Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Myrtales (Sim) |
Họ(familia) |
Combretaceae (Bàng) |
Chi(genus) |
Terminalia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Terminalia nigrovenulosa Pierre ex Laness. |
Chiêu liêu thuộc dạng cây gỗ to, chiều cao mỗi cây khoảng 10 đến 30 mét. Thân cây có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn. Cành non có lông mịn. Lá đơn, mọc đối, phiến lá có dạng hình trái Xoan hoặc hình mác. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Terminalia nigrovenulosa Pierre ex Laness.
Tên gọi khác: Chiêu liêu gân đen, Chiêu liêu đồng, Preah Phneou (Campuchia).
Họ thực vật: Combretaceae (Bàng).
1.1 Đặc điểm thực vật
Chiêu liêu thuộc dạng cây gỗ to, chiều cao mỗi cây khoảng 10 đến 30 mét. Thân cây có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn. Cành non có lông mịn.
Lá đơn, mọc đối, phiến lá có dạng hình trái xoan hoặc hình mác, cả gốc và đầu lá đều tù, chiều dài mỗi lá khoảng từ 8 đến 10cm, chiều rộng từ 5 đến 6cm, phiến lá dai, mặt trên của lá có nhiều chấm màu trắng, kích thước nhỏ, chiều dài cuống lá khoảng 1cm, có 2 hạch, không có lông. Cành mang hoa lúc đầu có lông màu gỉ Sắt, sau nhẵn màu nâu.
Cụm hoa mọc thành chùy kép ở đầu cành, chiều dài cụm hoa khoảng 6cm, phủ một lớp lông màu hung, lá bắc sớm rụng. Hoa của cây Chiêu liêu có màu trắng, nhiều nhưng kích thước hoa nhỏ, nhị 8-10, bao hoa gồm 4-5 lá đài có dạng hình tam giác, không có cánh hoa, bầu hình ống nhẵn, 3 cạnh.
Quả màu đỏ tím, chiều dài mỗi quả khoảng 25mm, mỗi quả có 3 cánh, hơi khía, gồm 1 hạt.
Mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 4, mùa quả từ tháng 5 đến tháng 6.
Có nhiều loài khác thuộc chi Terminalia cũng mang tên gọi là Chiêu liêu như Kha tử (tên khoa học là Terminalia chebula), Chiêu liêu lông, Chiêu liêu nước, Chiêu liêu xanh nhưng chỉ có Chiêu liêu nghệ (Chiêu liêu gân đen) và Kha tử là được dùng nhiều hơn.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Vỏ cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Terminalia L. là chi lớn, gồm các loài chủ yếu là cây gỗ, được tìm thấy chủ yếu ở các vùng trung tâm nhiệt đới của châu Á, một số loài được tìm thấy ở châu Phi và châu Mỹ. Một số loài được trồng để lấy gỗ, một số loài khác được trồng để chiết xuất tanin hoặc dùng để làm thuốc chữa bệnh.
Tại nước ta, chi này có 10 loài, trong đó Chiêu liêu nghệ là loài được trồng để chiết xuất tanin (trong quả và vỏ thân) dùng để nhuộm vải, ngoài ra, loài cây này cũng được dùng để làm thuốc trong Y học cổ truyền.
Chiêu liêu nghệ được tìm thấy ở nhiều quốc gia khác giáp với Việt Nam như Lào, Campuchia và một số quốc gia thuộc Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia. Tại nước ta, Chiêu liêu nghệ chỉ mọc ở một số tỉnh thuộc Tây Nguyên trở vào như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang với độ cao phân bố dưới 700 mét.
Chiêu liêu nghệ thường mọc lẫn trong những khu rừng nguyên sinh hoặc những khu rừng thường xanh. Cây sinh trưởng và phát triển tốt trên những loại đất bazan hoặc đất feralit đỏ-vàng. Cây tái sinh tự nhiên từ hạt nhưng ở mức độ trung bình, tuy nhiên, vẫn có thể nhân giống cây bằng phương pháp gieo hạt.
2 Thành phần hóa học
Vỏ cây chứa 35% cao khô, trong đó chủ yếu là acid cachoutanin và phlobaphen. Tác giả Tạ Ngọc Liên cho rằng, vỏ chứa tanin (chiếm 2%) và calci oxalat (chiếm 10%).
3 Tác dụng của cây Chiêu liêu nghệ
Nhân dân Campuchia và đồng bào thuộc miền Nam của nước ta đã sử dụng Chiêu liêu nghệ như một vị thuốc chữa bệnh dùng trong trường hợp ỉa chảy, lỵ mạn tính, có thể dùng dưới nhiều dạng thuốc khác nhau bao gồm:
3.1 Nước hãm
Sử dụng 3-6g vỏ cây Chiêu liêu nghệ đã phơi hoặc sấy khô, đem tán nhỏ, hãm cùng 50-100ml nước sôi, sau đó để nguội, chắt lấy nước trong, thêm chất thơm cho dễ uống. Mỗi ngày uống 2 lần.
3.2 Nước sắc
Sử dụng 15-20g vỏ cây Chiêu liêu nghệ đem phơi khô sau đó thái nhỏ, sắc cùng với 400ml nước cho đến khi còn 100ml, chia làm 3 lần uống trong ngày, có thể phối hợp với vỏ cây Cóc (tên khoa học là Spondias dulcis Sol.).
3.3 Cồn thuốc
Sử dụng 100g vỏ cây Chiêu liêu nghệ đem phơi khô sau đó thái nhỏ, ngâm cùng với 500ml rượu, thời gian ngâm càng lâu càng tốt, trong quá trình ngâm thỉnh thoảng lắc đều bình rượu, thêm vào bình một ít vỏ Quế, quả hồi hoặc Trần Bì cho thơm. Mỗi lần uống 1 đến 1,5 thìa cà phê, ngày uống 2 lần.
3.4 Siro
Sử dụng 5g cao khô hòa với 10ml rượu 90 độ và 100ml siro, mỗi ngày uống 3 lần.
Liều dùng như sau:
- Người lớn: 1 thìa canh/lần.
- Trẻ em: ½ liều người lớn.
Cách nấu cụ thể như sau:
- Sử dụng 250g vỏ cây phơi khô, nấu 2 lần nước.
- Bỏ bã, lọc lấy nước.
- Cô trên bếp nhỏ lửa đến khi thu được khối rắn.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Chiêu liêu, trang 436-437. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Preah Phneou trang 439. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2024.