Chút Chít (Dương Đề, Lưỡi Bò, Thổ Đại Hoàng – Rumex Chinensis)

Chút Chít (Dương Đề, Lưỡi Bò, Thổ Đại Hoàng - Rumex Chinensis)

Cây Chút Chít hay còn được gọi là cây Dương Đề, cây Lưỡi Bò, thường được tìm thấy ở nhiều vùng trên cả nước có tác dụng giúp nhuận tràng, chữa táo bón. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về cây Chút Chít

1 Giới thiệu về cây Chút Chít

Tên gọi khác: Dương Đề, Lưỡi Bò, Thổ Đại Hoàng.

Tên khoa học: Rumex Chinensis Campd.

Họ thực vật: Họ Rau răm Polygonaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Đặc điểm thực vật của cây Chút Chít
Đặc điểm thực vật của cây Chút Chít

Chút Chít là dạng cây thảo, mỗi cây cao khoảng 30 đến 50cm.

Rễ to, khỏe.

Thân cây mọc đứng, trên thân có các khía dọc. Thân thường phân nhánh ở gốc.

Lá mọc so le, các lá gần gốc có kích thước lớn hơn so với những lá khác. Phiến lá hình mũi mác, mép lá nguyên, có lượn sóng. Gốc lá thuôn, đầu lá ngọn, bẹ chìa mỏng.

Cụm hoa của cây Chút Chít mọc ở ngọn thân hoặc ở kẽ lá tạo thành chùy rộng.

Hoa có màu vàng.

Bao hoa có 6 mảnh xếp thành 2 vòng.

Nhị 6 đính ở gốc của bao hoa.

Quả nhỏ, được bao bọc bởi hoa.

Mùa hoa rơi vào tháng 3 đến tháng 4.

Mùa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 7.

Lưu ý: Loài Rumex wallichii Meissn cũng được dùng với công dụng tương tự.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Rễ già của cây Chút Chít.

Rễ sau khi thu hái về sẽ loại bỏ hết rễ con, rửa sạch sau đó thái thành từng miếng, mỗi miếng có độ dày khoảng 0,5 đến 1cm, có thể phơi hoặc sấy khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Hoa của cây Chút Chít
Hoa của cây Chút Chít

Chút Chít được phân bố ở nhiều nơi của nước ta, từ đồng bằng đến trung du và miền núi.

Ở những vùng núi cao, có khí hậu lạnh thường hiếm gặp Chút Chít.

Đây là một loài cây ưa sáng, mọc và phát triển tốt ở những vùng đất ẩm ướt, đặc biệt là những ruộng cạn nước hoặc xung quanh ao hồ.

Vào thời kỳ cây sinh trưởng và phát triển mạnh, nếu như phần trên mặt đất bị đắt, cây vẫn có thể sống và sinh cây mới.

Chút Chít nhân giống bằng hạt. Đất nào cũng có thể trồng được Chút Chít nhưng cần đảm bảo đất phải đủ ẩm.

Chút Chít sống khỏe, có thể tưới thêm phân hoặc nước điện giải pha loãng, cây ít sâu bệnh.

2 Thành phần hóa học

Nhiều bộ phận của cây Chút Chít được cho thấy có chứa anthranoid.

Hàm lượng anthranoid trong các bộ phận của cây như sau:

Bộ phận của cây

Tỷ lệ anthranoid tự do (%)

Tỷ lệ anthranoid toàn phần (%)

0,15

0,33

Thân

0,05

0,09

Rễ

0,40

1,04

Hoa

0,06

0,18

Hai hợp chất hóa học là chrysophanol và physcion đã được phân lập từ rễ.

3 Tác dụng – Công dụng

3.1 Tác dụng dược lý

Cao lỏng và dịch hãm của rễ cây có tác dụng tăng biên độ co bóp, tăng trương lực và tăng tần số co bóp của ruột khi tiến hành nghiên cứu trên động vật thí nghiệm.

Dịch chiết bằng Ethanol đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của nấm tóc, tuy nhiên, phần tan trong nước lại không có tác dụng này.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

Toàn cây Chút Chít
Toàn cây Chút Chít

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Chút Chít có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh vị, tràng.

Tác dụng: Thông đại tiện, sát trùng, thanh nhiệt.

3.2.2 Công dụng

Rễ Chút Chít được sử dụng với mục đích làm thuốc nhuận tràng, chữa táo bón hoặc bí đại tiện với liều dùng được khuyến cáo như sau:

  • Dùng với mục đích nhuận tràng: 1-3g.
  • Dùng với mục đích tẩy: 4-6g.

Có thể dùng được dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc, phối hợp với các vị thuốc khác hoặc không.

Nhân dân ta sử dụng lá Chút Chít để bôi chữa hắc lào hoặc sử dụng nước sắc từ lá và rễ của cây để rửa các mụn ghẻ lở.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Chút Chít

Lá cây Chút Chít
Lá cây Chút Chít

4.1 Chữa bí đại tiện

8-12g rễ tươi Chút Chít.

Có thể nhai sống hoặc sắc lấy nước uống.

Có thể dùng 10g Chút Chít cùng với Chỉ Xác và Mộc Thông, mỗi vị 8g để sắc nước uống để hạ công trong trường hợp cấp tính. Nếu sau một giờ vẫn chưa đi ngoài được thì có thể sắc lấy nước thứ hai uống.

4.2 Nhuận tràng

Mỗi viên có chứa:

  • 0,5g Chút Chít.
  • 0,3g Bột Cam Thảo.
  • 0,04g Bột Hồi.
  • 0,15g Diêm Sinh đã rửa.

Để nhuận tràng, mỗi lần nên sử dụng 1-2 viên hoặc dùng liều cao 3-8 viên để làm thuốc tẩy.

4.3 Chữa hắc lào hoặc các loại lở ngứa

Cành và lá Chút Chít sau khi sắc, sử dụng nước để ngâm rửa.

Ngoài ra, có thể sử dụng rễ Chút Chít mài với giấm hoặc với cồn để bôi vào vùng tổn thương.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (tập 1). Chút Chít, trang 469-470. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2024.

Để lại một bình luận