Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) |
Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) |
Euphorbia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Euphorbia thymifolia L. |
Cỏ sữa lá nhỏ thuộc dạng cây thảo có kích thước nhỏ, cây sống hàng năm hoặc sống dai. Nhân dân thường sử dụng để chữa kiết lỵ, phụ nữ sau sinh ít sữa hoặc tắc tia sữa. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Cỏ sữa lá nhỏ.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Euphorbia thymifolia L.
Tên gọi khác: Vú sữa đất, Thiên căn thảo, Cẩm địa, Nhả nậm môn.
Họ thực vật: Thầu dầu Euphorbiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Hình ảnh cây cỏ sữa lá nhỏ
Cỏ sữa lá nhỏ thuộc dạng cây thảo có kích thước nhỏ, cây sống hàng năm hoặc sống dai. Cỏ sữa lá nhỏ có Nhựa mủ trắng.
Thân và cành cây có kích thước mảnh, nhỏ, mọc lan tỏa trên mặt đất, cành và thân cây có màu đỏ tím, bao phủ bởi một lớp lông rất nhỏ.
Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình bầu dục, chiều dài mỗi lá khoảng 7mm, chiều rộng mỗi lá khoảng 4mm. Cả gốc và đầu của lá đều tù, mép lá có khía răng cưa nhỏ. Mặt dưới của lá cây Cỏ sữa lá nhỏ có phủ một lớp lông mịn, gân chính và gân bên rõ.
Lá kèm có kích thước nhỏ, hình dải.
Cụm hoa mọc thành xim, cụm hoa mọc ở kẽ lá, mỗi cụm gồm ít hoa.
Quả nang, đường kính mỗi quả khoảng 1,5 mm, quả có lông.
Hạt của cây nhẵn, có 4 cạnh.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 10.
Cần lưu ý có một loài tên khoa học là Euphorbia indica Lamk. forma glaberrima thường được thu hái lẫn trong quá trình thu hái Cỏ sữa lá nhỏ nhưng loài này nhẵn có màu có màu đỏ tía.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Mùa hè.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Cây cỏ sữa lá nhỏ mọc ở đâu?
Euphorbia L. là chi có nhiều loài. Trên thế giới có khoảng 650 loài, gồm các cây thảo sống hàng năm hoặc sống nhiều năm hoặc cây bụi. Các loài phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới, vùng cận nhiệt đới và vùng ôn đới ấm.
Tại nước ta, có khoảng 24 loài nhưng trong đó chỉ có khoảng 10 loài được dùng để làm thuốc.
Cỏ sữa lá nhỏ được tìm thấy chủ yếu ở các vùng nhiệt đới của Châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Lào, Philippin, Trung Quốc, Brunei, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Bên cạnh đó, cây cũng được tìm thấy ở một số quốc gia thuộc vùng Nam Mỹ.
Ở Việt Nam, Cỏ sữa lá nhỏ thường mọc rải rác ở các tỉnh đồng bằng, hải đảo, ven biển, trung du và miền núi với độ cao phân bố dưới 500 mét.
Cỏ sữa lá nhỏ là loài ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc thành từng đám ở các lùm bụi, ven đường đi, kẽ nứt trên tường, sân gạch. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm và vòng đời tồn tại khoảng 3-5 tháng.
2 Thành phần hóa học
Phần trên mặt đất có chứa epitaraxerol, alcol, quercetin 3β, galactoside.
Lá và thân có chứa cosmosim, Flavonoid.
Rễ chứa alcohol, taraxerol, myricylic, tyrucalol.
Cỏ sữa lá nhỏ chứa tinh dầu có mùi đặc biệt nhưng có khả năng gây kích ứng.
3 Tác dụng của cây cỏ sữa lá nhỏ
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn
Cao lỏng của cây với nồng độ 1/20 đến 1/40 đã được chứng minh có khả năng ức chế quá trình sản sinh của trực khuẩn lỵ.
Cao chiết với nước theo tỷ lệ 1 phần cỏ sữa lá nhỏ, 2 phần nước đã cho thấy tác dụng kháng khuẩn ở mức độ vừa đối với các vi khuẩn tụ cầu vàng, tuy nhiên tác dụng này thể hiện khi nghiên cứu trong ống nghiệm.
Tác dụng gây ngưng kết hồng cầu
Họ Thầu dầu với nhiều loài đã được biết đến với công dụng gây ngưng kết hồng cầu khi nghiên cứu trên nhiều động vật thí nghiệm khác nhau.
Tác dụng gây hạ đường huyết
Sử dụng bột của cây Cỏ sữa lá nhỏ chiết với methanol để thu được cao. Cao này có tác dụng làm hạ đường huyết ở thỏ thí nghiệm có mức đường huyết bình thường nhưng khi nghiên cứu trên những con thỏ đã được gây tăng đường huyết thì tác dụng này không còn.
Cơ chế tác dụng có thể do kích thích sản xuất insuslin ở tế bào beta của đảo tụy.
3.1.2 Tác dụng khác
Chất nhựa mủ của cây có tác dụng kích ứng đối với niêm mạc và độc với cá và chuột.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Đắng the, tính bình, mát.
Tác dụng: Cầm huyết, thông huyết, giảm đau, kháng khuẩn, tiêu độc, lợi tiểu, thông sữa.
3.2.2 Công dụng
Cây được dùng làm thuốc chữa lỵ trực khuẩn, trẻ em đi ngoài phân xanh, phụ nữ băng huyết, mụn nhọt, phụ nữ mới sinh nhưng ít sữa hoặc tắc tia sữa với liều 40-100g ở dạng thuốc sắc. Thời gian điều trị thường là 5-7 ngày. Khi nghiên cứu trên lâm sàng, không thấy tác dụng độc khi uống thuốc.
Có thể sử dụng đơn độc Cỏ sữa lá nhỏ hoặc dùng cùng với Rau Sam.
Theo các tài liệu nước ngoài, cây có tác dụng điều trị lỵ trực khuẩn, viêm ruột.
Nhân dân Nigeria còn sử dụng để trị ghẻ, trị nấm.
Nhân dân Nepal còn sử dụng để đắp vết thương do đi bộ vào mùa mưa bằng cách giã nhỏ và đắp thành bột nhão.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Cỏ sữa lá nhỏ
4.1 Chữa lỵ trực khuẩn, tiêu chảy
100g Cỏ sữa lá nhỏ.
80g Rau sam.
300ml nước.
Sắc đến khi còn 150ml.
Chia làm 3 lần uống trong ngày.
Hoặc:
- 16g Cỏ sữa lá nhỏ.
- 20g Rau sam.
- 12g Cam Thảo đất.
- 12g Cỏ Mần Trầu.
- 12g Tía Tô.
- 12g Kinh Giới.
Chế thành dạng thuốc bột, mỗi lần sử dụng từ 10-12g hoặc sắc lấy nước uống.
4.2 Chữa hồng bạch lỵ
8g Cỏ sữa lá nhỏ.
8g Rau Má.
8g Rau sam.
8g Rau mơ.
6g hạt cau khô.
6g vỏ lựu.
4g cam thảo nướng.
4g vỏ quýt.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
4.3 Chữa kiết lỵ
500g Cỏ sữa lá nhỏ.
1000g Hoàng đằng.
600g lá mơ tam thể khô.
200g vỏ quả lựu khô.
100g Cam thảo dây.
Hoàng Đằng đem thái nhỏ, nấu cùng 4 lít nước đến khi còn 1 lít nước.
Các vị khác đem tán thành bột, luyện cùng với cao hoàng đằng thành viên, mỗi viên có trọng lượng 0,3g, sấy khô.
Mỗi lần uống 6-8 viên, ngày uống 3 lần.
4.4 Chữa táo bón ra máu
60g Cỏ sữa lá nhỏ.
60g Cỏ nhọ nồi.
Thêm 250ml nước cho đến khi còn 100ml.
Mỗi ngày uống 2 lần.
4.5 Chữa phụ nữ sau sinh ít sữa hoặc bị tắc tia sữa
40g Cỏ sữa lá nhỏ.
40g hạt cây bông gạo.
Các vị đem sắc lấy nước, sau đó thêm gạo vào để nấu thành cháo.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Cỏ sữa lá nhỏ, trang 501-503, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2024.