Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) |
Bộ(ordo) |
Asparagales (Thiên môn đông) |
Họ(familia) |
Agavaceae (Thùa) |
Chi(genus) |
Agave |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Agave americana L. |
Dứa Nam Mỹ thuộc dạng cây thảo có kích thước lớn, thân cây ngắn. Nhân dân thường trồng để làm cảnh hoặc dùng làm thuốc giúp nhuận tràng, đắp ngoài chữa vết thương lở loét. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Agave americana L.
Tên gọi khác: Dứa bà, Cây thùa, Cây lưỡi lê.
Họ thực vật: Thùa Agavaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dứa Nam Mỹ thuộc dạng cây thảo có kích thước lớn, thân cây ngắn. Nhân dân thường trồng để làm cảnh hoặc dùng làm thuốc giúp nhuận tràng, đắp ngoài chữa vết thương lở loét
Lá cây có bẹ, mọc dính vào nhau tạo thành hình hoa thị ở sát gốc. Phiến lá dày, mọc khum lại tạo thành hình dải, chiều dài mỗi lá khoảng 1 đến 1,2 mét, chiều rộng từ 1,5 đến 2cm. Đầu lá nhọn như gai, mép lá có gai xếp thành răng cưa. Hai mặt của lá đều có màu xanh nhạt, hơi xám, thỉnh thoảng bắt gặp những lá có đốm màu vàng.
Cụm hoa rất to, phân nhánh ở ngọn. Cụm hoa gắn với cán có chiều dài khoảng 5 đến 10 mét, trên cán có gai, hoa to, nhiều, thường mọc thành 3 cái một, hoa có vàng lục, bao hoa hình phễu, bầu 3 ô.
Quả nang, có dạng hình trứng, vẫn còn bao hoa tồn tại.
Quả có chứa nhiều hạt.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân, rễ và lá.
1.3 Đặc điểm phân bố
Agave L. trên thế giới có nhiều loài (khoảng 275 loài), đây vốn dĩ là một chi lớn, được tìm thấy rải rác ở các khu vực nhiệt đới nhưng tập trung nhiều nhất ở Châu Mỹ.
Vào thế kỷ thứ 13 và 14, có một số loài thuộc chi này đã được sử dụng để làm sợi như A. canthala, A. sisalana,…Các nước thuộc vùng Trung Mỹ và Caribe là những nơi sản xuất nhiều dứa sợi nhất trên thế giới.
Tại nước ta, chi này có khoảng 7 đến 8 loài trong đó loài Dứa Nam Mỹ là loài có nguồn gốc từ Mexico, tuy nhiên không rõ đã được nhập từ khi nào. Dứa Nam Mỹ được trồng chủ yếu để làm hàng rào ở khu vực trung du và ven biển.
Dứa Nam Mỹ có bản chất là một loài ưa sáng, có khả năng chịu được khô hạn do đó có thể trồng cây ở khu vực đất cát ven biển hoặc trên các đồi trọc nhiều sỏi đá. Dứa Nam Mỹ có khả năng tái sinh từ gốc, tuy nhiên, khả năng đẻ nhánh chậm do đó thường trồng bằng cách nuôi cấy mô.
Cây dứa Nam Mỹ bao lâu ra hoa? Những cây được trồng từ nhánh con phải qua 6 đến 7 năm mới bắt đầu có hoa quả. Quả có nhiều hạt nhưng chưa thấy cây con mọc từ hạt.
Đây là một loài cây tương đối có ích, có thể trồng để phủ xanh những khu vực khô cằn hoặc những khu vực chuẩn bị hoang mạc hóa ở Bình Thuận, Ninh Thuận.
1.4 Cách trồng
Cây được trồng làm hàng rào hoặc được trồng làm cảnh ở các khu vực đình chùa. Gần đây, Dứa Nam Mỹ còn được trồng để nhằm mục đích phủ xanh đồi núi trọc.
Cây được trồng bằng nhánh con hoặc bằng nuôi cấy mô tương đối dễ dàng. Cây có thể sống được khi trồng ở mọi loại đất đặc biệt là đất đồi trọc, đất hoang hóa.
Thời điểm trồng là mùa xuân khi có mưa. Dứa Nam Mỹ có khả năng sống khỏe, không cần chế độ chăm sóc đặc biệt, không bị sâu bệnh. Khi trồng chỉ cần đào hố, đặt cây vào hố và cây có thể tự mọc.
2 Thành phần hóa học
Dứa Nam Mỹ là nguồn nguyên liệu quan trọng được sử dụng nhằm mục đích sản xuất sợi dứa có khả năng chịu mặn và hecogenin.
Lá cây có chứa đường khử, chất nhầy, saccharose, Vitamin E.
3 Công dụng của cây dứa Nam Mỹ
Nhân dân sử dụng lá cây phơi khô, thái nhỏ sau đó sắc với nước uống trong trường hợp bị sốt, tiểu tiện khó.
Rễ cây sau khi rửa sạch, đem thái mỏng, phơi hoặc sấy khô, sao vàng, ngâm cùng với rượu 30 độ theo tỷ lệ 100g/l trong vòng 1 tháng. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống khoảng 5 đến 10ml giúp kích thích tiêu hóa, chữa thấp khớp.
Nhựa từ lá hoặc rễ của cây đem giã nát, ngậm nhổ nước dùng trong các trường hợp đau nhức răng.
Có thể dùng lá cây đem giã nát, đắp ngoài trong các trường hợp vết thương lở loét, huyết ứ.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng cây để làm thuốc trừ sán.
Nhân dân Lào và Campuchia sử dụng nhựa lá để làm thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng.
4 Một số câu hỏi thường gặp
4.1 Giá bán cây dứa Nam Mỹ
Giá bán cây dứa Nam Mỹ có thể rơi vào vài trăm nghìn đồng, khoảng 350.000 đến 500.000 đồng/cây.
4.2 Cây dứa Nam Mỹ có độc không?
Dứa Nam Mỹ không chỉ có tác dụng làm cảnh mà còn được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa giun, tiểu tiện khó, vết thương lở loét, nhuận tràng. Tuy nhiên, việc sử dụng cây dứa Nam Mỹ cần cẩn trọng liều lượng, tránh những tác dụng không mong muốn như phản ứng dị ứng, rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra.
4.3 Ý nghĩa phong thủy của cây dứa Nam Mỹ
Trong phong thủy, dứa Nam Mỹ tượng trưng cho những điều tốt đẹp, đem lại may mắn cho gia chủ.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Dứa bà, trang 698-699. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.