Cetearyl Alcohol

Cetearyl Alcohol được biết đến nhằm mục đích giữ ẩm, dưỡng da, hỗ trợ điều trị khô da được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm mỹ phẩm. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Cetearyl Alcohol.

1 Tổng quan

Cetearyl Alcohol hay còn có tên gọi là Cetostearyl alcohol, có danh pháp IUPAC là hexadecan-1-ol;octadecan-1-ol.

Danh pháp các thành phần mỹ phẩm – INCI name là: Cetearyl Alcohol.

CAS Number: 67762-27-0 / 8005-44-5.

1.1 Đặc điểm hoạt chất Cetearyl Alcohol

Cetearyl Alcohol là chất rắn màu trắng sáp đến vàng nhạt có mùi xà phòng nhẹ, có khả năng nổi trên mặt nước.

Công thức phân tử: C34H72O2

Trọng lượng phân tử là 512,9 g/mol.

Điểm sôi: 249°C.

Nhiệt độ nóng chảy: 50 độ C.

pH: 6,0.

Độ nhớt: 53 cP.

1.2 Hình cấu tạo và đặc điểm cấu tạo

Công thức cấu tạo
Công thức cấu tạo

Cetearyl Alcohol là sự kết hợp của Stearyl Alcohol và Cetyl Alcohol tạo thành một hỗn hợp màu trắng như sáp được sử dụng trong mỹ phẩm. 

Những loại Alcohol tạo nên Cetearyl Alcohol này hầu hết có nguồn gốc từ các nguồn thực vật như dừa, cọ và dầu thực vật. Hơn nữa, nó cũng có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm.

2 Cetearyl Alcohol có tác dụng gì?

2.1 Cetearyl Alcohol trong mỹ phẩm

Cetearyl Alcohol trong mỹ phẩm đóng vai trò là một hợp chất hoạt động bề mặt không ion.

Hoạt động của nó dựa trên chức năng là dung môi của các hoạt chất, chức năng chất bảo quản hoặc chất nhũ hóa.

Cetearyl Alcohol được sử dụng để mang lại độ mịn và độ dày cho sản phẩm đồng thời cung cấp các đặc tính dưỡng ẩm. Trong khi hầu hết các loại cồn làm khô da, thì Cetearyl Alcohol giữ nước và điều trị tình trạng khô da.

2.2 Hồ sơ an toàn của Cetearyl Alcohol

Cetearyl Alcohol là một thành phần an toàn và không độc hại nên ít hoặc không gây rủi ro khi sử dụng.

Thành phần này cũng có thể phân hủy sinh học và không gây ra bất kỳ mối nguy hại nào cho môi trường. Ngoài ra, các dẫn xuất từ ​​thực vật tạo ra Cetearyl Alcohol là thuần chay.

3 Chỉ định – Chống chỉ định

3.1 Những ứng dụng trong lâm sàng của Cetearyl Alcohol

Cetearyl Alcohol thường được biết đến như một thành phần không hoạt động vì nó không giúp ích gì cho mục đích điều trị của một sản phẩm mỹ phẩm, mà công dụng chủ yếu là nhũ hóa, chất hoạt động bề mặt giúp phân tán hoàn toàn các thành phần với nhau. Nó liên kết cấu trúc của các sản phẩm lại với nhau và ngăn chúng tách rời, ngăn kết cấu của sản phẩm bị tách lớp. Việc sử dụng Cetearyl Alcohol còn mở rộng hơn nữa giúp làm dày và giữ ẩm cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm.

  • Chăm sóc da : Nó được sử dụng trong nhiều loại kem dưỡng ẩm và kem dưỡng da vì nó tạo ra một số đặc tính giữ ẩm ngoài việc liên kết kết cấu kem với nhau. Hơn nữa, nó chữa lành da khô – làm cho việc chăm sóc da bằng Cetearyl Alcohol trở nên khá phổ biến.
  • Chăm sóc tóc: Cetearyl Alcohol xử lý tóc giúp cho tóc mềm mại nhờ tác dụng giữ nước để hydrat hóa. Cetearyl Alcohol thường được tìm thấy trong dầu gội đầu và kem chống xơ rối tóc. Cetearyl Alcohol có hại cho tóc không? Câu trả lời là không, vì nó không gây khô và mất nước như các loại cồn khác.

Cetearyl Alcohol được sử dụng phổ biến nhất trong tất cả các loại mỹ phẩm. Ngoài ra, nó cũng có thể được sử dụng thành công trong các lĩnh vực công nghiệp khác. Nó được tìm thấy trong một số chất tẩy rửa – chịu trách nhiệm ổn định bọt trong các sản phẩm dùng để làm sạch các bề mặt cứng. Trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy, Cetearyl Alcohol là một thành phần của bột tách nhũ tương. Nó là một thành phần của chất lỏng xử lý, và trong ngành công nghiệp sơn và vecni đóng vai trò là thành phần điều chỉnh thể chất.

4 Liều dùng – Cách dùng của Cetearyl Alcohol

4.1 Liều dùng

Cetearyl Alcohol không có ngưỡng sử dụng cụ thể với các sản phẩm mỹ phẩm. Và thành phần này không cần phải ghi rõ tỷ lệ phần trăm sử dụng trong các sản phẩm trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đăng ký với Cục quản lý dược – Bộ y tế.

4.2 Cách dùng 

Tùy vào từng loại sản phẩm mỹ phẩm hay sản phẩm chăm sóc cá nhân thì sẽ có từng cách dùng khác nhau, ví dụ:

  • Dầu gội đầu dùng để gội đầu, kem xả dùng sau bước gội đầu giúp tóc mềm mượt.
  • Sữa rửa mặt dùng để rửa mặt, loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa, dùng 2 lần mỗi ngày.
  • Kem dưỡng da tùy loại ban ngày hay ban đêm mà bạn có thể dùng cho phù hợp và nên dùng sau bước toner….

==>> Xem thêm về hoạt chất: Citicoline điều trị rối loạn mạch máu, Parkinson

5 Tác dụng không mong muốn

Cetearyl Alcohol được coi là an toàn và không độc hại, tuy nhiên, một tác dụng phụ nhỏ được ghi nhận có thể gây phát ban trên da rất nhạy cảm.

Do đó, cần phải kiểm tra kỹ thành phần trước khi sử dụng nếu da bạn là da nhạy cảm và nên thử dị ứng trên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng trên vùng da lớn hơn.

6 Tương tác thuốc

Cetearyl Alcohol có trong các sản phẩm mỹ phẩm thường sử dụng ngoài da, chưa có ghi nhận về tương tác thuốc trên đường dùng này.

Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng nhiều sản phẩm trên da cùng một lúc, nên chú ý các phản ứng trên da sau khi sử dụng, và có thể sử dụng các sản phẩm các nhau 15-20 phút để tránh các tương tác có thể có.

==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Colchicin: Điều trị cơn cấp bệnh Gout – Dược thư Quốc Gia Việt Nam 2022

7 Thận trọng

Đối với các sản phẩm chứa Cetearyl Alcohol, luôn kiểm tra kỹ thành phần, nếu sản phẩm chứa tác nhân mà bạn dị ứng thì không nên sử dụng.

Kiểm tra hạn sử dụng, tính chất sản phẩm trước khi dùng, nếu sản phẩm đã hết hạn hay có hiện tượng tủa, mùi lạ thì không nên sử dụng.

Nếu da bạn vô cùng nhạy cảm và khi dùng thấy phản ứng phát ban thì nên ngừng dùng sản phẩm và liên hệ cơ sở chuyên khoa da liễu nếu tình trạng ban da không cải thiện.

Tránh để các sản phẩm mỹ phẩm có Cetearyl Alcohol hay những sản phẩm mỹ phẩm nói chung dây vào mắt, niêm mạc, hay để xa nguồn nước để tránh uống nhầm….

Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và sử dụng sản phẩm đúng với mục đích bào chế, sản xuất.

8 Các câu hỏi thường gặp

8.1 Cetearyl Alcohol có tốt không?

Cetearyl Alcohol có nhiều công dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm, và được sử dụng rộng rãi giúp làm mềm da, làm mềm tóc cũng như làm ổn định thể chất sản phẩm, làm dày. Thành phần này được cho là thuần chay và an toàn, lành tính với cơ thể.

Tuy vậy, không thể loại trừ 100% nguy cơ xảy ra dị ứng trên những người có làn da vô cùng nhạy cảm, vì vậy, bạn cần lưu ý trước khi sử dụng sản phẩm chứa Cetearyl Alcohol.

8.2 Cetearyl Alcohol có dùng được cho bà bầu không?

Trong thời kỳ mang thai, bà bầu nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm hay nên chọn những sản phẩm có chỉ định, khuyến cáo từ nhà sản xuất là dùng được cho phụ nữ có thai.

Cetearyl Alcohol được coi là an toàn và lành tính nhưng vẫn có nguy cơ gây dị ứng cho người có làn da nhạy cảm, hơn nữa, trong thành phần của mỹ phẩm có thể chứa những tác nhân gây hại khác có thể gây hại cho bà bầu và thai nhi. Vậy nên, bà bầu nên cẩn trọng khi sử dụng mỹ phẩm có chứa Cetearyl Alcohol nói riêng và mỹ phẩm nói chung.

9 Các dạng bào chế phổ biến

Cetearyl Alcohol được bào chế vô cùng đa dạng là thành phần trong các công thức mỹ phẩm như dạng gel, kem, Dung dịch, serum, lotion,…

Trên thị trường hiện nay có một số sản phẩm chứa Cetearyl Alcohol như: Fixderma Non Drying Cleanser 60g, Sữa rửa mặt Lenka, Kem dưỡng mềm da Nivea Soft 50ml, Kem chống nắng Oribe, Dầu gội Hanko Shampoo…

Một số hình ảnh các sản phẩm chứa Cetearyl Alcohol:

Các sản phẩm chứa Cetearyl Alcohol
Các sản phẩm chứa Cetearyl Alcohol

10 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả: Chuyên gia Pubchem (Ngày cập nhật: Ngày 12 tháng 08 năm 2023). Cetostearyl alcohol, NCBI. Truy cập ngày 17 tháng 08 năm 2023.
  2. Tác giả: Chuyên gia Specialchem (Ngày cập nhật: Năm 2023). CETEARYL ALCOHOL, Specialchem. Truy cập ngày 17 tháng 08 năm 2023.

Để lại một bình luận