Hoạt chất DL-Methionine là một acid amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được.Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về chất DL-Methionine.
1 Tổng quan
1.1 DL-Methionine là gì?
DL-Methionine là dạng đồng phân lập thể của Methionine
Methionine là loại Amino acid thiết yếu không phân cực. Methionine được mã hóa bởi codon AUG, còn gọi là mã mở đầu, mã hóa cho tín hiệu bắt đầu tổng hợp hợp protein trên mARN.
1.2 Đặc điểm hoạt chất DL-Methionine
CTCT: HO2CCH(NH2)CH2CH2SCH3
DL-Methionine là một chất trung gian trong sinh tổng hợp của cysteine, Carnitine, Taurine, lecithin, phosphatidylcholine, và các Phospholipid khác. Sự sai sót trong chuyển hóa methionine có thể dẫn tới xơ vữa động mạch.
Quá trình sinh tổng hợp Methionine:
2 Tác dụng dược lý
2.1 Dược lực học
D,L-methionine có tác dụng gì? DL-Methionine là một acid amin thiết yếu trong chế độ ăn và các thực phẩm bổ sung.
Methionin tăng cường tổng hợp glutathion và được sử dụng thay thế cho Acetylcystein để điều trị ngộ độc paracetamol, đề phòng tổn thương gan. Tuy nhiên, để điều trị ngộ độc paracetamol, acetylcystein được ưu tiên sử dụng hơn.
Methionin làm giảm pH nước tiểu, tác dụng này được ứng dụng trong hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiết niệu mạn tính và vôi hóa thận. Methionin được chuyển hóa thành homocysteine. Do đó methionine liều cao đường uống được dùng làm liều nạp trong đánh giá tình trạng tăng homocystein huyết.
2.2 Dược động học
DL-Methionine được cơ thể con người hấp thu tốt qua Đường tiêu hóa. Chất này chuyển hóa tại gan thành S-adenosylmethionine, sau đó thành homocysteine. Homocystein được gắn trở lại nhóm methyl thành methionin hoặc tạo thành taurin và Cystein (một tiền chất của Glutathione). Thời gian bán thải của thuốc ngắn, khoảng 1-1,5 giờ, và thuốc được bài tiết chủ yếu qua thận dưới dạng Sulfat vô cơ.
3 Chỉ định – Chống chỉ định
3.1 Chỉ định
Bổ sung dinh dưỡng đối với người có nhu cầu.
Điều trị quá liều Paracetamol khi không có Acetylcystein.
Hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính, vôi hóa thận.
3.2 Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc DL-Methionine với các trường hợp sau:
- Người bệnh bị nhiễm toan, tăng acid uric huyết, tăng acid uric hiệu. Sỏi thận có chứa acid uric hoặc cystin.
- Rối loạn chuyển hóa: tăng oxalat, homocystin niệu, tăng methionin huyết.
- Dị ứng với Methionine.
4 Ứng dụng trong lâm sàng
DL-Methionine thường có mặt trong thành phần của các dịch dinh dưỡng truyền tĩnh mạch, sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không ăn được qua đường miệng.
Người ta đang nghiên cứu việc cắt giảm DL-Methionine có thể làm chậm quá trình phát triển của một số khối u như tế bào ung thư Persister, u thần kinh đệm, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính,…
5 Liều dùng – Cách dùng
5.1 Liều dùng
Đối với liều dùng bổ sung dưỡng chất, có thể dùng các chế phẩm đã chia liều sẵn, đều đặn hàng ngày.
Đối với giải độc Paracetamol, dùng liều như sau:
- Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi: ban đầu 2,5 g, tiếp theo thêm ba lần, mỗi lần 2,5 g cách nhau 4 giờ.
- Trẻ em dưới 6 tuổi: ban đầu 1 g, tiếp theo thêm ba lần, mỗi lần 1 g cách nhau 4 giờ.
5.2 Cách dùng
Uống DL-Methionine trong bữa ăn.
Trong điều trị ngộ độc Paracetamol cần uống càng sớm càng tốt, nếu quá 12 giờ thì không sử dụng Methionine nữa mà chuyển sang biện pháp khác.
==>> Xem thêm về hoạt chất: Ademetionine/ S-adenosyl-L-methionine
6 Tác dụng không mong muốn
DL-Methionine tuy là một acid amin thiết yếu cho cơ thể nhưng vẫn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn sau:
Buồn nôn, nôn, ngủ gà, dễ bị kích thích. Toan hóa máu và nước tiểu.
Nếu gặp những tác dụng không mong muốn này, tùy vào mức độ nghiêm trọng mà bạn cần giảm liều hoặc ngưng thuốc.
7 Tương tác thuốc
Lưu ý tránh sử dụng DL-Methionine chung với các thuốc sau vì có thể gây ra các tương tác bất lợi cho người dùng:
Thuốc | Tương tác bất lợi |
Than hoạt tính | Than hoạt tính có thể hấp phụ và làm giảm tác dụng của DL-Methionine trên đường uống. |
Levodopa | giảm tác dụng chống Parkinson của Levodopa. Cần tránh dùng DL-Methionine liều cao ở người bệnh đang được điều trị bằng levodopa |
Thuốc kháng sinh / các thuốc có bản chất acid yếu | DL-Methionine làm acid hóa nước tiểu nên có thể làm tăng nồng độ của các thuốc được tái hấp thu trong môi trường nước tiểu acid tại ống thận |
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Adapalene: Thuốc điều trị trứng cá tại chỗ – Dược thư Quốc Gia 2022
8 Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng DL-Methionine trên các đối tượng sau: người có tổn thương gan nặng, có thể thúc đẩy gây bệnh não gan.
9 Các câu hỏi thường gặp
9.1 Có nên sử dụng DL-Methionine cho trẻ em không?
Trẻ em có thể dùng DL-Methionine tuy nhiên liều lượng sẽ thấp hơn người lớn và liều dùng cũng sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng với nhu cầu dinh dưỡng khác nhau.
9.2 Phụ nữ có thai và cho con bú có dùng được DL-Methionine không?
Chưa có dữ liệu về tính an toàn/ hiệu quả của DL-Methionine khi sử dụng cho các đối tượng này. Nên thận trọng khi sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
9.3 Nguồn dinh dưỡng cung cấp Methionine
DL-Methionine có mặt trong nhiều thực phẩm hàng ngày của con người, dưới đây là hàm lượng Methionine có trong những thực phẩm đó:
Loại thức ăn | g/100g | Loại thức ăn | g/100g |
Lòng trắng trứng gà sấy khô | 3.204 | Toàn bộ trứng sấy khô | 1.477 |
Cá đóng hộp | 0.755 | Thịt gà, rán hoặc nướng | 0.801 |
Thịt bò sấy khô | 0.749 | Thịt lợn thô | 0.564 |
Mầm lúa mì | 0.456 | Yến mạch | 0.312 |
Đậu phộng | 0.309 | Bắp vàng | 0.197 |
Hạnh nhân | 0.151 | Gạo đã được nấu thành cơm | 0.052 |
10 Các dạng bào chế phổ biến
DL-Methionine được bào chế dưới nhiều dạng như dạng bột, dạng viên, Dung dịch tiêm truyền,…
Một số chế phẩm chứa DL-Methionine có tiếng trên thị trường như là: thuốc uống Hightamine, dịch truyền Aminosteril N-Hepa 8% 250ml, thuốc bổ não Bvinko,…
11 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Alan Cunningham, Ayşegül Erdem, Islam Alshamleh, Marjan Geugien, Maurien Pruis, Diego Antonio Pereira-Martins, và các cộng sự (Ngày đăng 10 tháng 11 năm 2022). Dietary methionine starvation impairs acute myeloid leukemia progression, Pubmed. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.
- Tác giả Pavan S Upadhyayula và các cộng sự (Ngày đăng 2 tháng 3 năm 2023). Dietary restriction of cysteine and methionine sensitizes gliomas to ferroptosis and induces alterations in energetic metabolism, Pubmed. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.