Gemifloxacin

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

Tên chung quốc tế: Gemifloxacin. 

Mã ATC: J01MA15. 

Loại thuốc: thuốc kháng sinh, nhóm fluoroquinolon. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Thuốc được dùng dưới dạng gemifloxacin mesylate. Hàm lượng và liều dùng tính theo gemifloxacin. 

Viên nén bao phim: 320 mg. 

Một số chế phẩm có chứa Gemfloxacin
Một số chế phẩm có chứa Gemfloxacin

2 Dược lực học 

Gemifloxacin là một kháng sinh tổng hợp thuộc nhóm fluoroquinolon, dẫn xuất từ naphthyridine. Gemifloxacin có fluor tại vị trí C6 tương tự như các fluoroquinolon khác. Tuy nhiên, khác với một số fluoroquinolon, gemifloxacin chứa nhân naphthyridine. Vòng pyridin tại vị trí C7 và 8-methoxyimino trên nhân naphthyridine của gemifloxacin giúp gia tăng hoạt tính in vitro của kháng sinh này đối với vi khuẩn Gram dương, bao gồm Streptococcus pneumoniae, tuy nhiên hoạt tính đối với Pseudomonas aeruginosa bị giảm xuống. 

Gemifloxacin có hoạt tính in vitro và trên lâm sàng đối với các chủng Streptococcus pneumoniae (kể cả chủng đa kháng thuốc), 

Haemophilus influenzae, H. parainfluenzae, Klebsiella pneumoniae, Moraxella catarrhalis, Chlamydophila pneumoniae (Chlamydia pneumoniae) và Mycoplasma pneumoniae. Gemifloxacin cũng có tác dụng in vitro đối với Staphylococcus aureus (chỉ các chủng nhạy cảm với oxacilin (nhạy cảm với methicillin)), S. pyogenes (liên cầu beta tan huyết nhóm A), Acinetobacter lwoffii, K. oxytoca, Legionella pneumophila và Proteus vulgaris; tuy nhiên, tính an toàn và hiệu lực của thuốc đối với nhiễm khuẩn do các vi khuẩn này vẫn chưa được xác lập. Mặc dù gemifloxacin có tác dụng in vitro đối với Mycobacterium tuberculosis, kháng sinh này vẫn bị coi là có hoạt tính trên mycobacteria kém hơn so với một số fluor quinolon khác (ví dụ: ciprofloxacin, Ofloxacin, levofloxacin). Gemifloxacin có hoạt tính in vitro kháng lại S. pneumoniae (kể cả chủng kháng penicillin và macrolid) cao hơn các fluoroquinolon khác (ví dụ, ciprofloxacin, Levofloxacin, Moxifloxacin). Mặc dù gemifloxacin có tác dụng in vitro tương đương hoặc cao hơn các fluoroquinolon khác trên nhiều vi khuẩn Gram âm (ví dụ, H. influenzae, M. catarrhalis) và các vi khuẩn gây Viêm phổi không điển hình (ví dụ, C. pneumoniae, M. pneumoniae, Legionella), gemifloxacin vẫn được coi là có hoạt tính in vitro thấp hơn Ciprofloxacin trên Enterobacteriaceae và Pseudomonas aeruginosa. Mối tương quan giữa dữ liệu chống vi khuẩn in vitro và điều trị nhiễm khuẩn trên lâm sàng vẫn đang được xác định. Gemifloxacin ức chế tổng hợp DNA của vi khuẩn nhạy cảm thông qua tác dụng ức chế DNA topoisomerase II (DNA gyrase) và topoisomerase IV. DNA gyrase là enzym thiết yếu của tế bào vi khuẩn, giúp duy trì cấu trúc siêu xoắn của DNA. Ức chế DNA gyrase sẽ ngăn cản quá trình sao chép, phiên mã của DNA, quá trình sửa chữa, tái tổ hợp và chuyển vị của DNA. Ức chế topoisomerase IV sẽ can thiệp vào quá trình phân chia và sao chép DNA nhiễm sắc thể để tạo thành tế bào con tương ứng. Trên nhiều vi khuẩn Gram dương, các quinolon chủ yếu ức chế topoisomerase IV. Ngược lại, trên vi khuẩn Gram âm, DNA gyrase là đích tác dụng chính của quinolon. Không giống như các fluoroquinolon khác, gemifloxacin tác dụng vào cả DNA gyrase và topoisomerase IV của S. pneumoniae nhạy cảm. Mặc dù có thể xảy ra sự kháng chéo giữa gemifloxacin với các fluoroquinolon khác, gemifloxacin vẫn có thể tác dụng lên một số chủng S. pneumoniae kháng với ciprofloxacin và các fluoroquinolon khác. 

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu

Gemifloxacin hấp thu nhanh qua Đường tiêu hóa. Sinh khả dụng theo đường uống của thuốc khoảng 71%, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương trong vòng 0,5 – 2 giờ sau khi uống. Thức ăn nhiều mỡ làm giảm nồng độ đỉnh trong huyết tương và AUC khoảng 12 và 3%, theo thứ tự, nhưng không quan trọng về lâm sàng. 

3.2 Phân bố

Thuốc phân bố rộng vào khắp các mô và dịch cơ thể. Tỷ lệ gắn kết với protein huyết tương khoảng 60 – 70%. Thuốc có phân bố vào sữa mẹ trên chuột cống trắng. 

3.3 Chuyển hóa

Gemifloxacin ít chuyển hóa ở gan, không bị chuyển hóa bởi hệ thống cytochrom. 

3.4 Thải trừ

Khi dùng theo đường uống, thuốc thải trừ qua phân khoảng 61% liều và qua nước tiểu khoảng 36% liều dưới dạng không đổi và dạng đã chuyển hóa. Gemifloxacin thải trừ qua nước tiểu theo cơ chế bài tiết tích cực qua ống thận và bị probenecid làm giảm thải trừ. Nửa đời thải trừ của thuốc trung bình khoảng 7 giờ (dao động từ 4 – 12 giờ). 

Dược động học của thuốc ở người cao tuổi tương tự như ở người bình thường. 

Người suy gan: Nồng độ thuốc trong huyết tương tăng 25% ở người suy gan nhẹ và trung bình, tăng 41% trên người suy gan nặng, Diện tích dưới đường cong (AUC) tăng tương ứng là 34% và 45%. 

Người suy thận. Độ thanh thải giảm và nửa đời thải trừ kéo dài, diện tích dưới đường cong (AUC) tăng khoảng 70%. 

4 Chỉ định 

Đợt nhiễm khuẩn cấp trong viêm phế quản mạn tính do Streptococcus pneumoniae nhạy cảm, Haemophilus influenzae, H. parainfluenzae, hoặc Moraxella catarrhalis. 

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng mức độ từ nhẹ đến vừa do S. pneumoniae nhạy cảm (bao gồm cả chúng đa kháng), H. influenzae, M. catarrhalis, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydophila pneumoniae (Chlamydia pneumoniae), hoặc Klebsiella pneumoniae. 

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với gemifloxacin, các kháng sinh quinolon. 

6 Thận trọng 

Khi sử dụng fluoroquinolon, cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ đối với từng người bệnh. Đa số người dùng dung nạp được thuốc nhưng có thể xảy ra các ADR nghiêm trọng (ví dụ, tác dụng trên TKTW, kéo dài khoảng QT, tiêu chảy do Clostridium difficile, tổn thương gan, thận, xương…). 

Chỉ điều trị bằng gemifloxacin đối với các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm để hạn chế kháng thuốc và duy trì được hiệu lực tác dụng của thuốc. 

Fluoroquinolon có thể gây tổn hại đến phát triển sụn. Vì vậy, không khuyến cáo sử dụng thường qui kháng sinh nhóm này cho trẻ em dưới 18 tuổi. Fluoroquinolon, trong đó có gemifloxacin, có thể gây gia tăng viêm gân và đứt gân ở mọi lứa tuổi. Nguy cơ này càng tăng ở người cao tuổi (trên 60 tuổi), những người dùng corticosteroid đồng thời, người bệnh ghép thận, tim, phổi. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm hoạt động thể lực mạnh, suy thận, có rối loạn gân cơ trước đó như viêm khớp dạng thấp. Viêm gân và đứt gân đã được báo cáo trên những người dùng fluoroquinolon không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Viêm gân và đứt gân hay gặp nhất do fluoroquinolon thường liên quan đến gân Achilles và có thể cần phải phẫu thuật sau đó. Tuy nhiên, viêm gân và đứt gân ở các khớp quay (vai), bàn tay, cơ hai đầu, ngón cái và các vị trí khác cũng đã được báo cáo. Viêm gân và đứt gân có thể xảy ra trong hoặc sau khi điều trị bằng fluoroquinolon, thậm chí vài tháng sau khi kết thúc điều trị. Ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của viêm gân và đứt gân (đau, sưng hoặc viêm gân hoặc yếu hoặc không thể cử động khớp), bệnh nhân cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động và khám lâm sàng. Ngừng dùng ngay gemifloxacin khi có đau, sưng, viêm hoặc đứt gân. 

Kéo dài khoảng QT và gia tăng nguy cơ loạn nhịp thất, kể cả xoắn đỉnh đã được báo cáo đối với một số fluoroquinolon, trong đó có gemifloxacin. Tránh dùng gemifloxacin trên những người bệnh có khoảng QT kéo dài, có rối loạn điện tâm đồ và bệnh nhân dùng thuốc chống loạn nhịp nhóm IA (ví dụ quinidin, procainamid) hoặc nhóm III (ví dụ amiodaron, sotalol). 

Nên thận trọng khi dùng gemifloxacin trên người bệnh đã biết hoặc nghi ngờ có rối loạn TKTW như co giật. Ngừng dùng gemifloxacin nếu xảy ra các tác dụng trên TKTW. 

Sử dụng kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn chí và gây bội nhiễm. Bội nhiễm Clostridium difficile gây tiêu chảy đã được báo cáo với hầu hết các kháng sinh trong đó có gemifloxacin. Tiêu chảy do Clostridium difficile có thể xảy ra sau khi ngừng dùng kháng sinh 2 tháng hoặc lâu hơn. 

Nguy cơ mẫn cảm thuốc (bao gồm cả phản ứng phản vệ) có thể xảy ra, thậm chí ngay khi dùng liều đầu tiên. Các ADR của gemifloxacin đã được báo cáo có thể liên quan đến mẫn cảm thuốc bao gồm: sốt, mẩn đỏ, dị ứng da nghiêm trọng (ví dụ: Hoại tử thượng bì nhiễm  độc, hội chứng Stevens-Johnson)…

Các fluoroquinolon trong đó có gemifloxacin có thể gây nhạy cảm với ánh sáng mức độ vừa đến nặng với các biểu hiện như bỏng, ban đỏ, rỉ dịch, rộp da, phù trên những vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc tia cực tím (thường gặp ở mặt, cổ, cánh tay, mu bàn tay). Đối với bệnh nhân dùng các fluoroquinolon, cần tư vấn người bệnh tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và tia cực tím. Khi cần phải ra ngoài trời, sử dụng quần áo và các biện pháp chống nắng. Ngừng dùng gemifloxacin khi xuất hiện các phản ứng nhạy cảm với ánh sáng. 

Một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng Gemfloxacin
Một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng Gemfloxacin

7 Thời kỳ mang thai 

Cho đến nay, chưa phát hiện được độc tính di truyền hoặc tăng nguy cơ đối với thai kỳ. Tuy nhiên, do những lưu ý trên sụn liên hợp, tổn hại đến sự phát triển của động vật chưa trưởng thành khi dùng quinolon và dữ liệu liên quan đến gemifloxacin còn hạn chế, chỉ được dùng thuốc này khi không có kháng sinh khác an toàn hơn.

8 Thời kỳ cho con bú 

Gemifloxacin phân bố vào sữa trên chuột thí nghiệm. Trên người, chưa rõ thuốc có vào được sữa mẹ hay không. Không nên dùng thuốc cho người nuôi con bú trừ khi đã cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

9.1 Thường gặp và rất thường gặp 

TKTW: đau đầu (1,2 – 4,2%), chóng mặt (0,7 – 1,7%). 

Da: phát ban (4%), ngửa (1%), viêm da (1%). 

Tiêu hóa: tiêu chảy (2,3 – 5,1%), buồn nôn (2,6 – 4,3%), đau bụng (0,7 – 2,2%), nôn (0,7 – 1,6%), táo bón (1%), viêm dạ dày (1%).

Hệ tạo máu: giảm bạch cầu trung tính (1%), tăng tiểu cầu (1%).

Gan: tăng transaminase (1– 4%), tăng GGT (1%). 

Thần kinh cơ và xương: tăng creatine phosphokinase (1%). 

9.2 Các ADR khác (chỉ trong phạm vi các tác dụng quan trọng hoặc đe dọa tính mạng)

Suy thận cấp, tăng photphatase kiềm, phản ứng phản vệ, thiếu máu, chán ăn, đau khớp, đau lưng, tăng bilirubin, tăng BUN, táo bón, chuột rút (chân), viêm da, khó tiêu, khô miệng, khó thở, eczema, hồng ban đa dạng, phù mặt, mệt mỏi, đầy hơi, nhiễm nấm, viêm dạ dày ruột, nấm sinh dục, ngứa sinh dục, tăng đường huyết, mất ngủ, giảm bạch cầu, ngứa, buồn ngủ, thay đổi vị giác, mày đay, viêm âm đạo. 

10 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Nếu nghi ngờ hoặc chắc chắn nhiễm Clostridium difficile, cần ngừng dùng gemifloxacin. Tiêu chảy do Clostridium difficile mức độ nhẹ có thể chỉ cần áp dụng biện pháp ngừng thuốc; mức độ vừa và nặng cần phải bù dịch, điện giải, protein và sử dụng kháng sinh chống Clostridium difficile phù hợp (ví dụ, metronidazol dùng theo đường uống). 

Cần chú ý đến tăng nguy cơ viêm gân và đứt gân (nhất là gân Achille) ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở người cao tuổi. Tránh hoạt động thể lực mạnh, dùng thuốc phối hợp với corticosteroid. Đứt gân có thể xảy ra trong khi điều trị hoặc vài tháng sau khi điều trị. Phải ngừng gemifloxacin khi thấy đau, sưng, viêm gân hoặc khớp.

Tránh dùng gemifloxacin cho người được biết là có khoảng QT kéo dài, rối loạn nước điện giải chưa được điều trị, hoặc đang dùng thuốc chống loạn nhịp nhóm IA hoặc nhóm III vì có nguy cơ gây xoắn đỉnh. 

Phải ngừng gemifloxacin khi thấy xuất hiện đầu tiên phát ban, vàng da hoặc bất cứ dấu hiệu mẫn cảm nào khác. Nếu cần, phải tiến hành điều trị thích hợp (epinephrine, oxygen, kháng histamin, corticosteroid, hô hấp hỗ trợ). 

Nồng độ AST (SGOT) và/hoặc ALT (SGPT) có thể tăng trong huyết thanh ở một số người bệnh, thường không có biểu hiện lâm sàng và thường hết sau khi ngừng thuốc. 

11 Liều lượng và cách dùng 

11.1 Cách dùng 

Gemifloxacin được dùng theo đường uống, ngày một lần, không cần để ý đến bữa ăn. Nên uống thuốc với nhiều nước (ít nhất 100 ml). Với dạng viên nén, phải nuốt nguyên viên, không được nhai hay nghiền nát viên. 

Sữa và các chế phẩm chứa calci không làm giảm hấp thụ thuốc.

Liều lượng và thời gian điều trị bằng gemifloxacin không nên vượt quá liều khuyến cáo, đặc biệt trên người bệnh suy gan và suy thận. Liều gemifloxacin mesylate được tính theo gemifloxacin, 399 mg gemifloxacin mesylate tương đương khoảng 320 gemifloxacin.

11.2 Liều lượng 

11.2.1 Đợt nhiễm khuẩn cấp trong viêm phế quản mạn tính

Liều thông thường cho người lớn: 320mg, ngày một lần, dùng trong 5 ngày. 

11.2.2 Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng mức độ từ nhẹ đến vừa

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng mức độ từ nhẹ đến vừa do S. pneumoniae, H. influenzae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydophila pneumoniae (Chlamydia pneumoniae): Liều thông thường cho người lớn là 320 mg, ngày một lần, dùng trong 5 ngày.

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng mức độ từ nhẹ đến vừa do S. pneumoniae đa kháng, M. catarrhalis, Klebsiella pneumoniae: Liều thông thường cho người lớn là 320mg, ngày một lần, dùng trong 7 ngày. 

Hiệu chỉnh liều trên bệnh nhân suy thận có Clcr ≤ 40 ml/phút, bao gồm cả người bệnh phải thẩm tách máu và thẩm tách phúc mạc: Liều dùng giảm xuống còn 160mg, ngày một lần. Do gemifloxacin bị loại trừ một phần khi thẩm tách máu, người bệnh cần dùng thuốc sau khi kết thúc quá trình thẩm tách máu. 

Không cần hiệu chỉnh liều đối với người bệnh suy gan. 

Không cần hiệu chỉnh liều đối với bệnh nhân cao tuổi (trên 65 tuổi).

12 Tương tác thuốc 

12.1 Tăng tác dụng và độc tính

Tránh dùng gemifloxacin với các thuốc chống loạn nhịp nhóm IA (ví dụ: quinidin, procainamid) hoặc nhóm III (ví dụ: amiodaron, sotalol) vì gây tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT và loạn nhịp thất, kể cả xoắn đỉnh. Sử dụng thận trọng trên người bệnh đang dùng các thuốc khác cũng có khả năng kéo dài khoảng QT như Erythromycin, thuốc chống rối loạn tâm thần, thuốc chống trầm cảm ba vòng. Tránh dùng đồng thời gemifloxacin với corticosteroid vì làm gia tăng nguy cơ rối loạn gân xương nặng (ví dụ: viêm gân, đứt gân), đặc biệt trên người cao tuổi. 

Dùng đồng thời gemifloxacin với warfarin có thể gây tương tác dược lực học, làm tăng thời gian prothrombin, INR và/hoặc chảy máu. Cần giám sát chặt chẽ thời gian prothrombin, INR hoặc chỉ số đông máu phù hợp. 

Probenecid làm giảm Độ thanh thải, tăng nồng độ thuốc trong máu của gemifloxacin. 

Dùng đồng thời gemifloxacin với Insulin hoặc thuốc nhóm sulfonylurea (như glyburide) có thể tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể làm tăng nguy cơ kích thích TKTW quá mức ở người đang dùng gemifloxacin (nguy cơ co giật). 

12.2 Giảm tác dụng

Các thuốc kháng acid chứa nhôm, magnesi, các chế phẩm bổ sung đa vitamin và khoáng chất, có chứa kim loại như Sắt, Magie, Kẽm làm giảm hấp thu gemifloxacin. Dùng các chế phẩm này ít nhất trước 3 giờ hoặc sau 2 giờ dùng gemifloxacin. 

Viên nhai didanosin hoặc bột pha uống chứa hệ đệm calci carbonat và magnesi hydroxyd làm giảm hấp thu gemifloxacin. Dùng chế phẩm chứa didanosin ít nhất trước 3 giờ hoặc sau 2 giờ dùng gemifloxacin. 

Sucralfat làm giảm hấp thu gemifloxacin. Nên uống gemifloxacin trước sucralfat ít nhất 2 giờ. 

Không nên dùng vắc xin thương hàn sống cho bệnh nhân đang dùng kháng sinh. 

Gemifloxacin có thể làm giảm nồng độ tác dụng của mycophenolate Quinapril, Sevelamer có thể làm giảm nồng độ tác dụng của gemifloxacin. 

13 Quá liều và xử trí 

Chủ yếu điều trị các triệu chứng quá liều, không có thuốc giải độc đặc hiệu. Trường hợp quá liều cấp, nên gây nôn hoặc rửa dạ dày và cần chủ ý bù dịch . Thẩm phân máu loại được khoảng 20 – 30% liều uống. Các dấu hiệu ngộ độc bao gồm thất điều, hôn mê, run, co giật. 

Cập nhật lần cuối: 2021.

Để lại một bình luận