Con Lươn (Monopterus albus Zuiew)

Con Lươn (Monopterus albus Zuiew)

Lươn có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ trung, ích khí, trừ thấp. Thịt lươn ngon và bổ, thích hợp với thể trạng nhiệt, rất tốt cho trẻ em gầy yếu, xanh xao, phụ nữ sau khi đẻ hư nhược… Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về con Lươn.

1 Giới thiệu về con Lươn

Con Lươn hay Cá Lươn, Hoàng Thiện, có tên khoa học là Monopterus albus Zuiew tên đồng nghĩa Fluta alba, thuộc họ Lươn – Symbranchidae hoặc Flutidae.

1.1 Mô tả con Lươn

Lươn là loài cá xương, thân hình ống, dài khoảng 30-40cm, trên thân không có vảy.

Đầu Lươn tròn, to, mõm ngắn, miệng và mắt nhỏ, không có vây ngực và vây bụng, vây lưng và vây hậu môn bị tiêu giảm.

Đuôi Lươn có hình dẹt bên. Da Lươn dày, trơn bóng, màu vàng nhạt, có những con màu nâu sẫm. 

Hình ảnh con lươn
Hình ảnh con lươn

1.2 Phân bố, sinh thái 

Lươn phân bố ở nhiều nước châu Á.

Ở Việt Nam, Lươn là loài động vật phổ biến, có ở đồng bằng và miền núi, chúng thường sống chui rúc trong bùn ở các ao, hồ, ruộng nước, mương máng.

Thức ăn của Lươn là giun, ốc, cua, tôm, tép, cá con và thậm chí là ấu trùng.

Mùa sinh đẻ vào tháng 3 – 4 hàng năm. Lươn là loài đẻ trứng, chúng đẻ trứng trong nước. 

Theo các thông tin, tuổi thọ của Lươn trung bình chỉ khoảng 7 năm, tuy nhiên cá biệt trên thế giới đã có con lươn sống tới 155 năm.

Thu bắt Lươn quanh năm, nhưng chủ yếu vào tháng 3 – 4 và tháng 10 – 11. Ngoài bắt Lươn trong tự nhiên, hiện nay, Lươn đã được nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường cho kết quả rất khả quan, trở thành mặt hàng có tiềm năng kinh tế cao. 

Lươn hiện nay được nuôi khá nhiều
Lươn hiện nay được nuôi khá nhiều

2 Phân biệt Lươn với Rắn Tràu

Rắn tràu là con giống lươn ăn gây chết, rắn tràu rất độc nếu bị cắn hay ăn phải, thậm chí gây tử vong. Nhưng do bề ngoài rất giống lươn nên không ít vụ việc thương tâm xảy ra do ăn nhầm rắn tràu vì nghĩ là lươn.

Để phân biệt, ta cần quan sát đầu con lươn hay rắn tràu, đầu lươn thuôn, tròn và dài về phía trước còn đầu rắn dẹt, trông rất lạ, có u nhọn về phía trước.

Phân biệt rắn tràu và lươn
Phân biệt rắn tràu và lươn

3 Tiết Lươn, Xương Lươn có ăn được không?

Lươn được sử dụng nhiều như một loại thực phẩm trong các món ăn hàng ngày. Tiết Lươn và xương Lươn đều có thể đem chế biến để ăn, tuy nhiên, cũng có những món ăn hay các món nấu cho trẻ em cần phải loại bỏ xương kỹ càng, tránh gây hóc cho trẻ.

Lươn có thể chế biến thành nhiều món
Lươn có thể chế biến thành nhiều món 

Toàn con Lươn được dùng trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian với tên thuốc là Hoàng Thiên, Thiện Ngư. 

4 Thành phần hoá học 

Theo viện dinh dưỡng, trong Lươn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng mà cơ thể con người cần bổ sung hàng ngày như: 20% Protid, 1,5% Lipid, 35 mg% Canxi, 164 mg% Phospho, 26 mg% Magie, 1 mg% Fe; Vitamin B1 (0,15 mg%), Vitamin B2 (0,31 mg%), Vitamin PP (3,8 mg%), Vitamin B6 (0,28 m %), Vitamin D (30 mcg%). 

5 Con Lươn chữa bệnh gì?

Công dụng của lươn
Công dụng của lươn

5.1 Tính vị

Theo y học cổ truyền, Lươn có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ trung, ích khí, trừ thấp. 

5.2 Tác dụng của lươn với trẻ nhỏ, đàn ông và phụ nữ

5.2.1 Thịt lươn

Rất ngon và bổ, thích hợp với thể trạng nhiệt, rất tốt cho trẻ em gầy yếu, xanh xao, phụ nữ sau khi đẻ hư nhược, khí huyết không điều hoà. 

Đối với đàn ông, thịt lươn giàu dinh dưỡng chứa các vitamin, các nguyên tố vi lượng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường cơ bắp, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tuần hoàn máu, giúp nam giới nói riêng khỏe mạnh, cường tráng, giúp các đối tượng khác nói chung nâng cao thể trạng, sức khỏe.

Cách chế biến thịt lươn:

  • Dùng tro, rơm tuốt hết nhớt của lươn rồi rửa sạch, mổ bỏ lòng ruột đem luộc sơ qua cả con lươn.
  • Gỡ thịt, lấy nấu cháo ăn hay sấy khô, tán bột uống.

Ở đồng bằng Nam Bộ, lươn nấu với cá, rau rút và một số rau gia vị thành món lẩu canh chua, một món ăn- vị thuốc bổ dưỡng phổ biến có thêm tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, an thần, mạnh gân xương và mùi vị thơm ngon hấp dẫn.

Thịt lươn phối hợp với ngó Sen, ăn chữa rong kinh, băng huyết; cuốn Lá Lốt nướng ăn chữa tê thấp, hầm với rau dừa nước lại là thuốc bổ máu; ninh nhừ với màng mề gà (Kê Nội Kim) ăn có thể trị cam tích trẻ con.

Người Nhật Bản coi thịt lươn như một loại thực phẩm thông huyết mạch, lợi gân cốt, nên gọi là “sâm động vật”. 

5.2.2 Tiết lươn

  • Tiết lươn mới cắt có thể chữa đau tai bằng cách nhỏ vào tai mỗi ngày 3-4 giọt.
  • Trị vết mẩn do con dời leo bằng cách bôi tiết lươn nhiều lần trong ngày vào những vết này.

5.2.3 Xương lươn

Chế biến xương lươn bằng cách phơi hay sấy khô giòn, tán nhỏ rồi đốt lấy khói để xông trị đau nhức.

Xương lươn vàng giã nhỏ với mỡ ở đùi con dê, đắp vào mắt chữa mắt có màng trắng.

Ở một số nơi, người ta còn rang xương lươn với cát, tán nhỏ, rây bột min, uống với nước ấm chữa đau lưng.

Ở Nhật Bản, người ta tận dụng xương lươn để chế biến thành dạng bột mịn, có mùi vị dễ chịu, dùng làm thuốc bổ dưỡng theo kinh nghiệm lâu đời và phổ biến của ngư dân vùng biển. Bột này thường được dùng làm chất phụ gia và tăng giá trị dinh dưỡng cho các loại bánh ngọt. 

5.2.4 Nhớt

Nhớt ở mình con lươn xát mạnh vào chỗ Nhựa cây dính vào quần áo, rồi giặt bằng xà phòng sẽ sạch ngay.

6 Tác hại của Lươn

Theo sách “Nam được thần hiệu” của Tuệ Tĩnh, nếu con lươn bò ngóc đầu lên và có khoang trắng ở cổ thì không nên dùng. 

Người bị bệnh sốt rét, vàng da, kiết lỵ, đầy bụng khó tiêu, không nên ăn lươn. 

Ngoài ra, những người bệnh gout cũng nên hạn chế ăn lươn do loại thực phẩm này rất giàu dinh dưỡng, có thể là nặng thêm tình trạng bệnh.

Chế biến lươn nên thật kỹ càng, các dụng cụ chế biến cũng cần vệ sinh sạch sau khi dùng do hệ tiêu hóa và thậm chí thịt lươn cũng có thể nhiễm ký sinh trùng và vi trùng, gây bệnh cho người dùng.

7 Bài thuốc có Lươn

7.1 Chữa mồ hôi ra nhiều ở tay chân. 

Lươn (1 con) làm sạch, luộc qua, gỡ lấy thịt, ý dĩ nhân (20 g) để sống, phơi khô hoặc sao vàng, giã nhỏ thành bột; gạo nếp (30 g) vo kỹ, để ráo nước, giã thành bột. Trộn chung 3 thứ trên, thêm ít muối, nấu với nước luộc lươn cho nhừ thành cháo, ăn trong ngày. Dùng 5-7 ngày. 

7.2 Chữa bạch đới, khí hư

Lươn (1 con to) lấy phần giữa (khoảng 30 cm) đốt thành tro, hồ tiêu (15 hạt) tán nhỏ, trộn tất cả với rượu, rồi uống.

7.3 Chữa chảy máu dạ dày

Tiết lươn (10 ml) trộn với bột than da trâu (10g) uống với nước mía làm một lần trong ngày. Ngày dùng 2 lần. 

7.4 Chữa kiết lỵ

Đầu lươn rang khô, tán thành bột, trộn với ít đường đỏ, rồi hoà rượu uống. 

Chữa thần kinh, suy nhược 

Thịt lươn (250 g) thái nhỏ, hấp cách thuỷ với Hoài Sơn, bách hợp (mỗi thứ 30 g) và nước (vừa đủ). Ăn Trong ngày. Dùng nhiều ngày.

7.5 Chữa thiếu máu, gầy còm, mệt mỏi

Thịt lươn (15 g) thái nhỏ, nấu với nước Gừng (10 – 20 ml) và ít gạo thành cơm. Ăn trong ngày.

8 Tài liệu tham khảo

  1. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam Tập 2 (Xuất bản năm 2006). Lươn trang 1168 – 1169, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 01 tháng 08 năm 2023.

Để lại một bình luận