Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022.
DEXTROMETHORPHAN
Tên chung quốc tế: Dextromethorphan.
Mã ATC: R05DA09.
Loại thuốc: Thuốc giảm ho.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 15 mg, 30 mg.
Viên nang: 20 mg, 30 mg.
Sirô: 5 mg/5 ml, 7,5 mg/5 ml, 10 mg/5 ml, 15 mg/5 ml.
Hỗn dịch giải phóng kéo dài: 30 mg/5 ml (dextromethorphan polistirex).
2 Dược lực học
Dextromethorphan hydrobromid là thuốc giảm ho có tác dụng lên trung tâm ho ở hành não. Dextromethorphan không có tác dụng giảm đau và nói chung rất ít tác dụng an thần.
Hiệu lực của dextromethorphan tương đương với hiệu lực của codein trong điều trị ho mạn tính. Dextromethorphan có tác dụng giảm ho kích ứng tương tự codein và không có tác dụng làm sạch đường thở. Ở liều điều trị, dextromethorphan không ức chế hoạt động của đường mật.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Dextromethorphan được hấp thu nhanh qua Đường tiêu hóa. Thuốc khởi phát tác dụng điều trị khoảng 15 – 30 phút sau khi uống, kéo dài tác dụng khoảng 3 – 6 giờ với dạng viên nén.
3.2 Phân bố
Thuốc được phân bố rộng trong cơ thể. Dextromethorphan và chất chuyển hóa có hoạt tính dextrorphan qua được hàng rào máu – não.
3.3 Chuyển hóa
Dextromethorphan bị chuyển hóa lần đầu qua gan nhanh và mạnh sau khi uống. Ở người tình nguyện khỏe mạnh, con đường chuyển hóa chính là O-demethyl hóa nhờ CYP2D6, mức độ hoạt động phụ thuộc kiểu gen. Các kiểu hình khác nhau với quá trình oxy hóa này dẫn đến sự khác nhau lớn về dược động học giữa các cá thể. Dextromethorphan không được chuyển hóa, cùng với 3 chất chuyển hóa morphinan demethyl hóa dextrorphan (còn gọi là 3-hydroxy-N-methylmorphinan), 3-hydroxymorphinan và 3-methoxymorphinan được phát hiện là các sản phẩm liên hợp trong nước tiểu. Dextrorphan là chất chuyển hóa chính, còn tác dụng giảm ho. Ở một số người, quá trình chuyển hóa diễn ra chậm hơn và dextromethorphan dạng không đổi chiếm tỉ lệ cao trong máu và nước tiểu.
3.4 Thải trừ
Dextromethorphan và chất chuyển hóa được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Nửa đời của dextromethorphan là 1,4 – 3,9 giờ; dextrorphan là 3,4 – 5,6 giờ. Nửa đời của dextromethorphan ở những người chuyển hóa kém kéo dài, khoảng 45 giờ.
4 Chỉ định
Điều trị ho khan và ho do kích ứng.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với dextromethorphan.
Ho do hen.
Suy hô hấp.
Bệnh nhân đang dùng hoặc vừa dùng thuốc IMAO và các thuốc ức chế tái thu nhập serotonin (SSRI) trong vòng 2 tuần.
Phụ nữ cho con bú.
Trẻ em dưới 6 tuổi.
6 Thận trọng
Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân ho mạn tính, dai dẳng. Không nên dùng cho bệnh nhân ho có đờm.
Không nên phối hợp thuốc giảm ho với thuốc làm loãng đờm hoặc tiêu đờm.
Trước khi dùng thuốc giảm ho, cần xác định nguyên nhân gây ho và điều trị nguyên nhân.
Nếu tình trạng ho kháng lại thuốc giảm ho ở liều thông thường, không nên tăng liều mà nên đánh giá lại tình trạng lâm sàng.
Người bệnh có nguy cơ hoặc đang bị suy giảm hô hấp.
Dùng dextromethorphan có liên quan đến giải phóng histamine, nên thận trọng với trẻ em bị dị ứng.
Dextromethorphan có thể gây ảo giác ở liều cao. Những trường hợp ảo giác, đôi khi có liên quan đến rượu, đã được báo cáo. Cần thận trọng khi dùng cho thanh thiếu niên và người trẻ tuổi cũng như bệnh nhân có tiền sử nghiện thuốc và các thuốc hướng thần. Cần theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng này ở những bệnh nhân dùng nhầm hoặc lạm dụng dextromethorphan.
Rượu hoặc các thuốc ức chế TKTW có thể làm tăng tác dụng trên TKTW và độc tính của dextromethorphan.
Dextromethorphan được chuyển hóa ở gan bởi CYP2D6. Hoạt tính của enzym này đã được chứng minh có tính di truyền. Khoảng 10% dân số chuyển hóa kém qua CYP2D6. Những bệnh nhân chuyển hóa kém khi dùng các thuốc ức chế CYP2D6 có thể làm tăng hoặc kéo dài tác dụng của dextromethorphan. Vì vậy, cần thận trọng khi dùng thuốc cho những bệnh nhân chuyển hóa kém qua CYP2D6 hoặc dùng cùng các thuốc ức chế CYP2D6.
Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy gan.
7 Thời kỳ mang thai
Không có dữ liệu về tác dụng gây quái thai của dextromethorphan trên động vật. Chưa có đầy đủ dữ liệu nghiên cứu trên phụ nữ mang thai. Phụ nữ trong thời kỳ cuối mang thai dùng liều cao dextromethorphan, kể cả trong thời gian ngắn, có thể gây ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh. Dùng kéo dài trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây hội chứng cai ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, chỉ dùng dextromethorphan cho phụ nữ mang thai khi lợi ích cho người mẹ vượt trội so với nguy cơ với thai nhi/trẻ sơ sinh.
8 Thời kỳ cho con bú
Dextromethorphan vào được sữa mẹ. Một số trường hợp giảm trương lực cơ và ngừng hô hấp đã được báo cáo ở trẻ bú mẹ sau khi người mẹ dùng thuốc giảm ho trung ương ở liều cao. Vì thế, chống chỉ định dùng dextromethorphan cho mẹ cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Thường gặp
Toàn trạng: mệt mỏi.
Thần kinh: chóng mặt.
Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, táo bón.
9.2 Rất hiếm gặp
Thần kinh: ngủ gà.
9.3 Chưa xác định được tần suất
Hệ miễn dịch: phản ứng quá mẫn, bao gồm phản ứng phản vệ, phủ mạch, mày đay, ngứa, phát ban, hồng ban.
Da và tổ chức dưới da: hồng ban nhiễm sắc cố định.
Đã có báo cáo về triệu chứng ảo giác khi dùng dextromethorphan đặc biệt ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi hoặc người có tiền sử nghiện thuốc hoặc các thuốc hưởng thần.
10 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Trong trường hợp suy hô hấp và ức chế hệ TKTW, có thể dùng naloxon.
Thông báo cho người bệnh: Thuốc có thể gây buồn ngủ, tránh dùng cùng các thuốc ức chế TKTW và rượu.
11 Liều lượng và cách dùng
11.1 Cách dùng
Thuốc dùng theo đường uống. Nên dùng thuốc trong thời gian ngắn.
Viên nén, viên nang: Dùng cho người lớn và trẻ em trên 15 tuổi.
Sirô 5 mg/5 ml; 7,5 mg/5 ml dùng cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và cân nặng trên 20 kg.
Sirô 10 mg/5 ml; 15 mg/5 ml dùng cho người lớn và trẻ em trên 15 tuổi.
Dạng hỗn dịch giải phóng kéo dài: Lắc đều trước khi dùng.
11.2 Liều lượng
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 10 – 20 mg/lần, 4 giờ 1 lần hoặc 30 mg/lần, 6 – 8 giờ 1 lần. Không quá 120 mg/24 giờ.
Trẻ em 6 tuổi – dưới 12 tuổi: 5 – 10 mg/lần, 4 giờ 1 lần hoặc 15 mg/ lần, 6 – 8 giờ/lần. Không quá 60 mg/24 giờ.
Dạng hỗn dịch giải phóng kéo dài chứa dextromethorphan polistirex được tính theo liều dextromethorphan hydrobromid: Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 60 mg/lần, 2 lần/ngày. Trẻ em từ 6 – 12 tuổi: 30 mg/lần, 2 lần/ngày.
Người già hoặc bệnh nhân suy gan: Liều khởi đầu nên giảm 1 nửa và có thể tăng liều tùy theo đáp ứng và khả năng dung nạp thuốc.
12 Tương tác thuốc
Thuốc ức chế MAO, Linezolid, xanh methylen dùng cùng dextromethorphan làm tăng nguy cơ hội chứng serotonin (tiêu chảy, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, run, lú lẫn, hôn mê).
Các thuốc/chất ức chế CYP2D6: Dextromethorphan chuyển hóa lần đầu qua gan đáng kể bởi CYP2D6. Dùng dextromethorphan cùng các thuốc ức chế mạnh CYP2D6 (như fluoxetin, paroxetin, quinidin, terbinafin) làm tăng nồng độ dextromethorphan gấp vài lần so với bình thường; dẫn đến tăng nguy cơ ADR của thuốc (kích động, lú lẫn, run, mất ngủ, tiêu chảy, ức chế hô hấp) và gây ra hội chứng serotonin. Quinidin làm tăng nồng độ dextromethorphan trong huyết tương lên đến 20 lần, dẫn đến tăng ADR của dextromethorphan trên TKTW. Amiodaron, flecainid, propafenon, sertralin, bupropion, methadon, cincaclcet, Haloperidol, perphenaizin cũng có tác dụng tương tự trên chuyển hóa dextromethorphan. Nếu các phối hợp giữa thuốc ức chế CYP2D6 với dextromethorphan không thể tránh khỏi thì cần theo dõi bệnh nhân và giảm liều dextromethorphan.
Thuốc an thần: Có nhiều thuốc hoặc chất có thể làm tăng tác dụng ức chế TKTW và làm giảm sự tỉnh táo hoặc có thể làm tăng tác dụng ức chế hô hấp của dextromethorphan. Các thuốc này bao gồm morphin, dẫn xuất của Morphin (thuốc giảm đau, thuốc giảm ho…), thuốc an thần kinh, barbiturat, benzodiazepin, thuốc giải lo âu ngoài benzodiazepin (như meprobamat), thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm (amitriptylin, doxepin, mianserin, mirtazapin, trimipramin), thuốc kháng H1, thuốc điều trị tăng huyết áp tác dụng trung ương, Baclofen và thalidomid…
Rượu làm tăng tác dụng an thần của dextromethorphan. Tình trạng giảm tỉnh táo ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Tránh dùng rượu và các thức uống có chứa cồn khi dùng dextromethorphan.
Natri oxybat làm tăng tác dụng ức chế TKTW của dextromethorphan.
13 Quá liều và xử trí
13.1 Triệu chứng
Buồn nôn, nôn, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, bí tiểu, giãn đồng tử, mờ mắt, rối loạn điều tiết mắt, đổ mồ hôi, thở hụt hơi, các triệu chứng tâm thần kinh như chóng mặt, mất điều hòa, ảo giác, rung giật nhãn cầu, lơ mơ, lú lẫn, hung hăng, kích động, tăng trương lực cơ, hưng cảm, mất khả năng phối hợp vận động và cười khúc khích. Những trường hợp quá liều nặng có thể dẫn đến co giật, tăng thân nhiệt, hôn mê và ức chế hô hấp.
13.2 Xử trí
Khi bị quá liều cấp tính dextromethorphan, bệnh nhân nên được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân. Có thể dùng benzodiazepin khi bị co giật. Có thể dùng than hoạt khi không có chống chỉ định, tốt nhất là trong vòng 1 giờ sau khi uống. Không nên rửa dạ dày nếu có nguy cơ thiếu oxygen và tăng nguy cơ co giật.
Cập nhật lần cuối: 2018.