Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) |
Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) |
Verbenaceae (Cỏ roi ngựa) |
Chi(genus) |
Stachytarpheta |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Stachytarpheta jamaicensis (L.) Vahl. |
Đuôi chuột thuộc dạng cây thảo, sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét. Thân cây mọc đứng, cây phân cành nhiều. Những cành khi còn non có dạng gần giống hình vuông, bề mặt phủ một lớp lông thưa. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Stachytarpheta jamaicensis (L.) Vahl.
Tên gọi khác: Cỏ đuôi chuột lùn.
Họ thực vật: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Đuôi chuột thuộc dạng cây thảo, sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét. Thân cây mọc đứng, cây phân cành nhiều. Những cành khi còn non có dạng gần giống hình vuông, bề mặt phủ một lớp lông thưa.
Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình trái Xoan hoặc hình trứng, chiều dài mỗi lá khoảng 3-10cm, chiều rộng từ 3 đến 4,5cm. Gốc lá thuôn, đầu nhọn hoặc hơi tù, ⅔ phần trên của lá có khía răng. Hai mặt của lá nhẵn, đôi khi mặt dưới có phủ một ít lông, mặt trên sẫm bóng, chiều dài cuống lá khoảng 1cm.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân, đầu cành tạo thành bông, chiều dài mỗi bông khoảng từ 10 đến 20cm, tràng ống, 5 cánh tròn, nhị 2, bầu 2 ô nhẵn.
Quả nang, hơi dài.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Rửa sạch, cắt thành từng đoạn ngắn, đem phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại nước ta, Đuôi chuột là loài cây tương đối phổ biến, phân bố ở nhiều tỉnh thuộc khu vực đồng bằng và miền núi, độ cao phân bố lên đến 1000 mét. Cây cũng bắt gặp nhiều ở các đảo lớn.
Đuôi chuột là loài ưa sáng, ưa ẩm, mọc từ hạt vào cuối mùa xuân ở các bãi hoang, nương rẫy, ven đường đi. Cây sinh trưởng tốt, ra hoa quả nhiều, tỷ lệ nảy mầm từ hạt cao. Một số nơi coi Đuôi chuột là loài cỏ dại, gây ảnh hưởng đến những loài cây khác.
2 Cây đuôi chuột có mấy loại?
Cây Đuôi chuột có 2 loại gồm: Cỏ Đuôi chuột lùn và Cỏ Đuôi chuột cao. Dưới đây là một số điểm khác nhau của 2 loài này.
Cỏ Đuôi chuột lùn |
Cỏ Đuôi chuột cao | |
Tên khoa học |
Stachytarpheta jamaicensis (L.) Vahl. | Stachytarpheta urticifolia |
Đặc điểm thực vật |
Cây có xu hướng mọc lan rộng Thân cây mềm mại, mọc đứng nhưng lại có xu hướng mọc lan rộng, lan khắp mặt đất Hoa có màu xanh lam, lá cây ngắn và rộng, phủ một lớp lông mềm Lá ngắn, rộng, viền lá có xẻ răng cưa ro |
Cây mọc thằng đứng, thân cây tương đối cứng cáp Hoa có màu tím đậm Viền lá xẻ răng cưa rõ, bề mặt màu xanh sáng, có phủ một ít lông ngắn |
Công dụng |
Cao nước từ lá có tác dụng giảm vận động, an thần, giảm thân nhiệt sau khi tiêm cho chuột cống trắng Cỏ Đuôi chuột lùn có nhiều công dụng, được ứng dụng để trị giun, trị sốt, giảm đau thần kinh, trị bệnh gan, sốt rét. Lá cây còn được dùng để trị bong gần, bầm dập, mụn nhọt |
Cỏ Đuôi chuột cao có nhiều đặc tính dược lý, chiết xuất từ lá có tác dụng điều hòa đường huyết, tốt cho bệnh nhân tiểu đường |
3 Thành phần hóa học
Đuôi chuột chứa:
- Glucosid stachytarphin.
- Apigenol.
- 6-hydroxylutecolol-7-diglucuronid.
- 7-glucoronid.
- Alcaloid.
Thân và lá của cây có chứa tarphetamin. Lá cây Đuôi chuột còn chứa dopamin.
Rễ chứa tanin và acid chlorogenic.
4 Cây Đuôi chuột có tác dụng gì?
4.1 Tác dụng trên lâm sàng
Trong thí nghiệm sàng lọc dược lý, tiêm phúc mạc cho chuột cống trắng cao nước từ lá của cây Đuôi chuột thấy tác dụng giảm vận động, an thần, gây mất điều hòa, giảm đau, dựng lông, sa mí mắt, giảm thân nhiệt.
Cao Ethanol từ lá và thân tươi của cây Đuôi chuột cho thấy tác dụng giãn mạch, chống co thắt.
Cao chiết ethyl acetat từ lá cho thấy tác dụng làm chậm sự phát triển của bọ gậy muỗi Aedes aegypit.
4.2 Cách sử dụng cây Đuôi chuột
Đuôi chuột có vị hơi đắng, tính hàn có tác dụng ợi tiểu, giải độc, thanh nhiệt.
Cây Đuôi chuột được dùng trong các trường hợp đái buốt, viêm đường tiết niệu, đái ra sỏi.
Liều dùng được khuyến cáo là từ 20-40g cây khô, đem sắc lấy nước uống hoặc sử dụng 40g lá tươi giã nhỏ sau đó vắt lấy nước cốt uống dần trong các trường hợp đau mắt, viêm họng. Ngoài ra, có thể dùng lá giã nát để đắp trong khi bị mụn.
Tại một số nước của Đông Nam Á, nhân dân sử dụng dịch ép từ lá, rễ hoặc toàn bộ cây Đuôi chuột để làm thuốc gây nôn, thuốc bổ, long đờm, điều kinh, làm ra mồ hôi, chữa nhức đầu, đau tai, giang mai, sốt vàng, bệnh gan, kiết lỵ, giun, tẩy, đau thần kinh.
Nhân dân Malaysia sử dụng nước sắc từ lá của cây Đuôi chuột để trị sốt rét, loét mũi.
Nhân dân Campuchia và Lào sử dụng bột lá để xoa vào cơ thể trong khi bị sốt.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng cây Đuôi chuột để trị giun, phù, đau dạ dày.
Cao nước của cây có chứa dopamin do đó có tác dụng gây tăng huyết áp.
Hiện nay, một số người sử dụng cây Đuôi chuột ngâm rượu nhưng chưa thấy tài liệu ghi công dụng cụ thể.
4.3 Tác dụng phụ của cây Đuôi chuột
Do trong thành phần có chứa dopamin do đó không sử dụng cho người tăng huyết áp. Một số đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ cần sử dụng dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn.
5 Cây Đuôi chuột trị bệnh gì?
5.1 Chữa phong thấp, đau xương
20-30g Đuôi chuột.
20-30g Dây Đau Xương.
20-30g Cốt Toái Bổ.
Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày uống 1 thang.
5.2 Chữa viêm hầu họng
Sử dụng Đuôi chuột tươi, đem giã nát sau đó thêm đường, ngậm nuốt dần.
5.3 Chữa mụn nhọt, viêm da có mủ
90g Đuôi chuột.
60g Ngưu Tất.
60g Bọ mắm.
Các vị đem giã và đắp ngoài da.
5.4 Chữa chấn thương bầm dập
Sử dụng Đuôi chuột và Cỏ cứt lợn mỗi vị một ít, đem giã rồi đắp.
5.5 Tẩy giun cho trẻ
Sử dụng nước sắc Đuôi chuột, thêm dịch lá sau đó cho trẻ uống.
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Đuôi chuột, trang 829-830. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Đuôi chuột, trang 979-980. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2024.