Độc hoạt được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa lưng gối đau nhức, chân tay tê đau, viêm khí quản mạn tính, đau đầu và đau răng. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Độc hoạt.
1 Giới thiệu về cây Độc hoạt
Độc Hoạt hay còn được gọi là Ngưu vĩ độc hoạt, tên khoa học là Heracleum hemsleyanum Diels, thuộc họ Hoa tán Apiaceae.
Theo cuốn sách Thần nông bản thảo kinh, Độc hoạt được biết đến là dược liệu được lấy từ gốc khô của cây hương độc hoạt hay còn gọi là Đương Quy lông, là thực vật thân cỏ sống lâu năm, còn có tên gọi khác là xuyên độc hoạt, khương hoạt, khương thanh.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo có chiều cao khoảng 40-60cm, sống lâu năm và có mùi thơm đặc trưng. Cây có rễ phát triển mạnh mẽ và thân hình trụ có rãnh màu tím. Lá của cây mọc so le, được xẻ lông chim 3 lần, có cuống dài khoảng từ 3-12cm và bẹ to ôm thân. Các lá chét ở phía dưới có cuống, trong khi các lá chét ở đầu cây không có cuống, có chóp nhọn, mép chia thùy và có răng cưa không đều. Cây có cụm hoa tán kép tại đầu cây, bao gồm 12-36 tán nhỏ có độ dài không đồng đều. Hoa nhỏ có màu trắng hoặc lục nhạt. Quả của cây là bế, dẹt và có rìa màu tím nhạt cùng với mùi thơm đặc trưng. Thời điểm ra hoa của cây là từ tháng 7 đến tháng 9.
Hình ảnh cây Độc Hoạt:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng của Độc hoạt: Rễ – Radix Heraclei Hemsleyani, thường gọi là Độc hoạt.
Mô tả: Rễ cái có hình trụ, trên to hơn phần dưới, đầu dưới phân ra 2-3 nhánh. Chiều dài khoảng 10-30cm. Đầu rễ phình, hình nón ngược và có nhiều vân ngang. Đường kính 1,5 – 3cm. Chất rắn chắc, lúc ẩm thì khá mềm. Mùi thơm đặc biệt.
Chế biến: Thu hoạch rễ vào mùa thu hay mùa xuân, trước khi cây nảy chồi, đem đào lấy rễ, rửa sạch rồi sấy sơ qua, xếp đống khoảng 2-3 ngày cho mềm rồi phơi hoặc sấy đến khô.
Bào chế: Đem dược liệu đã khô sơ chế sạch rồi ủ mềm, thái thành từng phiến mỏng, phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây ưa khí hậu vùng cao. Phân bố: Nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập trồng một số nơi các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
2 Thành phần hóa học
Rễ cây Độc hoạt chứa nhiều loại hợp chất, trong đó có nhiều dẫn xuất coumarin như Osthol, Bergapten, Glabralacton, Psoralen, Xanthotoxin, Isopimpinelin, Coumurayin, Scopoletin, và một số hợp chất khác. Các nhà khoa học đã quan tâm đến cấu trúc của Angelol (Angelol A) và đã xác định được nhiều chất Prenylcoumarin mới, gồm Angelol B – H. Các hợp chất này là các đồng phân lập thể của Angelol A và B, Angelol C và F, Angelol D, G, H. Ngoài ra, cũng đã tìm thấy nhiều dẫn xuất Furo-(2,3-h)-benzopyran-2-on như columbianadin, Columbianetin và Columbianetin acetat. Quả của cây Độc hoạt chứa 9 hợp chất coumarin, bao gồm Osthol, Byakanggelicin, Byakangelicol, Oxypeucedanin, Umbelliferon, Umbeliprenin, Imperatorin, Neobyakangelicol và Sec-O-acetybyakangelicin.
3 Vị thuốc Độc hoạt có tác dụng gì?
Tính vị, tác dụng: Vị cay đắng, tính ấm, quy kinh thận, can, bàng quang, có tác dụng khư phong, định thấp, tán hàn, chỉ thống.
Công dụng: Dùng trị phong hàn thấp tê, lưng gối đau nhức, chân tay tê đau, viêm khí quản mạn tính, đau đầu, đau răng với các đặc tính như: chống viêm, chống oxi hoá, kháng khuẩn và chống ung thư.
Trong cuốn sách Thần Nông Bản Thảo Kinh có viết: Độc hoạt chủ trị các bệnh do phong hàn tà xâm nhập vào cơ thể gây ra, có thể giảm đau nhanh chóng ở vết thương do kim loại ngăn chặn, hiện tượng tắc nghẽn khí huyết, các vết thương nặng. Ngoài ra, độc hoạt còn tham gia trong điều trị chứng khí bôn dồn, động kinh, co giặt; còn có thể trị đau thắt bụng dưới ở phụ nữ, tiểu tiện ra dịch nhầy màu trắng. Dùng lâu dài có thể làm cho cơ thể nhanh nhẹn, hoạt bát, kéo dài tuổi thọ.
Đông y cho rằng, độc hoạt có mùi rất thơm, thích hợp dùng để trừ tà khí do phong hàn, có tác dụng thông mạch, làm cho các khớp xương linh hoạt, giảm đau. Nếu là bệnh do phong hàn xâm nhập vào thận và bệnh động kinh, co giật do phong tà tạo thành, độc hoạt cũng có thể trị được. Trong ứng dụng lâm sàng, độc hoạt có thể dùng trị các bệnh, như: Phong, hàn thấp, tê chân, đau nhức lưng, đau đầu gối nghiêm trọng, giảm đau đầu do trúng phong và các bệnh như phát sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, đau đầu, đau người do tà thấp phong hàn ngoại cảm gây ra.
Bản kinh còn cho rằng, 2 loại dược phẩm độc hoạt và khương hoạt rất khó phân biệt, nên các thầy thuốc thời đó đã sai lầm khi coi khương hoạt là tên gọi khác của độc hoạt. Trong Bản thảo cương mục lại cho rằng, độc hoạt và khương hoạt là 2 tên của một loại cây nhưng cùng họ, cây mọc ở Tây Khương thì gọi là khương hoạt, mọc ở vùng khác lại gọi là độc hoạt. Về mặt tác dụng, khương hoạt có vị cay tính ôn, tính phát tán rất mạnh, có tác dụng ngăn chặn các chất độc và hàn tà lan khắp cơ thể. Do vậy, khương hoạt thiên về chữa các bệnh như đau đầu, đau nhức toàn thân do phong hàn và bệnh phong thấp ở các bộ phận bên trên của cơ thể người. Trong khi đó, khả năng giảm đau, xoa dịu của độc hoạt thiên về trị phong tà khí tiềm ẩn trong cơ thể, còn có thể trị phong thấp. VÌ vậy, thường dùng trong điều tị các bệnh phong thấp ở các bộ phận bên dưới của cơ thể như thắt lưng, đầu gối, gân cốt, còn có thể trị bệnh đau đầu do trúng phong.
Liều dùng: 3g – 9g mỗi ngày ở dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Lưu ý: Với tên Độc hoạt, ở Trung Quốc, người ta dùng nhiều loài thuộc các chi khác nhau:
- Angelica pubescens Maxim. form. biserrata Shan et Yuan, tức cây Trùng xỉ mao đương quy.
- Angelica pubescens Maxim. tức cây Mao đương quy.
- Heracleum lanatum Michx., tức cây Nhuyến mao độc hoạt.
- Aralia cordata Thunb., tức cây Thực dụng thông mộc.
4 Bài thuốc chứa dược liệu Độc hoạt
4.1 Bài thuốc Độc hoạt thang
Bài “Độc hoạt thang” bao gồm 12 vị thảo dược với khối lượng khác nhau. Các vị này bao gồm Độc hoạt 5g, Đương quy 3g, Phòng Phong 3g, Phục Linh 3g, Bạch Thược 3g, Hoàng Kỳ 3g, Cát Căn 3g, Nhân Sâm 2g, Cam Thảo 1g, Can khương 1g, Phụ Tử 1g và Đậu đen 5g. Thang thuốc này được sử dụng trong một ngày.
4.2 Bài thuốc Độc hoạt ký sinh thang
Bài “Độc hoạt ký sinh thang” gồm 15 vị thảo dược với khối lượng khác nhau. Các vị này bao gồm Độc hoạt 12g, Tang Ký Sinh 12g, Cam thảo 6g, Tần Giao 10g, Tế Tân 6g, Phòng phong 12g, Tục Đoạn 12g, Đương quy 12g, Quế chi 8g, Ngưu Tất 12g, Xuyên Khung 8g, Thục Địa 12g, Bạch thược 12g, Đảng Sâm 12g và Ý dĩ hoặc Phục linh 12g. Thang thuốc này được chia thành ba phần uống trong ba ngày.
4.3 Bài thuốc Cao thấp khớp II
Bài “Cao thấp khớp II” bao gồm 12 vị thảo dược, mỗi vị có khối lượng từ 4 đến 6g. Các vị này bao gồm Độc hoạt, Dây Đau Xương, Thiên niên kiện, Phòng kỷ, rễ Bưởi bung chân chim, Tầm xoong, Cỏ xước, Kê Huyết Đằng, Xấu hổ, Quế chi, Núc Nác. Thang thuốc này có thể được sắc hoặc nấu cao thêm đường trước khi uống. Bài thuốc này đã được sử dụng trong y học cổ truyền Việt Nam trong một thời gian dài tại Viện Y học cổ truyền Việt Nam.
Đây là 3 bài thuốc cổ truyền chữa trị nhằm giảm đau thấp khớp, đau lưng, đau mình và các khớp đau nhức.
4.4 Trúng phong, cấm khẩu, răng cắn chặt, cứng đờ
Sử dụng bài thuốc bao gồm Độc hoạt 20g, Xuyên khung 10g và Xương bồ 10g. Hòa tan và sắc uống.
4.5 Giảm các triệu chứng như cảm phong hàn, đau đầu, đau mình
Sử dụng bài thuốc gồm Độc hoạt 8g, Ma Hoàng 4g, Xuyên khung 4g, Cam thảo 4g và Sinh khương 3 lát. Hòa tan và sắc uống. Nếu gặp táo bón, có thể bổ sung với đại hoàn bổ gan.
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Độc hoạt trang 90 – 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Độc hoạt trang 1171 – 1172, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 15 tháng 09 năm 2023.
- Tác giả Yi-Chian Wu và Ching-Liang Hsieh (Đăng ngày 25 tháng 08 năm 2011). Pharmacological effects of Radix Angelica Sinensis (Danggui) on cerebral infarction, PubMed. Truy cập ngày 21 tháng 02 năm 2023.