Dinoproston

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

DINOPROSTON 

Tên chung quốc tế: Dinoprostone. 

Mã ATC: G02AD02. 

Loại thuốc: Tác nhân gây sảy thai, prostaglandin, gây co cơ trơn. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Gel: 0,5 mg/3 g, 1 mg/3 g, 2 mg/3 g. 

Viên đặt âm đạo: 10 mg, 20 mg. 

Viên nén uống: 0,5 mg. 

Dung dịch tiêm: 10 mg/ml. 

2 Dược lực học 

Dinoproston là một tên gọi khác của prostaglandin E2 một chất nội sinh trong cơ thể. Kích thích cơ trơn tử cung và Đường tiêu hóa với cơ chế chưa được biết rõ, có thể do sự điều hòa vận chuyển calci qua màng tế bào và nồng độ AMPv trong tế bào, từ đó tạo ra co thắt tử cung tương tự như khi đau đẻ. Dinoproston làm tăng tần suất và biên độ của các cơn co tử cung trong quá trình mang thai, đáp ứng của tử cung với dinoproston tăng lên khi tăng tuổi thai. Cơn co tử cung do dinoproston thường đủ để đẩy cả thai và nhau thai ra. Tuy nhiên, việc gây sảy thai có thể không thành công ở 30 – 40% bệnh nhân. 

Dinoproston còn gây ra các đáp ứng tại chỗ trong tử cung như làm chín tử cung, với cơ chế chưa sáng tỏ. Giả thuyết được đưa ra là dinoproston dùng tại chỗ làm tăng tiết collagenase, làm phân giải Collagen. 

Dinoproston gây kích thích cơ trơn vòng đường tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột. 

3 Dược động học 

Chưa có đầy đủ thông tin về dược động học cho tất cả các dạng bào chế 

3.1 Hấp thu

Sau khi đặt âm đạo, phần lớn thuốc hấp thu chậm vào máu, một phần nhỏ hấp thu trực tiếp vào thành tử cung. Nồng độ thuốc trong huyết tương không liên quan đến tác dụng trên tử cung. Trong 3 tháng đầu và giữa của thai kỳ, co thắt tử cung nhẹ bắt đầu 10 phút và kéo dài 2 – 3 giờ sau khi đặt thuốc. Gel được hấp thu nhanh và nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 30 – 45 phút. 

3.2 Phân bố

Thuốc phân bố rộng rãi trong cơ thể sau khi vào máu. 

3.3 Chuyển hóa

Thuốc nhanh chóng được chuyển hóa ở gan, phổi, thận, lách và các mô khác, chủ yếu do oxy hóa chuỗi bên để tạo ra ít nhất 9 sản phẩm không có hoạt tính. 

3.4 Thải trừ

Thuốc thải trừ chủ yếu vào nước tiểu và một lượng nhỏ vào phân. Với đường tiêm, nửa đời thải trừ là dưới 1 phút và nửa đời thải trừ của các sản phẩm chuyển hóa là dưới 10 phút. Không có thông tin về thải trừ thuốc khi dùng bằng các đường dùng khác ngoài đường tiêm. 

Chưa có đầy đủ thông tin về dược động học khi dùng trên trẻ em. 

4 Chỉ định 

Chấm dứt thai kỳ. 

Kích thích chín muồi cổ tử cung. 

Chỉ định của Dinoproston
Chỉ định của Dinoproston

5 Chống chỉ định 

Bệnh tim cấp, bệnh phổi cấp, không dùng với đường ngoài màng ối trong trường hợp viêm âm đạo hoặc viêm cổ tử cung; ngôi thai bất thường, mẹ đã qua nhiều lần sinh nở, tiền sử mổ đẻ, tiền sử khó chuyển dạ hoặc chấn thương khi chuyển dạ, tiền sử phẫu thuật lớn ở tử cung, bất thường chậu hông, đa thai, nhau tiền đạo hoặc chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân khi có thai, vỡ màng ối, nhiễm khuẩn chậu hông chưa điều trị. 

6 Thận trọng 

Chỉ dùng khi bác sĩ được huấn luyện đầy đủ, ở cơ sở điều trị có đầy đủ các phương tiện chăm sóc và phẫu thuật cần thiết. Bệnh nhân cần được tư vấn kỹ về lợi ích và rủi ro khi chấm dứt thai kỳ bằng dinoproston. Cần thăm khám lâm sàng và hỏi tiền sử trước khi dùng thuốc. 

Bệnh nhân bị rách cổ tử cung dẫn đến làm chậm sự phát triển nhau thai và xuất huyết nghiêm trọng có thể phải truyền máu. Có thể giảm nguy cơ này nếu không dùng thuốc cho bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật cổ tử cung, xơ hóa tử cung, hẹp cổ tử cung. Do chấn thương cổ tử cung có thể không kèm theo dấu hiệu nào, cần thăm khám kỹ bệnh nhân sau khi kết thúc việc chấm dứt thai kỳ để phát hiện các tổn thương nếu có. 

Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có viêm cổ tử cung, tổn thương bên trong cổ tử cung do viêm âm đạo cấp, tử cung sẹo; hen hoặc tiền sử hen; tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp; co giật; đái tháo đường; glôcôm; tăng áp lực nội nhãn; thiếu máu; vàng da; bệnh tim mạch; thận hoặc gan. 

Nếu thất bại với dinoproston, cần dùng 1 biện pháp thay thế. 

Khi dùng thuốc bên trong tử cung hoặc âm đạo, cần theo dõi chặt chẽ hoạt động tử cung, tình trạng thai, tình trạng cổ tử cung để phát hiện các biến chứng có thể xảy ra như tăng trương lực, co thắt tử cung kéo dài, tác động tới thai nhi. 

Phụ nữ có tiền sử tăng trương lực cơ tử cung, co thắt tử cung, cần theo dõi chặt chẽ cả hoạt động tử cung và tình trạng thai. 

7 Thời kỳ mang thai 

Dạng dung dịch tiêm 10 mg/ml được dùng để chấm dứt thai kỳ, khi sảy thai hoặc dị tật thai. Đã có một vài bằng chứng trên động vật về tác dụng gây quái thai, do đó, nếu việc chấm dứt thai kỳ không thành công hoặc nghi ngờ không thành công, cần có các biện pháp điều trị phù hợp để cho thai ra hoàn toàn. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Prostaglandin tiết ra sữa mẹ. Chưa có bằng chứng về tác hại khi dùng cho phụ nữ đang cho con bú. 

Tác dụng không mong muốn thường gặp của Dinoproston
Tác dụng không mong muốn thường gặp của Dinoproston

9 (ADR) 

Tần suất và mức độ nghiêm trọng của ADR tùy theo đường dùng và liều dùng. Đường tĩnh mạch có tần suất ADR cao nhất. 

9.1 Thường gặp 

Nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng. 

9.2 Ít gặp 

Đau lưng, ban đỏ, các triệu chứng rối loạn tim mạch thoáng qua (đỏ mặt, run, đau đầu, chóng mặt, hạ huyết áp). 

9.3 Hiếm gặp 

Nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, co giật, co thắt phế quản. 

Khó chịu tại chỗ, ban đỏ, sốt, tăng bạch cầu có thể xuất hiện khi dùng đường tĩnh mạch nhưng biến mất khi ngưng thuốc. 

Sốt nhẹ, tăng bạch cầu cũng có thể xuất hiện khi dùng đường âm đạo. 

Nhiễm khuẩn tại chỗ có thể xuất hiện khi dùng trong hoặc ngoài màng ối. 

Chảy máu âm đạo và đau tử cung có thể xảy ra. 

Đã có báo cáo về vỡ tử cung khi dùng dẫn xuất prostaglandin để chấm dứt thai kỳ. 

Rối loạn thai nhi, thai chết hiếm gặp. 

Có báo cáo về hội chứng phản vệ ở phụ nữ dùng dinoproston. 

Đông máu nội mạch rải rác cũng đã được báo cáo. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Chấm dứt thai kỳ

Áp dụng trong các trường hợp chấm dứt thai kỳ trong khoảng 12 – 20 tuần thai; sảy thai hoặc thai chết lưu tới 28 tuần; sảy thai trứng.

Dùng viên đặt 20 mg đặt vào âm đạo, nhắc lại sau 3 – 5 giờ cho đến khi tống thai ra ngoài. Không nên dùng kéo dài quá 2 ngày. 

10.2 Kích thích chín muồi cổ tử cung

Gel bôi trong tử cung: Dùng cathete cho khoảng 0,5 mg vào cổ tử cung, có thể nhắc lại sau 6 giờ nếu cần. Liều tối đa: 1,5 mg/24 giờ. 

Viên nén:

  • Dùng để thúc đẻ (khi có vỡ màng ối sớm, tiền sản giật, không tương hợp yếu tố Rh, đái tháo đường, tăng huyết áp, thai già tháng, thai chết lưu).

  • Khởi đầu 0,5 mg, sau 1 giờ nhắc lại 0,5 mg. Nếu cần có thể lặp lại sau mỗi giờ cho đến khi đạt đáp ứng mong muốn. Duy trì liều thấp nhất có thể.

  • Nếu sau 8 giờ không đạt đáp ứng, cần xem xét biện pháp thay thế. Nếu bệnh nhân nôn ra nguyên viên thuốc, cần dùng lại 1 liều. Nếu bệnh nhân nôn ra nguyên viên thuốc sau 2 liều liên tiếp, ngừng điều trị cho đến liều tiếp theo. Nếu bệnh nhân nôn ra 1 phần viên thuốc hoặc không nhìn thấy viên, tiếp tục liệu trình đã được kê toa.

  • Nếu điểm Bishop ≥ 6: Dùng 0,5 mg mỗi giờ cho đến khi đạt đáp ứng mong muốn.

  • Nếu không đạt đáp ứng sau 2 giờ điều trị (điểm Bishop < 6), có thể tăng liều thêm 0,5 mg/giờ cho tới khi đạt liều tối đa là 1,5 mg/giờ.

  • Liều duy trì: 0,5 mg/giờ. 

Gel âm đạo: Dùng xi lanh đóng sẵn, bơm 1 mg, nếu cần có thể thêm 1 – 2 mg sau 6 giờ. 

Viên đặt âm đạo: 10 mg. 

Dung dịch tiêm:

  • Dùng để kết thúc thai kỳ khi thai chết lưu hoặc chửa trứng.

  • Dùng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch pha trong nước muối sinh lý hoặc dextrose 5% chứa 0,5 microgam/ml. Tốc độ truyền ban đầu (dùng bơm điện hoặc nhỏ giọt 60 giọt/ml) là 2,5 microgam/phút, duy trì trong ít nhất 30 phút đầu. Nếu đạt được hiệu quả co bóp tử cung cần thiết thì tiếp tục duy trì liều trên, nếu không, có thể tăng lên 5 microgam/phút.

  • Nếu sau ít nhất 4 giờ truyền thuốc với tốc độ trên mà vẫn không đạt hiệu quả mong muốn, có thể tăng lên 10 microgam/phút cho đến khi thai được tống ra hoặc đến khi xác định là thất bại với liệu trình này.

  • Nếu xảy ra tác dụng phụ đáng kể, tốc độ truyền cần giảm xuống 50% hoặc ngưng thuốc. Nếu dùng bơm điện, có thể cần nồng độ thuốc khác (ví dụ: 15 microgam/ml), tùy theo loại bơm nhưng nên duy trì tốc độ truyền khuyến cáo như trên (tính theo microgam/ml).

  • Khi có những dấu hiệu cơn gò tăng trương lực tử cung có thể cần ngừng điều trị cho đến khi trở lại bình thường.

  • Nếu cần, có thể dùng thuốc trở lại với liều bằng 1/2 liều trước đó.

  • Trong mọi trường hợp, cần điều chỉnh liều dựa trên đáp ứng của bệnh nhân. Không khuyến cáo dùng thuốc trong vòng trên 2 ngày. 

11 Tương tác thuốc 

Thuốc làm tăng tác dụng của oxytocin ở tử cung. Về lý thuyết, có nguy cơ các chất ức chế prostaglandin synthase như Aspirin, NSAID làm thay đổi tác dụng của dinoproston. 

12 Quá liều và xử trí 

Ngừng thuốc và có các biện pháp điều trị triệu chứng thích hợp. 

Cập nhật lần cuối: 2017

Để lại một bình luận