Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) |
Zingiberales (Gừng) |
Họ(familia) |
Zingiberaceae (Gừng) |
Chi(genus) |
Zingiber |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Zingiber zerumbet (L.) Sm. |
Bông gừng gió thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét hoặc hơn. Thân rễ dạng củ, phân nhánh, màu trắng vàng nhạt, có mùi thơm đặc trưng. Gừng gió thuộc dạng thân khí sinh khỏe. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Gừng gió là cây gì?
Tên khoa học: Zingiber zerumbet (L.) Sm.
Tên gọi khác: Gừng dại, Gừng rừng, Phong khương, Khing kèng (tiếng Tày).
Họ thực vật: Zingiberaceae (Gừng).
1.1 Đặc điểm thực vật của Bông gừng gió
Bông gừng gió thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét hoặc hơn. Thân rễ dạng củ, phân nhánh, màu trắng vàng nhạt, có mùi thơm đặc trưng. Gừng gió thuộc dạng thân khí sinh khỏe, mọc đứng, bề mặt nhẵn.
Lá cây không có cuống, các lá mọc xếp thành 2 dãy, phiến lá có dạng hình mác thuôn, gốc lá hẹp dần, đầu lá nhọn, chiều dài mỗi lá khoảng 20cm, rộng khoảng 5cm, mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới có phủ một lớp lông rải rác, bẹ lá to nhẵn, dễ gãy.
Cụm hoa dạng trứng hoặc dạng hình trụ, mọc từ thân rễ trên một cán hoa mập, chiều dài cán khoảng 20 đến 30cm, phủ một lớp lá bắc. Mép cụm hoa có màu lục nhạt, đôi khi pha chút ánh hồng, đài hoa nhỏ, tràng có ống loe tạo thành thùy màu trắng, 1 nhị, bầu có dạng hình elip.
Quả nang, có dạng hình bầu dục, bên trong có một ít hạt, hạt có màu đen.
Mùa hoa từ tháng 7 đến tháng 9.
Dưới đây là hình ảnh cây Gừng gió tươi:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ.
Thời điểm thu hái: Mùa đông.
Chế biến: Phơi hoặc sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Trên thế giới, Gừng gió được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới thuộc khu vực Đông Nam Á, Nam Á, bao gồm một số quốc gia bao gồm Lào, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Tại nước ta, cây mọc rải rác ở vùng trung du, miền núi thấp, đôi khi còn bắt gặp ở vùng đồng bằng.
Gừng gió là loài ưa ẩm, có khả năng chịu bóng, thường mọc trong những tán rừng kín thường xanh hoặc mọc ở ven rừng. Tại vùng trung du và đồng bằng, cây mọc lẫn trong các đám lùm bụi dưới chân đồi hoặc xung quanh làng bản, cây có hệ thống thân rễ phát triển, từ cây mẹ sau một năm có thể mọc thêm 2-3 nhánh con. Trong tự nhiên, thường phát hiện cây mọc thành bụi lớn, có khi mỗi bụi có diện tích từ 1-2 m2.
Gừng gió là loài ra hoa quả hàng năm, chưa phát hiện được cây con mọc từ hạt. Gừng gió dễ trồng, có thể dùng nhánh con hoặc đoạn thân rễ để cây sinh trưởng và phát triển nhanh.
2 Thành phần hóa học
Thành phần hóa học trong cây Gừng gió bao gồm:
- Tinh dầu.
- Nhựa dầu.
- Dầu béo.
Thành phần của tinh dầu chủ yếu là các monoterpen, sesquiterpen. Các monoterpen gồm α-pinen, limonen, camphen, cineol, Camphor. Các sesquiterpene gồm humulen, sesquiterpene monocyclic ceton, zerumbone đây cũng là thành phần chính của Gừng gió.
3 Tác dụng của cây Gừng gió
3.1 Tác dụng dược lý
Zerumbon là thành phần trong cây Gừng gió cho thấy tác dụng ức chế sự phát triển của tụ cầu vàng, hoạt chất này cũng cho thấy tác dụng tương tự với trực khuẩn lao.
3.2 Công dụng của cây Gừng gió
Tính vị: Thân rễ của cây Gừng gió có vị cay, đắng, mùi thơm hăng, tính ấm như Gừng, tuy nhiên mùi không thơm và tính cũng không ấm nóng bằng Gừng. Gừng gió có tác dụng trị ứ huyết, phong hàn.
Gừng gió có tác dụng tương tự như Gừng, được dùng trong các trường hợp đau bụng, trúng gió, sưng tấy đau nhức, liều dùng khuyến cáo là 20-30g, thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Trong trường hợp đau nhức tay chân mình mẩn, có thể dùng thân rễ cây Gừng gió giã nát, thêm rượu, xoa bóp hàng ngày.
Nhân dân Ấn Độ, Gừng gió có thể dùng như một chất kích thích, có tác dụng trung tiện, dùng trong trường hợp đau bụng khó tiêu, đầy hơi. Thân rễ Gừng gió phối hợp rễ Xuyên Tâm Liên với lượng bằng nhau, chế thành bột nhão, mỗi lần sử dụng 1 thìa cà phê, ngày dùng 3 lần trong 15 ngày khi bị ho gà.
4 Một số cách trị bệnh từ củ Gừng gió
4.1 Chữa trúng gió bị ngất, tay chân lạnh
20-30g Gừng gió, đem giã nhỏ, thêm rượu sau đó chắt lấy nước cốt để uống, bã đem chưng nóng sau đó đắp vào chỗ bị đau.
4.2 Chữa vết thương
Sử dụng thân rễ của cây Gừng gió với lượng 20g, lá chàm mèo 20g. Các vị dùng tươi, rửa sạch, giã nát và đắp vào chỗ bị tổn thương.
4.3 Chữa hôi nách
20g thân rễ Gừng gió.
4g Long não.
Gừng gió đem phơi khô, tán thành bột mịn, Long Não tán thành bột mịn. Trộn đều sau đó xoa bột vào nách mỗi ngày 2 lần.
4.4 Chữa gia súc bị dịch vào mùa hè, ăn không nuốt được, mắt đỏ
Sử dụng một lượng bằng nhau các vị Gừng gió, Chỉ thiên, Cốt khí tím, Sắn dây sau đó giã nhỏ, hòa cùng nước cho gia súc uống.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Củ Gừng gió có ăn được không?
Củ Gừng gió chính là thân rễ của cây Gừng gió, dược liệu này có tính ấm, vị cay, khi ăn có tác dụng chữa đau bụng, trúng gió nhưng thường được kết hợp với một số dược liệu khác.
5.2 Củ Gừng gió ngâm rượu có tác dụng gì?
Củ Gừng gió ngâm rượu có tác dụng chữa khó tiêu, kích thích tiêu hóa, giảm đau bụng, đầy hơi. Ngoài ra, có thể dùng Gừng gió ngâm rượu để xoa bóp ngoài da trong trường hợp bị trúng gió, đau mỏi mình mẩy, tay chân lạnh.
Cách ngâm rượu từ củ Gừng gió:
- Gừng gió dùng tươi, rửa sạch.
- Dùng rượu nếp 30-40 độ để ngâm trong bình thủy tinh.
- Để chỗ mát khoảng 2-3 tháng là có thể sử dụng.
5.3 Cách dùng cây Gừng gió gội đầu?
Hoa của cây Gừng gió có thể được dùng để gội đầu giúp làm mềm tóc, giảm tình trạng khô xơ, gãy rụng. Cách sử dụng cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy hoa của cây Gừng gió, vắt lấy nước, dùng nước này để gội đầu hoặc rửa mặt, mát xa đều chân tóc sau đó xả lại bằng nước sạch.
5.4 Tác dụng của trà Gừng gió
Trà Gừng gió là thức uống có nhiều công dụng với sức khỏe như:
- Tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng.
- Làm ấm cơ thể: Trong Y học cổ truyền, Gừng gió có tính ấm, do đó, bạn có thể sử dụng trà Gừng gió trong những ngày thời tiết thay đổi hoặc khi bị cảm cúm.
- Giảm cảm giác buồn nôn.
- Kích thích tiêu hóa, giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
- Giảm hôi miệng.
Cách pha trà Gừng gió thơm ngon:
- Trà gừng gió mật ong: Gừng gió rửa sạch, thái thành từng miếng mỏng, thêm nước sôi, ngâm trong khoảng 15-20 phút, thêm Mật Ong và thưởng thức.
- Trà gừng gió chanh sả: Dùng 1 nửa củ Gừng gió, 3 nhánh sả, nửa quả chanh, đường phèn, mật ong. Gừng, sả rửa sạch, cắt khúc, đập dập. Đun sôi nước, thêm đường phèn vào đun cho đến khi tan hết, thêm gừng gió, sả, đun trên bếp một lúc rồi tắt bếp. Để nguội, thêm vài lát chanh và thưởng thức.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Gừng gió, trang 882-883. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Gừng gió trang 368-370. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2024.