Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Tracheophytes (Thực vật có mạch) Angiosperms (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) |
Ericales (Đỗ quyên) |
Họ(familia) |
Myrsinaceae (Đơn nem) |
Chi(genus) |
Maesa |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Maesa balansae Mez. |
Đơn răng cưa thuộc dạng cây nhỏ, dạng cây bụi, chiều cao mỗi cây khoảng 1 đến 3 mét. Đơn răng cưa thường được dùng làm thuốc chữa mẩn ngứa, mày đay, dị ứng, trị giun kim. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Maesa balansae Mez.
Tên gọi khác: Đơn lộc ớt, Đơn ăn gỏi, Bách nha.
Họ thực vật: Đơn nem Myrsinaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Đơn răng cưa thuộc dạng cây nhỏ, dạng cây bụi, chiều cao mỗi cây khoảng 1 đến 3 mét.
Cành cây có khía cạnh, vỏ ngoài màu nâu nhạt, sau tròn và có màu đen, trên thân có nhiều lỗ bì.
Lá cây mọc so le, chiều dài mỗi lá khoảng 10 đến 15cm, chiều rộng từ 5 đến 8cm, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc dạng hình trứng. Gốc lá tròn, đầu là ngọn, mép lá có khía răng. Mặt trên của lá có màu lục, một số lá có thể pha thêm màu nâu nhạt. Mặt dưới có gân lá nổi rõ.
Cụm hoa mọc ở đầu cành, hoặc ở kẽ lá, cụm hoa mọc ở đầu cành thường dài hơn cụm hoa mọc ở kẽ lá.
Lá bắc nhỏ hẹp, hoa có màu trắng, đài và tràng có 5 phiến tạo thành ống, bầu hình chóp.
Quả gần tròn hoặc có dạng hình trứng, còn đài tồn tại.
Hạt nhiều, có cạnh.
Mùa hoa thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau.
Mùa quả cây đơn răng cưa từ tháng 2 đến tháng 6.
Dưới đây là hình ảnh cây Đơn răng cưa lá rộng:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Maesa Forsk. là một chi lớn, bao gồm nhiều loài cây gỗ nhỏ hoặc cây bụi, phân bố nhiều ở các khu vực nhiệt đới cổ trừ châu Mỹ.
Tại nước ta, chi này có 19 loài, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.
Đơn răng cưa phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào. Tại nước ta, cây thường được bắt gặp ở các tỉnh miền núi hoặc trung du từ khu vực Hà Tĩnh trở ra. Độ cao phân bố rơi vào khoảng 1000 mét.
Đơn răng cưa có bản chất là một loài ưa ẩm, có khả năng chịu bóng nhẹ, thường mọc thành bụi ở những rừng núi đá vôi, gần nguồn nước hoặc ven rừng ẩm. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, quả được chim ăn và phát tán hạt giống đi khắp nơi. Những cây con sẽ mọc từ hạt ưa bóng, sau ưa sáng. Cây có khả năng tái sinh tốt từ gốc cây đã chặt hoặc những đoạn thân cành vùi trong đất.
2 Thành phần hóa học
Lá cây chứa một chất thuộc nhóm quinon.
3 Công dụng của cây đơn răng cưa
3.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Đơn răng cưa có vị hơi đắng, tính mát.
Tác dụng: Thanh nhiệt, chỉ tả, giải độc.
3.2 Công dụng
Cây thường dùng trong các trường hợp mẩn ngứa, mày đay, dị ứng, tiêu chảy, giun kim với liều dùng là 15 đến 30g sắc lấy nước uống.
Có thể dùng lá giã nát đắp trong trường hợp bị bỏng.
Nhân dân sử dụng lá cây ăn với nem, gỏi thịt, gỏi cá nhằm tránh tình trạng bị tiêu chảy.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Đơn răng cưa
4.1 Chữa mày đay, mẩn ngứa, dị ứng
Sử dụng lá non của cây Đơn răng cưa, lấy lá non với lượng khoảng 50-100g sau đó giã nát, thêm nước, gạn lấy nước uống, bã đắp lên chỗ bị ngứa. Có thể kết hợp lấy 15-30g lá khô, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị khác bao gồm 12g đơn đỏ, 12g Cam Thảo đất, 10g Rau Má, 10g Kim Ngân Hoa, 10g Mã Đề, đem sắc nước uống.
4.2 Thuốc tẩy giun kim
50g lá non của cây Đơn răng cưa đem rửa sạch, giã nát.
Thêm đường.
Vắt nước uống vào lúc sáng sớm khi còn đói bụng.
Dùng trong 3 ngày liên tục.
Trường hợp kết hợp với hạt chua ngút thì sử dụng các vị với lượng bằng nhau, tác dụng sẽ tăng lên, ngoài ra còn có thể được cả sán. Cách làm như sau:
- Dược liệu sấy khô, tán thành bột mịn, trộn với mật để làm thành viên, các viên có khối lượng khoảng 1g.
- Người lớn: 10-20 viên.
- Trẻ em: 6-12 viên.
- Uống với nước ấm, vào buổi sáng khi còn đói.
- Dùng trong 3-5 ngày liên tục.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Đơn răng cưa, trang 821-822. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2024.