Dextropropoxyphene

Hoạt chất Dextropropoxyphene thường được dùng để giảm đau từ nhẹ đến vừa. Trong bài viết bày, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về chất Dextropropoxyphene. 

1 Tổng quan

1.1 Lịch sử 

Dextropropoxyphene là một thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioid, hoạt chất được cấp bằng sáng chế năm 1955 và được đưa ra thị trường lần đầu bởi công ty Eli Lilly and Company – Mỹ. 

1.2 Đặc điểm của Dextropropoxyphene

Công thức cấu tạo của Dextropropoxyphene là C22H29NO2 và có khối lượng phân tử bằng 339.5 g/mol.

Hình cấu tạo và đặc điểm cấu tạo: Hoạt chất là một đồng phân quang học của Levopropoxyphene. Được sử dụng để điều trị các cơn đau từ nhẹ đến trung bình, đồng thời thể hiện tác dụng giảm ho và gây tê cục bộ.

Trạng thái: Dextropropoxyphene tồn tại ở dạng tinh thể, hoạt chất nóng chảy ở 75.5°C và có độ hòa tan trong nước là 3.32 mg/L (ở 25°C). Khi bị đun nóng, hoạt chất dễ bị phân hủy và tạo thành khói độc của Nitrogen Oxide. 

dextropropoxyphene 2
Công thức cấu tạo của Dextropropoxyphene

2 Tác dụng dược lý

2.1 Dược lực học

Dextropropoxyphene hay còn được gọi là Propoxyphene. Hoạt chất có cấu trúc tương tự như Methadone, và có các đặc tính dược lý tương tự như các nhóm thuốc phiện khác. Tác dụng giảm đau của hoạt chất là do đồng phân d-Dextropropoxyphene. Nó liên kết vào thụ thể thụ thể muy (µ) từ đó dẫn đến giảm nhận thức về các cơ đau. Hoạt chất có ít hoặc không có tác dụng giảm ho và cũng như tác dụng hạ sốt.

Cơ chế hoạt động:

Dextropropoxyphene hoạt động như một chất vận chuyển ở các thụ thể OP1, OP2 và OP3 trong hệ thần kinh trung ương (chủ yếu ảnh hưởng đến thụ thể OP3). Hoạt chất sẽ liên kết với thụ thể G-protein, qua đó kích thích sự trao đổi GTP lấy GDP trên phức hợp G-protein. Quá trình này sẽ dẫn đến sự ức chế giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh cảm thụ đau như chất P, GABA, Dopamine, Acetylcholine và Noradrenaline. 

Opioid đóng các kênh Calci hoạt động bằng điện áp loại N (chất chủ vận thụ thể OP2) và mở các kênh Kali điều chỉnh bên trong phụ thuộc Calci (chất chủ vận thụ thể OP3 và OP1). Điều này dẫn đến sự siêu phân cực và giảm tính dễ bị kích thích của tế bào thần kinh.

2.2 Dược động học

Hoạt chất được hấp thu nhanh chóng ở Đường tiêu hóa, nồng độ đỉnh huyết tương đạt được sau khoảng 2 giờ đến 2,5 giờ tính từ thời điểm dùng thuốc. 

Sau khi uống, hoạt chất sẽ được hấp thu chủ yếu ở phần trên của ruột non. 

Sinh khả dụng của Dextropropoxyphene đường uống liều 65, 130 hoặc 195mg tương đương với sinh khả dụng của liều 100, 200 hoặc 300mg tương ứng.

Hoạt chất được phân bố nhanh và tập trung chủ yếu tại gan, phổi, não. Tác dụng giảm đau xảy ra trong vòng 15 phút đến 1 giờ và kéo dài trong 4 – 6 giờ. 

Dextropropoxyphene được chuyển hóa chủ yếu thông qua quá trình N-demethylation (qua trung gian Cytochrome P-450 (CYP) Isoenzym 3A4) để tạo thành Norpropoxyphene. Chất chuyển hóa có thời gian bán hủy thải trừ là 30 – 36 giờ.

Trong 48 giờ, khoảng 20% ​​đến 25% liều uống sẽ được bài tiết qua nước tiểu, hầu hết ở dạng Norpropoxyphen tự do hoặc liên hợp.

3 Chỉ định – Chống chỉ định

3.1 Chỉ định của Dextropropoxyphene

Dextropropoxyphene thường được chỉ định trong giảm đau thể nhẹ đến vừa, đồng thời kết hợp với các hoạt chất khác làm tăng tác dụng giảm đau.

4 Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với Dextropropoxyphene.

Không sử dụng cho người có khuynh hướng tự tử, hoặc đã từng phụ thuộc vào các thuốc giảm đau gây nghiện từ trước đó (kể cả người nghiện ma túy).

Người bị tổn thương thận thể nặng.

Bệnh nhân bị lên cơn hen phế quản cấp gây suy hô hấp.

Bệnh nhân bị tăng Anhydrid Carbonic trong máu. 

Chống chỉ định dùng cho bệnh nhân suy hô hấp (trừ khi có các biện pháp cấp cứu) do Dextropropoxyphene có thể gây liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong. 

5 Ứng dụng trong lâm sàng

Trong lâm sàng, hoạt chất thường được sử dụng để giảm đau từ nhẹ đến vừa khi có chỉ định của bác sĩ. Hoặc phối hợp với các hoạt chất khác (vd: Dextropropoxyphene phối hợp Paracetamol) để tăng hiệu quả giảm đau.

6 Liều dùng – Cách dùng

6.1 Liều dùng 

Dextropropoxyphene trong dược phẩm thường có 2 dạng hoạt chất chính là Dextropropoxyphene Hydroclorid và Dextropropoxyphene Napsylat.

Dextropropoxyphene Hydroclorid: Dùng 65mg/lần, lặp lại cách mỗi 4 giờ nếu cần thiết, tối đa không quá 390 mg/ngày.

Dextropropoxyphene Napsylat: Dùng 100 mg/lần, lặp lại cách mỗi 4 giờ nếu cần thiết, tối đa không quá 600 mg/ngày.

6.2 Cách dùng 

Để giảm thiểu tình trạng cai nghiện thuốc ở người dùng Dextropropoxyphene dài, cần giảm liều từ từ cho đến khi dừng hẳn thuốc.

==>> Xem thêm về hoạt chất: Bismuth – điều trị H.pylori dạ dày – Dược thư Quốc gia 2022

7 Tác dụng không mong muốn

Ở liều lượng khuyến cáo, hoạt chất có thể gây ra các tác dụng không mong muốn tương tự như Codein tuy nhiên ít gây táo bón và tác dụng không mong muốn trên đường mật hơn. 

Các tác dụng không mong muốn điển hình là nhược cơ, buồn ngủ, nôn, buồn nôn, táo bón và đau bụng. 

Tác dụng an thần có liên quan đến nguy cơ gia tăng tình trạng gãy xương hông ở người cao tuổi (khoảng 60%).

Sảng khoái bất thường, rối loạn tâm trạng.

Hiếm gặp: Các rối loạn ở gan và giảm nồng độ 17 – Hydroxycorticoid và 17 – Ketosteroid trong nước tiểu.

8 Tương tác thuốc

Thuốc  Tương tác 
Thuốc ức chế thần kinh trung ương Phối hợp làm gia tăng nguy cơ tai biến
Thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương Dùng đồng thời làm gia tăng nguy cơ co giật
Thuốc ức chế chuyển hóa ở gan Dùng đồng thời có thể gia tăng nồng độ trong huyết thanh của những thuốc này, từ đó tăng nguy cơ ngộ độc
Thuốc chống trầm cảm Tăng nguy cơ ngộ độc do tăng nồng độ trong huyết thanh
Carbamazepin, Phenobarbital Tăng nguy cơ ngộ độc do đó cần phải cân nhắc giảm liều nếu bắt buộc phải phối hợp
Ritonavir Dùng đồng thời có thể làm gia tăng nồng độ của Dextropropoxyphene trong huyết tương. Từ đó gia tăng nguy cơ ngộ độc

==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Chlorophyll – Chất diệp lục có thể giúp ngăn ngừa yếu tố gây ung thư

9 Thận trọng

Đặc biệt thận trọng khi dùng cho bệnh bị suy giảm chức năng gan hoặc thận, trong trường hợp cần thiết sử dụng cần cân nhắc giảm liều lượng.

Dùng Dextropropoxyphene cho người phụ thuộc các thuốc giảm đau Opi có thể dẫn đến các triệu chứng cai nghiện cấp tính. Trong trường hợp cần thiết, phải giảm liều các thuốc đang sử dụng đồng thời tiến hành thay thế dần dần bằng Dextropropoxyphene.

Nguy cơ phụ thuộc thuốc cần được đánh giá lại sau 1 tuần sử dụng. 

Không dùng hoạt chất cho trẻ em. 

Thận trọng khi dùng cho những bệnh nhân lớn tuổi, do nhóm đối tượng này thường nhạy cảm hơn với các thuốc Opiat.

10 Các câu hỏi thường gặp

10.1 Phụ nữ có thai và cho con bú có dùng được Dextropropoxyphene không?

Thời kỳ mang thai: Đã có báo cáo về triệu chứng cai thuốc ở những bà mẹ sử dụng Dextropropoxyphene trong thai kỳ. Chỉ sử dụng hoạt chất này cho thai phụ khi đặc biệt cần thiết. 

Bà mẹ cho con bú: Chất chuyển hóa chính của Dextropropoxyphene có thể tiết được qua sữa, do đó cần tránh dùng cho bà mẹ cho con bú.

10.2 Dextropropoxyphene bị cấm?

Dextropropoxyphene dã bị rút khỏi thị trường Châu  u và Mỹ do các lo ngại về việc quá liều gây tử vong do rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên hoạt chất vẫn có mặt tại Úc và nhiều nước khác. 

11 Cập nhật thông tin

Tác dụng của Dextrotropoxyphene đối với việc kéo dài khoảng QTc

Mục tiêu: Đánh giá tần suất và các yếu tố nguy cơ kéo dài khoảng QT do Dextropropoxyphene gây ra trong môi trường lâm sàng.

Nghiên cứu được tự hiện tại 1 phòng khám ở Buenos Aires. Theo đó 92 bệnh nhân có chỉ định dùng Dextropropoxyphene với mục đích giảm đau đã được đưa vào nghiên cứu. 

Tất cả bệnh nhân sẽ được theo dõi bằng điện tâm đồ (trước khi dùng thuốc và trong trạng thái ổn định) để chẩn đoán và định lượng những thay đổi trong khoảng QTc.

Tiến hành kiểm tra tần suất kéo dài khoảng QTc do thuốc gây ra, mối tương quan khoảng QTc với thuốc trong huyết tương và mức độ chuyển hóa.

Kết quả: Không có trường hợp nào có QTc > 500ms và không có sự khác biệt đáng kể về kết quả khi xem xét các công thức hiệu chỉnh khác nhau. Nồng độ Dextropropoxyphene tương quan với khoảng QTc và ΔQTc. Tám bệnh nhân có ΔQTc > 30 ms và một bệnh nhân có ΔQTc > 60 ms. Không có bệnh nhân nào bị rối loạn nhịp tim trong quá trình nghiên cứu.

Kết luận: Các nhà nghiên cứu không quan sát thấy mối quan hệ giữa Dextropropoxyphene và việc kéo dài khoảng QTc ở liều điều trị được sử dụng ở Argentina.

12 Các dạng bào chế phổ biến

Dextropropoxyphene thường được bào chế ở dạng viên uống. Tên biệt dược nổi tiếng nhất của hoạt chất là Di-Antalvic.

dextropropoxyphene 3
Thuốc chứa hoạt chất Dextropropoxyphene

13 Tài liệu tham khảo

1.Chuyên gia NCBI, Propoxyphene, PubChem. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.

2.Tác giảGuillermo Alberto Keller, Cecilia Villa Etchegoyen, Nicolás Fernandez và cộng sự (đăng tháng 10 năm 2015), Dextrophropoxyphene effects on QTc-interval prolongation: Frequency and characteristics in relation to plasma levels, PubMed. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.

Để lại một bình luận