Cối Xay (Abutilon indicum (L.) Sweet)

Cối Xay (Abutilon indicum (L.) Sweet)

Cây cối xay được biết đến khá phổ biến với tác dụng thanh nhiệt giải độc, long đờm, lợi tiểu và nhuận tràng. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cối xay.

1 Giới thiệu về cây Cối xay

Cối xay hay còn được gọi là Giằng xay, Kim hoa thảo, Nhĩ hương thảo, tên khoa học là Abutilon indicum (L.) Sweet, thuộc họ Bông – Malvaceae

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ có thân cao 1-1,5m, phân cành hình trụ và sống lâu. Bề mặt của cành được phủ lông nhỏ mềm và hình sao. Lá của cây này mọc xen kẽ, có hình tim cuống lá dài, mép khía răng và hai mặt được phủ lông mềm. Mặt dưới của lá màu trắng xám và có gân chính từ 5-7 lá. Các lá kèm có hình dạng giống như một chiếc chỉ. Hoa của cây này có màu vàng và mọc ở kẽ lá, với cánh hoa hình tam giác ngược hoặc hình nêm và nhiều nhị. Quả của nó là một cụm lá noãn, có thể có tới 20 lá noãn dính chặt với nhau, tạo thành hình dạng giống như cối xay lúa. Hạt của cây này có hình dạng giống như thận, nhẵn và màu đen nhạt. Cây này thường ra hoa vào mùa tháng 2-3 và có quả vào mùa tháng 4-6.

Cối xay - Vị thuốc thanh nhiệt giải độc và nhuận tràng hiệu quả
Hình ảnh cây Cối xay

1.2 Thu hái và chế biến

Tên bộ phận sử dụng là Herba Abutili Indici, bao gồm toàn bộ cây ở phía trên mặt đất. Việc thu hoạch cây được thực hiện vào mùa thu và mùa hè, và sau đó có thể sử dụng tươi, phơi khô hoặc sấy khô. Bộ phận này cũng có thể được xay thành bột để sử dụng dần.

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây thường mọc tự nhiên ở các vùng có độ ẩm thấp, và được phân bố khá rộng rãi tại Việt Nam. Ngoài ra, cây cũng có mặt ở Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, cũng như ở các khu vực nhiệt đới của châu Phi.

Cối xay - Vị thuốc thanh nhiệt giải độc và nhuận tràng hiệu quả
Hình ảnh cây Cối xay

2 Thành phần hóa học

Lá của cây có chứa nhiều chất nhầy và asparagin. Cây chứa nhiều flavonoid, acid amin và một lượng nhỏ tinh dầu với các thành phần như B-pinen, caryophyllen oxyd, cineol, geraniol, geranyl acetat, alemen, eudesmol, farnesol và Borneol. Hạt của cây chứa khoảng 1.6% raffinose và 4.21% dầu nửa khô, chủ yếu bao gồm glycerid của các acid linoleic, oleic, palmitic, stearic và một số thành phần khác. Rễ của cây chứa dầu béo, B-sitosterol, b-amyrin và một alcaloid chưa được xác định.

Chiết xuất lá Ethanol của Abutilon indicum (EEAI) có các đặc tính chống oxy hóa mạnh, không độc hại và chống đột biến. Khi phân tích, EEAI chứa một lượng lớn các hợp chất phenolic và Flavonoid thể hiện khả năng chống oxy hóa cao nhất và dập tắt gốc tự do, bảo vệ tế bào, ức chế mạnh phản ứng Fenton và tổn thương DNA do tia cực tím gây ra.

Cối xay - Vị thuốc thanh nhiệt giải độc và nhuận tràng hiệu quả
Hình ảnh cây Cối xay

3 Tác dụng – Công dụng của Cối xay

3.1 Tác dụng dược lý 

Chiết cồn từ Cối xay được biết đến với tác dụng làm giảm nhiệt độ trên động vật thí nghiệm. Hạt của cây chứa nhiều chất nhầy và có tác dụng kích thích tiêu hóa, cũng như kháng viêm.

3.2 Cây Cối xay chữa bệnh gì?

Tính vị, tác dụng:  Cối xay có vị hơi ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm ho và lợi tiểu. 

Công dụng: Cây cối xay có tác dụng thanh nhiệt giải độc, long đờm, lợi tiểu, giảm niệu và nhuận tràng. Có thể sử dụng để điều trị cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, phù thũng sau khi đẻ, mắt có màng mộng, tai điếc và kiết lỵ. Liều dùng khuyên dùng 15-30g toàn cây hoặc 6-16g lá và 2-4g hạt dạng thuốc sắc. Hạt cây cối xay có tác dụng nhuận tràng, giúp tiêu viêm và có tính kích dục. Chúng được sử dụng trong điều trị cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, phù thũng, mắt có màng mộng, tai điếc, và kiết lỵ.

Theo y học cổ truyền, lá cối xay có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải đờm, hạ sốt, giảm đau và có tác dụng làm dịu kích thích. Ngoài ra, lá cối xay cũng có chất nhầy và tinh dầu có tác dụng nhuận tràng, giúp tiêu viêm, giảm đau, giảm táo bón và làm dịu các vết thương họng. Nhân dân thường dùng lá cây cối xay giã nát đắp để chữa mụn nhọt, viêm da cơ địa, các vấn đề da liễu. 

Lá khô có thể được nấu nước uống để chữa cảm sốt, nhức đầu, bí tiểu tiện, viêm xoang, viêm họng, thông tiểu tiện và trị phù thũng, thường phối hợp với Rau Má, Bời lời nhớt, mỗi thứ 20g và Phèn phi 2g. 

Để chữa vàng da, hậu sản, phối hợp với Nhân Trần và lá Cách. Rễ ngâm giấm uống trị bệnh kinh phong (40g rễ trong 1 lít giấm thanh, mỗi lần dùng một thìa súp).

Cối xay - Vị thuốc thanh nhiệt giải độc và nhuận tràng hiệu quả
Cây Cối xay chữa bệnh gì?

4 Bài thuốc từ cây Cối xay

4.1 Để chữa đau tai và tật điếc

Sử dụng 620g hoặc 20-30g quả Cối xay, nấu cùng thịt lợn để ăn. Đối với tật điếc, sử dụng 60g rễ Cối xay, 60g Mộc Hương, và 60g Vọng giang nam, nấu cùng đuôi lợn để ăn.

4.2 Để giảm phù thũng sau khi sinh

Dùng 30g lá Cối xay và 20g Ích mẫu để sắc uống.

4.3 Để chữa kiết lỵ hoặc mắt có màng mộng

Dùng 30g quả Cối xay và 30g hoa Mào gà để sắc uống.

Chú ý: Không nên sử dụng cho những người bị thận hư hàn, tiểu tiện nhiều và quá mức, hoặc bị ỉa chảy. Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi sử dụng.

4.4 Phạm phòng

Tong Đông Y, chứng phạm phòng chỉ trường hợp nam nữ sau khi mới ốm dậy hoặc đang cảm thấy mệt mỏi mà sinh hoạt vợ chồng, sau đó xuất hiện tình trạng buồn phiền, mệt mỏi, vàng da, chan ăn, chướng bụng, khó thở,… Nếu để kéo dài có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

Sử dụng 50g cối xay sắc lấy nước uống, sau vài ba thang thuốc sẽ khỏi bệnh. Đây là bài thuốc được lương y Nguyễn Đức Dũng  – Chủ tịch Hội dược liệu thành phố Đà Nẵng chữa cho nhiều bệnh nhân thành công. Đây cũng là bài thuốc được trích từ mục ‘Phòng thất’ sách Y lược Giải âm Tạp chứng của Tạ Phúc ở trang 345.

5 Tài liệu tham khảo

  1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Cối xay trang 122 – 123, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
  2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Cối xay trang 612 – 613, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
  3. Tác giả Xingping Wu  và Sugapriya Dhanasekaran (Đăng tháng 08 năm 2020). Protective effect of leaf extract of Abutilon indicum on DNA damage and peripheral blood lymphocytes in combating the oxidative stress, PubMed. Truy cập ngày 13 tháng 02 năm 2023.

Để lại một bình luận