Củ Mã Thầy hay Củ Năng là loại thức ăn bổ mát, có thể dùng để nấu nhiều loại thức ăn ngon. Trong y học cổ truyền, Củ Năng được dùng làm thuốc chữa bệnh tiểu đường, bệnh gan vàng da, táo bón, lỵ ra máu… Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Củ Mã Thầy.
1 Củ Mã Thầy và Củ Năng
Củ Mã Thầy hay Củ Năng thực chất chỉ là tên gọi khác nhau của củ loại cây có danh pháp khoa học là Eleocharis dulcis (Burm.f.) Trin.ex Henschel, tên đồng nghĩa là Eleocharis tuberosa (Roxb.) Roem et Schult. E plantaginea R. Br, thuộc họ Cói – Cyperaceae.
Ngoài ra, Củ Mã Thầy còn được gọi là Củ Năn, Bột Tề.
2 Mô tả thực vật: Cây Mã Thầy như thế nào?
Cây Mã Thầy là cây thân thảo, sống lâu năm, có thân rễ nhỏ mọc bò. Cây có rễ củ to hình cầu dẹt, mọc dưới nước, vỏ ngoài có vòng đốt rõ, màu tím đen hoặc nâu đen, ruột màu trắng. Thân hình trụ, mập, rỗng, cây có thể cao đến 1 m, mặt ngoài có rãnh, mặt trong có những vách ngang, khi khô trở nên xốp. Lá bị thoái hóa, gốc thân còn lại 2-3 lá chét; bẹ lá mỏng hay bị rách.
Cụm hoa mọc ở ngọn thành bông nhỏ hình trụ, màu vàng đỏ hoặc nâu nhạt, gồm nhiều vảy mọc đứng, xếp lợp lên nhau, vảy hình trái xoan rộng, đầu bằng, lưng có nhiều rãnh, hoa xếp theo dạng xoắn ốc dài 1,5-4 cm.
Quả bế dài bằng 1/3 vảy, hình trứng ngược, hai mặt lồi và hơi có 3 cạnh, dài 2-4 mm.
Hình ảnh cây mã thầy:
3 Cách trồng Củ Mã Thầy: Củ Mã Thầy trồng ở đâu?
3.1 Phân bố, sinh thái
Chi Eleocharis R.Br. ở Việt Nam có 13 loài. Loài củ năng có hai loại tương đương với 2 thứ (var ) trong phân loại học. Loại củ to, màu nâu đen có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau được trồng phổ biến ở nhiều nơi, như Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản và một số nước khác. Loại củ nhỏ cũng có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Malaysia, Philippin… Ở Việt Nam loại này mọc hoang dại ở vùng Đồng Tháp Mười, chịu được đất phèn.
Cả hai loại củ năng đều là những loại cỏ sống ở nước. Củ của chúng còn được coi như một loại thân ngầm, bởi khả năng mọc chồi thân từ các đỉnh sinh trưởng. Loại củ năn to thường được trồng trong các ao hồ (nước nông) hoặc đồng chiêm trũng ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên… Cây trồng bằng nhánh con hay bằng củ, sau tạo thành khóm. Cây trồng sau 200 – 240 ngày cho thu hoạch, sản lượng đạt 10-15 tấn một hécta.
3.2 Cách trồng Củ Mã Thầy
Vị trí trồng cây nên là những nơi có đầy đủ ánh sáng, ít gió.
Chọn giống từ những đại chỉ bán giống cây uy tín.
Trồng củ trên đất sét hay đất giống, thường xuyên tưới nước và tỉa lá cho cây.
4 Củ Mã Thầy ăn sống được không? Các món ăn từ Củ Mã Thầy
Củ mã thầy hay củ năng có thể ăn sống được, cách ăn củ năng như sau: Bạn rửa sạch đất cát bám trên củ, gọt bỏ phần vỏ bên ngoài, ăn phần trắng của củ, có thể ăn sống trực tiếp.
Hoặc bẹn có thể luộc củ năng để ăn, cách luộc củ năng như sau: Rửa sạch đất trên củ rồi cho nước vào luộc mà không cần gọt vỏ trước, sau khoàng 25-30 phút củ năng chín thì vớt củ ra, để nguội rồi gọt vỏ để thưởng thức.
Ngoài ra, củ năng còn kết hợp với các nguyên liệu khác, các cách chế biến củ năng khác thành những món ăn như: chè củ năng, củ năng nấu canh xương, nộm củ năng, làm mứt…
5 Thành phần hóa học: Củ Mã Thầy bao nhiêu calo?
Củ năng chứa 77% carbohydrat và 8% protein. Có tác giả cho biết củ mã thầy chứa 60% tinh bột, 7% protein và ít đường.
Có tài liệu ghi phần không tan trong cồn của củ năng chứa 50% pectin.
Ngoài ra, củ năng còn có acid (-) (1S, 3S) -1 – methyl 1, 2, 3, 4 – tetrahydro – beta – carbolin – 3 – carboxylic.
Có tài liệu cho biết củ năng có chất puchiin.
Củ mã thầy chứa rất ít hoặc không có calo.
6 Tác dụng dược lý
Dịch ép từ củ năng có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng Staphylococcus aureus, Escherichia coli và Aerobacter aerogen. Hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn chiết từ củ năng là puchiin.
Ngoài ra, củ mã thầy còn có tác dụng cầm máu. Thân cây củ năng có tác dụng lợi tiểu.
7 Củ Mã Thầy có tác dụng gì? Ăn củ Mã Thầy có tốt không?
7.1 Tính vị, công năng
Thân cây củ năng (bộ phận trên mặt đất) theo ghi chép có vị đắng, tính bình, có tác dụng hóa thấp nhiệt, lợi tiểu tiện.
7.2 Công dụng
Ngoài công dụng làm thức ăn, củ mã thầy còn được dùng làm thuốc chữa bệnh tiểu đường, bệnh gan vàng da, lỵ ra máu, đại tiện táo bón, mắt sưng đỏ, bệnh sởi ở trẻ em, và làm thuốc tăng thị lực. Ngày dùng 10–20g, dưới dạng thuốc sắc.
Ở Trung Quốc thân cây củ năng được dùng chữa tiểu tiện khó khăn, nấc ợ với liều dùng 9-10g sắc nước uống.
8 Bài thuốc có Củ Mã Thầy
8.1 Chữa phù toàn thân, tiểu tiện khó khăn
Dùng 10 – 20 g thân cây củ năng và 30g lô căn tươi. Sắc nước uống.
8.2 Tiểu đường có ăn được Củ Mã Thầy không?
Do củ mã thầy có công dụng làm thuốc trị tiểu đường nên người bị tiểu đường có thể ăn củ mã thầy, tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để được tư vấn thời điểm cũng như lượng ăn thích hợp, tránh gây tác dụng có hại cho cơ thể.
9 Củ Mã Thầy bà bầu ăn được không?
Theo các tài liệu tham khảo, phụ nữ có thai không nên dùng củ mã thầy dưới dạng thuốc. Tuy nhiên, có thể ăn như món ăn hàng ngày với lượng nhỏ, và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng do thể trạng từng mẹ bầu là khác nhau.
Phụ nữ đang cho con bú thêm tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
10 Củ Mã Thầy để được bao lâu?
Để bảo quản được lâu, khi mua mã thầy về bạn nên bỏ củ ra khỏi túi bóng, để chỗ thoáng mát và nếu chưa dùng ngay thì không nên rửa ngay, khi dùng mới rửa củ.
Hoặc cách khác là gọt vỏ, sau đó để ngăn đông, ngăn đá, khi dùng thì bỏ ra nấu luôn.
Khi để nguyên vỏ mà cho vào tủ lạnh thì để được khoảng 1-2 tuần, khi đã gọt vỏ để trong ngăn mát chỉ bảo quản được 2-3 ngày, còn cho lên ngăn đá thì để được lâu hơn.
11 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2006). Củ năn trang 562 – 563, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 05 tháng 08 năm 2023.
- Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Mã Thầy trang 274, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 05 tháng 08 năm 2023.