Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
DEFERIPRON
Tên chung quốc tế: Deferiprone.
Mã ATC: V03AC02.
Loại thuốc: Thuốc uống chống thừa Sắt bằng cơ chế chelat hóa.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 500 mg.
Dung dịch uống: 100 mg/ml.
2 Tác dụng của Deferipron
2.1 Dược lực học
Deferipron là chất chelat hóa liên kết với ion sắt III tạo thành dạng phức hợp ổn định trong các điều kiện pH khác nhau. Deferipron gắn kết rất kém với các kim loại khác như đồng, nhôm, kẽm.
2.2 Dược động học
Hấp thu: Hấp thu nhanh qua Đường tiêu hóa. Thời gian đạt nồng độ đỉnh là 32,5 – 62,5 phút. Thức ăn làm tăng nhẹ Tmax.
Phân bố: Thể tích phân bố khoảng 1,55 – 1,73 lít/kg. Liên kết protein huyết tương dưới 10%.
Chuyển hóa: Hơn 85% ở gan, chủ yếu bởi UGT1A6, sản phẩm chuyển hóa chính là dẫn chất 3-O-glucuronid.
Thải trừ: Qua thận khoảng 75 – 90% dưới dạng các sản phẩm chuyển hóa. Độ thanh thải thận khoảng 0,48 – 0,56 mg/kg/ngày. Nửa đời thải trừ: 1 – 2,5 giờ.
3 Chỉ định, chống chỉ định
3.1 Chỉ định
Điều trị quá tải sắt mạn tính do truyền máu, quá tải sắt mạn tính ở bệnh nhân tan máu bẩm sinh (thalassemia) bị chống chỉ định hoặc không đáp ứng với desferioxamin.
3.2 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
Có tiền sử mất bạch cầu hạt hoặc giảm bạch cầu trung tính tái phát.
4 Thận trọng
Có thể xảy ra nhiễm khuẩn khi dùng thuốc, có thể phải ngừng dùng thuốc.
Cần có cảnh báo thận trọng về tình trạng gây mất bạch cầu hạt hoặc giảm bạch cầu trung tính khi dùng thuốc.
Đã có báo cáo về hiện tượng giảm nồng độ Kẽm khi dùng thuốc, cần theo dõi và bổ sung kẽm khi cần.
Đã có báo cáo về tăng ALT, cần theo dõi và ngừng điều trị nếu cần.
5 Thời kỳ mang thai và cho con bú
5.1 Thời kỳ mang thai
Đã có báo cáo về độc tính của thuốc đối với thai nhi. Cần tránh dùng cho phụ nữ mang thai. Nên dùng các biện pháp tránh thai khi dùng thuốc.
5.2 Thời kỳ cho con bú
Chưa có đủ thông tin về dùng thuốc khi cho con bú. Nói chung, nên tránh dùng trong khi cho con bú.
6 Tác dụng không mong muốn (ADR)
6.1 Thường gặp
Tiêu hóa: đau bụng, khó chịu, nôn, buồn nôn.
Giảm bạch cầu trung tính.
Tăng ALT.
Đau khớp.
Nước tiểu có màu lạ.
6.2 Hiếm gặp
Tim mạch: suy tim, viêm mạch toàn thân.
Da: ban Henoch-Schonlein.
Tiêu hóa: xuất huyết hậu môn.
Huyết học: mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu.
Gan: xơ gan.
Miễn dịch: sốc phản vệ.
Thần kinh: xuất huyết não, viêm màng não do virus, co giật.
Thận: suy thận.
Hô hấp: thuyên tắc phổi.
Khác: suy đa tạng, nhiễm trùng huyết.
6.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Cần theo dõi số lượng bạch cầu trung tính hàng tuần và ngừng điều trị ngay khi có giảm bạch cầu trung tính. Có thể dùng các biện pháp hỗ trợ như yếu tố kích thích sinh bạch cầu hạt. Bệnh nhân cần được khuyên đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng sốt, đau họng, các triệu chứng giống cúm.
Các rối loạn tiêu hóa thường xảy ra khi dùng thuốc, nếu nặng, phải xem xét giảm liều.
Cần theo dõi nồng độ kẽm, nếu cần phải bổ sung kẽm.
Những bệnh nhân có ALT tăng quá cao có thể phải ngừng điều trị. Không nên dùng quá tổng liều 100 mg/kg/ngày.
7 Liều lượng và cách dùng
7.1 Cách dùng
Dùng đường uống. Dùng thuốc cùng với thức ăn có thể làm giảm cảm giác buồn nôn.
7.2 Liều dùng
Người lớn: 25 mg/kg, 3 lần/ngày, liều tối đa 33 mg/kg, 3 lần/ngày.
Trẻ em 6 – 17 tuổi: 25 mg/kg, 3 lần/ngày, liều tối đa 100 mg/kg/ ngày.
Không khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Không có khuyến cáo điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy gan hoặc suy thận.
Cần điều chỉnh liều thận trọng ở người cao tuổi, khởi đầu với liều thấp nhất.
8 Tương tác thuốc
Các thuốc kháng acid chứa nhôm: Cần uống cách deferipron it nhất 4 giờ.
Các chế phẩm chứa sắt, multivitamin, khoáng chất: Deferipron có thể liên kết đồng thời với nhiều ion kim loại, do đó cần uống deferipron cách các chế phẩm chứa sắt, nhôm, kẽm ít nhất 4 giờ.
Tránh dùng đồng thời với các thuốc làm giảm bạch cầu trung tính hoặc mất bạch cầu hạt. Nếu bắt buộc phải dùng, cần theo dõi chặt chẽ số lượng bạch cầu.
Deferipron chuyển hóa chủ yếu bởi uridin diphosphat glucuronosyl transferase (UGT) 1A6. Cần thận trọng khi dùng đồng thời với các thuốc ức chế UGT1A6 như Diclofenac, probenecid, Silymarin.
9 Quá liều và xử trí
Đã có báo cáo về rối loạn thần kinh ở 2 trẻ 7 và 9 tuổi dùng liều gấp 2,5 lần liều tối đa khuyến cáo (100 mg/kg/ngày). Các rối loạn xuất hiện sau 1 hoặc 2 năm dùng thuốc và dần dần giảm đi khi ngừng dùng thuốc.
Tương tự, đã có báo cáo về 2 trẻ dùng deferipron với liều cao hơn liều khuyến cáo bị hội chứng tiểu não. Bệnh nhân thứ nhất xuất hiện triệu chứng sau 3 năm dùng thuốc. Bệnh nhân thứ hai xuất hiện triệu chứng sau 2 tháng dùng liều cao deferipron. Các triệu chứng dần dần giảm đi khi ngừng dùng thuốc.
Cập nhật lần cuối: 2017