Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
DAPTOMYCIN
Tên chung quốc tế: Daptomycin.
Mã ATC: J01XX09.
Loại thuốc: Kháng sinh tự nhiên, nhóm lipopeptid vòng.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc bột pha tiêm: 350 mg, 500 mg.
2 Dược lực học
2.1 Phổ tác dụng
Daptomycin có hoạt tính diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn Gram dương nhưng không có tác dụng diệt khuẩn đối với vi khuẩn Gram âm.
Tác dụng diệt khuẩn của daptomycin được chứng minh trên cả in vitro và lâm sàng đối với các nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram dương bao gồm Enterococcus faecalis (chủng nhạy với vancomycin), Staphylococcus aureus (gồm cả chủng kháng vancomycin), Streptococcus agalactiae, Streptococcus dysgalactiae subspecies equisimilis và Streptococcus pyogenes.
Tác dụng diệt khuẩn của daptomycin chỉ được chứng minh trên in vitro đối với các vi khuẩn Gram dương bao gồm Corynebacterium jeikeium, Enterococcus faecalis (chủng kháng vancomycin), Enterococcus faecium (gồm cả chủng kháng vancomycin), Staphylococcus epidermedis (gồm cả chủng kháng methicilin) và Staphylococcus haemolyticus.
2.2 Cơ chế tác dụng
Tác dụng diệt khuẩn của daptomycin liên quan đến khả năng gắn vào màng tế bào vi khuẩn (khi có mặt ion calci) và gây khử cực màng tế bào, làm gián đoạn quá trình tổng hợp DNA, RNA và protein của tế bào vi khuẩn.
Daptomycin có tác dụng diệt khuẩn nhanh và phụ thuộc nồng độ. Trong các mô hình nghiên cứu trên động vật, các chỉ số AUC/ MIC và Cmax/MIC có liên quan đến hiệu quả diệt khuẩn in vivo của daptomycin ở mức liều tương đương với liều dùng trên người.
Theo Ủy ban về thử nghiệm độ nhạy cảm của châu Âu (EUCAST), điểm gãy (breakpoint) nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của daptomycin trên Staphylococcus và Streptococcus (ngoại trừ Streptococcus pneumoniae) là nhạy khi MIC ≤ 1 mg/lít và kháng khi MIC > 1 mg/lít.
2.3 Tác dụng hiệp đồng
Daptomycin có tác dụng hiệp đồng trên in vitro với các kháng sinh aminoglycosid, beta-lactam và Rifampicin trên một số chủng vi khuẩn Staphylococcus (gồm cả chủng kháng methicilin) và enterococci (gồm cả chủng kháng vancomycin).
2.4 Kháng thuốc
Các chủng vi khuẩn giảm nhạy cảm với daptomycin được ghi nhận chủ yếu trên những bệnh nhân mắc các nhiễm khuẩn nặng và/hoặc dùng daptomycin trong thời gian kéo dài. Đáng lưu ý là đã ghi nhận trường hợp thất bại điều trị với daptomycin trên nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus, Enterococcus faecalis và Enterococcus faecium. Cơ chế kháng daptomycin của vi khuẩn hiện vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ.
3 Dược động học
Dược động học của daptomycin là tuyến tính và phụ thuộc liều ở mức liều 4 – 12 mg/kg. Nồng độ thuốc đạt trạng thái ổn định sau liều thứ 3.
3.1 Hấp thụ
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy daptomycin không được hấp thu qua đường uống.
3.2 Phân bố
Sau khi vào hệ tuần hoàn, daptomycin liên kết thuận nghịch với protein huyết tương, chủ yếu gắn với Albumin, tỷ lệ gắn phụ thuộc liều. Tỷ lệ thuốc gắn với protein trên bệnh nhân có chức năng thận bình thường và bệnh nhân suy giảm chức năng thận nhẹ đến vừa là 90 – 93%. Trên bệnh nhân suy thận nặng (Clcr < 30 ml/phút), tỷ lệ thuốc gắn protein huyết tương là 88%. Trên bệnh nhân lọc máu và lọc màng bụng liên tục (CAPD), tỷ lệ nảy lần lượt là 86% và 84%.
Vd trên người lớn khỏe mạnh là 0,1 lít/kg. Trên bệnh nhân nhiễm khuẩn nội tâm mạc và nhiễm khuẩn huyết, Vd của thuốc là 0,21 lít/kg. Trên bệnh nhân suy giảm chức năng thận, Vd của thuốc dao động trong khoảng 0,08 – 0,2 lít/kg. Ở trẻ sơ sinh, Vd của daptomycin khoảng 0,21 lít/kg trong khi ở trẻ 3 – 12 tháng tuổi là 0,13 lít/kg, trẻ em 13 – 24 tháng là 0,12 lít/kg và ở trẻ 2 – 17 tuổi, Vd dao động trong khoảng 0,11 – 0,14 lít/kg.
3.3 Chuyển hóa
Theo các nghiên cứu in vitro, daptomycin hầu như không được chuyển hóa qua gan.
3.4 Thải trừ
Phần lớn daptomycin trong cơ thể được thải trừ qua thận, khoảng 78%, trong đó lượng daptomycin ở dạng không đổi tương đương 50% liều thuốc. Khoảng 5% lượng thuốc được thải trừ qua phân. Tốc độ thải trừ daptomycin ở người có chức năng thận bình thường khoảng 8 – 9 ml/giờ/kg, người suy giảm chức năng thận khoảng 6 – 10 ml/giờ/kg và bệnh nhân lọc máu khoảng 3 – 4 ml/giờ/kg. Ở người cao tuổi, tốc độ thải trừ thuốc giảm 35% so với người trẻ và ở bệnh nhân béo phì, tốc độ này giảm 15 – 23% so với người không béo phì. Tốc độ thải trừ của thuốc ở trẻ sơ sinh khoảng 21 ml/giờ/kg và ở trẻ nhỏ khoảng 11 – 20 ml/giờ/kg.
Nửa đời thải trừ (t1/2) của dapomycin ở người lớn khỏe mạnh khoảng 8 giờ. T1/2 trên bệnh nhân suy giảm chức năng thận các mức độ nhẹ, vừa và nặng lần lượt là 11, 15 và 28 giờ, trên bệnh nhân lọc máu và lọc màng bụng liên tục là 19 – 46 giờ. Ở trẻ em, t1/2 khoảng 4 – 7 giờ.
4 Chỉ định
Nhiễm khuẩn da và mô mềm có biến chứng ở người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên, do vi khuẩn Gram dương nhạy cảm bao gồm Staphylococcus aureus (gồm cả chủng kháng methicilin), Streptococcus pyogenes, Streptococcus agalactiae, Streptococcus dysgalactiae subspecies equisimilis và Enterococcus faecalis (chỉ chủng nhạy với vancomycin).
Nhiễm khuẩn huyết ở người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên, do Staphylococcus aureus, cả chủng nhạy và kháng methicilin.
Ở người lớn, chỉ định này bao gồm cả trường hợp nhiễm khuẩn huyết kết hợp nhiễm khuẩn nội tâm mạc bên phải hoặc nhiễm khuẩn da và mô mềm có biến chứng.
Ở trẻ em, bao gồm cả trường hợp nhiễm khuẩn huyết kết hợp nhiễm khuẩn da và mô mềm có biến chứng.
Nhiễm khuẩn nội tâm mạc bên phải ở người lớn do Staphylococcus aureus.
Daptomycin chỉ có hoạt tính trên vi khuẩn Gram dương.
Trường hợp nhiễm khuẩn hỗn hợp nghi ngờ do cả vi khuẩn Gram âm và/hoặc vi khuẩn kỵ khí, cần phối hợp daptomycin với các kháng sinh khác.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với daptomycin.
6 Thận trọng
Không khuyến cáo sử dụng daptomycin cho trẻ dưới 1 tuổi, do nguy cơ gặp ADR trên cơ, thần kinh – cơ và TKTW.
Trường hợp nghi ngờ phản ứng quá mẫn, phản vệ do daptomycin, cần ngừng thuốc và thay bằng liệu pháp kháng sinh khác. Không sử dụng daptomycin để điều trị viêm phổi. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng daptomycin không có hiệu quả trong điều trị bệnh lý này.
Trường hợp bệnh nhân xuất hiện tiêu chảy nghi ngờ do Clostridium difficile, cần ngừng thuốc.
Daptomycin có thể ảnh hưởng đến kết quả một số xét nghiệm đông máu. Đã ghi nhận trường hợp daptomycin có liên quan đến kéo dài thời gian prothrombin (PT) và tăng INR giả khi sử dụng một số thuốc thử thromboplastin tái tổ hợp trong xét nghiệm này. Tăng creatin phosphatase (CK) huyết thanh kết hợp với đau cơ, yếu cơ và trường hợp viêm cơ, thiếu máu cục bộ cơ, tiêu cơ vân đã ghi nhận được trong thời gian dùng daptomycin. Cần giám sát nồng độ CK khi bắt đầu dùng và trong thời gian dùng thuốc, ít nhất 1 tuần/lần. Giám sát nồng độ CK thường xuyên hơn (mỗi 2 – 3 ngày 1 lần, trong 2 tuần đầu điều trị) trên bệnh nhân có nguy cơ cao với bệnh cơ, như bệnh nhân suy thận, bệnh nhân cần lọc máu hoặc lọc màng bụng liên tục, bệnh nhân dùng các thuốc có thể dẫn đến bệnh về cơ như thuốc ức chế HMG-CoA reductase, fibrat và ciclosporin. Cần giám sát thường xuyên các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cơ trong thời gian dùng thuốc. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau cơ, yếu cơ hoặc chuột rút, cần giám sát nồng độ CK mỗi 2 ngày 1 lần. Trường hợp xuất hiện các triệu chứng của bệnh cơ đồng thời nồng độ CK cao hơn 5 lần giới hạn bình thường trên thì cần dừng thuốc.
Viêm phổi tăng bạch cầu ưa acid đã được ghi nhận trên bệnh nhân đang dùng daptomcyin. Nếu xuất hiện triệu chứng của bệnh thì cần ngừng thuốc và điều trị bằng liệu pháp corticoid.
Cần giám sát triệu chứng của bệnh lý thần kinh ngoại biên trong thời gian dùng thuốc. Nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của bệnh, cần dừng thuốc.
Trường hợp xuất hiện nhiễm khuẩn khác ngoài nhiễm khuẩn da và mô mềm có biến chứng hoặc nhiễm khuẩn nội tâm mạc bên phải trong thời gian dùng daptomycin, cần cân nhắc liệu pháp kháng sinh khác đảm bảo có hiệu quả trên nhiễm khuẩn mới xác định. Đối với nhiễm khuẩn nội tâm mạc bên phải, hiệu quả của thuốc chưa được ghi nhận ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Daptomycin không được chỉ định trong điều trị viêm nội tâm mạc bên trái do Staphylococcus aureus vì hiệu quả kém. Hiệu quả của datomycin chưa được nghiên cứu trên bệnh nhân viêm nội tâm mạc do nhiễm trùng trên van nhân tạo.
Daptomycin là thuốc có nguy cơ gây độc trên thận, cần giám sát chức năng thận thường xuyên trong quá trình dùng thuốc. Cần hiệu chỉnh liều daptomycin trên bệnh nhân người lớn có Cl < 30 ml/ phút. Chế độ liều của daptomycin trên trẻ em có suy giảm chức năng thận chưa được thiết lập.
7 Thời kỳ mang thai
Dữ liệu trên động vật không ghi nhận bằng chứng về nguy cơ của daptomycin với bào thai chuột và thỏ. Dữ liệu trên người về an toàn của daptomycin trong thời kỳ mang thai chưa đầy đủ. Không thể loại trừ nguy cơ gây hại của thuốc cho thai. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ của thuốc trong thời kỳ mang thai trước khi sử dụng.
8 Thời kỳ cho con bú
Daptomycin có thể vào sữa mẹ, liều tương đối của trẻ bú mẹ khoảng 0,1% liều dùng của mẹ. Dữ liệu về an toàn của thuốc đối với trẻ trong thời kỳ mẹ cho con bú hiện chưa đầy đủ. Không thể loại trừ nguy cơ gây hại của thuốc cho trẻ. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ của thuốc trước khi dùng trong thời kỳ cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Thường gặp
Nhiễm trùng: nhiễm nấm, nhiễm nấm Candida, nhiễm trùng tiết niệu.
Máu và bạch huyết: thiếu máu
Tâm thần: lo lắng, mất ngủ.
Thần kinh; hoa mắt, đau đầu.
Mạch máu: tăng huyết áp, hạ huyết áp.
Tiêu hóa: đau bụng, nôn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, trướng bụng.
Gan mật: bất thường trên các xét nghiệm chức năng gan như tăng ALT, AST, alkalin phosphatase.
Da và mô mềm: phát ban, ngứa.
Cơ – xương và mô liên kết: đau các chi, tăng creatin phosphokinase huyết thanh.
Khác: sốt, suy nhược.
9.2 Ít gặp
Nhiễm trùng: nhiễm nấm máu.
Máu và bạch huyết: tăng tiểu cầu nguyên phát, tăng bạch cầu ưa acid, tăng INR, tăng bạch cầu.
Chuyển hóa và dinh dưỡng: giảm sự thèm ăn, tăng đường huyết, rối loạn điện giải.
Thần kinh: dị cảm, rối loạn vị giác, run rẩy, kích ứng mắt.
Tim: nhịp nhanh thất, ngoại tâm thu.
Mạch máu: đỏ bừng
Tiêu hóa: khó tiêu, viêm lưỡi.
Da và mô mềm: mề đay.
Cơ – xương và mô liên kết: viêm cơ, tăng myoglobin, yếu cơ, đau cơ, đau khớp, tăng lactat dehydrogenase (LDH) huyết thanh, chuột rút cơ.
Thận và tiết niệu: suy giảm chức năng thận, tăng creatinin huyết thanh.
Hệ sinh sản: viêm âm đạo.
9.3 Hiếm gặp
Máu và bạch huyết: thời gian prothrombin (PT) kéo dài.
Gan mật: vàng da.
9.4 Chưa xác định được tần suất
Nhiễm trùng: tiêu chảy liên quan đến Clostridium difficile.
Máu và bạch huyết: giảm tiểu cầu.
Thần kinh: bệnh thần kinh ngoại biên.
Hô hấp: viêm phổi tăng bạch cầu ưa acid, ho.
Da và mô mềm: hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
Cơ – xương và mô liên kết: tiêu cơ vân.
Hệ miễn dịch: phản ứng quá mẫn như phù mạch, hội chứng phát ban do thuốc với tăng bạch cầu ưa acid và các triệu chứng toàn thân (DRESS), hội chứng tăng bạch cầu ưa acid trên bệnh phổi, phát ban kèm mụn nước, cảm giác sưng hầu họng; phản ứng phản vệ bao gồm các triệu chứng nhịp tim nhanh, khó thở, sốt, rét run, đỏ bừng toàn thân, choáng, ngất, miệng có vị kim loại.
Khác: mệt, đau mỏi.
9.5 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Cần ngừng thuốc trong các trường hợp sau: Nghi ngờ bệnh nhân gặp phản ứng quá mẫn, phản vệ, tiêu chảy nghi ngờ do Clostridium difficile, xuất hiện triệu chứng của bệnh lý ngoại biên. Trường hợp xuất hiện triệu chứng của bệnh cơ kèm nồng độ CK cao hơn 5 lần giới hạn bình thường trên, nghi ngờ bệnh phổi do tăng bạch cầu ưa acid.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Ở người lớn, daptomycin được dùng theo đường truyền tĩnh mạch trong thời gian 30 phút hoặc tiêm tĩnh mạch trong 2 phút. Đối với trẻ em, daptomycin chỉ được khuyến cáo dùng đường truyền tĩnh mạch, thời gian truyền đối với trẻ em 7 – 17 tuổi là 30 phút, trẻ em 1- 6 tuổi là 60 phút.
Daptomycin dạng bột pha tiêm được bào chế từ 2 công thức khác nhau: dạng bột đông khô pha tiêm có chứa sucrose và bột đông khô pha tiêm không chứa sucrose.
Dạng bột đông khô không chứa sucrose được hoàn nguyên bằng dung dịch Natri clorid 0,9%. Đối với dạng bột đồng khô có chứa sucrose, hoàn nguyên bằng nước cất pha tiêm, không nên sử dụng natri clorid để hoàn nguyên vì sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu của dung dịch sau hoàn nguyên. Dung dịch thuốc có nồng độ sau khi hoàn nguyên là 50 mg/ml được dùng để tiêm tĩnh mạch, hoặc tiếp tục được pha loãng bằng dung dịch natri clorid 0,9% đến nồng độ không quá 20 mg/ml để truyền tĩnh mạch.
10.2 Liều lượng
10.2.1 Nhiễm khuẩn da và mô mềm có biến chứng
Trường hợp nhiễm khuẩn da và mô mềm có biến chứng không kết hợp nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus, liều dùng như sau:
-
Người lớn: 4 mg/kg mỗi 24 giờ, trong 7 – 14 ngày hoặc cho đến khi hết nhiễm khuẩn.
-
Trẻ em: trẻ em từ 1 đến dưới 2 tuổi: 10 mg/kg mỗi 24 giờ, trẻ em 2 – 6 tuổi: 9 mg/kg mỗi 24 giờ, trẻ em 7 – 11 tuổi: 7 mg/kg mỗi 24 giờ, trẻ em 12 – 17 tuổi: 5 mg/kg mỗi 24 giờ. Thời gian điều trị tới 14 ngày.
-
Trường hợp nhiễm khuẩn da và mô mềm có biến chứng kết hợp nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus, xem liều dùng đối với nhiễm khuẩn huyết.
10.2.2 Nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus ở người lớn
Liều dùng: 6 mg/kg mỗi 24 giờ, trong 2 – 6 tuần.
Trường hợp nhiễm khuẩn huyết do MRSA không biến chứng, thời gian điều trị tối thiểu là 2 tuần, trường hợp có biến chứng thì thời gian điều trị là 4 – 6 tuần.
Khi nhiễm khuẩn huyết kết hợp viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trên van tự nhiên do MRSA, thời gian dùng là 6 tuần, có thể dùng liều cao hơn, tối đa là 8 – 10 mg/kg mỗi 24 giờ.
10.2.3 Nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus ở trẻ em
Liều dùng: trẻ em 1 – 6 tuổi: 12 mg/kg mỗi 24 giờ; trẻ em 7 – 11 tuổi: 9 mg/kg mỗi 24 giờ và trẻ em 12 – 17 tuổi: 7 mg/kg mỗi 24 giờ.
Thời gian điều trị cần kéo dài hơn 2 tuần tùy thuộc nguy cơ biến chứng của từng bệnh nhân, có thể kéo dài tới 6 tuần.
10.2.4 Nhiễm khuẩn nội tâm mạc bên phải ở người lớn do Staphylococcus aureus
Liều dùng: 6 mg/kg mỗi 24 giờ. Thời gian điều trị có thể tới 6 tuần.
Ở người lớn suy thận: Cần hiệu chỉnh liều daptomycin trên bệnh nhân có Clcr < 30 ml/phút.
-
Đối với nhiễm khuẩn da và mô mềm có biến chứng không kết hợp nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus, liều hiệu chỉnh là 4 mg/kg mỗi 48 giờ.
-
Đối với nhiễm khuẩn nội tâm mạc bên phải hoặc nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus, liều hiệu chỉnh là 6 mg/kg mỗi 48 giờ.
-
Trên bệnh nhân lọc máu và lọc màng bụng liên tục, dùng liều hiệu chỉnh như trên sau khi lọc, tốt nhất là dùng thuốc vào đúng những ngày lọc.
-
Cần bổ sung thêm 50% liều nếu khoảng cách giữa các lần lọc là 72 giờ.
Ở người suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều daptomcyin trên bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ và vừa (Child-Pugh B). Không có dữ liệu trên bệnh nhân suy gan nặng (Child-Pugh C), nên cần thận trọng khi dùng daptomycin trên những bệnh nhân này.
11 Tương tác thuốc
Daptomycin hầu như không được chuyển hóa qua gan. Thuốc cũng không gây cảm ứng hay ức chế các isoenzym như 1A2, 2A6, 2C9, 2C19, 2D6, 2El và 3A4 của cytocrom P450, do đó không có nguy cơ tương tác dược động học của daptomycin với các thuốc được chuyển hóa qua các isoenzym này.
Kháng sinh aminoglycosid: Daptomycin và kháng sinh aminoglycosid có thể có tác dụng hiệp đồng trên vi khuẩn Staphylococcus và Enterococcus.
Kháng sinh beta-lactam: Daptomycin và các kháng sinh penicilin (ampicilin, oxacilin, ampicilin và Sulbactam, piperacilin và lazobactam, ticarcilin và Acid Clavulanic), kháng sinh Cephalosporin (cefepim, ceftriaxon), aztreonam, Imipenem có thể có tác dụng hiệp đồng trên vi khuẩn Staphylococcus và Enterococcus.
Kháng sinh rifampicin: Daptomycin và rifampicin có thể có tác dụng hiệp đồng trên vi khuẩn Staphylococcus và Enterococcus, bao gồm cả Enterococcus kháng Vancomycin.
Các thuốc ức chế HMG-CoA reductase: Cả daptomycin và thuốc ức chế HMG-CoA reductase đều gây bệnh về cơ, nên sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh cơ và tiêu cơ vân khi phối hợp. Dữ liệu về việc dùng kết hợp daptomycin với các thuốc này là hạn chế. Tuy nhiên đã ghi nhận một số trường hợp nồng độ CK tăng đáng kể kèm các triệu chứng tiêu cơ vân trên bệnh nhân dùng thuốc ức chế HMG-CoA reductase cùng lúc với daptomycin. Do vậy, cần ngừng các thuốc có ADR trên cơ trong thời gian dùng daptomycin trừ khi lợi ích vượt trội nguy cơ. Trường hợp không dừng được, cần giám sát thường xuyên nồng độ CK và các dấu hiệu của bệnh cơ.
Các thuốc làm giảm độ lọc cầu thận (như các thuốc NSAID và ức chế COX-2): Daptomycin được thải trừ chủ yếu qua quá trình lọc ở cầu thận, do đó nồng độ daptomycin trong huyết tương có thể tăng nếu dùng kèm các thuốc làm giảm độ lọc cầu thận. Hơn nữa, khi phối hợp daptomycin với các thuốc này, còn có nguy cơ tương tác dược lực học gây độc tính hiệp đồng trên thận. Vì vậy, cần thận trọng khi phối hợp daptomycin với bất kỳ thuốc nào làm giảm độ lọc cầu thận.
Warfarin: Sử dụng đồng thời daptomycin và warfarin không làm thay đổi tác dụng và dược động học của cả hai thuốc. Tuy nhiên, khi dùng đồng thời với warfarin, daptomycin có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm thời gian prothrombin (PT) và INR nên cần thận trọng khi phiên giải kết quả các xét nghiệm này trong quá trình theo dõi điều trị warfarin.
12 Tương kỵ
Daptomycin tương kỵ với các dung dịch chứa Glucose hay dextrose, do đó không được pha daptomycin trong các dung dịch chứa glucose. Do dữ liệu về tương kỵ của daptomycin với các thuốc khác còn ít, nên không trộn chung daptomycin với các thuốc khác. Nếu nhiều thuốc được dùng qua đường truyền tĩnh mạch thì cần tráng dây truyền bằng dung môi tương hợp trước và sau khi truyền daptomycin.
13 Quá liều và xử trí
Trường hợp quá liều daptomycin, cần kết hợp điều trị hỗ trợ và duy trì độ lọc cầu thận. Daptomycin được thải trừ rất chậm khi lọc máu (khoảng 15% liều được loại ra khỏi cơ thể sau 4 giờ lọc) hay lọc màng bụng liên tục (khoảng 11% liều được loại sau 48 giờ lọc). Sử dụng màng lọc thông lượng cao trong 4 giờ lọc có thể tăng tỷ lệ thuốc được thải trừ so với màng lọc thông lượng thấp.
Cập nhật lần cuối: 2019