Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
ETODOLAC
Tên chung quốc tế: Etodolac.
Mã ATC: M01AB08.
Loại thuốc: Thuốc chống viêm không steroid.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang: 200 mg, 300 mg.
Viên nén bao phim: 400 mg, 500 mg.
Viên giải phóng kéo dài: 400 mg, 500 mg, 600 mg.
2 Dược lực học
Cơ chế tác dụng: Etodolac là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Cơ chế tác dụng được cho là ức chế enzym cyclooxygenase liên quan đến tổng hợp prostaglandin.
Ức chế tổng hợp prostaglandin và chọn lọc COX-2: Tất cả các thuốc chống viêm không steroid đều ức chế sự hình thành prostaglandin. Cơ chế này vừa có tác dụng điều trị vừa gây tác dụng không mong muốn. Etodolac ức chế tổng hợp prostaglandin khác với các NSAID khác. Trên mô hình động vật ở liều có tác dụng chống viêm, nồng độ prostaglandin bảo vệ tế bào ở niêm mạc dạ dày bị giảm với mức độ thấp hơn và trong khoảng thời gian ngắn hơn so với các NSAID khác. Các nghiên cứu in vivo khẳng định etodolac ức chế chọn lọc COX-2.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Etodolac được hấp thu tốt sau khi uống. Có thể uống etodolac cùng với thức ăn hoặc thuốc kháng acid do sự hấp thu etodolac không bị kéo dài bởi thức ăn và thuốc kháng acid. Nồng độ etodolac trong huyết tương sau nhiều liều điều trị chỉ cao hơn không đáng kể so với dùng liều đơn.
3.2 Phân bố
Etodolac liên kết với protein huyết tương trên 99%. Etodolac phân bố được vào hoạt dịch ở bệnh nhân viêm khớp. Do trong hoạt dịch có nồng độ protein và Albumin thấp hơn so với huyết tương nên Diện tích dưới đường cong của etodolac tự do trong hoạt dịch (0 – 24 giờ) cao hơn trong huyết tương 72%. Trong pha hậu phân bố, nồng độ etodolac tự do và toàn phần trong hoạt dịch duy trì lớn hơn trong huyết tương.
3.3 Chuyển hóa và thải trừ
Etodolac được chuyển hóa mạnh tại gan. Khoảng 72% liều dùng được tìm thấy ở trong nước tiểu dạng không chuyển hóa. 16% liều được thải trừ qua thận. Nửa đời thải trừ của etodolac là 6 – 7,4 giờ.
Nghiên cứu dược động học trên người già cho thấy các thông số dược động học ở người già tương tự như ở người trẻ. Không cần giảm liều ở người già.
Do etodolac thải trừ phụ thuộc vào chức năng gan nên bệnh nhân suy gan nặng có thể giảm thải trừ etodolac.
Không quan sát thấy sự thay đổi dược động học ở bệnh nhân suy thận vừa và nhẹ so với bệnh nhân có chức năng thận bình thường.
4 Chỉ định
Đau và viêm trong viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
5 Chống chỉ định
Bệnh nhân đang bị xuất huyết hoặc loét đường tiêu hóa, tiền sử xuất huyết hoặc thủng Đường tiêu hóa do sử dụng NSAID.
Tiền sử tái phát xuất huyết hoặc loét đường tiêu hóa (2 hoặc nhiều đoạn).
Suy tim nặng.
Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Aspirin hoặc bất kỳ NSAID nào bao gồm bệnh nhân bị hen, phù mạch, mày đay, hoặc viêm mũi do aspirin hoặc NSAID.
6 Thận trọng
Bệnh dị ứng, bệnh tim mạch (NSAID có thể làm suy giảm chức năng thận), bệnh mạch máu não, thiếu hụt yếu tố đông máu, rối loạn mô liên kết, bệnh Crohn (có thể làm nặng thêm tình trạng của bệnh), người già (nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng và tử vong), suy tim, thiếu máu cơ tim, bệnh mạch ngoại vi, các yếu tố nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch, viêm loét ruột kết (có thể làm bệnh nặng hơn), tăng huyết áp không kiểm soát được. Nguy cơ huyết khối tim mạch
Các thuốc NSAID, không phải aspirin, dùng đường toàn thân, có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối tim mạch, bao gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong. Nguy cơ này có thể xuất hiện sớm trong vài tuần đầu dùng thuốc và có thể tăng lên theo thời gian dùng thuốc. Nguy cơ huyết khối tim mạch được ghi nhận chủ yếu ở liều cao. Cần đánh giá định kỳ sự xuất hiện của các biến cố tim mạch, ngay cả khi bệnh nhân không có các triệu chứng tim mạch trước đó. Người bệnh cần được cảnh báo về các triệu chứng của biến cố tim mạch nghiêm trọng và cần thăm khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng này. Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến cố bất lợi, cần sử dụng thuốc ở liều hàng ngày thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.
Bệnh nhân suy gan: Sử dụng thận trọng do làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa và ứ dịch. Tránh dùng ở bệnh nhân suy gan nặng.
Bệnh nhân suy thận: Tránh dùng nếu có thể hoặc sử dụng thận trọng. Tránh dùng ở bệnh nhân suy thận nặng. Sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Có thể xảy ra ở nước và natri và giảm chức năng thận dẫn đến suy thận. Cần theo dõi chức năng thận của bệnh nhân.
7 Thời kỳ mang thai và cho con bú
7.1 Thời kỳ mang thai
Tránh dùng trừ khi lợi ích lớn hơn nguy cơ. Tránh dùng trong ba tháng cuối thai kỳ (nguy cơ ức chế tử cung co bóp và làm ống động mạch đóng sớm, gây tăng áp lực tiểu tuần hoàn không hồi phục, suy thận ở thai). Thời gian chuyển dạ bị chậm và kéo dài.
Dùng NSAID kéo dài làm giảm khả năng thụ thai, tuy nhiên khả năng này sẽ phục hồi khi ngừng thuốc.
7.2 Thời kỳ cho con bú
Sử dụng thận trọng ở phụ nữ đang cho con bú. Tránh dùng nếu có thể.
8 Tác dụng không mong muốn
Etodolac đường dùng toàn thân có nguy cơ xảy ra huyết khối tim mạch (xem mục Thận trọng).
8.1 Hiếm gặp
Da liễu: hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu mô nhiễm độc. Hô hấp: viêm phế nang, tăng bạch cầu ái toan ở phổi.
Thận: hoại tử nhú thận liên quan đến NSAID có thể dẫn đến suy thận.
TKTW; viêm màng não vô khuẩn (bệnh nhân có rối loạn mô liên kết như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể dễ mắc).
Thị giác: rối loạn thị lực.
Tiêu hóa: tổn thương gan, viêm tụy, xơ hóa ruột.
Chưa xác định được tần suất
Da liễu: nhạy cảm với ánh sáng, ngửa phát ban.
Hô hấp: co thắt phế quản, khó thở.
Huyết học: rối loạn máu.
Thận: suy thận (đặc biệt trên bệnh nhân đã suy thận), tiểu nhiều lần, khó tiểu, tiểu máu.
Thỉnh giác: rối loạn thính giác, ù tai.
Tiêu hóa: viêm miệng, xuất huyết tiêu hóa, khó chịu ở đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, loét đường tiêu hóa, nôn, bệnh Crohn (gây bệnh hoặc làm bệnh đã mắc nặng hơn), viêm ruột kết (gây bệnh hoặc làm bệnh đã mắc nặng hơn), tiêu chảy.
Tim mạch: phù mạch, viêm mạch, tim đập nhanh, tăng huyết áp, giữ nước (hiếm khi gây suy tim sung huyết).
Toàn thân: cảm giác bất thường, sốt, run rẩy, phản ứng mẫn cảm, mệt mỏi, trầm cảm, đau đầu, chóng mặt, căng thẳng, mất ngủ, ngủ gà, rối loạn ý thức.
8.2 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Khi có triệu chứng dị ứng với etodolac, phải ngừng thuốc ngay.
Điều trị các tác dụng phụ, điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
9 Liều lượng và cách dùng
Cách dùng: Uống cùng thức ăn hoặc các thuốc kháng acid.
Liều lượng: 200 – 600 mg/ngày chia thành 1 – 2 lần.
10 Tương tác thuốc
Thuốc lợi tiểu: Làm giảm tác dụng lợi tiểu và thuốc lợi tiểu có thể làm tăng độc tính trên thận của NSAID.
Thuốc điều trị tăng huyết áp: NSAID làm giảm tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp.
Glycosid trợ tim: NSAID làm nặng thêm tình trạng suy tim, giảm mức lọc cầu thận và tăng nồng độ glycosid trong máu.
Thuốc chống đông: NSAID có thể làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông như warfarin.
Aspirin: Làm tăng nguy cơ tăng tác dụng không mong muốn.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa khi phối hợp với NSAID.
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs): Tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa khi phối hợp với NSAID.
Muối lithi: Làm giảm thải trừ lithi.
Methotrexat: Có thể làm tăng nồng độ methotrexat.
Ciclosporin: Tăng độc tính trên thận.
Corticosteroid: Tăng nguy cơ loét, xuất huyết tiêu hóa khi phối hợp với NSAID.
Các thuốc ức chế chọn lọc cyclooxygenase-2 và giảm đau khác: Tránh phối hợp 2 hoặc nhiều NSAID bao gồm thuốc ức chế COX-2 do làm tăng nguy cơ gặp ADR.
Kháng sinh nhóm quinolon: Phối hợp quinolon và NSAID làm tăng nguy cơ bị co giật.
Mifepriston: Không nên dùng NSAIDs trong 8 – 12 ngày sau khi dùng mifepriston do NSAID có thể làm giảm tác dụng của mifepriston.
Tacrolimus: Tăng nguy cơ độc tính trên thận.
Zidovudin: Tăng nguy cơ độc tính trên huyết học.
Do etodolac liên kết mạnh với protein huyết tương nên có thể cần phải chỉnh liều các thuốc liên kết mạnh với protein khác khi phối hợp với etodolac.
Có thể cho kết quả xét nghiệm bilirubin dương tính giả do chất chuyển hóa phenolic của etodolac trong nước tiểu.
11 Quá liều và xử trí
11.1 Triệu chứng
Đau đầu, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, xuất huyết tiêu hóa, hiểm khi xảy ra tiêu chảy, mất định hướng, kích thích, hôn mê, lú lẫn, chóng mặt, ù tai, ngất, thỉnh thoảng xảy ra co giật.
Trong trường hợp ngộ độc nặng có thể xảy ra suy thận và tổn thương gan cấp.
11.2 Xử trí
Cần tiến hành các biện pháp chung là phải gây nôn ngay tức khắc hoặc rửa dạ dày, tiếp theo là điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Trong vòng 1 giờ sau khi uống lượng thuốc có khả năng gây độc, có thể uống than hoạt. Trong vòng 1 giờ sau khi uống một lượng thuốc có thể gây đe dọa tính mạng, cân nhắc rửa dạ dày ở người lớn.
Duy trì bệnh nhân có đủ lượng nước tiểu.
Theo dõi chặt chẽ chức năng gan, thận. Theo dõi bệnh nhân trong tối thiểu 4 giờ sau khi bệnh nhân uống lượng thuốc có khả năng gây độc.
Điều trị co giật thường xuyên và kéo dài bằng Diazepam đường tĩnh mạch.
Cập nhật lần cuối: 2017