Hải Kim Sa (Lygodium japonium L.)

Hải Kim Sa (Lygodium japonium L.)

Hải kim sa được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh đường tiết niệu và viêm. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Hải kim sa.

1 Giới thiệu về cây Hải kim sa

Hải kim sa còn có tên gọi khác là Bòng bong Nhật, mọc ở đồng bằng, đồi đến núi thấp ở độ cao 600m, trung sinh và ưa sáng, mọc thành đám trong nhiều quần xã thực vật thứ sinh, trảng cây bụi, rừng Nứa, rừng thưa cây lá rộng thường xanh hay nửa rụng lá, có khi cả ở đầm lầy nước ngọt ngập nước theo mùa.

Tên khoa học của Hải kim sa là Lygodium japonium L., thuộc họ Bòng bong (Lygodiaceae).

Hình ảnh lá chứa bào tử (Hải kim sa)
Hình ảnh lá chứa bào tử (Hải kim sa)

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây kiểu dương xỉ có thân khỏe leo dài đến 4m. Thân rễ bò, có lông màu đen đến nâu đỏ. Lá mọc so le, cách quãng. Phiến lá kép lông chim lẻ 3 lần; lá lông chim bậc nhất cách nhau 5-10cm, dạng tam giác, mang lá lông chim bậc 2 có cuống không có đốt; lá chét cuối đơn; lá chét bên xẻ hay kép, có lông ngắn; trục lá có cánh ở phía cuối. Lá chét bậc 2 sinh sản hẹp; ổ túi bào tử dài 3-5mm. Bào tử hình 4 mặt, màu vàng nhạt, vách mang những chấm tròn.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Toàn cây và bào tử.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây phân bố rộng từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh vào đến Gia Lai, Khánh Hòa và Đồng Nai. Ngoài ra còn có ở Nhật Bản, Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia cũng như nhiều nước nhiệt đới và cận nhiệt khác của châu Á, châu Úc.

2 Thành phần hóa học

Hiện có rất ít nghiên cứu về thành phần và tác dụng dược lý của Hải kim sa.

Một nghiên cứu đã xác định 8 hợp chất trong chiết xuất Hải kim sa là tilianin, kaempferol-7-O-alpha-L-rhamnopyranoside, kaempferol, axit p-coumaric, axit hexadecanoic 2, 3-dihydroxy-propyl este, daucosterol, beta-sitosterol và 1-hentriacontanol.

Một nghiên cứu khác tìm ra 1 ecdysteroside mới được phân lập từ rễ cây với cấu trúc được xác định là 2,3,14,20R,22R-pentahydroxy-24R-methyl-5-cholest-7-en-6-one-3-O–D-glucopyranoside. 

Naphthoquinone đã được phân lập gồm: 6-hydroxy-2-isopropyl-7-methyl-1,4-naphthoquinone, apigenin 7-O–D-glucopyranoside, R-(-)-pantoyllactone–D-glucopranoside, -ecdysone.

Các hợp chất khác cũng được tìm thấy gồm có:

  • Ecdysteroside: Lygodiumsteroside A, capitasterone.
  • Glycoside phenolic: 3,4-dihydroxybenzoic acid 4-O-(4′-O-methyl)-beta-D-glucopyranoside.
  • Ngoài ra, một số chất điều hòa sinh trưởng thực vật như gibberellin A9 methyl ester, gibberellin A73 methyl ester, và axit phenolic được phân lập từ bào tử của Hải kim sa.

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Kim tiền thảo – Vị thuốc trị sỏi thận, sỏi tiết niệu hiệu quả

3 Tác dụng – Công dụng của Hải kim sa

3.1 Hải kim sa có tác dụng gì?

3.1.1 Chống viêm

Trong nghiên cứu hiện tại, chiết xuất bào tử Hải kim sa đã được chứng minh là làm giảm quá trình sản xuất các chất trung gian tiền viêm được kích thích bởi LPS trong đại thực bào RAW264.7 trong ống nghiệm, mà không gây tác dụng gây độc tế bào ở nồng độ thấp. Những phát hiện này gợi ý rằng nó có thể có tiềm năng như một loại thuốc thảo dược chống viêm để điều trị các rối loạn viêm. Kết quả của nghiên cứu hiện tại đã chứng minh rằng chiết xuất này đã ngăn chặn sự biểu hiện của iNOS và việc sản xuất các cytokine tiền viêm; tuy nhiên, nó không thể ức chế biểu hiện COX‑2. Tác dụng ức chế khác biệt của nó đối với các chất trung gian tiền viêm có thể là do sự điều hòa có chọn lọc của các đường dẫn truyền tín hiệu tiền viêm.

3.1.2 Các tác dụng khác

Các nghiên cứu chính thức đã được tiến hành để xác định lợi ích chữa bệnh của Hải kim sa. Kết quả cho thấy loài này có các hợp chất có khả năng chống oxy hóa mạnh. Ngoài ra, nó hữu ích như một tác nhân phòng ngừa và điều trị chống lại sự hình thành sỏi thận oxalate, hỗ trợ một trong những cách sử dụng truyền thống chính. Nó cũng đã được nghiên cứu với kết quả khả quan đối với sự mọc lại của tóc ở chứng rụng tóc nam do nội tiết tố.

Tác dụng của Hải kim sa
Tác dụng của Hải kim sa

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Hy thiêm – Vị thuốc trị đau xương khớp hiệu quả

3.2 Công dụng cây Bòng bong Nhật theo y học cổ truyền

Hải kim sa có tính hàn, vị ngọt, quy vào kinh bàng quang, tiểu trường, có tác dụng thanh nhiệt tiêu thũng, lợi niệu thông lâm.

Trong đông y, Hải kim sa được dùng trong trị:

  • Bệnh đường tiết niệu và sỏi.
  • Viêm thận, sốt, viêm não.
  • Viêm gan, viêm ruột, lỵ.
  • Viêm tuyến mang tai, viêm vú.

4 Các bài thuốc từ cây Hải kim sa

4.1 Chữa đái buốt, dương vật, âm đạo sưng đau, đái ra dưỡng chấp hay sỏi

Nguyên liệu: Hải kim sa, Hoạt thạch mỗi vị 40g, Cam Thảo 18g.

Cách làm: Tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với nước sắc Mạch Môn 20g, ngày uống 3 lần.

4.2 Chữa viêm tuyến vú

Dùng 30-40g Hải kim sa sắc lấy nước uống; đồng thời lấy lá tươi chưng nóng rồi đắp bên ngoài.

4.3 Trị viêm đường tiết niệu và sỏi

Dùng 30g Hải kim sa giã nát, ép lấy nước cốt, pha thêm nước nguội, uống trước khi ăn.

4.4 Trị viêm gan cấp

Dùng 120g rễ Bòng bong Nhật sắc lấy nước, thêm đường và uống.

Hoặc: Hải kim sa 15g, Nhân Trần 30g, Xa tiền thảo 20g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống.

4.5 Trị viêm đường hô hấp, viêm họng, viêm khí quản

Nguyên liệu: Hải kim sa 30g, lá Bọ mẩy 15g.

Cách làm: Sắc lấy nước, chia làm 3 lần uống trong ngày.

4.6 Chữa ăn uống khó tiêu, bụng trướng đầy do thấp trệ

Nguyên liệu: Hải kim sa 30g, Bạch Truật 8g, Cam thảo 2g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống trong ngày.

4.7 Trị toàn thân phù thũng, bụng trướng, nằm không thở được

Nguyên liệu: Hải kim sa, Cam toại mỗi vị 15g, hạt Bìm Bìm (Khiên ngưu tử) 30g (một nửa để sống một nửa sao chín).

Cách làm: Tán thành bột mịn, trộn đều; mỗi lần sắc 8g với 1 bát nước, uống trước khi ăn.

4.8 Trị lỵ ra máu

Dùng dây và lá Bòng bong Nhật 60 – 90g, sắc kỹ với nước, chia thành 2-3 lần uống trong ngày.

4.9 Chữa tiểu tiện lẫn sỏi sạn

Nguyên liệu: Hải kim sa, Hoạt thạch, Bạch mao căn mỗi vị 30g, Kim tiền thảo 60g, Xa tiền thảo 12g.

Cách làm: Sắc kỹ với nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Hải kim sa và Hoạt thạch phối hợp trị bệnh đường niệu
Hải kim sa và Hoạt thạch phối hợp trị bệnh đường niệu

4.10 Chữa tiểu tiện xuất huyết

Dùng bột Hải kim sa, mỗi lần hòa 8g với nước đường để uống, ngày uống 3 lần.

Hoặc: Dây Bòng bong Nhật, Biển súc mỗi vị 15 – 20g, sắc lấy nước uống.

5 Tài liệu tham khảo

Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bòng bong Nhật trang 206-207, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2023.

Để lại một bình luận