Dương Địa Hoàng (Digitalis – Digitalis purpurea L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Lamiales (Hoa môi)

Họ(familia)

Scrophulariaceae (Hoa mõm chó)

Chi(genus)

Digitalis

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Digitalis purpurea L.

Dương Địa Hoàng (Digitalis - Digitalis purpurea L.)

Dương địa hoàng thuộc dạng cây thảo, có kích thước lớn, sống lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,5 đến 1,5 mét. Thân cây nhẵn, vỏ cây có màu đỏ tía nhạt, hoa màu tím hoặc trắng. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Digitalis purpurea L.

Tên gọi khác: Digitalis.

Họ thực vật: Hoa mõm chó Scrophulariaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Dương địa hoàng thuộc dạng cây thảo, có kích thước lớn, sống lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,5 đến 1,5 mét.

Thân cây nhẵn, vỏ cây có màu đỏ tía nhạt.

Lá cây mọc so le, tụ họp với nhau tạo thành hình bông hoa nằm ở sát mặt đất, cuống lá mập, dài, có màu đỏ nhạt. Phiến lá nguyên, những lá gần cụm hoa có kích thước nhỏ dần, không có cuống hoặc cuống lá rất ngắn. Mép lá có răng cưa nhỏ, mặt dưới của lá màu trắng nhạt.

Cụm hoa mọc trên một cuống dài, cuống xuất phát từ túm lá. Hoa nhiều, các hoa có màu đỏ tía, mọc thõng xuống dưới, đài 5 răng, nhị 4 trong đó có 2 cái lớn hơn, bầu 2 ô gồm nhiều noãn.

Quả nang, có dạng hình trứng, màu nâu, khi chín mở thành 2 mảnh, hạt nhiều, kích thước nhỏ, có màu nâu sáng, hạt hơi sần sùi.

Hoa của cây Dương địa hoàng
Hoa của cây Dương địa hoàng

1.2 Thu hái và chế biến

Lá cây được dùng để làm nguyên liệu chiết xuất glycosid chữa bệnh lý về tim.

1.3 Đặc điểm phân bố

Digitalis L. gồm một số loài, khu vực phân bố chủ yếu là vùng ôn đới ấm của Châu  u và Châu Á.

Có 2 loài Dương địa hoàng có màu hoa khác nhau là Dương địa hoàng hoa tím (Dương địa hoàng tía) và Dương địa hoàng hoa trắng.

Dương địa hoàng là loài được nhập vào nước ta từ cuối những năm 60 do Viện Dược liệu nhập, cây được trồng ở Sa Pa, Tam Đảo, trại thuốc Văn Điển ở Hà Nội và Đà Lạt, đều nhận thấy có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt.

Cây là loài ưa ẩm, mát, nhiệt độ phát triển thích hợp là từ 15 đến 20 độ C. Về mùa đông, cây có hiện tượng tàn lụi, thời điểm sinh trưởng tốt nhất là từ tháng 3 đến tháng 6.

Những cây trồng ở SaPa cho nhiều quả, hạt dùng để gieo trồng cho các vụ sau.

Tại nước ta, hiện chỉ có Trại thuốc SaPa (Viện Dược liệu) còn giữ được giống của cả 2 loài Dương địa hoàng, các cá thể Dương địa hoàng hoa trắng hiện nay còn rất ít do đó cần có biện pháp bảo tồn.

Cụm hoa
Cụm hoa

1.4 Cách trồng

Cây có nguồn gốc ôn đới, có thể trồng vào mùa đông, thu hoạch vào đầu hè ở vùng đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc. Ở miền núi, cây thường được trồng vào đầu xuân và thu hoạch vào đầu thu do có thời tiết mát mẻ.

Cây được nhân giống bằng hạt, những cây trồng ở đồng bằng không thu hoạch được hạt do vào tháng 6 đến tháng 7, mưa nhiều, nhiệt độ tăng cao, cây không có khả năng sinh trưởng tiếp. Những cây ở vùng có khí hậu mát mẻ cho nhiều hoa quả, có thể thu hoạch hạt.

Có thể gieo 3-4 hạt một hốc, sau đó tỉa bớt, giữ lại cây khỏe nhất hoặc gieo trong vườn ươm, thường được áp dụng vì ít công chăm sóc.

Khi cây con ra được 4 lá thì đánh đi trồng. Thời gian gieo hạt ở đồng bằng và trung du là từ 10/10 đến 15/11, ở miền núi thì gieo trồng vào tháng 2 đến tháng 3.

Chọn những khu vực có đất thịt nhẹ, đất pha cát, có khả năng thoát nước tốt, tiến hành lên luống cao 20cm, rộng 0,8 đến 1,2m. Mỗi hecta bón 20 tấn phân chuồng ủ cùng 400kg phân lân, có thể trộn thêm ít vôi bột. Bón phân theo rạch, sau đó chờ ngày mưa hoặc râm mát thì tiến hành trồng cây con với khoảng cách 30x20cm. Tưới ẩm, giữ ẩm thường xuyên cho cây.

Trong quá trình trồng cần làm cỏ và bón thúc cho cây, 1 vụ bón thúc từ 3-4 lần, mỗi lần dùng 54kg ure pha loãng để tưới cho 1 hecta.

Cây hay bị các loài sâu phá hoại, do đó cần kiểm tra thường xuyên và có biện pháp phòng trừ.

Thời điểm thu hoạch lá là vào tháng 6 đến tháng 7. Lá sau khi cắt về đem băm nhỏ, ủ men thủy phân rồi sấy khô ở nhiệt độ từ 50-60 độ C. Lá cần được xử lý ngay, nếu không xử lý kịp thời thì không còn giá trị sử dụng.

Dương địa hoàng hoa tím
Dương địa hoàng hoa tím

2 Thành phần hóa học

Glycosid tim: Lá cây chứa khoảng 20 loại glycosid cường tim.

Hạt của cây chứa khoảng 30 loại glycosid cường tim.

Một số thành phần khác có thể kể đến như Saponosid, Digitanol-glycosid, lá còn chứa 10 dẫn chất của anbraquinon.

Chiết xuất glycosid tim từ Dương địa hoàng theo Viện dược liệu:

Xử lý nguyên liệu

Lá tươi được hái cả cuống vào buổi trưa nắng, đem về cắt nhỏ 3mm, rải thành từng lớp dày 0,5cm, ủ men thủy phân

Diệt men ở nhiệt độ cao từ 320 đến 350 độ C trong 50-60 giây

Sấy khô ở 50 đến 60 độ C

Chiết digitoxin và gitoxin (dạng hỗn hợp)

Sử dụng dung môi metylen clorua : etanol (80:20) để chiết

Rửa dịch chiết 2 lần, mỗi lần sử dụng 100ml nước

Có thu hồi dung môi ở áp suất giảm cho đến khi thể tích còn 500ml

Lấy 50ml clorua metylen : etanol (80:20) rưa lại, dồn các dịch chiết clorua metylen lại rồi cô thu hồi dung môi thành cao

Tiến hành loại bỏ clorophyl bằng benzen, lọc lấy tủa giữa hai lớp dung môi, sấy ở 40 đến 60 độ C, thu được hỗn hợp glycosid màu xanh nhạt

Tinh chế gitoxin

Hòa tan bột hỗn hợp trong benzen : cloroform (1:2) lọc qua cột Al2O3 (hoạt độ II)

Cô thu hồi dung môi còn 200ml, để tủ lạnh, lúc này thu được tinh thể màu trắng ngà

Tiếp tục tinh chế trong hỗn hợp dung môi chloroform – Ethanol (1:1) thu được tinh thể gitoxin tinh khiết

Tinh chế digitoxin

Nước cái sau khi đã lấy gitoxin, cô thành cao, loại chất béo bằng ether dầu 3 lần, mỗi lần 20ml

Thêm 20ml acetat ethyl và ít formamide, khuấy mạnh, để qua đêm

Lọc, hút chân không lấy tủa, rửa tủa bằng nước cất 3 lần, mỗi lần 20ml, thu được tủa màu trắng nhà

Kết tinh lại nhiều lần trong aceton, thu được digitoxin tinh khiết

3 Tác dụng – Công dụng của cây dương địa hoàng

3.1 Tác dụng dược lý

Các glycosid tim có tác dụng sau:

  • Tăng cường sức co bóp của cơ tim. Ngoài ra, các glycosid cường tim còn có tác dụng kéo dài một cách tương đối thời gian nghỉ và làm giảm lượng tiêu hao oxygen của tim khi bị suy yếu, do đó, đây là một thuốc thích hợp để điều trị suy tim.
  • Làm giảm nhịp đập của tim do làm tăng sức co bóp cơ tim, tăng lượng máu tống ra.
  • Ức chế dẫn truyền: Glycosid cường tim giúp kéo dài thời gian trơ của hệ thống dẫn truyền, ức chế dẫn truyền nhĩ thất. Khi dùng liều thông thường, thuốc có tác dụng kéo dài tốc độ dẫn truyền mà không ảnh hưởng đến nhịp đập bình thường của tim.
  • Ảnh hưởng đối với tâm đồ.
Dương địa hoàng hoa trắng
Dương địa hoàng hoa trắng

3.2 Công dụng

Dùng để chữa suy tim.

Đối với viên digitalis: 2-3 ngày đầu dùng 0,05 đến 0,2g mỗi ngày. Liều dùng duy trì là 0,07-0,1g mỗi ngày. Liều tối đa là 0,4g/lần và 1,0g/ngày.

Đối với Dung dịch tiêm digitoxin (1ml chứa 0,2mg digitoxin-0,2%), mỗi lần tiêm 0,25 đến 1ml.

4 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam. Dương địa hoàng, trang 705-709. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2024.

Để lại một bình luận