Cây Hổ Nhĩ Thảo có tên khoa học là Saxifraga stolonifera Meerb). Đây là loại dược liệu được sử dụng để chữa viêm tai giữa, viêm phổi, ho ra máu mủ, chữa ngứa. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ giới thiệu đến bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Hổ Nhĩ Thảo
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Saxifraga stolonifera Meerb.
Tên gọi khác: Cây Hổ Nhĩ.
Họ thực vật: Tai hùm Saxifragaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Hổ Nhĩ Thảo thuộc dạng cây thảo, không có thân. Trên bề mặt cây có phủ một lớp lông mịn.
Lá mọc thẳng từ rễ của cây, phiến lá dày, có dạng hình thận hoặc gần tròn. Mỗi lá có đường kính khoảng 2-5cm. Mép lá có khía răng nhưng nông, răng có dạng hình tam giác. Gốc lá lõm sâu, đầu tù không nhọn.
Mặt trên lá có màu hung kèm theo một lớp lông tơ. Mặt dưới lá có màu đỏ, trên phiến điểm nhiều đốm màu trắng, loang lổ gần giống như tai của con hổ.
Cuống lá dài, trên cuống có phủ nhiều lông. Phần dưới có bẹ.
Cụm hoa mọc thành chùy ở giữa đám lá, hoa phân nhánh, bao phủ một lớp lông ngắn. Mỗi nhánh mang 4-7 hoa. Hoa có màu hồng.
Đài 5, tràng 5, nhị 10.
Bầu gồm 2 ô, mỗi ô có chứa nhiều noãn.
Quả nang, hạt có kích thước nhỏ.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.
Cần lưu ý tránh nhầm lẫn với cây Tai Hùm có tên khoa học là Conyza canadensis (L.) Crong thuộc họ Cúc.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Hổ Nhĩ Thảo có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm, được tìm thấy ở các vùng núi cao trên 1300m như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Loại cây này cũng được nhân dân trồng làm cảnh ở các chậu hoa hoặc hòn non bộ.
Hổ Nhĩ Thảo là loại cây ưa bóng và ưa ẩm, cây thường mọc bám vào các hốc đá, ven bờ suối.
Hổ Nhĩ Thảo có khả năng tái sinh từ gốc, tạo thành khóm hoặc các đám nhỏ, khó nhận biết từng cá thể.
Chưa thấy cây mọc từ hạt.
Người ta thường sử dụng các nhánh con để trồng làm cảnh.
2 Thành phần hóa học
Trong lá của cây Hổ Nhĩ Thảo có chứa:
- Neo-ruscogenin.
- Beta-sitosterol.
- Sanseviergenin.
- 25S-Ruscogenin.
- Acid galic.
- Norbergenin.
- Bergenin.
3 Tác dụng – Công dụng của cây hổ nhĩ thảo
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng chống hóa
Người ta nhận thấy rằng, thành phần arbutin được chiết xuất từ cây Hổ Nhĩ Thảo có tác dụng ức chế phản xạ ho ở chuột nhắt trắng khi sử dụng với liều 100 đến 200 mg/kg. Phản xạ ho được gây ra bởi amoniac. Tác dụng chống ho có thể ở trung khu thần kinh.
3.1.2 Tác dụng khác
Dịch chiết cồn từ cây theo tỷ lệ 1:1 cho thấy tác dụng lợi tiểu trên chó gây mê với liều dùng 1g/kg.
Đối với tiêu bản tim ếch cô lập, dịch chiết của cây có tác dụng kích thích co bóp.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Hổ Nhĩ Thảo có vị đắng, cay, tính mát.
Tác dụng: Thanh nhiệt, khu phong, giải độc, lương huyết.
3.2.2 Công dụng
Hổ Nhĩ Thảo được sử dụng để chữa viêm tai, phong chẩn, ho ra máu, mụn nhọt với liều dùng được khuyến cáo là 9-15g/ngày, sắc lấy nước uống.
Có thể dùng ngoài bằng cách giã nát sau đó đắp tại chỗ hoặc lấy nước nhỏ vào tai.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Hổ Nhĩ Thảo
4.1 Chữa mề đay
Sử dụng lượng bằng nhau các dược liệu Hỗ Nhĩ Thảo và Thanh Đại, sau đó sắc lấy nước uống.
4.2 Chữa áp xe phổi, ho ra máu
12g Hổ Nhĩ Thảo.
30g Kim Ngân.
Sắc làm 2 lần lấy nước uống trong ngày.
4.3 Chữa viêm phế quản mạn tính
1000g Hổ Nhĩ Thảo tươi.
300g Bồ Công Anh tươi.
Sắc với nước đến khi còn 1000ml.
Thêm chất bảo quản.
Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 15-20ml.
4.4 Chữa viêm tai giữa
60g Hồ Nhĩ Thảo tươi.
Rửa sạch, ép lấy nước, thêm băng phiến.
Sử dụng để nhỏ tai, mỗi ngày nhỏ 2 lần.
4.5 Chữa ngứa
500g Hồ Nhĩ Thảo tươi.
Chặt nhỏ, sau đó sử dụng cồn 95 độ tẩm ướt.
Thêm 1000ml cồn 30 độ.
Tiến hành ngâm hỗn hợp trong 1 tuần.
Lọc bỏ bã, sử dụng nước để bôi ngoài da.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Hồ Nhĩ Thảo, trang 983-984. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.