 26%.

2.6 Piperylline, Piperoleine, Piperanine

Chiết xuất hạt tiêu đen có chứa piperine (33,53%) và tiếp theo là piperoleine B (13,73%). Ngoài piperine, không có chất đồng phân nào có vị cay. Tuy nhiên, piperanine, piperettine, piperyllin A, piperoleine B và piperine trong chiết xuất hạt tiêu đen có vị hơi hắc.

Thành phần tinh dầu Hồ tiêu
Thành phần tinh dầu Hồ tiêu

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Gừng – Cải thiện tiêu hóa, chống nôn và chống say tàu xe hiệu quả

3 Tác dụng – Công dụng của Hồ tiêu

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Chống oxy hóa

Dịch chiết etanol của lá Hồ tiêu có hoạt tính chống oxi hóa cao với giá trị IC50 là 57,72 μg/mL và theo phân loại hoạt tính chống oxi hóa thì dịch chiết etanol của lá Hồ tiêu có hoạt tính chống oxi hóa mạnh.

Các nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng Hồ tiêu cung cấp tác dụng chống oxy hóa bằng cách sử dụng chiết xuất lạnh của Piper nigrumL. và thậm chí cả DPPH trong metanol. Và kết quả thu được về hoạt tính chống oxy hóa là 78,81% với 200 μg/mL. Hồ tiêu có khả năng chống oxy hóa do hàm lượng flavonoid và phenolic.

3.1.2 Kháng sinh

Phương pháp chiết nóng và lạnh của dịch chiết metanol lá tiêu đen cho thấy có tác dụng đối với vi khuẩn E.coli thông qua phương pháp khuếch tán đĩa. Dịch chiết ethanol từ lá tiêu có hoạt tính cao. Cụ thể là 8,3% chống lại vi khuẩn Staphylococcus aureus và 7,73% chống lại Escherichia coli so với chiết xuất ethyl axetat của lá tiêu, nhưng nó không ức chế nấm. Hoạt tính kháng khuẩn của lá hồ tiêu là do lá hồ tiêu có các hợp chất hoạt tính, cụ thể là tanin, phenol, coumarin, alkaloid và antraquinon. Hàm lượng alkaloid từ 5-9% chứa các hợp chất chính piperine, piperidine, piperetin và piperazine.

Chiết xuất chloroform tiêu đen có thể mang lại tác dụng kháng khuẩn chống lại Escherichia coliStaphylococcus aureus bằng cách phân tích hình thái tế bào, chuyển hóa hô hấp, hàm lượng axit pyruvic và mức ATP của vi khuẩn mục tiêu.

3.1.3 Tăng ham muốn tình dục

Nghiên cứu đã chứng minh tác dụng của chiết xuất hạt tiêu đen đối với ham muốn tình dục của chuột đực ở các độ tuổi khác nhau. Kết quả cho thấy chiết xuất hạt tiêu đen có thể làm tăng ham muốn tình dục ở chuột bằng cách rút ngắn thời gian chờ cưỡi ở chuột đực già, rút ngắn thời gian chờ và tăng tần suất cưỡi ở chuột đực trẻ.

Hoạt chất của hạt tiêu đen có chức năng như một chất chống oxy hóa có thể cải thiện thể lực. Cơ quan lá vomeronasal có thể phát hiện đầy đủ khả năng khứu giác của chuột đực đối với pheromone do chuột cái tiết ra. Tín hiệu pheromone này sau đó được truyền đến hạch hạnh nhân cũng như MPOA (Medial Preoptic Area). Hoạt chất piperine từ hạt tiêu đen có thể làm tăng hormone gonadotropin trong huyết thanh bằng cách ức chế phản hồi tiêu cực đến tuyến yên ở chuột đực. Testosterone đóng vai trò điều chỉnh hành vi tình dục, tăng đáng kể quá trình xử lý đầu vào cảm giác đối với các kích thích pheromone.

Một nghiên cứu khác cũng giải thích rằng chiết xuất từ quả tiêu đen ảnh hưởng đến hưng phấn tình dục ở chuột đực bằng cách kiểm tra hành vi giao phối ở động vật thí nghiệm.

3.1.4 Chống động kinh

Điều trị bằng piperine ở liều 5 và 20 mg/kg không cho thấy khả năng bảo vệ khỏi tử vong, nhưng piperine ở liều 10 mg/kg cung cấp khả năng bảo vệ 60% khỏi tử vong trong các cơn động kinh do PTZ gây ra.

Các nghiên cứu in-vivo cho thấy rằng piperine làm chậm đáng kể quá trình khởi phát co giật trong thử nghiệm co giật do PTZ gây ra, cho thấy có thể có sự tham gia của thụ thể GABA A và các con đường truyền tín hiệu glycinergic. Tác dụng cấp tính của piperine đối với mức GABA ở vỏ não và hồi hải mã cho thấy rằng điều trị bằng piperine làm tăng mức GABA ở khu vực này và phù hợp như một tác dụng chống co giật trong thử nghiệm PTZ.

3.1.5 Chống tiêu chảy

Nghiên cứu cho thấy chiết xuất hạt tiêu đen có tác dụng chống tiêu chảy thông qua khả năng chống tiết (axit dạ dày) và tính kháng nhu động do sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển Đường tiêu hóa do chiết xuất hạt tiêu đen gây ra, góp phần vào hoạt động chống tiêu chảy và cho phép có nhiều thời gian hơn để hấp thụ. Nhà nghiên cứu giải thích rằng phân tích hóa học thực vật cho thấy carbohydrate và alkaloid là thành phần hoặc phần trung tâm chịu trách nhiệm cho các hoạt động chống bài tiết và chống nhu động, do đó cung cấp cơ sở khoa học rằng chiết xuất hạt tiêu đen có thể mang lại tác dụng chống tiêu chảy.

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng piperine trong chiết xuất hạt tiêu đen có thể làm giảm sự tiết chất lỏng do dầu thầu dầu gây ra. Piperine từ hạt tiêu đen với liều 20 mg/kg cho uống có thể làm giảm đáng kể sự tích tụ chất lỏng trong ruột non của chuột.

Tác dụng của Hồ tiêu
Tác dụng của Hồ tiêu

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cam thảo – Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Hồ tiêu có tính nóng, vị cay, thơm, quy vào kinh phế, tràng, vị, có tác dụng trừ hàn, ấm bụng, giảm đau, tiêu thực, chống nôn.

Trong đông y, Hồ tiêu được dùng trong kích thích tiêu hóa, giảm đau, trị đau bụng lạnh, thổ tả, khó tiêu, đầy bụng, nôn mửa; trúng hàn đau vùng tim, hen suyễn. Bột Hồ tiêu dùng ngoài trị đau răng, sâu răng, gây hắt hơi, trị trúng gió lạnh, hôn mê.

4 Các bài thuốc từ cây Hồ tiêu

4.1 Bài thuốc từ Hồ tiêu của Hải Thượng Lãn Ông

4.1.1 Chữa phong thấp

Hồ tiêu, phèn chua đồng lượng; giã nhỏ, xoa bóp vào chỗ đau.

4.1.2 Chữa tiêu chảy, thổ tả

Hồ tiêu tán nhỏ, uống với nước cơm.

4.1.3 Chữa nấc, ợ hơi

Hồ tiêu sao và tán nhỏ, luyện với hồ thành viên, uống với giấm.

4.1.4 Chữa ho lâu ngày

Hồ tiêu 6 hạt tán nhỏ, một đôi thận lợn cắt miếng. Nấu cả hai lấy nước uống.

4.1.5 Chữa lang ben

Lá Hồ tiêu giã nhỏ trộn với giấm hoặc rượu, bọc lại rồi chà xát lên vùng da bị bệnh.

4.1.6 Chữa tràng nhạc đã hoặc chưa vỡ

Lá Hồ tiêu giã nát, thêm chút muối và đắp lên.

4.1.7 Chữa âm hộ sưng ngứa

Hồ tiêu 9 hạt, cho vào nước nấu sôi, để ấm rồi rửa.

4.2 Các bài thuốc khác

4.2.1 Chữa tiêu lỏng, ăn uống bị nôn

Nguyên liệu: Hồ tiêu, Bán Hạ chế đồng lượng.

Cách làm: Tán nhỏ, làm viên to bằng hạt đậu; mỗi ngày dùng 15-20 viên, chiêu thuốc bằng nước gừng.

Hồ tiêu trị khó tiêu, chống nôn
Hồ tiêu trị khó tiêu, chống nôn

4.2.2 Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon

Nguyên liệu: Hồ tiêu 5g, Thạch tín 0,5g.

Cách làm: Tán nhỏ, dùng hồ làm thành 100 viên; mỗi ngày uống 2-4 viên.

4.2.3 Chữa thấp khớp, đau nhức

Nguyên liệu: Tiêu sọ, Nhục Quế, Riềng ấm, Gừng khô mỗi vị 10g, Băng phiến, Long Não mỗi vị 3g.

Cách làm: Giã dập, ngâm với cồn 70 độ trong 7 ngày, dùng xoa bóp mỗi ngày.

4.2.4 Chữa sốt rét

Nguyên liệu: Hồ tiêu 1 thìa cà phê, Tỏi tươi (bỏ vỏ) 1 củ nhỏ, Phèn chua 1 cục bằng ngón tay, Gừng tươi 1 củ bằng ngóc chân cái.

Cách làm: Tán nhỏ, chế nước sôi vào ngâm, chắt lấy nước uống.

Chú ý: Hồ tiêu và hạt tiêu là một, hạt tiêu chỉ cụ thể hơn về quả Hồ tiêu. Không dùng Hồ tiêu cho người thể nhiệt, trĩ, táo bón.

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Winda Wulandari và cộng sự (Đăng vào tháng 1 năm 2021). Review: Black Pepper (Piper nigrum L.) Botanical Aspects, Chemical Content, Pharmacological Activities, ResearchGate. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2023. 
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Hồ tiêu trang 169-170, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2023.

Để lại một bình luận