Dây gân được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị cảm gió, đau nhức. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Dây gân.
1 Giới thiệu về cây Dây gân
Dây gân còn có tên gọi khác là Dây thiếu trâu, Dây cồng cộng, Đồng bìa đài cựa, mọc rải rác trong rừng thứ sinh, đồi cây bụi, đôi khi có ở cả vùng núi đá vôi.
Tên khoa học của Dây gân là Ventilago cristata Pierre (V.inaequilateris Merr. et Chun.), thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây bụi nhỏ, mọc leo bằng dây, dài hàng mét; thân cành nhẵn, cành non hơi dẹt, sau tròn, màu nâu đỏ sau xám đen. Lá mọc so le, thuôn, hình giáo hoặc bầu dục, dài 4-10cm, rộng 2-6cm, tròn và tù ở gốc, có mũi ở chóp, mép khía răng cưa, láng chói, nhẵn; gân bên 10-13 đôi, mảnh, nổi rõ ở cả hai mặt. Lá non ở ngọn cành biến thành tua cuốn. Lá kèm to, bao thân, khía răng; cuống lá dài 1-2cm.
Cụm hoa mọc thành chùm dày ở nách lá hoặc ngọn cành, dài 10-20cm. Hoa nhỏ (2-3mm), đơn tính, màu trắng lục. Lá bắc hình tam giác nhọn. Hoa đực có 5 lá đài có lông ở mặt ngoài, 5 cánh hoa có móng hẹp, nhị 5, đài dài bằng tràng, bao phấn nhỏ. Hoa cái có bầu hạ, 3 ô. Quả khô có 3 cánh dày, khuyết ở hai đầu, nhẵn, đầu tù, màu nâu vàng sáng. Mùa hoa tháng 1-3, mùa quả tháng 4-5.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Dây gồm lá, thân. Thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Thái Nguyên, Ninh Thuận, Tây Ninh, An Giang. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan.
2 Thành phần hóa học
Sử dụng các phương pháp sắc ký kết hợp, hai flavonol glycoside và một Saponin loại dammarane đã được phân lập từ chiết xuất metanol của lá Dây gân. Cấu trúc của chúng đã được làm sáng tỏ là quercetin 3-O-β-D-xylopyranosyl-(1 → 2)-α-L-rhamnopyranoside, quercetin 3-O-6-E-p-coumaroyl-β-D-glucopyranosyl -(1 → 2)-α-L-rhamnopyranoside và joazeiroside A.
3 triterpenoids, lupeol, alphitolic acid, và ceanothenic acid, cùng với 1 steroid, daucosterol, và 1 fructoside, n-butyl-β-D-fructopyranoside đã được phân lập từ cây Dây gân.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Phòng phong – Vị thuốc trị cảm mạo, đau nhức và bệnh chàm
3 Tác dụng – Công dụng của Dây gân
3.1 Tác dụng dược lý
Các hoạt động dược lý miễn dịch của chiết xuất metanol từ lá và cành của Dây gân đã được làm sáng tỏ dựa trên các triệu chứng viêm dạ dày của chuột gây ra bởi HCl/EtOH và các phản ứng viêm, chẳng hạn như giải phóng oxit nitric (NO) và sản xuất prostaglandin E2 (PGE2), từ tế bào RAW264.7 và đại thực bào phúc mạc. Hơn nữa, các phân tử mục tiêu ức chế cũng được đánh giá. Tổn thương viêm dạ dày của chuột gây ra bởi HCl/EtOH cũng giảm bớt sau khi điều trị bằng chiết xuất. Dịch chiết (50 và 300 µg/mL) làm giảm rõ rệt sự biểu hiện mRNA của NO synthase cảm ứng (iNOS) và cyclooxygenase (COX)-2, sự chuyển vị nhân của p65/yếu tố nhân (NF)-κB, sự phosphoryl hóa các enzym ngược dòng kích hoạt p65, chẳng hạn như protein kinase B (AKT), chất ức chế κBα kinase (IKK) và chất ức chế κB (IκBα) và hoạt động enzyme của Src.
Bằng phân tích HPLC, một trong những thành phần chính trong chiết xuất được tiết lộ là resveratrol với các hoạt động ức chế NO và Src. Hơn nữa, hợp chất này ngăn chặn sản xuất NO và các triệu chứng dạ dày do HCl/EtOH gây ra. Do đó, những kết quả này cho thấy rằng Gl-ME có thể hữu ích như một loại thuốc chống viêm thảo dược thông qua việc ức chế các con đường kích hoạt Src và NF-κB.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Khương hoạt – Vị thuốc trị cảm sốt, đau nhức hiệu quả
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Dây gân có tính ấm, vị hơi cay, chua chát, hơi đắng, không độc, có tác dụng khư phong, hoạt huyết, mát máu, giải độc, thư cân hoạt lạc, thanh nhiệt, tiêu viêm.
Trong đông y, Dây gân được dùng trong chữa vọp bẻ, co gân, chân tay co quắp, mình mẩy đau nhức, bán thân bất toại; máu ứ, sưng đau do bị đánh, đòn ngã tổn thương, gánh vác nặng gây đau sụn xương sống, cơ lưng. Ở Vân Nam (Trung Quốc), dây lá còn dùng chữa rắn độc cắn.
4 Cách dùng cây Dây gân
Ngày 8-16g sắc uống hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài, giã nhỏ dây, thêm rượu hay giấm xoa bóp vào chỗ sưng, đau, mụn nhọt, đinh độc, hoặc đắp vào vết bỏng, vết thương, lở ngứa.
Lá giã nát đắp vào trán, gan bàn tay để giảm sốt, sài giật, cảm gió, rắn cắn. Rễ nấu lấy nước gội đầu giúp trị chấy.
5 Bài thuốc từ cây Dây Gân
5.1 Chữa cảm gió, chân tay lạnh
Nguyên liệu: Dây gân, nam Xích Thược, rễ Cam Thảo, hoắc hương, Tía Tô, Ngải Cứu, Dền Gai, đồng lượng.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
5.2 Chữa sưng tấy, tụ máu, đau nhức do chấn thương
Nguyên liệu: Lá Dây gân, lá náng hoa trắng mỗi vị 10g, lá bạc thau 8g (đều tươi).
Cách làm: Rửa sạch, giã nát, thêm ít rượu, đắp và băng bó lại, ngày làm 1 lần.
5.3 Chữa bỏng, nhất là bỏng vôi
Bài 1: Lá Dây gân tươi giã nát, quả Bồ Kết phơi khô tán bột. Trộn 2 thứ lại, bôi ngày vài lần.
Bài 2: Thân, lá giã nát, thêm một ít nước đun sôi để nguội vào ngâm, lấy phần nước thoa lên vết bỏng.
5.4 Chữa sốt cao gây co giật ở trẻ em
Nguyên liệu: Lá Dây gân, vỏ Núc Nác hoặc quả khế mỗi vị 10g, lá ngải cứu, lá nhọ nồi, rễ táo rừng mỗi vị 8g.
Cách làm: Tất cả phơi khô, sao vàng, sắc với 400ml nước tới khi còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Dây gân trang 744, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023.