Diếp cá được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị viêm loét, nóng trong, nhiễm độc. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Diếp cá.
1 Giới thiệu về cây Diếp cá
Diếp Cá còn có tên gọi khác là Rau diếp cá, Rau giấp, Cây lá giấp, Ngư tinh thảo, mọc rải rác hoặc thành đám nhỏ ở ven rừng, bờ ruộng, ven đường, nơi ẩm, ở độ cao từ thấp đến trên 1500m.
Tên khoa học của Diếp cá là Houttuynia cordata Thunb., thuộc họ Lá giấp (Saururaceae).
Tên vị thuốc Diếp cá theo Dược điển Việt Nam 5 là Herba Houttuyniae cordatae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo, sống lâu năm, cao 15-50cm; thân màu lục hoặc tím đỏ, ngắn, mọc bò ngang trên mặt đất, hơi có lông, bén rễ ở các mấu. Lá mọc so le, hình tim, đầu nhọn, mặt trên lục sẫm, mặt dưới tím, hơi có lông dọc theo gân lá ở cả hai mặt, gân chính 7, cuống lá dài, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá; gân lá gồm 2 cặp gân vòng cung rõ; lá kèm có lông ở mép.
Cụm hoa hình bông dài 2-2,5cm, bao bởi 4 lá bắc màu trắng, mọc ở ngọn thân, trong chứa nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt; hoa trần, lưỡng tính; nhị 3. Quả nang mở ở đỉnh, hạt hình trái xoan, nhẵn.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây, thường gọi là Ngư tinh thảo.
Thu hái cành lá quanh năm, thường dùng tươi, có thể phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây mọc hoang và được trồng ở khắp mọi nơi. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, vùng Himalaya, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin.
2 Thành phần hóa học
Một số lượng lớn các thành phần thực vật đã được xác định và phân lập từ Diếp cá như alkaloid, flavonoid, aristolactam, amit, benzenoid, steroid, 5,4-dioxoaporphin, oxoaporphin và các loại dầu dễ bay hơi khác nhau, trong đó alkaloid là hợp chất phong phú nhất. Nghiên cứu cho thấy β-myrcene, cis-ocimene và decanal là những thành phần chiếm ưu thế trong chiết xuất lá (71,0%) và thân trên không (50,1%) và monoterpen (74,6%) chiếm ưu thế trong chiết xuất từ thân ngầm. Thành phần nổi bật nhất của Diếp cá là Houttuynamide A, B, M, G-J, Quercitrin, Quercetin và các dẫn xuất của các chất này.
Các Flavonoid khác đã được phân lập bao gồm glycoside, Rutin, hyperin và isoquercitrin. 5 axit béo khác nhau là axit linolenic, linoleic, oleic, palmitic và stearic cùng với cepharanone B, phytol và stigmast-4-ene-3,6-dione đã được phân lập.
Hàm lượng tinh dầu được phân lập từ các bộ phận trên không bao gồm 2-undecanone (19,4–56,3%), myrcene (2,6–44,3%), ethyl decanoate (0,0–10,6%), ethyl dodecanoate (1,1–8,6%), 2-tridecanone (0,5– 8,3%) và decanal (1,1–6,9%). Từ vùng thân ngầm, 2-undecanone (29,5–42,3%), myrcene (14,4–20,8%), sabinene (6,0–11,1%), 2-tridecanone (1,8–10,5%), β-pinene (5,3–10,0% ), và ethyl dodecanoate (0,8–7,3%) là những thành phần chính được phân lập. Thật thú vị, 1-decanal (chất chuyển hóa chiếm ưu thế) là hợp chất chịu trách nhiệm tạo ra mùi ‘tanh’ đặc trưng của cây.
Axit betulinic và axit ursolic là các triterpenoid năm vòng, là một loại hóa chất thực vật chính khác đã được phân lập từ Diếp cá, mặc dù chúng đã được báo cáo là có tác dụng gây độc nhẹ cho người sử dụng. Polysaccharide được chiết xuất từ Diếp cá chủ yếu bao gồm axit galacturonic, galactose, Glucose và xyloza. Axit phenolic cũng được phân lập từ công thức Diếp cá lên men, dạng bột, cụ thể là axit gallic, axit protocatechuic, axit p-hydroxybenzoic, axit vanillic, axit caffeic, axit syringic, p-hydroxybenzaldehyd, axit p-coumaric, axit ferulic và axit sinapinic. Một nghiên cứu khác cũng đã phân lập được các hợp chất α-pinene, β-pinene, myrcene cùng với Limonene, terpinen-4-ol, α-terpineol, bornyl acetate và methyl-n-nonylketone.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Hồng xiêm – Trái cây thơm ngọt cũng là vị thuốc tốt cho tiêu hóa
3 Tác dụng – Công dụng của Diếp cá
3.1 Uống rau Diếp cá có tác dụng gì?
3.1.1 Chống virus
Dưới đây là khả năng chống virus của Diếp cá cùng các thành phần được cho là chịu trách nhiệm cho tác dụng tương ứng:
Chống virus SARS-CoV-2: 1 , 2,3,4,5-pentamethoxy-dibenzo-quinolin-7-one, 7-oxodehydroasimilobine và 1,2-dimethoxy-3-hydroxy-5-oxonoraporphine thể hiện ái lực cao với enzyme đích.
Ức chế nhiễm HSV-1, HSV-2 và HSV-1 kháng acyclovir: Houttuynoid A cản trở đáng kể sự nhân lên của HSV-1 và cũng ngăn chặn sự hình thành tổn thương; quercetin và isoquercitrin ức chế hoạt hóa NF-κB và quercetin có thể ngăn chặn sự xâm nhập của virus một cách hiệu quả.
Virus cúm A: Quercitrin ức chế đáng kể nhiễm cúm A/WS/33; glycoside cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót và tuổi thọ của chuột bị nhiễm H1N1.
Chống lại norovirus ở người (HuNoV) gây ra bệnh viêm dạ dày ruột.
Houttuynoid tổng hợp tetra-O-acetylated TK1023 có nguồn gốc từ Diếp cá có tác dụng kháng virus tiềm ẩn đối với virus Zika.
Ngoài ra, các thành phần khác nhau của Diếp cá đã được báo cáo là thể hiện các hoạt động chống virus đáng kể chống lại các chủng virus khác như virus viêm gan chuột, virus sốt xuất huyết, Enterovirus 71 và coxsackievirus A16.
3.1.2 Kháng khuẩn
Chiết xuất từ nước Diếp cá có khả năng chống lại Salmonella typhimurium; Natri houttuyfonate trong chiết xuất chống lại Pseudomonas aeruginosa. Việc kết hợp chiết xuất Diếp cá với các kháng sinh khác làm tăng hiệu quả chống lại S.aureus kháng methicillin, S. cholermidis.
Tinh dầu Diếp cá thể hiện mức độ khác nhau của hoạt động ức chế hiệu quả đối với tất cả các vi khuẩn được thử nghiệm, mà Vùng ức chế (ZOI) đánh giá là Mycobacterium smegmatis (15,0 mm) > Streptococcus mutans (14,0 mm) > S. aureus (ZOI: 13,0 mm) = Enterococcus faecalis (13,0mm).
3.1.3 Chống viêm
Natri houttuyfonate (SH) và 2-undecanone được lấy từ Diếp cá cho thấy hiệu quả chống viêm cao, thông qua việc giảm nồng độ TNF-α, IL-1β và biểu hiện của TLR4, đồng thời tăng cường bài tiết IL-10 trong các tế bào RAW264.7 được kích thích bằng lipopolysacarit (LPS). Các cytokine gây viêm như TNF-α, IL-1β, IL-6 và các enzym liên quan đến viêm như iNOS và COX-2 đã giảm đáng kể ở nhóm được điều trị SH và ức chế biểu hiện p-IκBα và p-p65 trong các mô ruột cũng được nhìn thấy qua Western blot, ngụ ý rằng đặc tính chống viêm của SH hoạt động thông qua việc điều chỉnh đường dẫn tín hiệu NF-κB.
Tác dụng chống viêm đã được nghiên cứu trong các tình trạng viêm phổi khác nhau như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và tổn thương phổi do thở máy (VILI). Việc điều trị SH cải thiện các bất thường về mô của hình thái phổi do COPD gây ra, thâm nhiễm bạch cầu trung tính và tắc nghẽn đường thở cũng như giảm các cytokine tiền viêm, TNF-α và IL-1β. Ngoài ra còn làm suy giảm khả năng học tập không gian và thiếu trí nhớ, đồng thời cải thiện đáng kể tình trạng mất và co rút tế bào thần kinh, có lợi cho bệnh Alzheimer.
3.1.4 Chống tiểu đường
Trên mô hình chuột mắc bệnh đái tháo đường do streptozotocin (STZ) và thức ăn động vật có hàm lượng glucose-lipid cao, người ta đã phát hiện ra rằng houttuynin trong chiết xuất Diếp cá có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh tiểu đường sau điều trị bằng cách tăng mức độ adiponectin (một yếu tố quan trọng đối với độ nhạy insulin) và ngược lại làm giảm mức độ của yếu tố tăng trưởng mô liên kết. Một nghiên cứu trong ống nghiệm với chiết xuất Ethanol, đặc biệt là phần nước của Diếp cá đã được phát hiện là làm tăng đáng kể mức độ hấp thu glucose và thậm chí còn hiệu quả hơn khi so sánh với Insulin. Các đặc tính chống béo phì hoặc tác dụng hạ lipid máu đã được thấy ở các tế bào gan HepG2 ở người được điều trị bằng Diếp cá, dẫn đến ức chế sự tích tụ lipid do glucose cao trong các tế bào này và làm suy giảm tổng hợp axit béo, protein liên kết với yếu tố điều hòa sterol-1.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Cỏ mực – Vị thuốc dùng đắp vết thương và cầm máu hiệu quả
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Diếp cá có tính mát, vị cay chua, mùi tanh, quy vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu thũng, sát trùng, ức chế thần kinh, chống viêm loét. Chủ trị: Phế ung, phế nhiệt, thực nhiệt lỵ, nhiệt lâm, mụn nhọt, trĩ, đau mắt, kinh nguyệt không đều.
Trong đông y, Diếp cá được dùng trong trị táo bón, lòi dom; trẻ em lên sởi, mề đay; viêm vú, viêm mô tế bào, viêm tai giữa; mắt đau nhặm đỏ, nhiễm trùng gây mủ xanh; viêm mủ màng phổi; viêm ruột lỵ; viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm thận phù thũng; rối loạn kinh nguyệt; sốt rét, sài giật trẻ em, đau răng; giãn tĩnh mạch chi dưới; cầm máu.
Liều lượng:
- Dược liệu khô: dùng 15g – 25g mỗi ngày, sắc nhanh.
- Dược liệu tươi: dùng 30g – 50g mỗi ngày, đem sắc hoặc giã rồi vắt nước để uống
- Dùng ngoài để đắp có thể lấy lượng thích hợp, giã nát. Cũng có thể sắc rồi lấy nước để xông, rửa vết thương.
4 Rau Diếp cá trị bệnh gì?
4.1 Trị bệnh phổi, hô hấp
Trị viêm mủ màng phổi: Nguyên liệu: Lá Diếp cá 30g, rễ Cát Cánh 15g. Cách làm: Sắc lấy nước uống.
Hỗ trợ trị ung thư phổi: Nguyên liệu: Diếp cá, Cỏ nhọ nồi, Dương xỉ mộc mỗi vị 18g, hạt Đông quỳ, rễ Thổ Phục Linh mỗi vị 30g, rễ Cam Thảo bắc 5g. Cách làm: Sắc lấy nước uống.
Chữa áp xe phổi: Diếp cá, Bồ Công Anh mỗi vị 40g, Kim ngân 20g, Ý dĩ, Đông qua nhân, Liên kiều mỗi vị 16g, Bông lau, Đào nhân mỗi vị 12g, Cát cánh 6g. Nếu đờm nhiều, thêm Tang bạch bì, Đình lịch tử mỗi vị 12g; ho máu nhiều thêm Chi Tử sao, Đan bì mỗi vị 12g. Sắc uống.
Chữa viêm phổi: Nguyên liệu: Diếp cá, Kim ngân, Lô căn mỗi vị 20g, Thạch cao 40g, Liên kiều 16g, Hạnh nhân, Hoàng Liên, Hoàng Cầm mỗi vị 12g, Ma hoàng 8g, Cam thảo 6g. Nếu khó thở, đờm nhiều, thêm Đình lịch tử, Tang bạch bì mỗi vị 12g. Nếu ho máu, thêm Bạch mao căn 12g. Cách làm: Sắc lấy nước uống.
Chữa viêm xoang nhiễm khuẩn: Diếp cá, Kim ngân hoa, Ké Đầu Ngựa, Hy Thiêm mỗi vị 16g, Mạch Môn 12g, Chi tử 8g; sắc uống. Hoặc Diếp cá 20g, Thạch cao 40g, Kim Ngân Hoa 16g, Tân Di, Hoàng cầm, Sơn chi, Tri mẫu, Mạch môn mỗi vị 12g; nếu sợ lạnh, sốt, đau đầu thì bỏ Hoàng cầm, Mạch môn, thêm Ngưa bàng tử, Bạc Hà mỗi vị 12g; sắc uống.
4.2 Trị trĩ, táo bón
Trị bệnh trĩ đau nhức: Dùng lá Diếp cá rửa sạch, nấu nước xông, ngâm rửa lúc còn nóng, bã đắp vào chỗ đau nhức. Có thể kết hợp Diếp cá uống tươi hoặc sắc lấy nước uống trong 3 tháng. Hoặc lấy muối ăn hòa vào nước, rửa chỗ trĩ rồi lấy lá Diếp cá giã nát và đặt lên lá chuối, ngồi đít lên hoặc đắp vào chỗ trĩ, băng lại, giúp đẩy dom vào.
Trị trĩ ra máu: Nguyên liệu: Diếp cá 2kg, Bạch cập 1kg. Cách làm: Sấy khô tán thành bột, ngày uống 6-12g, chia 2-3 lần.
Chữa trĩ ngoại bội nhiễm hay thể thấp nhiệt: Diếp cá, Kim ngân mỗi vị 16g, Hoàng Đằng, Hoa Hòe, Chi tử sao đen, Kinh Giới mỗi vị 12g, Chỉ Xác 8g. Sắc uống.
4.3 Trị bệnh tiêu hóa, viêm các loại
Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Nguyên liệu: Rau Diếp cá 20g, Xuyên Tâm Liên 16g, Hoàng bá 8g. Cách làm: Sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa kiết lỵ: Nguyên liệu: Diếp cá 50g (tán mịn), Hồi đầu thảo 150g (tán mịn), vỏ quả Dừa (đốt, tán mịn). Cách làm: Trộn đều, người lớn uống 25g mỗi ngày, chia làm 2-3 lần; trẻ em dùng ½ liều người lớn.
Chữa viêm tuyến sữa: Nguyên liệu: Lá Diếp cá, lá Cải trời mỗi vị 30g. Cách làm: Giã nát, thêm nước sôi vào hãm, chắt lấy nước cốt uống nóng, bã trộn với ít giấm, đắp ngoài da.
Trị viêm phổi, viêm ruột, kiết lỵ, viêm thận phù thũng: Dùng lá Diếp cá 50g sắc uống.
Chữa viêm tai giữa: Nguyên liệu: Diếp cá khô 20g, Táo đỏ 10 quả. Cách làm: Sắc với 600ml nước tới khi còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
4.4 Trị bệnh khác
Chữa dị ứng, mẩn ngứa, mày đay: Dùng cây Diếp cá tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên vùng da bị bệnh.
Trị rối loạn kinh nguyệt: Dùng lá Diếp cá vò nát, chế thêm nước và uống.
Trị đau mắt nhặm đỏ, đau mắt do trực khuẩn mủ xanh: Dùng lá Diếp cá tươi, rửa sạch, giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà để đắp lên mí mắt khi ngủ.
Trị bệnh sởi: Dùng 30 lá bánh tẻ Diếp cá rửa sạch, có thể sao qua, sắc đặc lấy nước uống khi nguội, uống vài lần mỗi ngày.
Trị tiểu buốt, tiểu giắt: Nguyên liệu: Diếp cá, Rau Má tươi, mỗi vị 50g, lá Mã Đề. Cách làm: Rửa sạch, vò với nước sôi để nguội, gạn lấy nước uống.
Chữa đơn sưng ở người lớn, trẻ em: Nguyên liệu: Diếp cá, Nhọ nồi, Cải rừng, Xương sông, Dưa chuột, Khế, Đơn đỏ, Huyết dụ, Nhài, Mía dò (đều dùng lá), mỗi vị 15g; Xích hoa xà 3 lá, Bí Đao, Củ nâu mỗi thứ 3 miếng. Cách làm: Giã nát, chế nước vào, vắt lấy nước cốt uống, bã dùng xoa đắp chỗ sưng.
Chữa sài giật trẻ em: Nguyên liệu: Lá Diếp cá 6-12g, củ Sả 6g, quả Xuyên tiêu 2g. Cách làm: Giã nát, thêm nước gạn uống, bã đắp hai bên thái dương.
5 Lưu ý khi sử dụng
5.1 Tác hại của Rau diếp cá
Uống rau Diếp cá nhiều có hại không? Do tác dụng dược lý như thuốc lợi tiểu của nó, nếu người dùng lạm dụng Diếp cá sẽ ảnh hưởng tới chức năng thận vì phải hoạt động bài tiết liên tục. Ngoài ra, cũng có thể gặp một số tác dụng phụ như hoa mắt chóng mặt, tiêu chảy lạnh bụng và giảm hấp thu các dinh dưỡng khác.
5.2 Nên uống rau Diếp cá mấy lần một tuần?
Để phát huy tối ưu tác dụng của Diếp cá, cũng như ngăn ngừa các tác dụng phụ do dùng sai cách hay lạm dụng, người dùng chỉ nên uống rau Diếp cá 2-3 lần mỗi tuần, sẽ rất có lợi cho sức khỏe.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả C. Laldinsangi (Ngày đăng 24 tháng 8 năm 2022). The therapeutic potential of Houttuynia cordata: A current review, NCBI. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Diếp cá trang 131, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Diếp cá trang 797-798, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Diếp cá trang 1141 – 1142, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 18 tháng 09 năm 2023.