Cỏ Tranh (Bạch Mao Căn – Imperata cylindrica)

Cỏ Tranh (Bạch Mao Căn - Imperata cylindrica)

Cỏ tranh được biết đến khá phổ biến với công dụng trị sỏi thận, có tác dụng giải nhiệt và lợi tiểu, điều trị triệu chứng tiểu tiện khó khăn, ho ra máu, chảy máu cam và hen suyễn. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cỏ tranh.

1 Giới thiệu về cây Cỏ tranh

Cỏ tranh hay còn được gọi là Bạch mao căn, tên khoa học là Imperata cylindrica (L) P. Beauv. var. major (Nees) Hubb., thuộc họ Lúa – Poaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thảo có thân rễ khỏe, sống lâu năm, cao từ 30 đến 90cm và phát triển mạnh. Cây có khả năng tái sinh dễ dàng thông qua thân rễ. Thân rễ của cây này mọc bò lan dài và nằm sâu dưới đất, thường có hình dạng trụ, dài khoảng 30-40cm và đường kính từ 2 đến 4mm. Bề mặt ngoài của thân rễ có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt mang các lá vẩy và rễ con. Lá của cây này hẹp và dài, mọc thẳng đứng với gân lá song song. Phiến lá màu xanh tươi, dài khoảng 0,5-1m, rộng từ 6 đến 25mm, ráp mặt trên và nhám ở mặt dưới, mép lá có hình dạng sắc. Cụm hoa của cây có hình dạng chuỳ, dài từ 8 đến 20cm, có nhiều bông nhỏ phủ đầy lông mềm và có màu trắng. Quả của cây này nằm trong các mày như vỏ trấu.

Cỏ tranh - Trị sỏi thận, hen suyễn, giải nhiệt và lợi tiểu hiệu quả
Hình ảnh cây Cỏ tranh

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Thân rễ (Rhizoma Imperatae) còn được gọi là Bạch mao căn, có thể dùng hoa. Thân rễ có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô.

Mô tả dược liệu Cỏ tranh: Đoạn thân rễ có có đường kính 0,2-0,4cm, hình dạng trụ và dài khác nhau, có nhiều đốt mang vết tích của vẩy và rễ con. Mặt ngoài có màu từ ngà tới vàng nhạt, bóng, có nhiều nếp nhăn dọc. Thể chất nhẹ, hơi dai và dòn ở mấu, dễ bẻ gẫy, vị hơi ngọt. Thân rễ có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô.

Bạch Mao Căn
Bạch Mao Căn

1.3 Đặc điểm phân bố

Loài cây liên nhiệt đới, có khả năng sống và mọc hoang tập trung thành trảng. Cây thường mọc hoang trên các đồi khô trống trải, sườn đồi, sườn núi, và bãi cỏ, và phân bố rộng khắp đồng bằng, đặc biệt là ở vùng trung du trong nước. Loài cây này cho hoa và quả suốt cả năm. Ngoài Việt Nam, cây cũng phổ biến ở Ấn Độ, Trung Quốc, và các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới khác trên thế giới.

1.4 Đặc điểm bột Bạch Mao căn theo Dược điển

Bột dược liệu màu trắng ngà.

Biểu bì gồm những tế bào hình chữ nhật, vách nhăn nheo, xếp thành dãy dọc. Có 2 dạng sợi: có loại khoang rộng và có vách ngang; có loại thành rất dày, khoang hẹp tạo thành bó hay riêng lẻ. Nhiều loại mạch: mạch vạch, mạch chấm, mạch xoắn. Mảnh mô mềm gồm những tế bào thành mỏng.

2 Thành phần hóa học 

72 thành phần hóa học đã được phân lập và xác định từ I. cylindrica, trong số các hợp chất này, Saponin, Flavonoid, phenol và glycoside là những thành phần chính. 

Cỏ tranh - Trị sỏi thận, hen suyễn, giải nhiệt và lợi tiểu hiệu quả
Hình ảnh cây Cỏ tranh

3 Công dụng – Tác dụng của cây Cỏ tranh

3.1 Tác dụng dược lý 

Chiết xuất từ thân rễ Cỏ tranh được biết đến với tác dụng lợi tiểu, cầm máu và kháng khuẩn với vi khuẩn Shigella gây bệnh lỵ.

3.1.1 Tác dụng lợi tiểu

Chiết xuất nước I. cylindrica có tác dụng lợi tiểu rõ ràng nhất sau khi dùng từ 5 đến 10 ngày. Tác dụng này có thể liên quan đến hệ thần kinh, cắt đứt các dây thần kinh ngoại vi của thận nên mất tác dụng lợi tiểu. Ngoài ra, chiết xuất nước có thể làm giảm co thắt cầu thận, tăng lưu lượng máu thận và tốc độ lọc thận.

3.1.2 Cầm máu

Chiết xuất nước của I. cylindrica có thể rút ngắn đáng kể thời gian prothrombin, thrombin và thromboplastin, tăng cường hoạt động của hệ thống đông máu nội sinh và ngoại sinh, điều chỉnh tăng biểu hiện của TXB2, giảm mức độ 6-keto-PGF1α, thúc đẩy kết tập tiểu cầu và tăng cường cầm máu.

3.1.3 Chống viêm

Chiết xuất Ethanol của rễ cogongrass ( I. cylindrica L.) đã được báo cáo là có hoạt tính chống viêm và có thể làm giảm nhiễm trùng huyết và không gây bất kỳ tác hại nào đối với trọng lượng cơ thể.

3.1.4 Hoạt tính chống oxy hoá

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng chiết xuất nước của I. cylindrica có thể tăng cường hoạt động của superoxide dismutase (SOD) trong mô gan và não của chuột nghiện rượu, ức chế hoạt động của các gốc hydroxyl, giảm mức độ malondialdehyd, cải thiện khả năng chống oxy hóa của cơ thể và làm giảm bớt các tổn thương bệnh lý của các gốc tự do đối với mô gan và não. 

3.1.5 Chống ung thư

Dịch chiết nước của I. cylindrica và polysaccharid có thể ức chế sự tăng sinh của dòng tế bào u gan người SMMC-7721, tế bào HepG2 và khối u rắn ở chuột H22. Chúng cũng có thể làm tăng mức độ bài tiết Interleukin (IL) 2 của máu ngoại vi qua trung gian bạch cầu của chuột mang khối u, cho thấy chiết xuất I. cylindrica có tác dụng chống khối u gan. 

3.1.6 Kháng khuẩn

Các chiết xuất của I. cylindrica sở hữu hoạt tính kháng khuẩn trong việc ức chế các chất chuyển hóa cảm ứng Quorum của Chromobacterium violaceum CV026 với vùng kháng khuẩn là 12 mm và vùng ức chế cảm ứng Quorum là 20 mm.

Cỏ tranh - Trị sỏi thận, hen suyễn, giải nhiệt và lợi tiểu hiệu quả
Tác dụng của cây Cỏ tranh

3.2 Rễ Cỏ tranh chữa bệnh gì? 

Tính vị, tác dụng: Thân rễ Cỏ tranh có vị ngọt, tính mát, tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, chỉ huyết và mát huyết. Khi kết hợp với mía nấu thành nước, Cỏ tranh có thể có tác dụng thanh lương, trừ thấp và giải độc. Nếu sao vàng thì có thể giúp thông tiểu, giải độc và làm ra mồ hôi. Ngoài ra, Cỏ tranh còn có tác dụng kháng khuẩn trực khuẩn lỵ Shigella.

Công dụng: Rễ Cỏ tranh trị sỏi thận, có tác dụng giải nhiệt và lợi tiểu, cũng như điều trị các triệu chứng như nhiệt khát, tiểu tiện khó khăn, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, phù viêm thận cấp và hen suyễn. Hoa Cỏ tranh cũng được sử dụng để điều trị chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu và chảy máu vết thương.

Cách nấu nước rễ Cỏ tranh: Lấy 200g rễ cỏ tranh với 700ml nước, đun sôi và giảm lửa đun tiếp 7-10 phút. Sau đó, lọc nước và uống thay cho chè. Sử dụng trong ngày, liên tục trong 10-15 ngày, sau đó nghỉ một thời gian và tiếp tục sử dụng 10-15 ngày nữa.

Người dân thường kết hợp Cỏ tranh với Mía lau, Râu bắp, Mã Đề… để tạo nước mát uống, giải nhiệt và lợi tiểu.

Cỏ tranh cũng được sử dụng để trị sốt nóng khát nước, sốt vàng da mật (hoàng đản), tiểu tiện ít, đái buốt, đái dắt, đi tiểu ra máu, họ thổ huyết và chảy máu cam.

Ở Thái Lan, rễ và thân rễ được dùng để trị sỏi niệu, đái ra máu và bạch đới.

Ở Trung Quốc, Cỏ tranh được dùng để trị cao huyết áp. Hoa được sử dụng để trị nôn ra máu; nếu sao cháy rồi sắc hay hãm uống, nó còn có thể cầm máu. Liều lượng hàng ngày là 12-40g rễ và 2-4g hoa, dạng thuốc sắc.

3.3 Bài thuốc từ rễ Cỏ tranh

Viêm thận cấp: Sắc nước 60-120g rễ Cỏ tranh chia uống làm 2-3 lần trong ngày.

Đơn thuốc dùng để trị viêm thận cấp là rễ Cỏ tranh 60-120g được sắc nước chia uống làm 2-3 lần trong ngày.

4 Tài liệu tham khảo

  1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Cỏ tranh trang 74 – 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
  2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Cỏ tranh trang 90 – 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
  3. Tác giả Young-Kyung Jung và Dongyun Shin  (Đăng tháng 03 năm 2021). Imperata cylindrica: A Review of Phytochemistry, Pharmacology, and Industrial Applications, PubMed. Truy cập ngày 16 tháng 02 năm 2023.

Để lại một bình luận