Cholesterol

Cholesterol là một thành phần không thể thiếu trong cơ thể. Song cholesterol cao có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Trong bài viết bày, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Cholesterol

1 Tổng quan

1.1 Cholesterol là gì?

Cholesterol là một chất béo steroid, mềm, màu vàng nhạt, có ở màng tế bào của tất cả các mô trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của mọi động vật. Cholesterol nội sinh được sản xuất hàng ngày trong gan, mỗi ngày từ 1,5g – 2g cùng một số cơ qua khác chiếm khoảng 75% lượng cholesterol có trong cơ thể. Phần còn lại là Cholesterol có nguồn gốc ngoại sinh là từ việc ăn uống các chất mỡ động vật. 

1.2 Lịch sử tên gọi

Tên gọi xuất phát từ tiếng Hi Lạp trong đó: Chole- (mật) và stereos (rắn), vì nó được phát hiện lần đầu ở dạng rắn trong sỏi mật.

2 Phân loại Cholesterol

Cholesterol trong cơ thể được phân thành 2 loại:

  • LDL – Cholesterol – được gọi là cholesterol ‘xấu’ . Khi hàm lượng của hợp chất này tăng cao trong  máu sẽ dẫn đến nguy cơ cao mỡ tích tụ và lắng đọng tại thành mạch. Đây là nguyên nhân chủ yếu của chứng xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa ngày càng lớn dần làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, thậm chí là vỡ mạch. Trường hợp nặng có thể gây ra bệnh tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc gây tai biến mạch máu não.
  • HDL – Cholesterol – được gọi là cholesterol ‘tốt’. Chúng chiếm khoảng 20 – 30% hàm lượng trong máu, đóng vai trò vận chuyển các lipid steroid từ máu trở lại gan, đưa những mảng xơ vữa ra khỏi mạch máu. Do đó mà máu có thể lưu thông dễ dàng, hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

3 Tác dụng đối với cơ thể

3.1 Xây dựng cấu trúc màng tế bào

Cholesterol là thành phần quan trọng của màng tế bào. Các chất béo steroid này cùng với các lipid phân cực, tham gia vào cấu trúc màng của mọi tế bào, tạo nên một hàng rào bảo vệ vững chắc. Khi lượng cholesterol tăng hoặc giảm, các tế bào sẽ bị ảnh hưởng. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng tới khả năng chuyển hóa của cơ thể và tạo ra năng lượng, cuối cùng có thể ảnh hưởng tới các mặt hoạt động khác của cơ thể như hấp thu và tiêu hóa thức ăn.

Trong các tế bào thần kinh, cholesterol có vai trò quan trọng trong sự hình thành lớp vỏ myelin, giúp ngăn cách sự dẫn truyền các xung thần kinh hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ sự ra vào của các chất và tín hiệu thần kinh.

3.2 Tổng hợp Vitamin và Sản sinh hormon của cơ thể

Cholesterol là tiền chất chính để tổng hợp Vitamin D- là cầu nối giúp xương hấp thụ canxi, giúp duy trì mật độ xương, thúc đẩy cấu trúc cơ khớp và giúp duy trì mật độ xương, răng luôn chắc khỏe.

Cholesterol là một thành phần quan trọng của các tuyến hormone sản sinh các hormon steroid cần thiết cho sự phát triển và hoạt động bình thường. Những hormon này gồm hormon giới tính, estrogen và Progesterone ở phụ nữ và Testosterone ở nam giới, Hormon aldosterone (một loại hormone giúp thận giữ nước) và cortisol (một loại hormone ngăn chặn hệ thống miễn dịch và tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể)

3.3 Đảm bảo chức năng của hệ miễn dịch

Các tế bào miễn dịch dựa  vào cholesterol để chống nhiễm trùng và tự phục hồi sau khi bị nhiễm trùng. Ngoài ra, cholesterol xấu (LDL) trực tiếp gắn và bất hoạt các độc tố vi khuẩn nguy hiểm, ngăn ngừa chúng gây ra bất cứ tổn thương nào trong cơ thể. Những người có cholesterol máu thấp dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng khác nhau, thời gian bệnh lâu hơn và dễ tử vong vì bệnh nhiễm trùng.

Trường hợp cơ thể có những tổn thương, Cholesterol sẽ nhanh chóng được sản sinh ra và được vận chuyển đến vị trí cần để chữa lành vết thương cũng như ngăn ngừa quá trình nhiễm trùng có thể xảy ra.

3.4 Vai trò như 1 chất chống oxy hóa trong cơ thể

Cholesterol đóng vai trò như một chất chống oxy hóa trong cơ thể và giúp làm lành các tổn thương gây ra bởi các gốc tự do. Các vết thương trong cơ thể chứa nhiều gốc tự do vì lúc này tế bào miễn dịch đã sử dụng những phân tử hoạt tính cao để tiêu diệt vi khuẩn và độc tố. Những gốc tự do dư thừa sẽ được Cholesterol 

Cholesterol cũng đóng vai trò trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật. Trong các cuộc phẫu thuật, các mô, động mạch, tĩnh mạch, mao mạch bị tổn thương. Lúc này, gan sẽ nhanh chóng sản xuất ra chất béo quan trọng này để đưa đi khắp cơ thể, dọn sạch và chữa lành những vết thương ở các mạch máu và các mô. Nhờ đó mà quá trình hồi phục sau phẫu thuật diễn ra nhanh chóng. 

3.5 Giúp hệ tiêu hóa phân hủy chất béo

Mật là một chất lỏng màu xanh lục được sản sinh bởi gan và trữ trong túi mật. Cholesterol được sử dụng để tạo chất mật này. Cơ thể cần mật để tiêu hóa thức ăn chứa chất béo. 

Mật hoạt động như một chất nhũ hóa, giúp phân giải các hạt mỡ lớn thành những mảnh nhỏ hơn để chúng có thể hòa trộn tốt hơn với các men tiêu hóa tiêu hóa chất béo. Khi chất béo được tiêu hóa, mật giúp cơ thể hấp thu nó.

Cơ thể cũng cần mật để hấp thu các Vitamin A, D, E và K và các vitamin tan trong dầu, được lấy từ thức ăn hoặc các chế phẩm bổ sung.

==> Xem thêm hoạt chất: Albumin: Lưu ý sử dụng dịch truyền trong lâm sàng

4 Sinh hóa Cholesterol trong cơ thể

4.1 Điều hòa lượng cholesterol trong cơ thể

Cơ chế điều hòa này được Michael S. Brown và Joseph L. Goldstein làm sáng tỏ vào thập kỉ 1970.

Sinh tổng hợp cholesterol được điều hoà trực tiếp bởi nồng độ cholesterol nội bào. Lượng nhập trong thức ăn tăng sẽ làm giảm lượng nội sinh và ngược lại. Cơ chế điều hòa chính là phát hiện cholesterol nội bào ở lưới nội sinh chất bởi protein SREBP (Sterol Regulatory Element Binding Protein 1 và 2). Khi có mặt cholesterol, SREBP gắn với 2 protein khác: SCAP (SREBP-cleavage activating protein) và Insig-1. Khi nồng độ cholesterol giảm, Insig-1 tách khỏi phức hợp SREBP-SCAP, cho phép phức hợp di chuyển vào bộ máy Golgi, ở đó SREBP bị cắt bởi S1P và S2P (site 1/2 Protease), hai men này được hoạt hoá bởi SCAP khi nồng độ cholesterol thấp. SREBP đã bị cắt sau đó di chuyển đến nhân và đóng vai trò yếu tố phiên mã (transcription factor) gắn với “Yếu tố Điều hoà Sterol” (Sterol Regulatory Element) của một số gene để kích thích phiên mã. Trong số các gene phiên mã có thụ thể LDL và HMG-CoA reductase. Thụ thể LDL thu bắt LDL trong tuần hoàn, còn HMG-CoA reductase làm tăng sản xuất cholesterol nội sinh.

4.2 Bài tiết Cholesterol

Cholesterol được bài tiết từ gan vào mật và được tái hấp thu ở ruột. Trong một số trường hợp, khi bị cô đặc ở túi mật Cholesterol sẽ kết tinh lại và là thành phần cấu tạo chính của hầu hết sỏi mật

5 Nguyên nhân cholesterol trong máu tăng cao 

5.1 Cholesterol trong máu cao là gì?

Cholesterol trong máu cao là tình trạng tăng hàm lượng LDL-C, tăng cholesterol, tăng triglycerid và đồng thời lượng HDL-C trong cơ thể giảm.

5.2 Ăn thực phẩm giàu cholesterol có làm tăng mỡ máu?

Cholesterol được coi là thủ phạm hàng đầu làm tăng các bệnh hệ tim mạch, vì vậy nhiều người có khuynh hướng hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Điều này có hoàn toàn đúng không? 

Nguồn dinh dưỡng chính chứa nhiều cholesterol là các sản phẩm từ động vật. Bao gồm thịt, pho mát và các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên thực phẩm chỉ đóng góp 20% cholesterol vì khoảng 80% cholesterol là do gan sản xuất. 

Như vậy gan vừa sản xuất và đào thải cholesterol qua mật, và là nguyên nhân làm tăng cholesterol trong cơ thể chứ không phải hoàn toàn từ thực phẩm.

Nếu gan khỏe mạnh, thì lượng cholesterol sẽ được điều chỉnh ổn định nên không cần lo lắng khi tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu cholesterol.

5.3 Chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol máu?

Khi nói đến việc giảm mức cholesterol, nghiên cứu cho thấy không nên lo lắng về cholesterol từ thực phẩm ăn uống hàng ngày. Thay vào đó, hai loại chất béo không lành mạnh (chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa ) mới là thủ phạm gây ra tình trạng cholesterol xấu tăng cao. Thật trùng hợp là nhiều loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao trong chế độ ăn uống cũng có thể chứa những chất béo không lành mạnh này.

Chất béo bão hoà có nhiều trong các loại thịt, sữa, phô mai. Chất béo chuyển hóa thường có ít trong tự nhiên, có nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như đồ ăn nhanh, bánh gato..

Thực phẩm chứa chất béo bão hoà
Thực phẩm chứa chất béo bão hoà

Các loại chất béo không lành mạnh này làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý của gan, vì vậy khi chức năng gan suy giảm làm cho lượng cholesterol trong máu tăng cao. Sự ảnh hưởng cholesterol từ thực phẩm không thật sự đáng kể.

Nhưng nguyên nhân chính khác làm tăng lượng chất béo trong cơ thể là ăn quá nhiều tinh bột và đường. khi lượng tinh bột/ đường quá dư thừa, gan sẽ chuyển hoá chúng thành chất béo nội tạng bám quanh gan, dẫn đến tăng cholesterol máu.

Theo Hiệp hội Tim Hoa Kỳ, không nên dùng quá 13g chất béo bão hoà mỗi ngày sẽ giảm được lượng cholesterol máu.

Tuy nhiên những trường hợp như mỡ máu cao, tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ biến chứng tim mạch cao, mỡ máu do di truyền thì phải kiểm soát cholesterol nghiêm ngặt hơn, nên hạn chế tiêu thụ cả chất béo bão hoà và thực phẩm giàu cholesterol.

5.4 Cholesterol tăng cao do di truyền

Những người có tiền sử gia đình mắc cholesterol máu cao thì những thành viên còn lại trong gia đình cũng có nguy cơ mắc cao hơn. Nguyên nhân được lý giải do yếu tố di truyền, cụ thể là các gen điều khiển cơ thể xử lý cholesterol và chất béo gặp vấn đề

5.5 Nguyên nhân từ thói quen ăn uống và sinh hoạt

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Người ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu, khó tiêu hóa như: thịt đỏ, kem, bơ, sữa, bánh ngọt, phô mai, gan, các loại nội tạng động vật, chocolate,…Những loại thực phẩm này cung cấp cholesterol xấu khó có thể được cơ thể hấp thu và chuyển hóa hoàn toàn, từ đó gây hình thành mảng xơ vữa mạch máu.

Thói quen lười vận động

Ngoài chế độ ăn uống kém lành mạnh thì những người ngồi, nằm quá nhiều, lười vận động thể thao có nguy cơ tăng Cholesterol máu cao hơn những người sinh hoạt thể thao thường xuyên. 

Thói quen hút thuốc

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khói thuốc lá gây giảm cholesterol tốt trong máu. Từ đó dẫn đến mất cân bằng cholesterol với lượng cholesterol xấu chiếm ưu thế từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể

5.6 Một số bệnh lý

Một số bệnh về tuyến giáp, thận, béo phì và đặc biệt là đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ  cholesterol cao và các biến chứng liên quan.

5.7 Thuốc

Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến tăng cholesterol thứ phát, như: thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, glucocorticoid, các gốc acid retinoic…

6 Cholesterol trong máu tăng cao ảnh hưởng gì đến cơ thể?

Cholesterol máu cao là yếu tố gây lắng đọng trong nội mạc động mạch, làm lòng động mạch xơ cứng, hẹp dần và cản trở dòng máu di chuyển đến các cơ quan khác ở trong cơ thể. Gây nên xơ vữa động mạch

Cholesterol máu là yếu tố chính dẫn đến hình thành mảng xơ vữa. Cholesterol trong máu càng cao thì nguy cơ xơ vữa động mạch càng lớn, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Xơ vữa động mạch là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tổn thương động mạch Ngoài ra, cholesterol cao nếu không được điều trị có thể gây ra biến chứng: cung giác mạc, các ban vàng ở mi mắt, u vàng ở gân khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, gót chân, màng xương; nhiễm lipid võng mạc, gan nhiễm mỡ, viêm tụy cấp.

==> Xem thêm hoạt chất: Adapalene: Thuốc điều trị trứng cá tại chỗ

7 Các thực phẩm có chứa Cholesterol

7.1 Chế độ ăn uống lành mạnh nên tiêu thụ

Tăng số lượng và sự đa dạng của trái cây tươi, rau và thực phẩm nguyên hạt mỗi ngày

Chọn sữa, sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác không có hương vị và ít béo hoặc có các sản phẩm thay thế ‘bổ sung Canxi ‘ (ít nhất 100 mg/100mL). Người có hàm lượng cholesterol cao nên chọn các loại giảm chất béo.

Chọn nhiều loại protein tốt cho sức khỏe như thịt nạc, thịt gà, hải sản,các loại đậu, quả hạch và hạt … Đồng thời hạn chế ăn thịt đỏ từ một đến 3 lần mỗi tuần.

Ăn các loại cá có dầu như cá hồi, cá mòi và cá thu ít nhất hai lần một tuần.

Kết hợp các lựa chọn chất béo lành mạnh như các loại hạt, hạt, quả bơ, ô liu và dầu để nấu ăn.

Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để tạo hương vị cho bữa ăn thay vì muối.

7.2 Chế độ ăn nên tránh

Để hỗ trợ giảm mức cholesterol, việc giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa có thể hữu ích. Cố gắng giảm thiểu lượng tiêu thụ:

  • Thịt mỡ
  • Không nên ăn các sản phẩm nội tạng động vật, gan động vật
  • Thịt chế biến như xúc xích và xúc xích
  • Đồ ăn nhẹ như khoai tây chiên
  • Hầu hết các thức ăn nhanh, đặc biệt là đồ chiên rán
  • Bánh ngọt, bánh quy và bánh ngọt.
  • Ngừng uống rượu và hút thuốc lá
Thực phẩm có chứa Cholesterol. Cái nào nên dùng, cái nào nên tránh?
Thực phẩm có chứa Cholesterol. Cái nào nên dùng, cái nào nên tránh?

Tài liệu tham khảo

  • Chuyên gia của Pubchem. Cholesterol, Pubchem. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023
  • Chuyên gia của drugbank. Cholesterol, Drugbank. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023
  • A H Lichtenstein (đăng tháng 2 năm 1990). Intestinal cholesterol metabolism,  Pubmed. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023
  • Tác giả Chris allen (Ngày đăng 21 tháng 5 năm 2020) Saturated fat. Heart UK.Truy cập ngày 2 tháng 7  năm 2024
  • Tác giả Scott M Grundy (Ngày đăng tháng 11 năm 2016) Does Dietary Cholesterol Matter?. Pubmed. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2024
  • Tác giả Chuyên gia Cleveland Clinic (Ngày đăng 17 tháng 10 năm 2022) Cholesterol and Nutrition. Cleveland Clinic. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2024

Để lại một bình luận