Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Tên chung quốc tế: Granisetron.
Mã ATC: A04AA02.
Loại thuốc: Thuốc chống nôn, thuốc đối kháng chọn lọc trên thụ thể serotonin (5HT3).
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dưới dạng granisetron hydroclorid; 1,12 mg granisetron hydrochloride tương đương 1 mg granisetron. Dạng thuốc và hàm lượng dưới đây được tính theo granisetron.
Dung dịch uống: 1 mg/5 ml.
Viên nén: 1 mg.
Dung dịch tiêm tĩnh mạch: 0,1 mg/ml; 1 mg/ml.
Miếng dán qua da: Mỗi miếng dán diện tích 52cm có chứa 34,3 mg granisetron, giải phóng 3,1 mg granisetron trong 24 giờ.
2 Dược lực học
Serotonin (5-HT) là chất trung gian thần kinh chính cho phản ứng nôn sau hóa trị liệu. Các thụ thể 5-HT, tập trung ở ngoại vi của dây thần kinh phế vị và ở trung ương tại vùng nhận cảm hóa học (CTZ) và trung tâm nôn ở hành não. Sau khi tiếp xúc với các chất phóng xạ hoặc các chất gây độc tế bào, serotonin (5-HT) được giải phóng từ các tế bào thần kinh nội tiết (tế bào ECL) trong lớp chất nhày niêm mạc ruột non. Serotonin sau đó sẽ kích thích dây thần kinh phế vị thông qua thụ thể 5-HT3. Kích thích này sau đó được truyền đến và kích thích thụ thể 5-HT3 trong trung tâm nôn tại hành não và vùng nhận cảm hóa học (CTZ) và khởi phát đáp ứng nôn. Granisetron là một thuốc chống nôn mạnh, thuốc đối kháng chọn lọc trên thụ thể 5-HT3, giúp dự phòng và làm giảm phản ứng nôn do hóa trị liệu và xạ trị. Các cơ chế chống buồn nôn và nôn sau phẫu thuật chưa được biết rõ nhưng có lẽ cũng theo cơ chế chống nôn và buồn nôn do nhiễm độc tế bào.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Granisetron hấp thu nhanh và hoàn toàn qua Đường tiêu hóa. Do chuyển hóa bước 1 tại gan, sinh khả dụng đường uống của thuốc chỉ vào khoảng 60%. Thức ăn không ảnh hưởng đến hấp thu thuốc.
Ở dạng miếng dán, thuốc được hấp thu vào hệ tuần hoàn thông qua cơ chế khuếch tán thụ động tại vùng da tiếp xúc. Thuốc được hấp thu chậm, nồng độ tối đa đạt được trong khoảng 24 – 48 giờ. Sinh khả dụng dạng miếng dán khoảng 65%.
3.2 Phân bố
Thuốc phân bổ rộng, Thể tích phân bố của thuốc khoảng 3 lít/kg. Thuốc gắn với protein huyết tương khoảng 65%.
3.3 Chuyển hóa
Thuốc bị chuyển hóa chủ yếu ở gan bởi phản ứng oxy hóa, sau đó là phản ứng liên hợp. Các chất chuyển hóa chính là 7-OH-granisetron và các dạng liên hợp với sunphat và glucuronid. Mặc dù đặc tính chống nôn được quan sát với 7-OH-granisetron và indazolin N-desmethyl granisetron, tuy nhiên chúng đóng góp không đáng kể cho hoạt tính dược lý của granisetron.
3.4 Thải trừ
Thuốc được thải trừ chủ yếu do chuyển hóa ở gan. Lượng thuốc được thải trừ qua thận 12% ở dạng không biến đổi và 47% ở dạng đã chuyển hóa. Phần còn lại được thải trừ vào phân ở dạng đã chuyển hóa. Nửa đời thải trừ của thuốc khoảng 9 giờ.
4 Chỉ định
Phòng và điều trị buồn nôn và nôn cấp hoặc dự phòng buồn nôn và nôn muộn do hóa trị liệu hoặc xạ trị.
Phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu gây nôn trung bình hoặc nặng, thời gian điều trị 3 – 5 ngày khi các thuốc chống nôn đường uống không thể sử dụng (bệnh nhân khó nuốt).
Phòng và điều trị buồn nôn và nôn sau phẫu thuật.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
Bơi hoặc tắm hơi, tích cực vận động nhiều khi sử dụng miếng dán. Chườm nóng lên miếng dán.
6 Thận trọng
Thuốc có thể làm giảm nhu động ruột. Thận trọng khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân có dấu hiệu tắc nghẽn ruột bán cấp, theo dõi chặt chẽ bệnh nhân sau khi dùng granisetron.
Thuốc có thể gây thay đổi điện tâm đồ bao gồm kéo dài khoảng QT. Thận trọng khi sử dụng thuốc trên các bệnh nhân có hội chứng kéo dài khoảng QT bẩm sinh hoặc các yếu tố nguy cơ kéo dài khoảng QT như mắc đồng thời nhiều bệnh lý tim mạch, sử dụng các hóa trị liệu độc tính trên tim và/hoặc đi kèm bất thường điện giải, đang điều trị với các thuốc chống loạn nhịp hoặc chẹn beta giao cảm. Có mẫn cảm chéo giữa các thuốc kháng thụ thể 5-HT3. Thận trọng khi sử dụng thuốc trên các bệnh nhân mẫn cảm với các thuốc kháng thụ thể 5-HT3.
Thận trọng khi phối hợp với các thuốc tác dụng trên hệ serotonergic do có thể làm tăng nguy cơ hội chứng serotonin.
Dạng miếng dán có thể bị ảnh hưởng bởi ánh nắng. Bệnh nhân nên mặc quần áo để che phủ lên miếng dán trong suốt thời kỳ dán và 10 ngày sau khi loại bỏ miếng dán.
7 Thời kỳ mang thai
Chưa đủ dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng granisetron ở phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc không gây độc tính trên sinh sản. Tuy nhiên, chưa rõ nguy cơ cho người. Không khuyến cáo dùng thuốc cho phụ nữ mang thai, trừ khi lợi ích đối với mẹ vượt trội nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa rõ liệu granisetron và chất chuyển hóa của nó có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Không nên cho trẻ bú mẹ trong thời gian mẹ dùng thuốc.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Thường gặp
TKTW: đau đầu (dạng uống và tiêm tĩnh mạch: 3 – 21%, miếng dán qua da: <1%).
Tiêu hóa: buồn nôn (20%), táo bón (dạng uống và tiêm tĩnh mạch 3 – 18%, dán qua da 5%), nôn (12%).
Thần kinh cơ và xương khớp: yếu cơ (dạng uống: 14 – 18%, tiêm tĩnh mạch: 5%).
9.2 Ít gặp
Tim mạch: kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ (1 – 3%), tăng huyết áp (đường uống và tiêm tĩnh mạch 1 – 2%).
TKTW: chóng mặt (5%), mất ngủ (đường uống và tiêm tĩnh mạch <5%), buồn ngủ (1 – 4%), lo âu (đường uống và tiêm tĩnh mạch < 2%), kích động (tiêm tĩnh mạch < 2%), kích thích TKTW (tiêm tĩnh mạch < 2%).
Da: rụng tóc (3%), phát ban trên da (tiêm tĩnh mạch 1%).
Tiêu hóa: tiêu chảy (đường uống và tiêm tĩnh mạch 4 – 9%), chán ăn (6%), khó tiêu (đường uống 6%), đau bụng (4 – 6%), loạn vị giác (đường tiêm tĩnh mạch 2%).
Huyết học: giảm bạch cầu (9%), thiếu máu (4%), giảm tiểu cầu (2%).
Gan: tăng ALT (trên 2 lần giới hạn trên 3 – 6%), tăng AST (trên 2 lần giới hạn trên 3 – 5%).
Khác: sốt (3 – 9%).
9.3 Hiếm gặp
Đau thắt ngực, phản ứng tại chỗ dán (bao gồm phát ban dị ứng, bỏng, đổi màu, ban đỏ, kích ứng, ban sẩn, đau, ngửa), rung nhĩ, nghẽn nhĩ – thất (dạng tiêm tĩnh mạch), nhịp tim chậm, loạn nhịp tim, đau ngực, bất thường trên điện tâm đồ (tiêm tĩnh mạch), phản ứng ngoại tháp (dạng uống), phản ứng quá mẫn (bao gồm sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp, mày đay), tụt huyết áp, hồi hộp, hội chứng serotonin, hội chứng suy nút xoang, nhịp xoang chậm (dạng tiêm tĩnh mạch), ngất.
10 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng thuốc nếu các triệu chứng trầm trọng hơn. Nếu xuất hiện các triệu chứng của hội chứng serotonin, ngừng điều trị với granisetron và điều trị hỗ trợ.
11 Liều lượng và cách dùng
11.1 Cách dùng
Dạng uống: Nên uống 1 giờ trước khi hóa trị liệu hoặc xạ trị. Nuốt toàn bộ viên thuốc với nước.
Dạng tiêm tĩnh mạch: Thuốc được tiêm dưới dạng không pha loãng hoặc pha loãng 1 mg trong 5ml, tiêm tĩnh mạch trực tiếp trong 30 giây.
Truyền tĩnh mạch: Hòa loãng thuốc trong dung dịch tiêm truyền dextrose 5% hoặc Natri clorid 0,9% đến tổng thể tích 20 – 50 ml, truyền tĩnh mạch trên 5 phút.
Miếng dán: Dán một miếng dán lên vùng da sạch khô ở cánh tay trên. Không dán trên vùng da đỏ, kích ứng hoặc tổn thương. Không cắt miếng dán.
11.2 Liều dùng
11.2.1 Phòng và điều trị buồn nôn và nôn cấp hoặc dự phòng buồn nôn và nôn muộn do hóa trị liệu và xạ trị
Người lớn
Đường uống: Uống 1 mg/lần, 2 lần/ngày hoặc 2 mg/lần, ngày 1 lần, tới 1 tuần sau hóa trị liệu và xạ trị. Liều đầu nên bắt đầu uống 1 giờ trước khi bắt đầu điều trị. Nếu sử dụng cùng đường tiêm tĩnh mạch, tổng liều tối đa trong 24 giờ không vượt quá 9 mg.
Dạng tiêm, truyền tĩnh mạch: 10 – 40 microgam/kg (tối đa 3 mg), tiêm hoặc truyền tĩnh mạch trên 5 phút trước khi bắt đầu hóa trị liệu hoặc xạ trị. Có thể lặp lại liều nếu cần, liều duy trì phải tiêm cách liều trước ít nhất 10 phút, tối đa 9 mg/ngày.
Trẻ em ≥ 2 tuổi: Phòng và điều trị buồn nôn và nôn cấp do hóa trị liệu: 10 – 40 microgam/kg (tối đa 3 mg). Lấy một lượng thuốc phù hợp, pha loãng trong các dung dịch tiêm truyền với thể tích 10 – 30 ml, truyền tĩnh mạch trên 5 phút trước khi bắt đầu hóa trị liệu. Có thể đưa thêm 1 liều trong vòng 24 giờ nếu cần, sau liều khởi đầu ít nhất 10 phút.
Trẻ em < 2 tuổi: Hiệu quả và tính an toàn của thuốc ở trẻ dưới 2 tuổi chưa được chứng minh. Không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi.
11.2.2 Phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu gây nôn trung bình hoặc nặng, thời gian điều trị 3 – 5 ngày khi các thuốc chống nôn đường uống không thể sử dụng (bệnh nhân khó nuốt)
Người lớn
Miếng dán qua da; Dán 1 miếng dán 24 – 48 giờ trước khi hóa trị liệu. Loại bỏ miếng dán ít nhất 24 giờ sau khi hoàn thành hóa trị liệu. Miếng dán có thể được dán đến 7 ngày tùy thuộc vào thời gian điều trị.
Trẻ em: Hiệu quả và tính an toàn của miếng dán cho trẻ 0 – 18 tuổi chưa được chứng minh. Không dùng miếng dán cho trẻ 0 – 18 tuổi.
11.2.3 Phòng và điều trị buồn nôn và nôn do phẫu thuật
Người lớn
Dự phòng: 1 mg pha loãng trong 5 ml, tiêm tĩnh mạch trong 30 giây trước khi gây mê.
Điều trị: 1 mg pha loãng trong 5 ml, tiêm tĩnh mạch trong 30 giây.
Trẻ em: Hiệu quả và tính an toàn của thuốc cho trẻ 0 – 18 tuổi trong phòng và điều trị buồn nôn và nôn do phẫu thuật chưa được chứng minh. Không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ 0 – 18 tuổi với mục đích này.
Bệnh nhân suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều.
Bệnh nhân suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều.
12 Tương tác thuốc
12.1 Các thuốc tránh phối hợp
Tránh phối hợp đồng thời granisetron với apomorphin, các thuốc kéo dài khoảng QTc nguy cơ cao, ivabradin, mifepriston.
12.2 Các thuốc cần thận trọng khi phối hợp
Granisetron tăng nồng độ/tác dụng của: Panobinostat, các thuốc tác dụng trên hệ serotonergic như các thuốc ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin (SSRI), các thuốc ức chế tái thu hồi serotonin-norepinephrin (SNRI), các thuốc kéo dài khoảng QT nguy cơ trung bình.
Granisetron giảm nồng độ/tác dụng của: Tapentadol, Tramadol.
Granisetron chuyển hóa ở gan qua CYPIA1 và CYP3A4, các thuốc cảm ứng hoặc ức chế các enzym này có thể làm thay đổi Độ thanh thải và nửa đời thải trừ của granisetron. Phenobarbital là một thuốc cảm ứng enzym gan, tăng độ thanh thải của granisetron 25% khi sử dụng cùng dạng tiêm tĩnh mạch.
13 Quá liều và xử trí
13.1 Triệu chứng
Đau đầu nhẹ nhưng không có di chứng được ghi nhận.
13.2 Xử trí
Do chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Cập nhật lần cuối: 2019