Cocamidopropyl Betaine (CAPB)

Cocamidopropyl Betaine thường được tìm thấy trong các chế phẩm chăm sóc da, đóng vai trò là chất hoạt động hóa học bề mặt. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về tá dược Cocamidopropyl Betaine.

1 Danh pháp 

Cocamidopropyl Betaine (CAPB) còn được biết với tên khác là:

  • Lauroylamide Propylbetaine
  • Amphoteric L.
  • Mirataine CB.
  • Amphitol 20AB.
  • Cocamidopropylbetaine.
  • Coco Amido Betaine.
  • Lauramidopropyl Betadine.
  • Alkateric Cab-A.
  • Anpholex LB 2.
  • Cocamidopropyl Betaine, 30% In Water.
  • 3-Lauroylamidopropyl Betaine.
  • N-Laurylamidopropyl-N,N-dimethylbetaine.
  • 2-((3-Dodecanamidopropyl)dimethylammonio)acetate,…

2 Nguồn gốc 

Cocamidopropyl Betaine là gì? Cocamidopropyl Betaine (CAPB) có nguồn gốc từ dầu dừa. CAPB hợp chất được cấu tạo từ các chất hữu cơ chiết xuất từ của quả dừa kết hợp với Dimethylaminopropylamine. 

Hoạt chất đã được thương mại hóa vào những năm 1950. Ban đầu nó được sử dụng trong đời sống như một chất tẩy rửa có khả năng tạo bọt với nước. Sau đó, bằng cách sử dụng chất nền từ Dầu dừa, loại dầu gội tạo bọt đầu tiên chứa CAPB đã được ra đời.

Với đặc tính là công thức tẩy rửa dịu nhẹ, tạo bọt tốt và không gây kích ứng da, nó đã được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm dầu gội cho trẻ em. 

3 Công thức tổng quát và khối lượng phân tử

CAPB là một hợp chất tổng hợp của Amoni Zwitterionic và Acid béo có chứa chuỗi Hydrocarbon dài.

Công thức tổng quát của Cocamidopropyl Betaine là C19H38N2O3 và có khối lượng phân tử khoảng 342,5 g/mol.

cocamidopropyl betaine 2
Công thức cấu tạo của Cocamidopropyl Betaine

4 Mô tả

Cocamidopropyl Betaine tồn tại ở dạng chất lỏng, có đặc tính là nhớt, sánh gần như không có mùi hoặc mùi rất nhẹ. Dung dịch đi từ không màu hoặc đến màu vàng nhạt, pH dao động từ 11 – 12. 

5 Dược lực học

CAPB được coi như một chất hoạt động bề mặt lưỡng tính. Các công dụng chính của hoạt chất bao gồm:

  • Cocamidopropyl Betaine trong mỹ phẩm có tác dụng gì? Có khả năng tạo bọt dày khi kết hợp với nước. Hoạt động tạo bọt mạnh, qua đó giúp loại bỏ bụi bẩn và tạp chất trên bề mặt da. 
  • Do có nguồn gốc từ các Acid béo của quả Dừa, nên CAPB có khả năng dưỡng, cấp ẩm mạnh. Giúp giảm thiểu tình trạng khô da, tóc do các chất hoạt động bề mặt, tẩy rửa khác có trong công thức. 
  • Tạo ra kết cấu đặc và nhớt, giúp tăng độ ổn định của các sản phẩm. 
  • Ngoài ra các nhà sản xuất còn bổ sung CAPB vào công thức như một thành phần phụ nhằm mục đích tăng cường hiệu quả của các thành phần hoạt chất khác. 

Tỷ lệ tiêu chuẩn về nồng độ hoạt chất trong từng dạng chế phẩm được quy định như sau:

  • Các sản phẩm làm sạch bề mặt, tẩy rửa: nồng độ 2% đến 40%.
  • Mỹ phẩm dùng ngoài: nồng độ 1% đến 2%.
  • Sữa rửa mặt tạo bọt: nồng độ 20%.
  • Chăm sóc tóc: 40%.

6 Dược động học 

Không có báo cáo về dược động học của Cocamidopropyl Betaine.

7 Ứng dụng của Cocamidopropyl Betaine

Cocamidopropyl Betaine được ứng dụng rộng rãi trong ngành dược – mỹ phẩm, công nghiệp, đời sống do lành tính và đem lại hiệu quả cao. Hoạt chất thường được dùng làm chất tăng cường tạo bọt, chống tĩnh điện trong dầu gội, chất nhũ hóa, chất làm đặc trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Cụ thể:

  • Dầu gội, các sản phẩm dưỡng tóc.
  • Có mặt trong công thức của các loại nước tẩy trang.
  • Các dòng sản phẩm làm sạch chuyên sâu, sữa rửa mặt tạo bọt.
  • Kem cạo râu.
  • Nước để rửa kính áp tròng, kem đánh răng.
  • Nước lau sàn.
  • Xà phòng giặt quần áo hoặc nước vệ sinh kính.
  • Ngoài ra hoạt chất còn được tìm thấy trong xà phòng, sữa tắm hoặc kem cạo râu.
cocamidopropyl betaine 3
Các sản phẩm có chứa tá dược Cocamidopropyl Betaine

8 Tính an toàn

Cocamidopropyl Betaine được FDA xếp vào nhóm hoạt chất có tính an toàn cao, tuy nhiên vẫn không thể tránh khỏi một số tác dụng không mong muốn. 

Các thử nghiệm trên động vật cho thấy Cocamidopropyl Betaine gây kích ứng da và mắt ở thỏ, tăng nhạy cảm da trong xét nghiệm hạch bạch huyết tại chỗ (LLNA) của chuột. 

Với đường uống, kích ứng dạ dày đã được quan sát thấy ở chuột khi dùng với liều cao nhất (1.000 mg/kg/ngày) và liên tục trong 28 ngày. Gây kích ứng mắt nghiêm trọng, tổn thương giác mạc khi tiếp xúc trực tiếp.

9 Tài liệu tham khảo 

1.Tác giả Alisha D. Sellers (đăng ngày 28 tháng 4 năm 2022), Cocamidopropyl betaine: Uses and safety, Medical News Today. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023. 

2.Tác giả Nita Agar, Susanne Freeman (đăng tháng 2 năm 2005), Cheilitis caused by contact allergy to cocamidopropyl betaine in ‘2-in-1 toothpaste and mouthwash, PubMed. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023. 

3.Joseph F Fowler Jr, Kathryn M Zug, James S Taylor, Frances J Storrs, và cộng sự (đăng tháng 3 năm 2004), Allergy to cocamidopropyl betaine and amidoamine in North America, PubMed. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023. 

4.Axel Schnuch, Holger Lessmann và các cộng sự (đăng tháng 4 năm 2011), Is cocamidopropyl betaine a contact allergen? Analysis of network data and short review of the literature, PubMed. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023. 

Để lại một bình luận