Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
CEFACLOR
Tên chung quốc tế: Cefaclor
Mã ATC: J01DC04.
Loại thuốc: Kháng sinh uống, nhóm Cephalosporin thế hệ 2.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dùng dưới dạng cefaclor monohydrat. Liều và hàm lượng biểu thị theo cefaclor khan.
Viên nang: 250 mg, 500 mg.
Bột hoặc cốm để pha hỗn dịch trong nước, chứa 125 mg/5 ml (75 ml, 150 ml); 187 mg/5 ml (50 ml, 100 ml); 250 mg/5 ml (75 ml, 150 ml); 375 mg/5 ml (50 ml, 100 ml).
Viên nén giải phóng kéo dài: 375 mg, 500 mg.
2 Dược lực học
Cefaclor là một kháng sinh cephalosporin uống, bán tổng hợp, thế hệ 2, có tác dụng diệt vi khuẩn đang trong giai đoạn phát triển và phân chia bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc gắn vào các protein gắn với penicilin (Penicilin binding protein, PBP), là các protein tham gia vào thành phần cấu tạo màng tế bào vi khuẩn, đóng vai trò là enzym xúc tác cho giai đoạn cuối cùng của quá trình tổng hợp thành tế bào. Kết quả là thành tế bào được tổng hợp sẽ bị yếu đi và không bền dưới tác động của áp lực thẩm thấu. Ái lực gắn của cefaclor với PBP của các loại khác nhau sẽ quyết định phổ tác dụng của thuốc.
Cũng như các kháng sinh beta-lactam khác, tác dụng diệt khuẩn của cefaclor phụ thuộc vào thời gian. Do vậy, mục tiêu cần đạt của chế độ liều là tối ưu hóa khoảng thời gian tiếp xúc của vi khuẩn với thuốc. Thời gian nồng độ thuốc trong máu lớn hơn nồng độ ức chế tối thiểu của kháng sinh với vi khuẩn phân lập (T > MIC) là thông số dược động học/dược lực học có liên quan chặt chẽ đến hiệu quả điều trị của cefaclor. T > MIC cần đạt ít nhất 40 – 50% khoảng cách giữa hai lần đưa thuốc.
2.1 Phổ tác dụng
Cefaclor có tác dụng in vitro đối với cầu khuẩn Gram dương tương tự Cefalexin nhưng có tác dụng mạnh hơn đối với các vi khuẩn Gram âm, đặc biệt với Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis, ngay cả với H. influenzae và M. catarrhalis sinh ra beta lactamase. Tuy nhiên, tác dụng trên tụ cầu sinh beta- lactamase và penicilinase thì yếu hơn cefalexin.
In vitro, cefaclor có tác dụng đối với phần lớn các chủng vi khuẩn sau (phân lập được từ người bệnh):
-
Vi khuẩn hiếu khí Gram dương: Staphylococcus, kể cả những chủng sinh ra penicilinase, coagulase dương tính, coagulase âm tính, tuy nhiên có biểu hiện kháng chéo giữa cefaclor và methicilin; Streptococcus pneumoniae; Streptococcus pyogenes (Streptococcus beta tan huyết nhóm A); Propionibacterium acnes; Corynebacterium diphtheriae.
-
Vi khuẩn hiếu khí Gram âm: Moraxella catarrhalis; Haemophilus influenzae (kể cả những chủng sinh ra beta-lactamase, kháng ampicilin); Escherichia coli; Proteus mirabilis; Klebsiella spp.; Citrobacter diversus; Neisseria gonorrhoeae.
-
Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides spp. (ngoại trừ Bacteroides fragilis là kháng); các Peptococcus; các Peptostreptococcus,
Cefaclor không có tác dụng đối với Pseudomonas spp. hoặc Acinobacter spp., Staphylococcus kháng methicilin, tất cả các chủng Enterococcus (ví dụ như Enterococcus faecalis cũng như phần lớn các chủng Enterobacter spp.), Serratia spp., Morganella morganii, Proteus vulgaris và Providencia rettgeri.
2.2 Kháng thuốc
Vi khuẩn kháng lại cefaclor chủ yếu theo cơ chế biến đổi PBP đích, sinh beta-lactamase hoặc làm giảm tính thấm của cefaclor qua màng tế bào vi khuẩn.
Hiện nay, một số chủng vi khuẩn nhạy cảm đã trở nên kháng với cefaclor và các kháng sinh cephalosporin thế hệ 2 khác, đặc biệt là các chủng Streptococcus pneumoniae kháng penicilin, các chủng Klebsiella pneumoniae và E. coli sinh beta-lactamase hoạt phổ rộng (Extended spectrum beta-lactamase, ESBL).
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Cefaclor bền vững với acid dịch vị và được hấp thu tốt sau khi uống lúc đói. Ở người lớn có chức năng thận bình thường, uống viên nang lúc đói liều đơn, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khi uống 30 – 60 phút, đạt nồng độ 5 – 7 microgam/ml với liều 250 mg và 13 – 15 microgam/ml với liều 500 mg và 23 – 25 microgam/ml với liều 1 g.
Sau khi uống 500 mg viên nén giải phóng kéo dài lúc đói, nồng độ đỉnh trong huyết tương vào khoảng 5,4 microgam/ml, đạt được sau 90 phút; nhưng nếu uống vào lúc no, nồng độ đỉnh là 8,2 microgam/ml đạt được sau uống 2,5 giờ. Thức ăn làm chậm hấp thu, nhưng tổng lượng thuốc được hấp thu vẫn không đổi, nồng độ đỉnh đạt được thấp hơn và chậm hơn với viên giải phóng nhanh. Khi uống viên giải phóng kéo dài cùng với bữa ăn, thời gian hấp thụ thuốc kéo dài hơn và nồng độ đỉnh cao hơn.
3.2 Phân bố
Khoảng 25% cefaclor liên kết với protein huyết tương. Cefaclor phân bố rộng khắp cơ thể; đi qua nhau thai và bài tiết trong sữa mẹ ở nồng độ thấp.
3.3 Thải trừ
Nửa đời thải trừ của cefaclor trong huyết tương từ 30 đến 60 phút; thời gian này thường kéo dài hơn một chút ở người có chức năng thận giảm. Nếu mất chức năng thận hoàn toàn, nửa đời thải trừ kéo dài từ 2,3 đến 2,8 giờ. Nồng độ cefaclor trong huyết thanh vượt quá nồng độ ức chế tối thiểu, đối với phần lớn các vi khuẩn nhạy cảm, ít nhất 4 giờ sau khi uống liều điều trị. Cefaclor thải trừ nhanh chóng qua thận; tới 85% liều sử dụng được thải trừ qua nước tiểu ở dạng nguyên vẹn trong vòng 8 giờ, phần lớn thải trừ trong 2 giờ đầu ở người có chức năng thận bình thường. Cefaclor đạt nồng độ cao trong nước tiểu trong vòng 8 giờ sau khi uống, trong khoảng 8 giờ này nồng độ đỉnh trong nước tiểu đạt được 600, 900 và 1 900 microgam/ml sau các liều sử dụng tương ứng 250 mg, 500 mg và 1 g. Probenecid làm chậm bài tiết cefaclor. Một ít cefaclor được đào thải qua thẩm phân máu.
4 Chỉ định
Các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do các vi khuẩn nhạy cảm: Viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp, viêm họng, viêm amiđan. Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: viêm phế quản cấp có bội nhiễm, viêm phổi (chỉ dùng dạng viên nang và bột pha hỗn dịch) gây ra bởi Hemophylus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes.
Đợt kịch phát nhiễm khuẩn của viêm phế quản mạn tính (chỉ dùng dạng viên nén giải phóng kéo dài) do Hemophylus influenzae (chủng không sinh beta-lactamase), Moraxella catarrahalis (bao gồm cả chủng sinh beta-lactamase) và Streptococcus pneumoniae.
Đối với viêm họng cấp do Streptococcus beta tan huyết nhóm A, thuốc được ưa dùng đầu tiên là penicilin V để phòng bệnh thấp tim.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm (bao gồm viêm thận – bể thận và viêm bàng quang) do E. coli, Proteus mirabilis, Klebsiella spp. (chỉ dùng dạng viên nang và bột pha hỗn dịch). Không dùng cho trường hợp viêm tuyến tiền liệt vì thuốc khó thấm vào tổ chức này.
Nhiễm khuẩn da và mô mềm do các chủng Staphylococcus aureus nhạy cảm với methicilin và Streptococcus pyogenes nhạy cảm.
5 Chống chỉ định
Người bệnh có tiền sử dị ứng/quá mẫn với cefaclor và kháng sinh nhóm cephalosporin.
6 Thận trọng
Thận trọng với người bệnh có tiền sử mẫn cảm với cephalosporin, đặc biệt với cefaclor, hoặc với penicilin, hoặc với các thuốc khác. Người bệnh dị ứng với penicilin có thể mẫn cảm chéo (5 – 10% số trường hợp).
Cefaclor dùng dài ngày có thể gây viêm đại tràng màng giả do Clostridium difficile. Thận trọng đối với người bệnh có tiền sử Đường tiêu hóa, đặc biệt viêm đại tràng. Cần nghi ngờ viêm đại tràng màng giả khi xuất hiện tiêu chảy kéo dài, phân có máu ở bệnh nhân đang dùng hoặc trong vòng 2 tháng sau khi dừng liệu pháp kháng sinh.
Cần thận trọng khi dùng cefaclor cho người có chức năng thận suy giảm nặng. Vì nửa đời thải trừ của cefaclor ở người bệnh vô niệu là 2,3 – 2,8 giờ (so với 0,6 – 0,9 giờ ở người bình thường) nên thường không cần điều chỉnh liều đối với người bệnh suy thận trung bình nhưng phải giảm liều ở người suy thận nặng. Vì kinh nghiệm lâm sàng trong sử dụng cefaclor còn hạn chế, nên cần theo dõi lâm sàng. Cần theo dõi chức năng thận trong khi điều trị bằng cefaclor phối hợp với các kháng sinh có tiềm năng gây độc cho thận (như nhóm kháng sinh aminosid) hoặc với thuốc lợi niệu furosemid, acid ethacrynic.
Đối với người già mặc dù không có thông tin phải điều chỉnh liều theo tuổi nhưng cần thận trọng trong lựa chọn cefaclor và theo dõi chức năng thận khi điều trị bằng cefaclor vì suy giảm chức năng thận liên quan đến tuổi.
Test Coombs dương tính trong khi điều trị bằng cefaclor. Trong khi làm phản ứng chéo truyền máu hoặc thử test Coombs ở trẻ sơ sinh có mẹ đã dùng cefaclor trước khi sinh, phản ứng này có thể dương tính do thuốc.
Tìm Glucose niệu bằng các chất khử có thể dương tính giả. Phản ứng dương tính giả sẽ không xảy ra nếu dùng phương pháp phát hiện đặc hiệu bằng glucose oxydase.
Độ an toàn và hiệu quả của viên nang cefaclor và hỗn dịch uống cefaclor cho bệnh nhi dưới 1 tháng tuổi chưa được thiết lập. Độ an toàn và hiệu quả của viên nén giải phóng kéo dài cefaclor cho trẻ em dưới 16 tuổi chưa được thiết lập.
Thầy thuốc cần tư vấn cho bệnh nhân chỉ sử dụng cefaclor và các kháng sinh khác khi có nhiễm khuẩn, không sử dụng cho trường hợp nhiễm virus và phải dùng đủ liệu trình, không ngừng thuốc khi chưa hết liệu trình mặc dù triệu chứng có tốt lên sau vài ngày điều trị để làm giảm nguy cơ kháng thuốc.
7 Thời kỳ mang thai
Các nghiên cứu trên động vật với liều gấp từ 3 – 5 lần liều tối đa dùng cho người (1 500 mg/ngày) không cho thấy bằng chứng gây ảnh hưởng đến bào thai của thuốc. Kháng sinh cephalosporin thường được coi là an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, do chưa có công trình nào được nghiên cứu đầy đủ ở người mang thai nên cefaclor chỉ được chỉ định dùng ở người mang thai khi thật cần thiết.
8 Thời kỳ cho con bú
Nồng độ cefaclor trong sữa mẹ rất thấp (0,16 – 0,21 microgam/ml sau khi mẹ dùng liều duy nhất 500 mg). Tác động của thuốc trên trẻ đang bú mẹ chưa rõ nên cần thận trọng khi thấy trẻ bị ỉa chảy, tựa và nổi ban. Nên cân nhắc việc ngừng cho con bú trong thời gian mẹ dùng thuốc.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các tác dụng không mong muốn của cefaclor tương tự như các cephalosporin khác. Ước tính gặp ở khoảng 4% người bệnh dùng cefaclor. Ban da, ỉa chảy, nôn và buồn nôn, đau đầu thường gặp nhất.
9.1 Thường gặp
Máu: tăng bạch cầu ưa eosin.
Tiêu hóa: ỉa chảy.
Da: ban da dạng sởi.
9.2 Ít gặp
Toàn thân: test Coombs trực tiếp dương tính.
Máu: tăng tế bào lympho, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính.
Tiêu hóa: buồn nôn, nôn.
Da: ngứa, nổi mày đay.
Tiết niệu – sinh dục: ngứa bộ phận sinh dục, viêm âm đạo, bệnh nấm Candida.
9.3 Hiếm gặp
Toàn thân: phản ứng phản vệ, sốt, triệu chứng giống bệnh huyết thanh (thường gặp ở bệnh nhi dưới 6 tuổi). Hội chứng Stevens- Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc (hội chứng lyell), ban da mụn mủ toàn thân.
Phản ứng giống bệnh huyết thanh hay gặp ở trẻ em hơn người lớn: hồng ban đa dạng nhiễm sắc, viêm hoặc đau khớp, sốt hoặc không, có thể kèm theo hạch to, protein niệu.
Máu: giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết.
Tiêu hóa: viêm đại tràng màng giả.
Gan: tăng enzym gan (ASAT, ALAT, phosphatase kiềm), viêm gan và vàng da ứ mật.
Thận: viêm thận kẽ hồi phục, tăng nhẹ urê huyết hoặc creatinin huyết thanh hoặc xét nghiệm nước tiểu không bình thường.
TKTW: cơn động kinh (với liều cao và suy giảm chức năng thận), tăng kích động, đau đầu, tình trạng bồn chồn, mất ngủ, lú lẫn, tăng trương lực, chóng mặt, ảo giác và ngủ gà.
Bộ phận khác: đau khớp.
9.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng sử dụng cefaclor nếu xảy ra dị ứng. Các triệu chứng quá mẫn có thể dai dẳng trong một vài tháng. Trong trường hợp dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn nghiêm trọng cần tiến hành điều trị hỗ trợ (duy trì thông khí, thở oxy, sử dụng adrenalin, tiêm tĩnh mạch corticosteroid).
Ngừng điều trị nếu bị ỉa chảy nặng.
Các trường hợp bị viêm đại tràng màng giả do Clostridium difficile phát triển quá mức ở thể nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Các trường hợp thể vừa và nặng, cần lưu ý cho truyền các dịch và chất điện giải, bổ sung protein và điều trị bằng kháng sinh có tác dụng với C. difficile (nên dùng metronidazol, không dùng Vancomycin). Phản ứng giống bệnh huyết thanh thường xảy ra một vài ngày sau khi bắt đầu điều trị và giảm dần sau khi ngừng thuốc vài ngày. Đôi khi phản ứng nặng cần điều trị bằng các thuốc kháng histamin và corticosteroid.
Nếu bị co giật do thuốc điều trị, phải ngừng thuốc. Có thể điều trị bằng thuốc chống co giật nếu cần.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Cefaclor dùng theo đường uống. Dạng viên nang và hỗn dịch uống có thể uống lúc no hoặc đói. Dạng viên nén giải phóng kéo dài nên dùng trong bữa ăn hoặc trong vòng 1 giờ quanh bữa ăn để tăng hấp thu.
10.2 Liều lượng
10.2.1 Người lớn
Liều thường dùng cho các trường hợp nhiễm trùng nhạy cảm: Dạng giải phóng tức thì: 250 – 500 mg/lần, 8 giờ một lần; dạng giải phóng kéo dài: 500 mg/lần cho mỗi 12 giờ.
Đợt kịch phát nhiễm trùng của viêm phế quản mạn tính hoặc viêm phế quản cấp tính có bội nhiễm (viên giải phóng kéo dài): 500 mg/ lần, 12 giờ dùng một lần. Thời gian điều trị là 7 ngày.
10.3 Trẻ em
10.3.1 Trẻ em từ 1 tháng tuổi đến dưới 16 tuổi
Liều thường dùng cho các trường hợp nhiễm trùng nhạy cảm (viêm họng, viêm phế quản, viêm amiđan, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng tiết niệu không có biến chứng):
Dùng dạng giải phóng tức thì: 20 – 40 mg/ kg/ngày, chia thành 3 lần cách nhau mỗi 8 giờ hoặc 2 lần cách nhau 12 giờ. Liều tối đa: 1 g/ngày.
Không sử dụng cho trẻ em trong những trường hợp nhiễm trùng nặng.
Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn do Streptococcus beta tan huyết hoặc S. pyogenes thời gian điều trị ít nhất là 10 ngày.
Viêm tai giữa: 40 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần cách nhau 12 giờ, tối đa 1 g/ngày.
10.3.2 Trẻ từ 16 tuổi trở lên dùng dạng giải phóng kéo dài
500 mg/lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ. Liều này tương đương với dạng giải phóng nhanh 250 mg/lần, 3 lần/ngày.
Đợt kịch phát nhiễm trùng của viêm phế quản mạn tính hoặc viêm phế quản cấp tính có bội nhiễm: Điều trị liều như dùng cho người lớn.
10.4 Người bệnh suy thận
Đối với người lớn không cần thiết phải điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận, nhưng cần lưu ý theo dõi thận trọng vì thường tăng nửa đời thải trừ ở bệnh nhân suy thận.
Đối với trẻ em, không cần điều chỉnh liều nếu mức lọc cầu thận > 10 ml/ phút, dùng liều 50% liều khuyến cáo thường dùng nếu mức lọc cầu thận < 10 ml/phút.
Người bệnh phải thẩm phân máu: Khi thẩm phân máu, nửa đời của cefaclor trong huyết thanh giảm 25 – 30%. Vì vậy, đối với người bệnh phải thẩm phân máu đều đặn, nên dùng liều khởi đầu từ 250 mg đến 1 g trước khi thẩm phân máu và duy trì liều điều trị 250 – 500 mg cứ 6 – 8 giờ một lần, trong thời gian giữa các lần thẩm phân.
Người cao tuổi: Dùng liều như người lớn.
11 Tương tác thuốc
Dùng đồng thời cefaclor và warfarin hiếm khi gây tăng thời gian prothrombin, có kèm theo hoặc không kèm theo chảy máu. Người bệnh thiếu vitamin K (ăn kiêng, hội chứng kém hấp thu) và bệnh nhân suy thận là những đối tượng có nguy cơ cao gặp tương tác. Đối với những bệnh nhân này, nên theo dõi thường xuyên thời gian prothrombin và điều chỉnh liều nếu cần thiết.
Probenecid làm tăng nồng độ cefaclor trong huyết thanh.
Cefaclor dùng đồng thời với các thuốc kháng sinh aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu furosemid có thể làm tăng độc tính đối với thận, loại tương tác đã được mô tả chủ yếu với cephalothin, một kháng sinh cephalosporin thế hệ 1.
12 Quá liều và xử trí
12.1 Triệu chứng
Các triệu chứng quá liều có thể là buồn nôn, nôn, đau thượng vị và ỉa chảy. Mức độ nặng của đau thượng vị và ỉa chảy liên quan đến liều dùng. Nếu có các triệu chứng khác, có thể do dị ứng, hoặc tác động của một nhiễm độc khác hoặc của bệnh hiện mắc của người bệnh.
12.2 Xử trí
Xử trí quá liều cần xem xét đến khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, tương tác thuốc và dược động học bất thường ở người bệnh. Không cần phải rửa dạ dày, ruột, trừ khi đã uống cefaclor với liều gấp 5 lần liều bình thường.
Bảo vệ đường hô hấp cho người bệnh, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Làm giảm hấp thu thuốc bằng cách cho uống than hoạt nhiều lần. Trong nhiều trường hợp, cách này hiệu quả hơn là gây nôn hoặc rửa dạ dày. Có thể rửa dạ dày và thêm than hoạt hoặc chỉ dùng than hoạt.
Gây lợi niệu, thẩm phân màng bụng hoặc thẩm phân máu chưa được xác định là có lợi trong điều trị quá liều.
Cập nhật lần cuối: 2017