Dimethylol – Dimethyl Hydantoin được biết đến vai trò như một chất bảo quản, thường có trong mỹ phẩm và dược phẩm. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết hơn về loại tá dược này.
1 Giới thiệu chung về Dimethylol – Dimethyl Hydantoin
1.1 Dimethylol – Dimethyl Hydantoin là gì?
Dimethylol – Dimethyl Hydantoin là một hợp chất hữu cơ thuộc nhóm hợp chất được gọi là hydantoin. Chất này thường được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và được tìm thấy trong các sản phẩm như dầu gội , dầu xả , gel vuốt tóc và các sản phẩm chăm sóc da. Và nó có thể sử dụng để thay thế Parabens.
1.2 Tên gọi
Tên theo IUPAC: 1,3-Bis(hydroxymethyl)-5,5-đimetyl imidazolidine-2,4-dione
Tên gọi khác: 1,2-Dimethylol-5,6-dimethylhydantoin; 2,4-Imidazolidinedione,; 1,3,5,5-tetramethyl-; 1,3,5,5-tetramethyl imidazolidine-2,4-dione; 1,3,5,5-Tetramethyl-2,4-imidazolidinedione.
1.3 Công thức hóa học
CTCT: C7H12N2O2
Dimethylol – Dimethyl Hydantoin là một este axit béo thu được bằng cách ngưng tụ chính thức nhóm carboxy của axit palmitic với propan-2-ol.
2 Tính chất của Dimethylol – Dimethyl Hydantoin
2.1 Tính chất vật lý
Trạng thái: chất rắn, không màu
Trọng lượng phân tử: ~156 g/mol
Độ hòa tan: tan trong nước.
2.2 Tính chất hóa học
Dimethylol – Dimethyl Hydantoin từ từ giải phóng formaldehyde và hoạt động như một chất bảo quản bằng cách làm cho môi trường trở nên kém thuận lợi hơn đối với vi sinh vật .
3 Ứng dụng của Dimethylol – Dimethyl Hydantoin
3.1 Ứng dụng trong mỹ phẩm
DMDM trong mỹ phẩm thường gặp nhất ở các loại dầu gội, dầu xả, sản phẩm chăm sóc da.
DMDM Hydantoin có khả năng diệt nấm mốc, nấm men, vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương, ngăn ngừa sự tăng trưởng của chúng mà không làm thay đổi đặc tính của sản phẩm. DMDM Hydantoin cũng không gây bất kỳ dị ứng gì cho da vì thế nó được xem là chất bảo quản mỹ phẩm quan trọng. Vì vậy, chất này được xem là một lựa chọn thay thế lý tưởng cho Paraben.
DMDM Hydantoin còn có tác dụng cân bằng và ổn định các thành phần hợp chất khác trong mỹ phẩm với nồng độ thấp (0,1-0,6%).
Một số sản phẩm thường hay chứa DMDM Hydantoin là:
- Dầu gội
- Dầu xả
- Sản phẩm tạo kiểu tóc
- Kem chống nắng
- Kem dưỡng ẩm
- Kem nền
3.2 Ứng dụng trong y học
DMDM Hydantoin có ứng dụng trong sản xuất một số thuốc chống co giật, thuốc điều trị bệnh động kinh và một số các bệnh lý liên quan đến thần kinh trung ương.
Chất này còn được sử dụng trong sản xuất tổng hợp các axit amin nhờ vào hàng loạt các hoạt tính như sự halogen hóa hoặc sự oxy hóa ADN.
Xem thêm: Benzophenone – Hoạt chất được ứng dụng rộng rãi trong y tế
4 Độ an toàn
DMDM Hydantoin có hại không? Dimethylol – Dimethyl Hydantoin có thể giải phóng Formaldehyde, điều này dấy lên lo ngại về tính an toàn của các sản phẩm chứa chất này. Ai cũng biết Formaldehyde có nhiều tác hại, việc tiếp xúc lâu dài (đặc biệt là hít phải khói của nó thường xuyên) được cho là gây kích ứng mắt và màng nhầy, nhức đầu, khó thở và làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn. Formaldehyde được tuyên bố là “sản phẩm độc hại” theo Đạo luật Bảo vệ Môi trường Canada năm 1999, và Chương trình Chất độc Quốc gia Hoa Kỳ đã chính thức phân loại formaldehyde là “chất gây ung thư ở người vào tháng 6 năm 2011.
Tuy nhiên, với nồng độ 0,1-0,6% thường thấy ở các sản phẩm trên thị trường thì Dimethylol – Dimethyl Hydantoin được coi là an toàn. DMDM Hydantoin được hấp thụ kém qua da và không có bằng chứng về sự tích lũy DMDM hydantoin (hoặc các sản phẩm chuyển hóa của nó) trong cơ thể. DMDM Hydantoin và các chất chuyển hóa của nó được bài tiết ra ngoài chủ yếu qua nước tiểu. Đã có các nghiên cứu xác định tính an toàn của chất này:
- Trong một thử nghiệm tại Thái Lan về khả năng gây viêm da dị ứng của Formaldehyde và các chất giải phóng Formaldehyde, người ta đã ghi nhận kết quả rằng: Xu hướng dị ứng tiếp xúc với formaldehyde và FR đang giảm dần. Tỷ lệ chung của dị ứng tiếp xúc với formaldehyde là 2,5%. FR phổ biến nhất gây dị ứng tiếp xúc là quaternium-15. Formaldehyde và FR được xác định là thành phần trong 10,2% sản phẩm được khảo sát. Dimethylol dimethyl hydantoin là FR phổ biến nhất (5,2%). Việc sử dụng formaldehyde và FRs nhiều nhất (15,5%) là trong các sản phẩm chăm sóc tóc.
- Một thử nghiệm khác tại Bắc Mỹ về vấn đề viêm da tiếp xúc do Formaldehyde đã thử nghiệm trên imidazolidinyl Urea (IU), diazolidinyl urea (DU) và dimethylol dimethyl hydantoin (DM) – đây đều là các chất giải phóng Formaldehyde. Thử nghiệm đã đưa ra kết quả rằng: Hầu hết bệnh nhân dị ứng với ba chất bảo quản này cũng dị ứng với formaldehyde, nhưng hầu hết bệnh nhân dị ứng với formaldehyde không bị dị ứng với IU, DU hoặc DM.
- Theo nghiên cứu in vitro về khả năng gây kích ứng mắt BCOP (Bovine Corneal Opacity and Permeability Assay- Chỉ Xác định được thuộc tính kích ứng hoặc ăn mòn nghiêm trọng) thì thấy trong điều kiện của nghiên cứu này, DMDM hydantoin không gây kích ứng hoặc ăn mòn nghiêm trọng cho mắt.
- DMDM Hydantoin cũng đã được chứng minh không gây độc tới thần kinh, không gây quái thai, dị tật thai nhi.
Như vậy có thể thấy rằng, nếu nồng độ DMDM Hydantoin trong chế phẩm vượt quá ngưỡng an toàn và được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần thì chất này có thể gây ra tình trạng viêm da dị ứng. Tuy nhiên, tỷ lệ gây viêm da, dị ứng của chất này vẫn thấp hơn so với Formaldehyde.
Xem thêm tá dược: Carboxymethyl Cellulose – Tá dược, hoạt chất trong nhiều loại dược phẩm
5 Chế phẩm
Dưới đây là một số hình ảnh về các chế phẩm có chứa Dimethylol – Dimethyl Hydantoin:
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Waranya Boonchai, Chutipon Pruksaeakanan, Supisara Wongdama, Monthathip Bunyavaree, Titinun Kumpangsin, Chayada Chaiyabutr (Ngày đăng tháng 1 năm 2023). Trends in formaldehyde and formaldehyde-releaser contact allergies as compared with market exposure in Thailand, Pubmed. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
- Chuyên gia PubChem. 1,3-Dimethyl-5,5-dimethylhydantoin | C7H12N2O2 | CID 61794, PubChem. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
- Tác giả Robert L Rietschel 1, Erin M Warshaw, Denis Sasseville, Joseph F Fowler Jr, Vincent A DeLeo, Donald V Belsito, James S Taylor, Frances J Storrs, và các cộng sự (Ngày đăng tháng 9 năm 2007). Sensitivity of petrolatum and aqueous vehicles for detecting allergy to imidazolidinylurea, diazolidinylurea, and DMDM hydantoin: a retrospective analysis from the North American Contact Dermatitis Group, Pubmed. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.