Đào Tiên (Quả Trường Sinh – Crescentia cujete L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Lamiales (Hoa môi)

Họ(familia)

Bignoniaceae (Núc Nác)

Chi(genus)

Crescentia

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Crescentia cujete L.

Đào Tiên (Quả Trường Sinh - Crescentia cujete L.)

Đào tiên thuộc dạng cây nhỡ, sống nhiều năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 5 đến 8 mét. Cây Đào tiên thường được sử dụng để làm thuốc nhuận tràng, hạ sốt, lợi tiểu, làm mát. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Crescentia cujete L.

Tên gọi khác: Quả trường sinh, Bí đặc, Vạn thọ, Đinh bầu.

Họ thực vật: Núc Nác Bignoniaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Đào tiên thuộc dạng cây nhỡ, sống nhiều năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 5 đến 8 mét.

Cây có tán lá tạo thành hình tháp, bề mặt vỏ thân của cây có màu xám, trên thân có vảy.

Lá cây mọc so le, tuy nhiên lại thường mọc tập trung 3 lá một mấu. Phiến lá nguyên, cứng, nhẵn, gốc lá thuôn hẹp, đầu lá nhọn.

Mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới có phủ lông ở gần gân lá. Gân giữa nổi rõ, các cuống lá có chiều dài từ 0,8 đến 1cm.

Hoa có kích thước lớn, thường mọc đơn độc trên thân cành, hoa có màu trắng lục, mùi hôi, hoa dài dạng hình chuông, dễ rụng, tràng gần hình chuông, đài 5, nhị 4, bầu hình chóp, 1 ô.

Quả mọng, có dạng hình cầu, đường kính mỗi quả khoảng 6 đến 12cm, đã tìm thấy những quả có đường kính lên đến 20cm. Hình dáng tương tự quả Bưởi, vỏ quả ứng, bên trong thịt quả có màu trắng, vị chua, nhiều hạt. Hạt hơi dẹt.

Mùa hoa quả gần như quanh năm.

Quả của cây Đào tiên
Quả của cây Đào tiên

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Quả.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Crescentia L. trên thế giới có 6 loài được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới của châu Mỹ, từ Mexico đến Brazil.

Chi này có 2 loài được du nhập vào khu vực Đông Nam Á bao gồm C. alata Kunth và C. cujete L. Ở Việt Nam, chi này chỉ có 1 loài duy nhất là Đào tiên, được trồng với mục đích làm hàng rào đặc biệt là các tỉnh thuộc khu vực phía Nam từ Quảng Ngãi, Bình Định đến các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đào tiên có bản chất là loài ưa sáng, phát triển tốt ở những khu vực có khí hậu nóng ẩm của vùng nhiệt đới.

Toàn cây Đào tiên
Toàn cây Đào tiên

Cây sinh trưởng được trên nhiều loại đất khác nhau, ngay cả những khu vực thường xuyên bị ngập nước như bờ ao, kênh mương.

Đào tiên là loài hoa quả gần như quanh năm, mùa hoa quả rơi vào các tháng mùa khô hoặc kéo dài sang đến mùa mưa.

Hoa thường nở về đêm, khi sáng sẽ rụng. Đào tiên thụ phấn nhờ dơi. Hạt cây sau 3 tuần gieo đã có thể nảy mầm. Sau 2-3 tháng thì chiều cao mỗi cây rơi vào khoảng 20-30cm. Tại nước ta, cây thường được trồng bằng cành hoặc bằng những nhánh con.

Đào tiên còn được trồng nhằm mục đích tránh sạt lở, dùng làm củi đun.

Quả mọng
Quả mọng

2 Thành phần hóa học

Vỏ rễ của cây có chứa β-sitosterol, acid vanilic, acid ursolic và acid 4-hydroxybenzoic.

Những quả thu hái tại nước ta có chứa 15 hoạt chất trong đó có:

  • 5 iridoid.
  • 3 iridoid glycosid.
  • 3-hydroxyoctanol glycosid.
Hình ảnh quả và lá
Hình ảnh quả và lá

3 Tác dụng – Công dụng của cây đào tiên

3.1 Tác dụng dược lý

Cao methanol chiết xuất từ vỏ rễ của cây đã được chứng minh có tác dụng ức chế các vi khuẩn Gram dương.

Acid vanillic cho thấy tác dụng ức chế với nồng độ thấp nhất là 125 và 175 µg/ml đối với các chủng bao gồm Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis.

Thành phần acid 4-hydroxybenzoic được chứng minh có khả năng ức chế cả 2 chủng vi khuẩn trên với nồng độ thấp nhất là 250 µg/ml.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Thịt quả có vị chua.

Tác dụng: Lợi tiểu, làm mát, nhuận tràng, hạ sốt.

Hình ảnh quả của cây Đào tiên
Hình ảnh quả của cây Đào tiên

3.2.2 Công dụng

Y học dân gian sử dụng nước sắc từ quả khô của cây Đào tiên có tác dụng làm loãng đờm, trị ho, nhuận tràng. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên sử dụng liều cao vì Đào tiên có tác dụng tẩy mạnh.

Quả của cây độc với chim và với các động vật có vú nhỏ.

Y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng thịt quả để làm thuốc uống nhuận tràng, hạ sốt, lợi tiểu, làm mát. Nước sắc từ vỏ cây được dùng trong các trường hợp vết thương lở loét. Lá dùng để trị nhức đầu.

Nhân dân Sumatra sử dụng nước sắc từ vỏ thân để trị vết thương. Lá cây giã nhỏ đắp để trị nhức đầu.

Nhân dân Tây Phi và vùng Caribbe sử dụng nước ngâm từ thịt quả để lọc máu, hạ sốt, làm mát, trị nhức đầu và các trường hợp bị bỏng. Ở Tây Phi, người ta còn sử dụng tro từ quả đem sao cháy của cây để làm thuốc tẩy và giúp lợi tiểu nhẹ.

Hoa của cây Đào tiên
Hoa của cây Đào tiên

Nhân dân Trung Mỹ sử dụng quả để làm siro ho và cảm lạnh.

Nhân dân Thái Lan và Trung Mỹ sử dụng lá giã nát để đắp lên vết thương có tác dụng cầm máu và thúc đẩy vết thương mau lành.

Nước sắc từ lá hoặc vỏ của cây Đào tiên có tác dụng làm săn, dùng trong các trường hợp tiêu chảy, kiết lỵ.

Ngoài ra, Đào tiên còn được sử dụng trong Y học cổ truyền như một loại thuốc trị ung thư.

Cơm quả của cây Đào tiên
Cơm quả của cây Đào tiên

4 Một số câu hỏi thường gặp

4.1 Quả cây đào tiên có ăn được không?

Quả của cây Đào tiên có vị chua, thịt quả màu trắng, có độc đối với chim và các loài động vật có vú. Con người thường sử dụng quả Đào tiên để làm thuốc nhuận tràng do tác dụng sổ mạnh.

4.2 Giá cây đào tiên cảnh là bao nhiêu?

Giá cây Đào tiên cảnh có thể lên đến 5.000.000 đồng cho một cây con có đường kính khoảng 20cm.

4.3 Có nên trồng cây đào tiên trước nhà không?

Cây Đào tiên
Cây Đào tiên

Việc trồng cây Đào tiên trước nhà giúp cho phong cảnh trở nên bắt mắt, đặc biệt, Đào tiên là loài ra hoa quả quanh năm, quả có dạng hình cầu, dễ gây ấn tượng với người nhìn. Bên cạnh đó, trong phong thủy, Đào tiên còn được coi là loài cây mang nhiều may mắn cũng như sự thịnh phát cho gia chủ do đó, đây là một loài cây nhận được nhiều sự quan tâm của những người chơi cây.

4.4 Tuổi thọ cây đào tiên là bao nhiêu?

Đào tiên là loài sống nhiều năm, có những cây có tuổi thọ lên đến 20-25 năm.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Đào tiên, trang 747-748. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2024.

Tác giả Đỗ Tất Lợi (Xuất bản năm 2004). Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Đào Tiên, trang 897-898. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2024.

Để lại một bình luận