Clioquinol (Iodochlorhydroxyquin) có đặc tính kháng khuẩn và giảm nấm và được sử dụng trong các loại kem để điều trị nhiễm trùng da, nấm da, chàm bội nhiễm, chốc, viêm nang lông… Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Clioquinol.
1 Giới thiệu về Clioquinol (Iodochlorhydroxyquin)
1.1 Đặc điểm của Clioquinol
Tên chung quốc tế của hoạt chất: Clioquinol.
Danh pháp IUPAC: 5-chloro-7-iodoquinolin-8-ol.
Tên gọi khác của Clioquinol: Iodochlorhydroxyquin; Chinoform; Chloroiodoquine; Enteroquinol; Iodoenterol; Cifoform; Dioquinol; Domeform; Chloro-8-hydroxyiodoquinoline;…
Loại thuốc: Dùng ngoài để kháng nấm.
Mã ATC: D08AH30, D09AA10, G01AC02, P01AA02, S02AA05.
Công thức phân tử: C9H5ClINO.
Trọng lượng phân tử: 305,50 g/mol.
1.2 Hình cấu tạo của Clioquinol
Hình ảnh Clioquinol:
Clioquinol là một monohydroxyquinoline là quinolin-8-ol trong đó hydrogens ở vị trí 5 và 7 lần lượt được thay thế bằng clo và iốt.
2 Tác dụng dược lý
2.1 Dược lực học
Clioquinol là một chất kháng khuẩn phổ rộng có đặc tính kháng nấm. Bôi Clioquinol lên vùng da rộng hoặc bị bào mòn có thể dẫn đến tăng nồng độ iốt gắn với protein (PBI) trong vòng 1 tuần. Ngoài ra, nồng độ PBI tăng cao có thể xảy ra khi điều trị bằng Clioquinol trên một vùng da tương đối nhỏ trong hơn 1 tuần.
2.2 Cơ chế hoạt động
Iodochlorhydroxyquin có tác dụng kìm khuẩn, tuy nhiên, cơ chế hoạt động chính xác của nó vẫn chưa được biết rõ.
2.3 Dược động học
Hấp thu: Hấp thu tại chỗ nhanh chóng và rộng rãi, đặc biệt khi da được phủ một lớp băng kín hoặc nếu thuốc được bôi lên những vùng da rộng hoặc bị bào mòn.
Nếu dùng Clioquinol phối hợp với một corticoid dùng ngoài da dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ, thuốc hấp thu toàn thân khoảng 2 – 3% liều dùng. Nhưng nếu Clioquinol đơn độc dạng kem 3% được bôi, sau đó băng bịt trong 12 giờ, ước tính có tới 40% liều dùng đã được hấp thu qua da trong thời gian đó.
Clioquinol được hấp thu qua da với lượng đủ để ảnh hưởng đến các xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
3 Chỉ định – Chống chỉ định
3.1 Chỉ định
Clioquinol được chỉ định trong các trường hợp nấm trên bề mặt da như ở chân, đùi, râu, da bị nhiễm khuẩn, bỏng nhẹ bị nhiễm khuẩn, chàm bội nhiễm, chốc hay cả viêm nang lông…
Điều trị và dự phòng các trường hợp nhiễm khuẩn da nhẹ, nếu bị nặng cần sử dụng phối hợp cùng kháng sinh, hay các thuốc chống nấm đường dùng toàn thân.
Clioquinol có thể dùng phối hợp cùng corticoid trong viêm da có nhiễm nấm hay nhiễm khuẩn, hoặc trong thuốc nhỏ tai để điều trị viêm tai ngoài.
3.2 Chống chỉ định
Không nên sử dụng Clioquinol cho trẻ dưới 2 tuổi.
Người quá mẫn hay dị ứng với các thành phần của thuốc, dị ứng với các dẫn chất quinolon, iod… cũng không nên sử dụng Clioquinol.
4 Liều dùng – Cách dùng
4.1 Liều dùng
Ngày dùng 2-3 lần, bôi một lớp mỏng lên vị trí cần điều trị.
Nếu nấm ở gan bàn chân nên bôi vào cả các kẽ ngón chân.
Thời gian điều trị: 4 tuần với nấm bàn chân và nấm da, 2 tuần với nấm bẹn.
Nếu sử dụng Clioquinol mà không có sự cải thiện về triệu chứng, bạn nên ngừng thuốc và đi khám lại.
4.2 Cách dùng
Clioquinol thường được dùng để bôi ngoài da, trước khi bôi cần làm sạch vùng da điều trị bằng nước và xà phòng, sau đó thấm khô.
Không được bôi vào mắt, rửa thật kỹ với nước nếu thuốc vô tình dính vào mắt.
Sau khi bôi không được băng kín vùng da bôi thuốc, vùng da bị loét rộng thì không được sử dụng Clioquinol.
==>> Xem thêm về hoạt chất: Ambroxol: Thuốc long đờm, tiêu nhầy – Dược thư Quốc Gia 2022
5 Tác dụng không mong muốn
Các tác dụng phụ khi dùng Clioquinol bôi ngoài da khá hiếm gặp, các biểu hiện đã được khi nhận là mẫn cảm trên da, gây cảm giác bỏng rát, ban đỏ, phù nề, ngứa da…
Clioquinol có thể gây vàng da, quần áo, gây viêm da tiếp xúc.
Xử trí: Nếu bạn gặp các tác dụng mẫn cảm trên da khi dùng Clioquinol, cần ngừng điều trị và hỏi ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị khác thích hợp hơn.
6 Tương tác thuốc
Iodochlorhydroxyquin bị chuyển sang màu vàng khi tiếp xúc với không khí, nó tương kỵ với các tác nhân oxy hóa.
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Batrachotoxin – Chất độc mạnh nhất thế giới, nguy hiểm chết người
7 Thận trọng
Clioquinol chưa ghi nhận quá liều khi dùng bôi ngoài da.
Hoạt chất này có thể gây dị ứng tiếp xúc và có thể gây mẫn cảm, đặc biệt là người bị bệnh eczema khi dùng.
Không nên dùng thuốc dài ngày hay lạm dụng thuốc do có nguy cơ làm tăng sinh các chủng nấm không nhạy cảm với thuốc.
Thuốc Iodochlorhydroxyquin có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp, vì vậy sau khi dừng thuốc ít nhất 1 tháng, bạn mới nên làm các xét nghiệm tuyến giáp
Thận trọng khi sử dụng cho người suy thận hay suy gan.
Bảo quản: Để xa tầm với của trẻ nhỏ, bảo quản sản phẩm chứa Clioquinol trong bao bì kín hay trong các tuýp, tránh ánh sáng. Nhiệt độ bảo quản từ 15-30 độ C.
8 Các câu hỏi thường gặp
8.1 Có nên sử dụng Clioquinol phụ nữ có thai không?
Cần dùng thận trọng thuốc chứa Clioquinol cho phụ nữ có thai dù chưa ghi nhận tác dụng có hại với đối tượng này.
Chỉ dùng khi đã được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích – nguy cơ.
8.2 Phụ nữ cho con bú có dùng được Clioquinol không?
Chưa có nghiên cứu liệu Clioquinol có bài tiết vào sữa mẹ hay không và chưa có báo cáo về tác dụng có hại của Clioquinol trên phụ nữ cho con bú.
Nên sử dụng Clioquinol thận trọng cho đối tượng này.
9 Các dạng bào chế phổ biến
Clioquinol đã được bào chế dưới dạng kem (Iodochlorhydroxyquin cream) hay dạng thuốc mỡ với hàm lượng 3%.
Những sản phẩm có chứa hoạt chất Clioquinol (Iodochlorhydroxyquin) trên thị trường hiện nay là Sintokin Cream, Lorinden C Ointment, Betamethasone with Clioquinol Cream, CLIOQUINOL Hydrocortisone CREAM, Desonida Clioquinol, CLIOQUINOL CREAM 20gm,…
Hình ảnh:
10 Cập nhật thông tin về nghiên cứu mới của Clioquinol
Tiêm clioquinol nội khớp giúp cải thiện tình trạng viêm xương khớp ở mô hình thỏ:
Viêm xương khớp (OA) được đặc trưng bởi sự thoái hóa của sụn khớp. Giảm khả năng tự thực có liên quan chặt chẽ với cái chết của tế bào sụn, góp phần vào sự tiến triển của viêm khớp. Do đó, kích hoạt dược lý của bệnh tự thực có thể là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho bệnh viêm khớp. Ở đây, chúng tôi đã phát hiện ra rằng Clioquinol, một loại kháng sinh, gây ra sự tự thực bào đáng kể ở tế bào sụn viêm khớp từ mô người và mô hình thỏ. Trong khi đó, Clioquinol cũng có thể làm tăng sự biểu hiện của các thành phần ma trận ngoại bào (ECM) và ức chế các chất trung gian gây viêm để cải thiện môi trường vi mô viêm khớp. Tiêm Clioquinol vào nội khớp có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm đáng kể sự phát triển của bệnh này trong mô hình thỏ bị chấn thương do viêm xương khớp. Tác dụng bảo vệ như vậy do Clioquinol gây ra ít nhất một phần được giải thích bằng cách giảm quá trình tự chết của tế bào sụn và tăng khả năng tự thực. Nghiên cứu này cho thấy tiềm năng điều trị của Clioquinol trong điều trị viêm khớp.
11 Tài liệu tham khảo
- Dược thư quốc gia Việt Nam – lần xuất bản thứ 2 (Xuất bản năm 2018). Clioquinol trang 410 – 411, Dược thư quốc gia Việt Nam – lần xuất bản thứ 2. Truy cập ngày 27 tháng 09 năm 2023.
- Tác giả: Chuyên gia Pubchem (Cập nhật ngày 23 tháng 09 năm 2023). Clioquinol, NCBI. Truy cập ngày 27 tháng 09 năm 2023.
- Tác giả: Chuyên gia Drugbank (Cập nhật ngày 26 tháng 09 năm 2023). Clioquinol, Drugbank. Truy cập ngày 27 tháng 09 năm 2023.
- Tác giả: Xiaoqing Wu và cộng sự (Ngày đăng: Ngày 17 tháng 11 năm 2022). Intra-articular injection of clioquinol ameliorates osteoarthritis in a rabbit model, Pubmed. Truy cập ngày 27 tháng 09 năm 2023.