Đơn Tướng Quân (Syzygium sp.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Myrtales (Sim)

Họ(familia)

Myrtaceae (Sim)

Chi(genus)

Syzygium

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Syzygium sp.

Đơn Tướng Quân (Syzygium sp.)

Đơn tướng quân thuộc dạng cây to, chiều cao của cây khoảng 10 mét hoặc có khi hơn. Nhân dân thường sử dụng Đơn tướng quân để trị mẩn ngứa, mày đay, dị ứng. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Đơn tướng quân.

1 Giới thiệu về cây Đơn tướng quân

Tên khoa học: Syzygium sp.

Tên gọi khác: Gioi ba lá, Rau chiếc.

Họ thực vật: Sim Myrtaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây Đơn tướng quân
Cây Đơn tướng quân

Đơn tướng quân thuộc dạng cây to, chiều cao khoảng 10 mét hoặc có khi hơn.

Thân và cành của cây Đơn tướng quân thường phân nhánh nhiều, vỏ thân có màu xám, trên bề mặt cũng xuất hiện nhiều các vết sẹo, đây là những vết sẹo do lá rụng tạo thành.

Lá cây to, mọc đối, lá thường mọc vòng gồm 3 lá, đặc biệt mọc rất sít nhau ở phần ngọn cây. Lá gần như không cuống. Phiến lá có chiều dài từ 20 đến 30cm, chiều rộng từ 8 đến 12cm.

Gốc lá có dạng hình tròn, đầu hơi nhọn.

Cụm hoa thường mọc ở những cành cây đã già, hoa của cây có màu đỏ tía.

Đài 4 răng, tràng 4-5 cánh.

Bao phấn có dạng hình thuôn.

Bầu cong nhẹ.

Quả của cây Đơn tướng quân có dạng hình cầu, vẫn còn đài tồn tại. Quả có màu lục nhạt, mỗi quả có 2 hạt.

Mùa hoa rơi vào tháng 4 đến tháng 5, mùa quả rơi vào tháng 6 đến tháng 7.

1.2 Đặc điểm phân bố

Hình ảnh mặt dưới lá
Hình ảnh mặt dưới lá

Trên thế giới, Đơn tướng quân thường tập trung ở các khu vực Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.

Tại nước ta, cây thường tìm thấy mọc tự nhiên tạo các khu vực có vùng núi thấp, độ cao dưới 1000 mét như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương,…

Bên cạnh đó, Đơn tướng quân cũng được dùng để làm thuốc.

Đơn tướng quân thuộc dạng cây gỗ xanh, là loài ưa sáng, thường bắt gặp ở các khu vực rừng ẩm, cây thường mọc dọc theo các khe suối. Tuy nhiên, khi còn nhỏ, cây là loài ưa bóng.

Ra hoa quả nhiều, có khả năng tái sinh tự nhiên tốt.

Tại các vườn thuốc, đã tìm thấy cây Đơn tướng quân 30 năm tuổi, xung quanh gốc cây mẹ có nhiều cây con mọc từ hạt xung quanh.

1.3 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá.

Thời điểm thu hái: Mùa hạ.

Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.

2 Thành phần hóa học

Lá cây có chứa tinh dầu với hàm lượng từ 2-3%.

3 Tác dụng – Công dụng

Mặt trên lá
Mặt trên lá

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn

Khi tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng:

Tác dụng kháng khuẩn không thể hiện ở vỏ thân và rễ của cây Đơn tướng quân.

Lá cây bao gồm lá tươi, lá úa, lá non, lá già, lá sau khi rụng nếu đem chiết bằng cách sắc với nước thì cho thấy tác dụng kháng khuẩn.

Khi đem lá chiết với các loại dung môi khác như dầu động vật, cồn 90 độ, dầu thực vật, ether ethylic, ether dầu hỏa, benzen, aceton, cloroform đề thấy tác dụng kháng khuẩn. Hoạt chất sau khi chiết có độ bền cao trong khoảng pH rộng (từ 2-9).

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, dược liệu này thể hiện tác dụng kháng khuẩn tốt đối với các chủng vi khuẩn Gram dương nhưng lại ít có tác dụng đối với các chủng vi khuẩn Gram âm.

Tác dụng ức chế sốc phản vệ

Động vật thí nghiệm: Chuột lang.

Các bước tiến hành:

  • Tiêm lòng trắng trứng cho chuột.
  • Sau 3 tuần, phun lòng trắng trứng ở nồng độ 5% vào lô chuột thì chuột bắt đầu xuất hiện phản ứng co giật và chết 100%.

Lá đơn tướng quân có tác dụng làm giảm tỷ lệ động vật thí nghiệm bị chết, kéo dài thời gian sống cho chuột sau khi tiếp xúc với yếu tố gây sốc phản vệ.

3.1.2 Ức chế phản ứng quá mẫn trên da

Sử dụng lòng trắng trứng gây miễn dịch cho chuột lang, sau đó tiếp tục cao lông và tiêm dưới da lòng trắng trứng. Lúc này, trên da xuất hiện phản ứng quá mẫn có màu xanh đậm. Những con chuột được sử dụng đơn tướng quân có khả năng ức chế phản ứng quá mẫn, màu xanh lúc này sẽ nhạt hơn.

3.1.3 Chống viêm cấp

Khi tiến hành thử nghiệm gây phù chân chuột bằng cách sử dụng các Dung dịch như dextran, formalin, cao lanh, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng, Đơn tướng quân có tác dụng chống viêm ở mức độ trung bình.

3.1.4 Chống viêm mạn

Dược liệu này khi tiến hành thử nghiệm mô hình gây u hạt thực nghiệm cho thấy tác dụng chống viêm ở mức độ hạn chế.

Công dụng theo Y học cổ truyền

3.1.5 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Hơi chát.

Tác dụng: Tiêu viêm và giải độc.

3.1.6 Công dụng

Đơn tướng quân được sử dụng để chữa mẩn ngứa, nhọt, các trường hợp dị ứng, mày đay với liều dùng được khuyến cáo là 100g lá tươi đem sắc nước uống. Có thể dùng riêng đơn tướng quân hoặc phối hợp với một số vị dược liệu khác như đơn đỏ, châu chấu, Đơn Kim.

Ngoài ra, Đơn tướng quân được sử dụng trong các trường hợp:

  • Viêm bàng quang.
  • Viêm phế quản cấp.
  • Viêm phế quản mạn.

Đơn tướng quân được sử dụng để nấu nước tắm trong các trường hợp ngứa, ghẻ.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Đơn tướng quân

4.1 Chữa mẩn ngứa, mày đay, dị ứng

100g Đơn tướng quân.

100g Tầm phỏng.

Các vị dùng tươi, sắc nước uống và dùng để nấu nước tắm, xông.

4.2 Chữa viêm họng, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mạn

Sử dụng lá cây đem nấu cao đặc, sau đó trộn cùng bột nếp, Mật Ong để tạo viên.

Mỗi ngày uống hoặc ngậm từ 10 đến 20g (ngậm khi viêm họng).

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Đơn tướng quân, trang 822-823, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2024.

Để lại một bình luận