Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Oxalidales (Chua me đất) |
Họ(familia) |
Oxalidaceae (Chua me đất) |
Chi(genus) |
Biophytum |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Biophytum sensitivum (L.) DC. |
|
Danh pháp đồng nghĩa | |
Oxalis sensitiva L. |
Chua me lá me thuộc dạng cây thảo có kích thước nhỏ, chiều cao khoảng 20cm. Thân cây mảnh, bề mặt phủ một lớp lông rải rác, thân cây không phân nhánh, thường có màu đỏ tía. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Biophytum sensitivum (L.) DC.
Tên đồng nghĩa: Oxalis sensitiva L.
Tên gọi khác: Sinh mộc, Cây dù, Cảm ứng thảo, Mắc cỡ tàn dù, Sinh diệp mắc cỡ.
Họ thực vật: Chua me đất (Oxalidaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Chua me lá me thuộc dạng cây thảo có kích thước nhỏ, chiều cao khoảng 20cm. Thân cây mảnh, bề mặt phủ một lớp lông rải rác, thân cây không phân nhánh, thường có màu đỏ tía. Ngọn thân có một túm lá kép lông chim chẵn, phiến lá kép có chiều dài khoảng 7-12cm, gồm 10-14 đôi lá chét không có cuống, phiến lá mỏng, bề mặt nhẵn, kích thước lớn dần từ dưới lên trên, gốc lá hơi lệch, đầu lá tù hoặc nhọn, lá chét khi chạm vào thường cụp lại.
Hoa có màu vàng, mọc ở ngọn thân, cuống hoa mảnh, thường ngắn hơn lá. Lá bắc có phủ một ít lông, lá đài hẹp, cánh hoa tròn dài hơn lá đài, nhị 10, bầu thượng có lông.
Quả nang, nhẵn, bên trong có nhiều hạt nhỏ dạng hình cầu, màu nâu, mũi hạt nhọt.
Mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 10.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Mùa hạ.
Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chua me lá me là loài cỏ ưa ẩm, hơi chịu bóng, cây thường mọc trên những khu vực có đất ẩm, nhiều mùn lẫn với các loại cây cỏ khác trên nương rẫy, bãi hoang, vườn nhà.
Tại nước ta, cây được tìm thấy ở hầu hết các tỉnh miền núi, trung du, đôi khi cả vùng đồng bằng. Ở miền Nam, cây thường hiếm bắt gặp hơn. Ngoài ra, cây còn bắt gặp được ở Ân Độ, Trung Quốc, Malaysia, Lào và một số quốc gia khác.
Cây con mọc từ hạt vào cuối xuân, có khả năng sinh trưởng nhanh khi vào mùa hè. Sau khi cây ra quả thì bắt đầu tàn lụi.
Ở Hà Nội, người dân thỉnh thoảng trồng Chua me lá me để làm gia vị.
2 Thành phần hóa học
Toàn cây Chua me lá me có chứa muối oxalat Kali.
Theo các tài liệu nước ngoài, cây còn chứa một hoạt chất giống với insulin.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy rằng, Chua me lá me chứa một loạt các hợp chất hóa học bao gồm:
- 2 biflavone: cupressuflavone và amentoflavone.
- 3 flavonoid: luteolin 7-methyl ether, isoorientin và 3′-methoxyluteolin 7-O-glucoside.
- 2 axit: axit 4-Caffeoylquinic và axit 5-Caffeoylquinic.
- Các thành phần này được phân lập từ các bộ phận trên mặt đất của cây.
3 Tác dụng – Công dụng của cây Chua me lá me
3.1 Tác dụng dược lý
Một nghiên cứu sàng lọc có hệ thống ở Ấn Độ khi nghiên cứu cao khô của cây Chua me lá me sau khi chiết bằng cồn 50 độ đã thấy các tác dụng sau:
- Khi thử trên chuột cống trắng bị sán Hymenolepis nana, sử dụng liều bột cao khô với liều lượng 250mg/kg không thấy có tác dụng.
- Thử tác dụng đường huyết trên chuột cống trắng bình thường ở liều 250mg/kg không thấy có tác dụng, nghiên cứu cũng so sánh tác dụng của Chua me lá me với sulphonylurea. Tuy nhiên, tài liệu của Philippin cho rằng, Chua me lá me có chứa hoạt chất giống Insulin, có thể sử dụng được cho bệnh nhân đái tháo đường.
- Chua me lá me không cho thấy tác dụng đối với hô hấp, tim mạch, trên màng nháy mắt của mèo khi dùng liều 50mg/kg.
- Không thấy tác dụng co giãn của hồi tràng chuột lang cô lập.
- Liều bột cao khô 100mg/kg khi dùng cho chuột nhắt trắng không thấy tác dụng trên thân nhiệt, giảm đau, sốc điện.
- Chưa thấy tác dụng chống ung thư đối với tế bào ung thư biểu mô mũi hầu của người khi tiến hành nghiên cứu trên in vitro hay chuột nhắt trắng bị bệnh bạch cầu dòng lympho L-1210.
- Không thấy tác dụng lợi tiểu khi cho chuột cống trắng dùng liều 50mg/kg.
- Liều LD50 theo đường tiêm trong màng bụng của chuột nhắt trắng là 250mg cao khô/kg.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy rằng, chiết xuất nước của lá cây Chua me lá me cho thấy hoạt động chống khối u đáng kể đối với khối u ở chuột có thể cấy ghép. Ngoài ra, Chua me lá me còn được nghiên cứu về tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ tim mạch, chống di căn,ngăn ngừa đái tháo đường, chống viêm,… đã cho nhiều kết quả tiềm năng.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Chua me lá me có vị chua, tính mát, cây có tác dụng lợi tiểu, cầm máu, thanh nhiệt, tiêu viêm.
Nhân dân thường sử dụng lá của cây Chua me lá me nấu cùng với rau muống để tăng vị chua mát hoặc nấu giấm chua với cá.
Thân và lá cây còn được dùng trong trường hợp cảm sốt, xót ruột, nóng ruột, ho ra máu, viêm ruột tiêu chảy, đái ra máu. Liều dùng thông thường là 20-30g đem sắc lấy nước uống.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng lá của cây để làm thuốc lợi tiểu, hạt sau khi nghiền nhỏ dùng để đắp vào những khu vực bị mụn nhọt. Ngoài ra, nước sắc của rễ còn được dùng trong các trường hợp bị sỏi mật, tro của cây Chua me lá me có tác dụng lợi tiêu hóa.
Nhân dân Philippin sử dụng Chua me lá me trong trường hợp bị đái tháo đường. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu xác thực tác dụng này.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển Cây Thuốc Việt Nam tập 1. Chua me lá me, trang 453-454. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Chua me lá me, trang 448-449. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.
Tác giả K. M. Sakthivel và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2012). Biophytum sensitivum: Ancient medicine, modern targets, NCBI. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.