Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) |
Malpighiaceae (Sơ ri) |
Chi(genus) |
Hiptage |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Hiptage sp. |
Dây tơ mành thuộc dạng cây nhỏ, thường mọc tập trung thành bụi. Thân và cành vươn dài lẫn với những cây khác. Bề mặt vỏ thân và vỏ cành của cây có phủ một lông mịn màu xám. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Hiptage sp.
Tên gọi khác: Dây chỉ, Dây mạng nhện.
Họ thực vật: Sơ ri Malpighiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dây tơ mành thuộc dạng cây nhỏ, thường mọc tập trung thành bụi. Thân và cành vươn dài lẫn với những cây khác. Bề mặt vỏ thân và vỏ cành có phủ lông mịn màu xám.
Lá cây mọc đối, gốc lá tròn, đầu lá nhọn. Cả 2 mặt lá đều phủ lông, mặt dưới có màu nhạt.
Khi bẻ những đoạn thân và đoạn cành của cây thì thấy những sợi tơ mảnh.
Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, các chùm có ít hoa, hoa mẫu 5.
Quả có 3 cánh choãi ra.
Mùa hoa thường là tháng 2 đến tháng 6, mùa quả thường là tháng 7 đến tháng 11.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân, cành và lá.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Hiptage Gaertn. tại nước ta có khoảng 20 loài, trong đó chỉ có 1 đến 2 loài được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xác định cụ thể loài của dây tơ mành.
Dây tơ mành thuộc dạng cây bụi, được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ Nghệ An trở ra.
Dây tơ mành thường mọc ở ven rừng, đặc biệt là các khu rừng thứ sinh hoặc bờ nương rẫy.
Chưa quan sát được mùa hoa quả và cây con mọc từ hạt.
Dây tơ mành có khả năng tái sinh sau khi chặt.
2 Tác dụng – Công dụng của dây tơ mành
2.1 Tác dụng dược lý
2.1.1 Tác dụng trên huyết áp
Khi tiến hành thử tác dụng trên chó hoặc mèo đã gây mê, người ta nhận thấy rằng, cao khô từ cây dây tơ mành cho thấy tác dụng hạ huyết áp.
Cách làm cao khô như sau: Sử dụng toàn bộ cây dây tơ mành chiết với cồn 50 độ, cho bốc hơi dưới áp lực giảm đến khi khô.
2.1.2 Tác dụng trên vận động
Cao khô dây tơ mành cho thấy tác dụng làm giảm vận động tự nhiên của chuột nhắt trắng sau khi tiêm amphetamin liều 2,5-5mg/kg vào phú mạc của chuột.
2.1.3 Độc tính
Khi tiến hành thử trên chuột nhắt trắng, người ta nhận thấy rằng, liều chết khi tiêm phúc mạc của dây tơ mành là 750mg/kg.
2.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
2.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Thân cành, lá có vị đắng nhẹ, chát, tính ôn.
Tác dụng: Sát trùng, ôn thận, cầm máu, ích khí.
2.2.2 Công dụng
Thân và cành được dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, di tinh, ra nhiều mồ hôi, thấp khớp cấp tính, thấp khớp mạn tính, đái rắt.
Liều dùng là 30-50g sắc lấy nước uống, trẻ em sử dụng liều thấp hơn.
Có thể dùng ngoài để nắn bó trong trường hợp gãy xương, cầm máu, lở loét ngoài da.
3 Một số cách trị bệnh từ dây tơ mành
3.1 Thuốc bó trong trường hợp gãy xương
Sử dụng 30-50 cành non và lá cây dây tơ mành.
25-30g lá dâu tằm.
Các vị dùng tươi, giã nát, xào nóng đem đắp vào chỗ gãy xương và băng bó lại.
3.2 Thuốc cầm máu, chữa sâu quảng
Sử dụng lá của cây dây tơ mành, lá quyển bá đem rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương và băng bó lại.
Ngoài ra, có thể sử dụng lá của cây dây tơ mành đem phơi khô, đốt thành than, tán nhỏ thành bột và rắc vào vết thương.
3.3 Chữa lở loét ngoài da
20g lá dây tơ mành.
20g lá bạc thau.
20g lá xuyên tiêu.
10g lá Trầu Không.
2g lá thuốc lào.
Các vị dùng tươi, rửa sạch, giã nát sau đó xào nóng, mỗi ngày đắp 1 lần.
4 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Dây tơ mành, trang 664-665. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2024.