Flavonoid (Bioflavonoid)

Flavonoid được biết đến là nhóm hoạt chất thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều công dụng như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chống viêm, chống ung thư. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Flavonoid.

1 Flavonoid là gì?

Flavonoid là một trong những họ dinh dưỡng lớn nhất được các nhà khoa học biết đến, với số lượng hơn 6.000.

1.1 Lịch sử ra đời 

Flavonoid là một trong những nhóm hợp chất phong phú và đa dạng nhất trong thiên nhiên.

Các Flavonoid được khám phá bởi một trong những nhà sinh hóa nổi tiếng nhất của thế kỷ 20: Albert Szent – Gyorgyi (1893–1986). Ông nhận giải Nobel năm 1937 với những khám phá quan trọng về các đặc tính của Vitamin C và Flavonoid. 

Trong quá trình phân lập vitamin C, Szent – Gyorgyi đã khám phá ra các Flavonoid. Một người bạn của ông đã ngừng chảy máu nướu răng sau khi dùng dịch chiết giàu vitamin C từ nước chanh. Nhưng sau đó khi người bạn bị chảy máu nướu răng tái phát, Szent – Gyorgyi cho bạn ông dùng vitamin C nguyên chất, thì sự cải thiện không xảy ra. Như vậy đã có sự tham gia của một chất khác bên cạnh vitamin C trong dịch chiết nước chanh. Và Szent – Gyoryi đã phân lập được chất này, giúp người bạn chống chảy máu nướu răng hữu hiệu. 

Ban đầu Szent – Gyorgyi gọi chất này là “vitamin P”, do khả năng làm giảm tính thấm thành mạch của nó (vascular permeability), một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh Scorbut do thiếu vitamin C. Sau đó ông đã có công bố bệnh Scorbut xảy ra không chỉ do thiếu vitamin C mà còn do thiếu Flavonoid. Tuy nhiên vì Flavonoid không có đầy đủ các tính chất của một vitamin nên sau này người ta bỏ cái tên “vitamin P” này đi. Người ta thấy trong giới thực vật có nhiều hợp chất thứ sinh có đặc tính tương tự vitamin P và đặt cho chúng một tên là Flavonoid. Những công trình sau đó đã được chứng minh rằng tác dụng tăng cường sức bền vững của thành mao mạch và do đó giảm sức thấm các hồng huyết cầu qua thành mạch có quan hệ đến các nhóm OH phenol trong cấu trúc hoa học của các Flavonoid. 

1.2 Mô tả hoạt chất Flavonoid

Flavonoid được chia thành các nhóm theo danh pháp IUPAC như sau:

  • Flavonoid hoặc bioFlavonoid.
  • IsoFlavonoid. 
  • NeoFlavonoid

Màu sắc: Tên gọi Flavonoid bắt nguồn từ tiếng Latin, Flavus trong tiếng Latin có nghĩa là màu vàng, đây là màu của Flavonoid trong tự nhiên, ngoài ra, các hợp chất Flavonoid cũng có màu tím, đỏ, xanh, hay không màu…

1.3 Công thức hóa học của Flavonoid

Công thức cấu tạo
Công thức cấu tạo

Flavonoid là những hợp chất phenol có cấu tạo cơ bản gồm 2 vòng benzen nối với nhau qua mạch có 3 carbon.

2 Flavonoid có trong thực phẩm nào? Dược liệu chứa Flavonoid

Chất Flavonoid có phổ biến trong thực vật và có ở phần lớn các bộ phận của các loài thực vật bậc cao. Ngoài ra, Flavonoid còn có mặt nhiều trong một số thực vật bậc thấp, hay trong một số loài tảo.

Ta thường gặp Flavonoid trong hơn nửa các loại rau quả dùng hàng ngày hoặc nhóm các thực vật có nhiều tinh dầu. Các nguồn tốt nhất bao gồm Trà Xanh và rượu vang đỏ, cũng như nhiều loại trái cây và rau quả.

Flavonoid có mặt trong tất cả các bộ phận của các loài thực vật bậc cao, đặc biệt là hoa, tạo cho hoa những sắc màu rực rỡ để quyến rũ các loài côn trùng giúp cho sự thụ phấn của cây. Trong cây, Flavonoid giữ vai trò là chất bảo vệ, chống oxy hóa, bảo tồn Acid Ascorbic trong tế bào, ngăn cản một số tác nhân gây hại cho cây (vi khuẩn, virus, côn trùng…) một số còn có tác dụng điều hòa sự sinh trưởng của cây cối.

Ngoài ra, Flavonoid cũng là một nhóm hoạt chất lớn trong dược liệu, các vị thuốc nam như hoa hòe, cam thảo, bạch quả…, các đồ uống cổ truyền. Đặc biệt nhóm Flavonoid có mặt trong chè xanh có tác dụng rõ rệt đối với cơ thể con người. Điều này được chứng minh không những qua các kinh nghiệm dân gian mà qua các nghiên cứu khoa học xác thực. Những năm gần đây, Flavonoid là một trong những hợp chất được đặc biệt quan tâm bởi các kết quả nghiên cứu cho thấy Flavonoid có tác dụng to lớn đối với sức khỏe của con người. Trong đó, tác dụng nổi bật của Flavonoid là khả năng chống oxy hóa mạnh. 

3 Tác dụng sinh học

3.1 Dập tắt các gốc tự do (FR)

Các FR sinh ra trong tế bào bởi nhiều nguyên nhân và khi sinh ra cạnh ADN chúng có thể sẽ gây ra tác hại nguy hiểm như gây biến dị, hủy hoại tế bào, gây ung thư, tăng nhanh sự lão hóa. 

3.2 Chống oxy hóa

Flavonoid tạo được phức với ion kim loại, mà chính các ion kim loại này là xúc tác của nhiều phản ứng oxy hóa. 

Thành phấn màng tế bào có các Lipid dễ bị Peroxyd hóa, tạo ra các sản phẩm làm rối loạn sự trao đổi chất cũng dẫn đến sự hủy hoại tế bảo. Bổ sung các Flavonoid vào cơ thể có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào, ngăn ngừa các nguy cơ vữa xơ động mạch, tai biến mạch, lão hóa, tổn thương do bức xạ, thoái hóa gan…. 

Flavonoid cùng với vitamin C tham gia vào quá trình hoạt động của men oxy hóa – khử. Flavonoid còn ức chế hoạt động của enzym Hyaluronidase. Enzym này làm tăng tính thấm của mao mạch. Khi enzym này thừa, gây xuất huyết dưới da mà y học gọi là bệnh thiếu vitamin P. Các Flavonoid từ loài Citrus như Cemaflavone, từ lá Bạc Hà như Daflon, từ Hoa Hòe như Rutin… có tác dụng làm bền thành mạch, giảm tính thấm, tính giòn mao mạch. Tác dụng này được hợp lực cùng acid Ascorbic. 

3.3 Tăng thị lực

Flavonoid được dùng trong các trường hợp rối loạn chức năng tĩnh mạch, tĩnh mạch bị suy yếu, giãn tĩnh mạch, trĩ, chảy máu do đặt vòng tránh thai, các bệnh nhãn khoa như sung huyết kết mạc, rối loạn tuần hoàn võng mạc. Các chất Anthocyanosid có tác dụng tái tạo võng mạc, làm tăng thị lực về ban đêm. 

3.4 Tác dụng chống độc 

Flavonoid có thể giảm thương tổn gan, bảo vệ được chức năng gan trước các chất độc như Benzen, Ethanol, CHCI3, Quinin, Novarsenol…  

Dưới tác dụng của Flavonoid ngưỡng Asorbic được ổn định, đồng thời lượng Glycogen trong gan tăng, làm tăng chức năng giải độc của gan. 

Việc sử dụng một số dược thảo hỗ trợ viêm gan, xơ gan, bảo vệ tế bào gan rất hiệu quả như Actisô, cây Silibum marianum Gaertn, cây bụt dấm (Hibiscus sabdariffa). 

Tác dụng kích thích tiết mật do các Flavonoid nhóm Flavanon, Flavon, Flavonol và Flavan-3-ol. 

3.5 Tác dụng thông tiểu tiện

Nhóm Flavon, Flavanon, Flavonol. Ví dụ: Scoparosid trong Sarothamus scoparius, Lespecapitosid trong Lespedeza capitata, Quercetin trong lá Diếp Cá, Flavonoid của cây Râu Mèo đều có tác dụng thông tiểu. 

3.6 Tác dụng chống loét

Flavanon và Chalcon glycosid của rễ Cam Thảo đẫ được sử dụng hỗ trợ điều trị đau loét dạ dày – tá tràng. Một số dẫn chất khác như Catechin, 3-0-methyl catechin, Naringenin cũng được xác định có tác dụng chống loét. 

3.7 Tác dụng chống viêm 

Nhiều Flavonoid thuộc nhóm Flavon, Flavanon, Dihydro flavonon, Anthocyanin, Flavan-3-ol, Chalcon, Isoflavon, Biflavon, 4 – arylcoumarin, 4 – arylchroman đều được chứng minh thực nghiệm, có tác dụng ức chế sinh tổng hợp Prostagladin. 

Người ta đã sử dụng Rutin, Citrin, Leucodelphinidin, Quercetin, Catechin để điều trị ban đỏ, viêm da, tổn thương da và màng nhầy trong trường hợp xạ trị. 

3.8 Tác dụng trên hệ tim mạch 

Nhiều Flavonoid thuộc nhóm Flavonol, Flavan-3-ol, Anthocyanin như Quercetin, Rutin, Myricetin, Pelargonin, hỗn hợp Catechin của trà có tác dụng làm tăng biên độ co bóp và tăng thể tích phút của tim, phục hồi tim khi bị ngộ độc CHCl3, Quinin, Methanol, điều trị rối loạn nhịp tim. 

Cao chiết từ lá cây Bạch Quả (Ginko biloba) chứa các dẫn chất 3 – rutinosid của Kaempferol, Quercetin và Isorhammetin (trong lá vàng đã già chứa Ginkgetin và Isoginkgetin) có tác dụng tăng tuần hoàn trong động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. 

3.9 Tác dụng chống ung thư

Các nhà khoa học đã báo cáo rằng quercetin, một loại Flavonoid được tìm thấy trong nụ bạch hoa, ớt, thì là, Hành Tây và quả nam việt Quất, đặc biệt ngăn chặn hoạt động của một loại protein có tên IP6K thúc đẩy sự di chuyển của các tế bào ung thư đến các vùng khác nhau của cơ thể, còn được gọi là di căn.  

Một số dẫn chất nhóm Flavon như Chrysin còn có tác dụng kháng HIV. 

Các tác dụng khác: An thần, chống co thắt cơ trơn, tác dụng Estrogen, tác dụng diệt côn trùng…

==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Busulfan: Tác nhân chống ung thư alkylating – Dược thư Quốc Gia 2022

4 Ứng dụng trong lâm sàng

Flavonoid đã được ứng dụng từ lâu trong các phương thuốc, bài thuốc cổ truyền. Những dược liệu chứa Flavonoid có công dụng vô dùng đa dạng và vai trò quan trọng trong y học cổ truyền.

Trong y học hiện đại, các hợp chất Flavonoid cũng đã được chiết xuất, tổng hợp ứng dụng trong các thuốc, thực phẩm chức năng như Rutin từ hoa hòe, các Flovonoid trong bạch quả….

5 Chống chỉ định

Tùy từng hợp chất Flavonoid cụ thể được ứng dụng trong lâm sàng sẽ có những chống chỉ định khác nhau, cho từng đối tượng khác nhau.

6 Liều dùng – Cách dùng

Lượng Flavonoid trong chế độ ăn uống chưa có liều lượng tham khảo cụ thể hàng ngày.

Tùy thuộc vào từng Flavonoid cụ thể trong từng thuốc, thực phẩm chức năng hay chế phẩm và cách bào chế, hàm lượng của từng loại sẽ có liều dùng cũng như các dùng được khuyến cáo hay chỉ định riêng.

==>> Xem thêm về hoạt chất: Biotin: Vitamin quan trọng cho da và tóc – Dược thư Quốc Gia 2022

7 Flavonoid độc như thế nào?

Flavonoid từ thực phẩm khá an toàn với cơ thể. Tuy nhiên nếu sử dụng các chế phẩm có chứa Flavonoid, cần chú ý dùng đúng liều khuyến cáo, không tự ý tăng liều có thể xảy ra nguy cơ với sức khỏe khi dùng liều cao.

8 Cập nhập thông tin về nghiên cứu mới của Flavonoid 

Lượng Flavonoid cải thiện khả năng sống sót sau khi chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng (CRC):

Những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng (CRC) có thể được hưởng lợi từ việc tăng lượng Flavonoid, điều này đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong do CRC trong một nghiên cứu gần đây. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Việc tăng lượng thức ăn giàu flavan-3-ol, chẳng hạn như trà, có thể giúp cải thiện khả năng sống sót ở những bệnh nhân mắc CRC.

Tổng lượng Flavonoid hấp thụ cho thấy không có mối liên hệ nào với tỷ lệ tử vong, nhưng lượng flavan-3-ol hấp thụ cao hơn dường như góp phần làm giảm CRC cụ thể (HR đa biến trên mỗi mức tăng 1-SD, 0,83, khoảng tin cậy 95 phần trăm [CI], 0,69‒0,99; p=0,04) và tử vong do mọi nguyên nhân (HR, 0,91, 95% CI, 0,84‒0,99; p=0,02).

Trong phân tích spline, lượng flavan-3-ol sau chẩn đoán có mối liên hệ tuyến tính với tỷ lệ tử vong do CRC cụ thể (p=0,01 đối với tuyến tính). Cụ thể, tiêu thụ trà có liên quan nghịch với CRC cụ thể (HR đa biến trên 1 cốc/ngày, 0,86, 95% CI, 0,75‒0,99; p=0,03) và tử vong do mọi nguyên nhân (HR, 0,90, 95% CI, 0,85‒ 0,95; p<0,001).

Các phân lớp Flavonoid khác cho thấy không có mối liên hệ có lợi nào.

9 Các dạng bào chế phổ biến

Các Flavonoid phổ biến nhất hay được ứng dụng trong các thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung hay thuốc có thể kể đến như rutin, quercetin…

Dạng bào chế của các hợp chất này cũng vô cùng phong phú như viên nén, viên nang…

Một sổ sản phẩm chứa Flavonoid:

Một sổ sản phẩm chứa Flavonoid
Một sổ sản phẩm chứa Flavonoid

10 Tài liệu tham khảo

  1. Thực phẩm chức năng – Functional Food (Xuất bản năm 2017). Flavonoid trang 554 – 557, Thực phẩm chức năng – Functional Food. Truy cập ngày 11 tháng 08 năm 2023.
  2. Tác giả: Chuyên gia MIMS (Ngày đăng: Ngày 11 tháng 06 năm 2023). Flavonoid intake improves survival after CRC diagnosis, MIMS. Truy cập ngày 11 tháng 08 năm 2023.
  3. Tác giả: KIRSTEN HOFF (Ngày đăng: tháng 03 năm 2019). Research uncovers secret behind Flavonoids’ health benefits, NIH. Truy cập ngày 11 tháng 08 năm 2023.

Để lại một bình luận