Củ Súng (Khiếm Thực Nam)

Củ Súng (Khiếm Thực Nam)

Củ súng là thân rễ của cây súng, một loại cây rất quen thuộc tại Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết đến những tác dụng của củ súng đối với sức khỏe. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về củ súng.

1 Giới thiệu về củ súng

Củ súng, hay còn được gọi là vị thuốc khiếm thực nam, thùy liên là thân rễ (củ) phơi khô của cây Súng (Nymphaea stellata Willd.), thuộc họ Súng (Nymphaeaceae)

Củ súng có tên khác là khiếm thực nam
Củ súng có tên khác là khiếm thực nam

1.1 Mô tả thực vật

Cây súng là cây thảo, có môi trường sống là dưới nước. Thân rễ có rất nhiều củ có kích thước nhỏ. Lá súng to, hình tim tròn, mọc nổi lên mặt nước, lá dài khoảng 13cm, rộng 7-10cm, phần mép lá lượn sóng mặt trên màu xanh lục (do chứa diệp lục có chức năng quang hợp), mặt dưới màu tía, cuống lá dài, mảnh.

Hoa cây súng rất to, đẹp, đường kính hoa có thể lên tới 3-15cm, hoa mọc đơn có rất nhiều màu đa dạng như xanh, trắng hay tím, hồng…, lá đài 4, nhị 10-50, bao phấn có một phần không sinh sản ở đầu. Người ta ít gặp quả súng, mùa hoa súng vào khoảng tháng 5-6 hàng năm.

Hình ảnh cây súng
Hình ảnh cây súng

1.2 Mô tả dược liệu

Củ Súng có hình trứng, dài khoảng 7-10 mm, đường kính từ 6 đến 9 mm. Củ có một đầu lõm sâu hơn, đầu còn lại có 3 vết lõm nhưng nhỏ hơn và nông hơn. Trong phần thịt củ màu trắng ngà hoặc trắng hơi xám, mặt ngoài có màu hơi vàng. Củ có vị hơi ngọt, chứa nhiều tinh bột, soi bột thấy rất nhiều những hạt tinh bột này đứng đơn độc, đôi hay kép ba…

1.3 Phân bố, sinh thái

Cây súng tập trung ở vùng nhiệt đới như Nam Á, Đông Nam Á, trải dài các nước từ Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Ấn Độ…

Ở Việt Nam có 4 loài súng, 2 loài là cây nhập thường trồng để làm cảnh. Cây cũng được tìm thấy mọc tự nhiên ở các ao hồ, kênh rạch, những nơi nước khá nông và lặng, nước sâu hơn 1,5m thì ít thấy cây mọc.

Cuống non của hoa và rễ củ ăn được.

Cây súng phân bổ ở nhiều nơi
Cây súng phân bổ ở nhiều nơi

1.4 Cách trồng và thu hoạch

Cây được nhân giống bằng thân rễ hay bằng hạt. Trồng vào mùa xuân, hạt có nhiệt độ nảy mầm thích hợp là từ 21-27 độ C.

Thu hái thân rễ hay củ súng vào tháng 9-10, rửa sạch, phơi khô hay sao vàng, khi dùng thì tán nhỏ 

Củ súng thu hoạch vào tháng 9-10
Củ súng thu hoạch vào tháng 9-10

2 Thành phần hóa học

Flavonoid và tanin thủy phân là những loại thành phần hoạt tính chính được xác định trong hoa, lá và thân rễ của cây súng

Trong củ súng còn có chứa acid phenolic glycosyl hóa như acid syringic hexoside, các flavonoid có thể kể đến như quercetin hexoside và apigenin….

3 Củ súng có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy sự cải  thiện các chỉ số của gan, phục hồi hệ thống chống oxy hóa và tác dụng lên các chất trung gian gây viêm.    

Củ súng có vị nhạt, hơi ngọt, hơi béo, bùi, chát, tính bình, quy kinh tỳ, thận. Có tác dụng sáp tinh làm dịu dục tình, cường tráng thu liễm và gây ngủ

3.2 Công dụng

 Củ súng được dùng để chữa cương đau dương vật, mộng tinh, bạch đới, bạch trọc, trị mất ngủ, bồn chồn, tim đập nhanh, viêm bàng quang, viêm thận đau lưng, mỏi gối, ù tai, tiểu không tự chủ

Ngày dùng 30g dưới dạng sắc uống

Ở Ấn Độ, củ súng tán bột còn chứa đầy hơi, trĩ, tiêu chảy

Kiêng kỵ: Người táo bón, bí tiểu tiện

4 Món ăn từ củ súng

Bạn có thể dùng củ súng nấu nhiều món canh, cháo hay chè bổ dưỡng như:

Canh tôm củ súng: dùng 30g củ súng, 2 quả trứng gà, 100g thịt lợn nạc, 60g tôm nõn, lượng vừa đủ Cần Tây, mộc nhĩ, gia vị các loại, đem nấu chín, nhừ

Củ súng nấu gan lợn: dùng 30g củ súng, 120g gan lợn, đem sơ chế rồi thái miếng vừa ăn nấu chín cũng nhau

Chè củ súng hạt sen: dùng 30g củ súng, 15g hạt Sen đem nấu chín nhừ, thêm đường vừa ăn

Một số công dụng của củ súng
Một số công dụng của củ súng

5 Mua củ súng ở đâu?

Củ súng hiện nay được giao bán rất nhiều trên các trang web điện tử, khá thuận tiện cho người mua, không phải tìm đến tận những vùng sông nước xa xôi để tìm mua củ súng

Bạn có thể tham khảo những trang web uy tín để mua, dưới đây là một số trang web mà khi tìm kiếm, chúng tôi thấy có bán củ súng: trungtamduoclieu.vn, duoclieunghiahung.com, caythuoc.org,…

6 Bài thuốc chứa củ súng

6.1 Chữa thần kinh suy nhược, di mộng tinh, hoạt tinh, viêm ruột mãn tính

Dùng 100g củ súng là 500g quả kim anh

Cách làm: Sao củ súng cho vàng ròn, bỏ hạt, lông của quả kim anh sau đó cũng sao vàng ròn. Tán nhỏ cả 2 vị thuốc. Dùng 500g mật ong, đun sôi rồi cho vào 2 vị thuốc đã tán nhỏ, trộn đều thành bột dẻo sau đó viên thành 100 viên. Ngày uống 2 viên chia 2 lần mỗi ngày với nước nóng

6.2 Thuốc bổ thận, đen râu tóc

Dùng 200g củ súng đã sao vàng thơm, 500g cỏ nhỏ nồi phơi khô trong râm

Cách làm: Tán bột cả củ súng và cỏ nhọ nồi, trộn đều, ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-3 thìa cà phê với nước cơm lúc đói hoặc với 30ml rượu ngọt

Cách khác ta có thể thêm Mật Ong rồi viên thành viên

6.3 Chữa cảm (cảm nắng)

Dùng một lượng củ súng vừa đủ, nấu với 2 lần nước rồi cô thành cao uống

6.4 Thuốc bổ thận

Dùng 40g củ súng, 50g thục địa, 30g Thạch Hộc, 30g Hoài Sơn, 20g táo nhân, tỳ giải hay thổ Phục Linh 20g

Cách làm: Thái nhỏ và chưng cách thủy cho mềm thục địa, tán nhuyễn. Các vị thuốc còn lại phơi khô, sao vàng, tán bột mịn rồi trộn với Thục Địa và mật ong, viên thành từng viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần khoảng 12g

7 Tài liệu tham khảo

  • Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Súng trang 761-762, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 14 tháng 06 năm 2023.
  • Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Chuyên luận Dược liệu: Củ súng trang 1128 – 1129, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 14 tháng 06 năm 2023.
  • Cây hoa cây thuốc (Xuất bản năm 2005). Súng trang 47-48, Cây hoa cây thuốc. Truy cập ngày 14 tháng 06 năm 2023.
  • Tác giả: Riham O. Bakr (Ngày đăng: năm 2019). Chapter 11 – Nymphaea alba and Liver Protection, sciencedirect. Truy cập ngày 14 tháng 06 năm 2023

Để lại một bình luận