Cúc Bách Nhật (Gomphrena globosa L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Caryophyllales (Cẩm chướng)

Họ(familia)

Amaranthaceae (Rau Dền)

Chi(genus)

Gomphrena

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Gomphrena globosa L.

Cúc Bách Nhật (Gomphrena globosa L.)

Cúc bách nhật thường được trồng làm cảnh nhờ cụm hoa có màu sắc nổi bật. Ngoài ra, cây cũng được sử dụng trong các trường hợp ho, ho gà, ho lao, đau mắt sưng đỏ. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Cúc bách nhật

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Gomphrena globosa L.

Tên gọi khác: Bông nở ngày, Thiên kim hồng, Bách nhật hồng.

Họ thực vật: Rau dền Amaranthaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hoa của cây Cúc bách nhật
Cúc bách nhật

Cúc bách nhật thuộc dạng cây thảo, mọc hàng năm, chiều cao khoảng 20 đến 60cm, có lông mề m.  

Thân cây mọc đứng, phình lên ở các mấu.

Lá cây Cúc bách nhật mọc đối, cuống ngắn, phiến lá có dạng hình bầu dục, gốc lá tròn hoặc hơi hình tim, đầu lá nhọn, chiều dài lá 4-7cm, chiều rộng từ 2-3cm. Mặt trên lá có màu lục sẫm, ít lông, mặt dưới lá có phủ một lớp lông mềm có màu trắng, lớp lông này thường dày hơn ở những lá non. Cuống lá dài 1-2cm.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân, hoa có đỏ tía hoặc hồng tía, lá bắc con ép vào hoa, nhị 5, bầu hình trứng.

Quả có một lớp vỏ mỏng như màng bao quanh.

Hạt có dạng hình trứng, hạt có màu nâu đỏ, nhẵn bóng.

Mùa hoa rơi vào tháng 7 đến tháng 12.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Cụm hoa, lá và cành.

1.3 Đặc điểm phân bố

Hình ảnh chi tiết cụm hoa
Hình ảnh chi tiết cụm hoa 

Tại nước ta, chi Gomphrena L. có 2 loài, kích thước nhỏ, thường tìm thấy mọc dại ở một số nơi thuộc các tỉnh ven biển miền Trung, có một loài lớn hơn được gọi là Cúc bách nhật được trồng để làm cảnh.

Cây có nguồn gốc ở châu Mỹ, sau đó được du nhập để trồng làm cảnh. Tuy nhiên, không rõ cây được du nhập vào nước ta từ bao giờ.

Cúc bách nhật có nhiều giống, thường phân biệt bằng màu sắc và cụm hoa lớn hay nhỏ. Cúc bách nhật sống theo năm, cây ưa sáng, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau.

Cây mọc từ hạt, sau khoảng 2 tháng sẽ bắt đầu ra hoa. Thông thường Cúc bách nhật được trồng thành 2 vụ trong năm để làm cảnh.

1.4 Cách trồng cúc bách nhật tím

Cây được nhân giống bằng hạt. Thường gieo hạt vào mùa xuân, khi cây đạt chiều cao từ 10-15cm sẽ tiến hành đánh để trồng.

Đất trồng ưu tiên các dòng đất pha cát, thịt nhẹ, dễ thoát nước, tơi xốp.

Sau khi cày bừa, dọn cỏ, tạo luống cao 20-25cm, mặt luống có chiều rộng từ 60-80cm sau đó trồng 3-4 hàng với khoảng cách 25 đến 30cm.

Hoa Cúc bách nhật có ý nghĩa gì? Hoa cúc bách nhật tượng trưng cho sự mạnh mẽ, cầu phúc cho các cặp đôi trăm năm hạnh phúc.

2 Thành phần hóa học

Cụm hoa chứa sắc tố màu.

Cúc bách nhật chứa Saponin được chứng minh có tác dụng ức chế sự hình thành IL-6, đặc biệt hữu hiệu trong các trường hợp viêm khớp, các trường hợp viêm, nhiễm trùng, loãng xương, ung thư.

3 Tác dụng – Công dụng của cây Cúc bách nhật

Toàn cây Cúc bách nhật
Toàn cây Cúc bách nhật

3.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Vị ngọt, nhạt, hơi chát, tính bình, không độc.

Tác dụng: Khu đàm, bình suyễn, bình can, tiêu viêm.

3.2 Công dụng

Cụm hoa hoặc toàn cây được dùng để chữa hen phế quản, viêm khí phế quản cấp và mạn tính, các trường hợp ho gà, đau mắt, trẻ em khóc về đêm, chướng bụng. Liều dùng hàng ngày cho người lớn được khuyến cáo là 8-16g, liều dùng cho trẻ 5-10 tuổi là 4-8g.

Có thể dùng toàn cây với liều 20-30g cho người lớn.

Cúc bách nhật có thể dùng ngoài bằng cách giã nát, nấu lấy nước xông để tắm rửa trong các trường hợp chấn thương hoặc bị các bệnh ngoài da.

4 Hoa cúc bách nhật có tác dụng gì?

Hình ảnh lá cây
Hình ảnh lá cây

4.1 Chữa hen suyễn, viêm khí phế quản

6g cụm hoa Cúc bách nhật.

6g Tỳ bà diệp.

6g Bảy lá một hoa.

10g Lá nhót.

Các vị đem đi sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần trong ngày.

Có thể đem nghiền thành bột mịn, mỗi ngày sử dụng 1,5 đến 3g, mỗi ngày dùng 2-3 lần.

Hoặc:

  • 30g cụm hoa Cúc bách nhật, 30g Kim tiền thảo đem sắc lấy nước uống.
  • 16g cụm hoa Cúc bách nhật, 12g Cóc mẳn, 12g lá táo gai, 12g Hương Nhu, 8g củ Sả, 2g Gừng sống. Các vị đem sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần mỗi ngày.
  • Chữa ho gà, ho ra máu, ho, ho lao
  • 10g cụm hoa Cúc bách nhật.
  • 9g Long nha thảo.
  • Các vị đem sắc lấy nước uống.

4.2 Chữa trẻ em hay khóc về đêm

5g cụm hoa Cúc bách nhật.

3g xác Ve sầu.

2g Cúc Hoa.

Các vị đem sắc lấy nước uống.

Có thể thêm đường.

4.3 Chữa mờ mắt, trẻ em kinh phong, mắt đỏ

Cúc bách nhật thường được trồng làm cảnh
Cúc bách nhật thường được trồng làm cảnh

15g cụm hoa Cúc bách nhật.

15g Câu Đằng.

6g Cương tàm.

2g Cúc hoa.

Các vị đem sắc lấy nước uống.

Có thể sử dụng độc 2g Cúc bách nhật đem sắc lấy nước uống chữa mờ mắt, trẻ em kinh phong.

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Cúc bách nhật, trang 571-573, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2024.

Để lại một bình luận