Eptifibatid

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

EPTIFIBATID 

Tên chung quốc tế: Eptifibatide. 

Mã ATC: B01AC16. 

Loại thuốc: Thuốc chống kết tập tiểu cầu. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Thuốc tiêm tĩnh mạch: 2 mg/ml (10 ml, 100 ml); 0,75 mg/ml (100 ml). 

2 Dược lực học

Eptifibatid là 1 dẫn chất heptapeptid vòng có khả năng ức chế thụ thể glycoprotein IIb/lIla của tiểu cầu – vị trí gắn fibrinogen, yếu tố von Willebrand và các ligand khác, từ đó ức chế thuận nghịch sự kết tập tiểu cầu, ngăn cản quá trình tạo cục máu đông. 

3 Dược động học 

Có tác dụng ngay sau khi tiêm (ức chế 80% sự kết tập tiểu cầu sau tiêm 5 phút). Tác dụng tối đa đạt được trong vòng 1 giờ. Tác dụng kéo dài khoảng 4 – 8 giờ sau khi ngưng thuốc. 

Liên kết protein huyết tương: 25%. 

Nửa đời thải trừ khoảng 2,5 giờ. Tốc độ thanh thải: 55 ml/kg/giờ. 

Thanh thải 50% qua thận ra nước tiểu. 

4 Chỉ định 

Hội chứng mạch vành cấp: đau ngực không ổn định/nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên, bao gồm cả những người điều trị bằng thuốc và những người phải can thiệp mạch vành qua da. 

Can thiệp mạch vành qua da có hoặc không đặt stent. 

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với thuốc. 

Chảy máu bất thường cấp tính trong vòng 30 ngày trước đó hoặc có tiền sử xuất huyết nội tạng. 

Có tiền sử đột quỵ hoặc xuất huyết não trong vòng 30 ngày trước đó.

Tăng huyết áp nặng (huyết áp tâm thu > 200 mm Hg hoặc huyết áp tâm trương > 110 mm Hg) nhưng không được kiểm soát tốt bằng thuốc. 

Đại phẫu trong vòng 6 tuần trước đó. 

Đang dùng hoặc sắp dùng 1 chất ức chế GP IIb/IIIa đường tiêm khác. 

Người bệnh phải phụ thuộc vào lọc máu. 

6 Thận trọng 

Biến chứng thường gặp nhất là xuất huyết, cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu xuất huyết, đặc biệt tại vị trí đặt cathete. Các yếu tố làm tăng nguy cơ xuất huyết gồm: Tuổi, tiền sử xuất huyết, dùng đồng thời với các thuốc làm tăng nguy cơ xuất huyết. Cần hạn chế tối đa các thủ thuật xâm lấn, kể cả châm kim vào động mạch/tĩnh mạch, tiêm bắp, sử dụng ống xông tiểu, ống xông mũi – thực quản, ống xông mũi – dạ dày. Cần ngưng thuốc 2 – 4 giờ trước khi đặt cầu nối chủ vành. 

Giảm tiểu cầu nặng, cấp tính có thể xảy ra trong vòng 24 giờ kể từ khi dùng thuốc. Đặc biệt thận trọng khi dùng cho người có số tiểu cầu < 100.000/mm3. Nếu trong quá trình điều trị, tiểu cầu giảm xuống < 100.000/mm3 cần ngưng việc dùng phối hợp eptifibatid với heparin. 

Trước khi rút ống truyền vào mạch máu, cần ngừng dùng Heparin trong 3 – 4 giờ và kiểm tra aPTT hoặc ACT. Không được thực hiện rút ống cho đến khi aPTT < 50 giây hoặc ACT < 180 giây. Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy thận, cần giảm liều. Có thể xảy ra phản ứng quá mẫn. 

Có thể xảy ra tương tác thuốc, cần điều chỉnh liều, số lần dùng thuốc và theo dõi chặt chẽ hoặc dùng thuốc khác thay thế. 

7 Thời kỳ mang thai 

Nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc không ảnh hưởng có hại cho thai nhi. Tuy nhiên, chỉ dùng cho phụ nữ mang thai khi thật sự cần thiết. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Chưa biết rõ thuốc cỏ vào sữa mẹ không, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ cho con bú. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

9.1 Thường gặp 

Xuất huyết. 

9.2 Ít gặp 

Hạ huyết áp, giảm tiểu cầu, phản ứng tại chỗ tiêm. 

9.3 Hiếm gặp 

Giảm tiểu cầu nặng, cấp tính, xuất huyết nghiêm trọng (tiêu hóa, phổi…), đột quỵ. 

9.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Xuất huyết nặng có thể phải truyền máu hoặc truyền tiểu cầu. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Khởi đầu bằng đường tiêm tĩnh mạch, sau đó dùng đường tiêm truyền bằng thiết bị có kiểm soát (ví dụ bơm điện). Để dùng đường tiêm tĩnh mạch, lấy lượng thuốc phù hợp từ lọ 10 ml, tiêm trực tiếp trong vòng 1 – 2 phút. Dung dịch tiêm truyền có thể lấy trực tiếp từ lọ 100 ml. Bỏ phần dung dịch tiêm còn lại trong lọ. 

Cần kiểm tra bằng mắt thường để phát hiện các tiểu phân lơ lửng hoặc đổi màu dung dịch tiêm. 

10.2 Liều lượng 

Người lớn 

10.2.1 Hội chứng mạch vành cấp

Tiêm tĩnh mạch 180 microgam/kg (tối đa 22,6 mg) ngay sau khi chẩn đoán.

Sau đó tiếp tục truyền 2 microgam/kg/phút (tối đa 15 mg/giờ) cho đến khi ra viện hoặc khi bắt đầu làm thủ thuật bắc cầu nối chủ vành (ngưng thuốc 2 – 4 giờ trước khi làm thủ thuật). Không truyền thuốc liên tục quá 72 giờ.

Nếu bệnh nhân phải can thiệp mạch vành qua da trong vòng 72 giờ đầu dùng thuốc, tiếp tục truyền với tốc độ trên cho đến khi ra viện hoặc 18 – 24 giờ sau khi làm can thiệp. Không truyền thuốc liên tục quá 96 giờ. 

Khuyến cáo phối hợp với Aspirin hoặc heparin (duy trì aPTT 50 – 70 giây). 

10.2.2 Can thiệp mạch vành qua da có hoặc không đặt stent

Tiêm tĩnh mạch 180 microgam/kg (tối đa 22,6 mg) ngay trước khi can thiệp.

Sau đó tiếp tục truyền 2 microgam/kg/phút (tối đa 15 mg/giờ). 10 phút sau tiêm liều thứ nhất, tiêm liều thứ hai 180 microgam/kg (tối đa 22,6 mg).

Truyền liên tục cho đến khi ra viện hoặc tối đa 18 – 24 giờ. Có thể giảm thời gian truyền (ví dụ 2 giờ) ở bệnh nhân đã từng dùng Clopidogrel.

Khuyến cáo dùng aspirin và heparin trước khi can thiệp để duy trì ACT 200 – 250 giây trong quá trình can thiệp, sau đó, dùng aspirin hàng ngày.

Không nên dùng heparin sau can thiệp. Ở bệnh nhân đặt cầu nối chủ vành, ngưng truyền 2 – 4 giờ trước khi làm thủ thuật. 

10.2.3 Can thiệp mạch vành qua da lần đầu trong cơn nhồi máu cơ tim có ST chênh lên, có hoặc không đặt stent hoặc đã điều trị trước đó bằng clopidogrel

Tiêm tĩnh mạch 180 microgam/kg (tối đa 22,6 mg) ngay trước khi can thiệp.

Sau đó tiếp tục truyền 2 microgam/kg/phút (tối đa 15 mg/giờ), phối hợp với heparin hoặc bivalirudin.

10 phút sau tiêm liều thứ nhất, tiêm liều thứ hai 180 microgam/kg (tối đa 22,6 mg).

Truyền liên tục trong 24 giờ. 

Suy thận

  • Suy thận nhẹ hoặc vừa (Clcr ≥ 50 ml/phút): Không cần thiết phải điều chỉnh liều. 

  • Ở bệnh nhân có hội chứng vành cấp không có ST chênh lên kèm theo Clcr < 50 ml/phút nên dùng liều tiêm tĩnh mạch 180 microgam/kg càng sớm càng tốt sau chấn đoán, sau đó tiêm truyền với tốc độ 1 microgam/kg/phút. 

  • Ở bệnh nhân can thiệp mạch vành qua da có Clcr < 50 ml/phút, nên dùng liều tiêm tĩnh mạch 180 microgam/kg ngay sau khi làm can thiệp, sau đó tiêm truyền với tốc độ 1 microgam/kg/phút. 10 phút sau liều khởi đầu, tiêm liều thứ 2 là tiêm tĩnh mạch 180 microgam/kg. 

  • Suy thận giai đoạn cuối (ví dụ, phụ thuộc vào lọc máu): Chống chỉ định dùng thuốc. 

Suy gan: Chưa có đủ dữ liệu về việc dùng thuốc cho người suy gan. Không dùng thuốc cho người suy gan nặng. 

11 Tương tác thuốc 

Tránh dùng đồng thời với urokinase. 

Eptifibatid có thể làm tăng nồng độ/tác dụng của: các thuốc có hoạt tính ức chế tiểu cầu, thuốc chống đông máu, apixaban, colagenase (đường toàn thân), dabigatran etexilat, acid deoxycholic, edoxaban, ibritumomab, obinutuzumab, Rivaroxaban, salicylat, các chất làm tan huyết khối, tositumomab và I131 tositumomab, urokinase. 

Nồng độ/tác dụng của eptifibatid có thể tăng lên bởi: dasatinib, glucosamin, các thảo dược có hoạt tính chống đông máu hoặc ức chế tiểu cầu, ibrutinib, limaprost, multivitamin/khoáng chất (A, D, E, K, folat, Sắt), multivitamin/khoáng chất (A, E, không chứa sắt), Omega 3, pentosan polysulfat natri, pentoxifylin, dẫn chất prostacyclin, tipranavir, Vitamin E. 

12 Quá liều và xử trí 

Dấu hiệu quá liều eptifibatid là gây ra ADR và gây ra những đáp ứng vượt quá tác dụng dược lý, chủ yếu là xuất huyết. Trong một số thử nghiệm lâm sàng, một số ít bệnh nhân dùng liều tiêm hoặc tiêm truyền gấp 2 lần liều được khuyến cáo và được xác định là dùng quá liều, nhưng không xảy ra xuất huyết nội sọ hoặc xuất huyết nặng khác. 

Xuất huyết nặng có thể phải truyền máu hoặc truyền tiểu cầu. 

Cập nhật lần cuối: 2017

Để lại một bình luận