Glycin (Acid Aminoacetic)

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

Tên chung quốc tế: Glycine. 

Mã ATC: B05CX03. 

Loại thuốc: Acid amin (không thiết yếu); dung dịch tưới rửa.

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén có nhiều thành phần hoạt chất khác nhau, trong đó có glycin. 

Dung dịch để truyền tĩnh mạch (phối hợp với các acid amin khác, sorbitol, các chất điện giải). 

Dung dịch glycin 1,5% để tưới, rửa. 

2 Dược lực học 

Glycin (acid amino acetic) là một acid amin không thiết yếu, tham gia vào sự tổng hợp protein của cơ thể, creatin, acid glycocholic, glutathion, acid uric, hem… Trong cơ thể, glycin bị giáng hóa theo nhiều đường. 

Glycin dùng theo đường uống, dưới dạng acid amin không thiết yếu tự do nhằm bổ trợ dinh dưỡng. Đôi khi glycin được dùng kết hợp với các thuốc kháng acid để điều trị tình trạng tăng acid dạ dày. Glycin cũng được dùng như một thành phần trong một số dạng bào chế của Aspirin nhằm mục đích giảm kích ứng dạ dày. 

Dung dịch glycin 1,5% trong nước là dung dịch nhược trương, không gây tan máu, không dẫn truyền điện và có chỉ số khúc xạ gần giống như của nước nên dung dịch này có lợi khi được dùng để tưới, rửa đường niệu – sinh dục trong một số phẫu thuật, đặc biệt trong phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo, nhưng dung dịch có thể bị hấp thụ vào cơ thể từ các tĩnh mạch bị cắt đứt. Do đặc tính không dẫn truyền điện nên dung dịch này có thể dùng trong phẫu thuật dùng dao điện. 

3 Dược động học 

Cũng như các acid amin tự do khác, khi dùng đường uống, glycin được hấp thụ một cách chủ động với sự tham gia của pyridoxal phosphat. Glycin vừa được hấp thu sẽ tham gia vào các quá trình sinh hóa tự nhiên cùng với glycin nội sinh trong cơ thể.

Trong trường hợp không có chất sinh calo, glycin hấp thụ vào cơ thể được chuyển hóa chủ yếu bằng khử amin để thành amoniac và bằng trao đổi amin để thành các acid amino khác, chủ yếu là serin. Ở người có chức năng gan bình thường, không có hiện tượng tăng nồng độ amoniac trong máu. 

Hấp thụ một lượng lớn glycin có thể dẫn đến tăng amoniac trong máu do chuyển hóa nhanh. Sản phẩm chuyển hóa cuối cùng có thể là oxalat và chất này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. 

Khi dùng làm dung dịch tưới rửa trong phẫu thuật, glycin có thể bị hấp thụ vào cơ thể từ các tĩnh mạch bị đứt. Sự hấp thu có thể xảy ra nhanh qua đường nội mạch, hoặc có thể xảy ra chậm qua ngoại mạch. Có thể nghi ngờ có thoát mạch khi thấy xuất hiện triệu chứng sưng và đau bụng. Nếu sự hấp thu vào máu xảy ra quá mức có thể dẫn đến tăng thể tích máu, tan máu và suy thận, kèm theo là giảm tạm thời natri, Albumin và hemoglobin huyết thanh. 

4 Chỉ định 

4.1 Dùng đường uống

Bổ trợ dinh dưỡng hoặc kết hợp với các thuốc kháng acid để điều trị tình trạng tăng acid dạ dày. 

4.2 Dùng đường tiêm (phối hợp với các acid amin khác, sorbitol và các chất điện giải trong các dung dịch tiêm truyền)

Phòng và điều trị thiếu protein. Hội chứng kém hấp thu. Bổ trợ dinh dưỡng trước và sau phẫu thuật lớn ở những người bệnh không được ăn. 

4.3 Tưới, rửa trong phẫu thuật

Là dung dịch được lựa chọn trong phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo và các khối u ở bàng quang. Bơm rửa bàng quang khi nội soi. Tưới rửa bàng quang trong và sau khi mổ bàng quang. 

Chỉ định của Glycin
Chỉ định của Glycin

5 Chống chỉ định 

Quá mẫn với thuốc. 

Không được tưới, rửa dung dịch glycin cho người bệnh vô niệu. Không được truyền tĩnh mạch dung dịch có chứa acid amin (trong đó có glycin) cho người bị bệnh gan nặng, suy tim sung huyết, người bị ứ nước, nhiễm toan, suy thận có nitrogen trong máu tăng cao, rối loạn chuyển hóa acid amin, người không dung nạp Fructose và sorbitol, thiếu fructose 1,6-diphosphate, ngộ độc methanol, Kali huyết cao (đối với các chế phẩm có chứa Sorbitol và các chất điện giải).

6 Thận trọng 

Truyền acid amin quá nhanh sẽ có triệu chứng không dung nạp và tăng đào thải qua thận dẫn đến mất cân bằng acid amin. 

Hấp thu nhiều glycin từ các dung dịch tưới rửa vào máu có thể dẫn đến rối loạn cân bằng nước và điện giải, rối loạn tim mạch và phổi.

Cần thận trọng khi tưới rửa glycin ở người suy gan, vì sự hấp thu và chuyển hóa glycin sẽ gây tăng amoniac huyết. 

Cần thận trọng khi tưới rửa glycin ở người có các rối loạn chức năng tim phổi và thận. 

7 Thời kỳ mang thai 

Chưa có thông tin, sử dụng thận trọng. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Chưa có thông tin, sử dụng thận trọng. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Glycin hấp thu từ dung dịch tưới rửa vào máu trong quá trình phẫu thuật có thể gây ra rối loạn ở hệ tuần hoàn và thần kinh. Hiện tượng này thường gặp khi cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo và gây ra các dấu hiệu và triệu chứng được gọi là hội chứng “cắt bỏ qua niệu đạo”, mặc dù cũng có thể gặp sau các phẫu thuật khác ở đường tiết niệu hoặc đường sinh dục. Các biểu hiện lâm sàng có thể là do hạ natri huyết và độc tính của glycin. 

Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm: đau ngực, tăng huyết áp, hạ huyết áp, nhịp tim chậm, vô niệu, khó thở, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, bồn chồn, lẫn lộn, kích thích, đau đầu, co giật, ớn lạnh, rối loạn thị giác và mù. nhồi máu cơ tim, hôn mê, đôi khi nguy hiểm tới tính mạng cũng có thể xảy ra. 

10 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Ngừng dùng thuốc. 

Cần theo dõi chặt chẽ cân bằng nước, các chất điện giải trong huyết thanh, Glucose huyết, cân bằng acid-base. 

Cách xử trí ADR
Cách xử trí ADR

11 Liều lượng và cách dùng 

Kết hợp với các thuốc kháng acid để điều trị tình trạng tăng acid dạ dày: Có nhiều chế phẩm có thành phần hoạt chất khác nhau, liều dùng tùy theo từng chế phẩm, tham khảo liều dùng của nhà sản xuất. 

Dùng theo đường truyền tĩnh mạch: Liều lượng tùy theo từng trường hợp, tham khảo liều dùng của nhà sản xuất. 

Tưới rửa: Dung dịch glycin 1,5% được dùng trong một số phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật qua niệu đạo, vì nó không dẫn điện và trong suốt, tiện cho quan sát. 

12 Quá liều và xử trí 

12.1 Quả liều

Không có nhiều thông tin về quá liều glycin. Quá liều glycin có thể gây rối loạn điện giải, phù não, lẫn lộn, nôn, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, ECG thay đổi, khó thở, thiếu máu, giảm tiểu cầu, hạ natri huyết, hạ đường huyết. 

12.2 Xử trí

Ngừng dùng thuốc. Gây nôn hoặc cho dùng than hoạt (người lớn: 25 – 100g, trẻ em từ 1 – 12 tuổi: 25 – 50g, trẻ em dưới 1 tuổi: 1 g/kg khối lượng cơ thể). 

Cập nhật lần cuối: 2017.

Để lại một bình luận