Cây Gạo được sử dụng rộng rãi bởi công dụng thanh nhiệt, bổ máu, lợi tiêu hóa… Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Gạo thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Gạo
Gạo còn có tên gọi khác là Mộc miên, mọc ở ven bờ sông, suối, ở chân đồi; ưa khí hậu nhiệt đới hơi khô; ưa sáng, đất cát pha, tầng đất sâu dày.
Tên khoa học của Gạo là Bombax ceiba L. (B.malabaricum DC.), thuộc họ Gạo (Bombacaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Gạo.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây gỗ to, cao tới 15m hoặc hơn. Thân cây Gạo có gai không? Thân gồ ghề, có các khối như u ở gốc, cành hình trụ, mọc ngang, có gai hình nón. Lá mọc so le, kép chân vịt gồm 5-8 lá chét hình mác, dài 8-17cm, rộng 4-6cm, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mép nguyên; cuống chung dài hơn phiến lá. Cây rụng lá vào mùa đông.
Hoa màu đỏ mọc thành chùm ở đầu cành, nở trước khi cây ra lá. Đài dày hình chuông, có 5 răng tù và ngắn, màu nâu xám; tràng 5 cánh nạc rời nhau, mặt ngoài có lông nhung, nhị nhiều, chia thành 5 bó, ngắn hơn cánh hoa; bầu hình nón, có lông mềm màu trắng nhạt. Quả nang to, hình thoi dài 8-16cm, mở bằng 5 van. Hạt có nhiều lông như sợi bông, màu trắng. Mùa hoa vào tháng 2-3, mùa quả vào tháng 5-7.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hoa, rễ, vỏ, nhựa.
Hoa được thu hái vào mùa xuân. Rễ thu hái vào mùa xuân hoặc mùa thu, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Vỏ thu hái vào mùa hè – thu.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở hầu hết các khu vực. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Lào, Malaysia, Indonesia.
2 Thành phần hóa học
Bộ phận dùng | Thành phần |
Lá | Mangiferin, dẫn xuất acyl và methyl của mangiferin, polysaccharide, shamimoside, stigma–5–en–3–O–β–glucoside, β–amyrin, shamimin, quercetin, aesculetin, aesculin, gentisic acid, protocatechuic acid, glucosyringic acid, luteolin–4’–glucoside, scoparone, limettin, scopoletin, scopolin, β–hydroxyl–pregnane–4,16–diene–3,20–bione, 1H–indole–3–carboxylic acid, 4–methylstigmast–7–en–3–ol, 5–(hydroxymethyl) furfural, 6–O–palmitoylsitosteryl–D–glucoside, loliolide, squalene, taraxerol, taraxerone, taraxeryl acetate, β–sitosterol, lupeol, α–amyrin |
Vỏ thân |
2a–O–β–D–glucopyranoside, lupenone, opuntiol, stigmasta–3,5–diene, shamiminol, β–sitosterol, 2,6–dimethoxy–benzoquinone, eriodictyol, laminaribioside, p–hydroxybenzoic acid, epicatechin, (−)–catechin–7–O–β–xylopyranoside, simalin A, simalin B, shamimicin, lupeol |
Lõi gỗ | Lupeol, β–sitosterol, friedel–1–en–3–one, friedelin, 7–hydroxy–5–isopropyl–2–methoxy–3–methyl–1,4–naphthoquinone, 7–hydroxycadalene, 8–formyl–7–hydroxy–5–isopropyl–2–methoxy–3–methyl–1, 4–naphthoquinone |
Vỏ rễ | 5–isopropyl–3–methyl–2,4,7–trimethoxy–8,1–naphthalene carbolactone, naphthoquinone, 8–formyl–7–hydroxy–5–isopropyl–2–methoxy–3–methyl–1,4–naphthoquinone, 7–hydroxycadalene, hemigossypol–6–methyl ether, 8–formyl–7–hydroxy–5–isopropyl–2–methoxy–3–methyl–1, 4–naphthaquinone, 7–hydroxycadalene, hemigossypol–6–methyl ether, isohemigossypol–1–methyl ether, isohemigossypol–1,2–dimethyl ether |
Hoa | α–amyrin, campesterol, cholesterol, stigmasterol, linarin, vicenin, saponarin, cosmetin, isovitexin, xanthomicrol, apigenin, quercetagetin, mangiferin, protocatechuic acid, anthocyanins, apigenin 7–O–β–D–glucopyranoside, isovanillic acid, 3–O–β–D–glucopyranoside, rutin, β–sitosterol, một số axit béo, polysaccharide, hexadecanoic acid, tetradecanoic acid, α–cedrol, β–cedrol, bombasin, bombasin 4–O–β–glucoside, bombalin, dihydrodehydrodiconiferyl |
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Sậy và vị thuốc Lô căn giúp thanh nhiệt, giải độc
3 Tác dụng – Công dụng của cây Gạo
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết Gạo trong metanol được đánh giá bằng cách sử dụng một số xét nghiệm chống oxy hóa, xét về: (i) khả năng loại bỏ DPPH và các gốc tự do hydroxyl; (ii) tác dụng chống lại quá trình peroxid hóa lipid; và (iii) ảnh hưởng đến hoạt tính của myeloperoxidase. Chiết xuất cho thấy hoạt động chống oxy hóa trong tất cả các thử nghiệm. EC50 cho DPPH là 87µg/ml; peroxid hóa lipid của microsomes và liposome đậu nành gây ra bởi các gốc ascorbyl lần lượt là 141 µg/ml và 105 µg/ml, và bởi peroxynitrite lần lượt là 115 µg/ml và 77 µg/ml.
3.1.2 Giảm đau
Chất chiết xuất cho thấy tác dụng giảm đau đáng kể trong các thí nghiệm gây ra bởi axit axetic và đĩa nóng ở chuột. Khi sử dụng Naloxone, người ta đã tiết lộ rằng tác dụng giảm đau do chiết xuất thực vật gây ra không phụ thuộc vào thụ thể opioid; trong khi đó, Mangiferin thể hiện sự tương tác đáng kể với thụ thể ở vị trí ngoại vi, với sự đóng góp nhẹ ở cấp độ tế bào thần kinh.
3.1.3 Bảo vệ gan
Hoạt tính bảo vệ gan của chiết xuất metanol từ Gạo đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy giảm đáng kể về phosphatase kiềm (ALP), alanine transaminase (ALT), aspartate transaminase (AST) và tổng lượng bilirubin, nhưng lại tăng về mức độ protein tổng số. Chung quy lại, chiết xuất không thể phục hồi hoàn toàn tổn thương gan do INH và RIF gây ra, nhưng nó có thể hạn chế khả năng gây hoại tử của hai yếu tố gây tổn thương gan này.
3.1.4 Kích thích tình dục
Hoạt động kích thích tình dục của chiết xuất rễ cây Gạo trên chuột đực đã được nghiên cứu. Độ trễ gắn kết, độ trễ xuất tinh, tần số gắn kết, tần suất xuất tinh và khoảng thời gian sau khi xuất tinh được cải thiện đáng kể sau khi sử dụng chiết xuất trong 28 ngày, cho thấy tiềm năng kích thích tình dục của Gạo.
3.1.5 Các tác dụng khác
Ngoài những tác dụng trên, Gạo còn có khả năng làm giảm huyết áp, chống béo phì, hạ đường huyết, kháng khuẩn và hạ sốt.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Ích trí – Vị thuốc hữu ích cho đường tiêu hóa khỏe mạnh
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Hoa và rễ có tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, hoa giải độc, rễ thu liễm chỉ huyết. Vỏ cây có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng khư phong trừ thấp, hoạt huyết tiêu thũng. Nhựa cây kích thích, làm nhầy dịu, thu liễm, chỉ huyết, bổ và gây khát.
Trong đông y, hoa được dùng trong trị viêm ruột, lỵ. Vỏ dùng trị thấp khớp, đụng dập gãy xương, cầm máu trong các trường hợp băng huyết (cùng với rễ non và hạt cây Ươi). Rễ dùng chữa đau thượng vị, viêm hạch bạch huyết dạng lao và làm thuốc lợi tiểu. Gôm chữa bệnh lậu; nhựa dùng chữa lỵ, tiêu chảy và rong kinh; đĩa mật trong hoa lợi tiểu và tẩy.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Gạo
4.1 Cách dùng
Hoa được dùng như trà uống vào mùa hè. Nước hoa gạo được xem như một Dung dịch bổ âm, dùng chữa thiếu máu suy nhược hoặc do các nguyên nhân khác như rong kinh, đa kinh, chảy máu dạ dày – tá tràng, mất máu sau mổ vết thương, sỏi thận mà tủy xương bình thường; và do cả trường hợp suy tủy.
Ở Ấn Độ người ta dùng rễ làm thuốc kích dục cho trường hợp bất lực và hoa, quả trị rắn cắn.
Liều dùng: Hoa 10 – 15g, vỏ 15 – 30g, rễ 30 – 50g.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Trị bệnh tiêu hóa
Chữa lỵ; Hoa Gạo, kim ngân, cỏ seo gà, mỗi vị 15g. Đun sôi lấy nước uống.
Chữa đau thượng vị: Rễ hoặc vỏ Gạo 30g, rễ hoàng lực 6g. Đun sôi uống.
Chữa sưng tấy, đơn độc, quai bị, viêm dạ dày: Vỏ Gạo tươi (bỏ lớp ngoài), thái miếng 30-40g, sắc uống.
Viêm loét dạ dày: Rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 15-30g, sắc uống.
Lỵ trực khuẩn, viêm ruột và dạ dày cấp tính, đi lỏng, đại tiện ra máu: Hoa gạo 60g, sắc kỹ, thêm Mật Ong hay đường phèn, chia uống dần trong ngày. chế thêm một chút mật ong hoặc đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.
4.2.2 Trị bệnh hô hấp
Viêm khí phế quản cấp tính: Rễ gạo 30g sắc uống.
Ho khạc nhiều đờm do phế nhiệt: Hoa gạo, Diếp Cá mỗi vị 15g, vỏ rễ dâu 10g, sắc uống.
Ho ra máu: Hoa gạo 14 bông. Sắc kỹ, thêm đường phèn, chia uống dần trong ngày.
4.2.3 Trị chấn thương
Sưng nề do chấn thương: Vỏ thân hoặc rễ cây gạo ngâm rượu xoa ngoài hoặc giã nát đắp vào vị trí tổn thương. Hoặc: Vỏ thân cây gạo, củ nghệ vàng già mỗi vị 100g; thái nhỏ, giã nát, sao với giấm và rượu rồi đắp ngoài.
Bong gân: Vỏ cây gạo (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), Lá Lốt (sao vàng), mỗi thứ 16g. Sắc với 750ml nước tới khi còn 250ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Hoặc: Rau Má tươi, vỏ thân cây gạo tươi, vòi voi tươi và Bồ Công Anh tươi, đồng lượng. Rửa sạch, giã nhỏ, bó vào chỗ bong gân.
Gãy xương: Dùng vỏ cây tươi giã đắp rồi bó lại.
4.2.4 Trị bệnh khác
Sưng đau vú sau sinh: Hạt cây gạo 10g, sao vàng sắc uống.
Trẻ em sốt cao vào mùa hè: Hoa gạo 6g, sắc kỹ, thêm đường phèn, uống dần trong ngày.
Viêm khớp mạn tính, đau mỏi lưng gối mãn tính: Rễ gạo 30-60g, sắc hoặc ngâm rượu uống. Hoặc: Vỏ thân cây gạo 15g, sắc kỹ, bỏ bã, thêm rượu vang, uống làm 2 lần mỗi ngày.
Tiểu tiện không thông: Chất gôm cây gạo 10g, kim ngân dây, Hạ Khô Thảo mỗi vị 20g. Sắc với 750ml nước tới khi còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Trĩ ra máu: Hoa gạo 20g, quyển bá 10g, hòe hoa 15g. Sắc uống.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Pankaj Chaudhary, Somshekhar S. Khadabadi (Đăng vào tháng 7-9 năm 2012). Bombax ceiba Linn.: Pharmacognosy, Ethnobotanyand Phyto-pharmacology, Academia. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2023.
2. Tác giả Santosh Kumar Maurya, N.K. Verma, Dinesh Kumar Verma (Ngày đăng 30 tháng 9 năm 2018). Bombax ceiba Linn. : A review of its phytochemistry and pharmacology, Research Gate. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2023.
3. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Gạo trang 1005-1006, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2023.