Cây Xoan (Melia azedarach L.)

Cây Xoan (Melia azedarach L.)

Theo các ghi chép trong Đông y, Cây Xoan có vị đắng, tính hàn, có độc nên khi dùng cần hết sức chú ý, cẩn trọng, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, sát trùng. Vỏ xoan nổi tiếng với công dụng điều trị các loại giun. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cây Xoan.

1 Cây Xoan Ta: Cây Xoan và Cây Sầu Đâu

Cây Xoan được trồng chủ yếu ở miền Bắc nước ta được gọi là Cây xoan ta. Một số tài liệu như Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam còn gọi cây xoan là Xoan trắng, Sầu đâu, Khổ luyện, May riển. Tuy nhiên cần chú ý, các tên gọi như Xoan trắng, Sầu đâu… đôi khi cũng được dùng để gọi loài xoan Ấn Độ với tên khoa học hoàn toàn khác.

Danh pháp khoa học của Cây Xoan là Melia azedarach L., tên đồng nghĩa là Melia japonica D. Don, thuộc họ Xoan – Meliaceae.

2 Mô tả thực vật

Cây xoan to, cao 10 – 15 m, trồng lâu năm với điều kiện thuận lợi có thể hơn. Thân cây thẳng, vỏ xù sì màu xám, có nhiều khía dọc lồi lõm và chấm trắng.

Lá kép lông chim lẻ, 2 – 3 lần, lá mọc so le, có thể dài đến 60 – 70 cm, lá chét mọc đối dài 7 – 8 cm, rộng 2 – 3 cm, gốc hơi lệch, đầu nhọn, mép khía răng, mặt dưới và cuống lá có lông. 

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xin phân đôi, hoa mọc trước hoặc cùng thời gian với lá non; hoa màu trắng hoặc tím nhạt; đài 5 răng có lông; tràng 5 cánh hẹp, nhị hợp lại thành ống hình trụ màu tím sẫm; bầu nhẵn, 5 ô. 

Quả hạch, quả xoan chín màu vàng, hạt màu nâu nhạt.

Mùa hoa xoan vào tháng 3 – 5, mùa quả vào tháng 6 – 8 hàng năm.

Hình ảnh cây xoan
Hình ảnh cây xoan

2.1 Phân bố, sinh thái 

Melia L. là một chi nhỏ, gồm một số loài là cây gỗ, hiếm khi là cây bụi, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á và Australia. 

Xoan được coi là cây bản địa ở Việt Nam. Cây chủ yếu được trồng ở vùng đồng bằng, trung du và núi thấp (dưới 600m). Quần thể cây mọc tự nhiên hoặc đã trở nên hoang dại hóa có thể thấy ở một số tỉnh miền núi, như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa… Xoan cũng có ở Ấn Độ, Lào và phía nam Trung Quốc.

Cây xoan ưa sáng, có thể chịu được khô hạn và sống được trên nhiều loại đất. Xoan sinh trưởng phát triển tốt ở những vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm hoặc khí hậu á nhiệt đới, độ cao dưới 1000 m. Cây rụng lá hàng năm vào mùa đông; đến giữa mùa xuân, khi bắt đầu có lá non đồng thời cũng là mùa hoa của cây. Hoa xoan thụ phấn nhờ côn trùng và gió. Hạt xoan có tỷ lệ nảy mầm cao. Thân cây sau khi bị chặt, phần gốc còn lại tái sinh nhiều chồi nhỏ. 

Xoan là loại cây cho gỗ quan trọng ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Gỗ xoan ngâm trên 1 năm (bỏ phần giác) được sử dụng để làm nhà cửa, đóng đồ gia dụng. Tuổi thọ của gỗ xoan lên đến 70 – 80 năm không hề bị mục nát. Lá xoan là nguồn phân xanh dồi dào cho cây trồng.

Với ưu thế là cây gỗ mọc nhanh, nên nhiều năm nay cây đã được phát triển trồng ở khắp các tỉnh trung du và đồng bằng từ Hà Tĩnh trở ra. 

Xoan rất phổ biến ở nước ta
Xoan rất phổ biến ở nước ta

2.2 Bộ phận dùng 

Vỏ rễ, vỏ thân đã được phơi hay sấy khô.

Vỏ rễ là những phiến cuốn lại hoặc phiến không có hình dạng nhất định, dày 1 – 3 mm, mặt ngoài màu nâu tro hay nâu tím. 

Vỏ thân, sau khi bóc vỏ, cạo bỏ lớp vỏ nâu, chỉ dùng vỏ lụa ở giữa. Trước khi dùng, sao vàng cho hết mùi hăng. 

3 Thành phần hóa học 

Vỏ thân xoan chứa nimbolin A, nimbolin B, fraxinelon, 24 – methylencycloartanon, gedunin, cycloeucalenol, kulacton, kulolacton, kulinon và methylkulonat, có còn các anthraquinon 1,8 – dihydroxy – 2 – methylanthraquinon – 3-O-ẞ-D-galactopyranosid và 1,5 – dhydroxy – 8 methoxy – 2 – methylanthraquinon – 3-O-α-L- rhamnopyranosid.

Trong một nghiên cứu, một triterpenoid loại Euphane mới 3 β -hydroxytirucalla-5, axit 24-dien-21-oic, trong nghieenc cứu khác, một triterpenoid mới, có tên là 3-α-tigloylmelianone, cũng như ba limonoid đã biết có tên là methyl kulonate, 21-β-acetoxymelianone và melianon đac được phân lập

Một triterpenoid loại apotirucallane mới, 3α-benzoate triterpenoid A, cùng với sáu triterpenoid đã biết, một este thơm và tám lignan, được phân lập từ quả xoan. 

Một loạt các chất chuyển hóa thứ cấp đa dạng về cấu trúc đã được xác định bao gồm terpenoid, tetranortriterpenoid, limonoid, Flavonoid, steroid và axit béo từ cây xoan. Trong số đó, chiếm ưu thế nhất là triterpenoids và limonoids chủ yếu có trong lá hoặc quả, và chúng được cho là có các hoạt tính sinh học bao gồm chất chống ăn, diệt côn trùng và gây độc tế bào.

Thành phần hóa học
Thành phần hóa học

4 Tác dụng dược lý: Lá xoan có độc không?

4.1 Tác dụng diệt giun

Vỏ thân, vỏ rễ cây xoan có hoạt chất toosendanin (khổ luyện tổ) là thành phần có tác dụng diệt giun đũa. Trước dây, người ta đã chứng minh rằng thí nghiệm trên ống kính cao chiết cồn của vỏ xoan có tác dụng làm liệt giun đũa lợn, đặc biệt đối với phần đầu của giun. Còn sau khi đã chiết tách được toosendanin thì tác dung diệt giun của hoạt chất mạnh hơn dạng cao cồn nhiều, gần tương đương với santonin. Cao lỏng vỏ xoan (25%), Dung dịch toosendanin (0,6%) có tác dụng làm giun nhanh chóng bị tê liệt. 

Tác dụng diệt giun của vỏ xoan được giải thích qua 2 cơ chế: một giả thiết cho rằng ở nồng độ cao (1: 1000) toosendanin làm tê liệt giun đũa đặc biệt là đối với các nút thần kinh ở đầu giun, còn giả thiết khác cho rằng ở nồng độ thấp (1: 5000 – 9000) toosendanin có tác dụng kích thích giun. Tác dụng kích thích này là do thuốc thấm qua lớp biểu bì của giun, tác động trực tiếp lên hệ cơ của giun, gây co thắt làm cho giun không thể bám vào thành ruột mà bị xổ ra ngoài. Trên lâm sàng, sau khi uống toosendanin thời gian giun bị tẩy ra ngoài xuất hiện chậm (24 – 48 giờ), giun bị tẩy ra ngoài đa số còn có thể hoạt động được. Dịch chiết vỏ xoan (25 – 50%) thí nghiệm trên ống kính cũng có tác dụng diệt giun kim. 

Ở Việt Nam, Đỗ Tất Lợi và cộng sự đã nghiên cứu nhiều mặt về xoan để làm thuốc trị giun đũa. Từ năm 1967 các tác giả Đỗ Tất Lợi, Đỗ Văn Thủ đã phối hợp với Tram vệ sinh phòng dịch ty y tế Hòa Bình tiến hành tẩy giun bằng vỏ xoan. Năm 1973, Đỗ Tất Lợi và cộng sự đã chiết được hoạt chất của vỏ xoan và chế thành viên 0,10g đặt tên là Melia. 

4.2 Tác dụng kháng nấm

Dịch ngâm nước vỏ xoan (1 : 4) thí nghiệm trên ống kính có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da. 

4.3 Tác dụng kháng độc tố botulin

Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng đã được dùng một liều gây chết độc tố botulin, toosendanin dùng tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da hoặc uống sau 6 giờ kể từ khi dùng độc tố đều có tác dụng bảo vệ được chuột khỏi tử vong đạt 80%. Thí nghiệm trên khi đã bị ngộ độc bởi độc tố botulin tuýp A, B, C, toosendanin dùng 24 giờ sau khi ngộ độc có khả năng bảo vệ được 50% súc vật thí nghiệm thoát khỏi tử vong. Điều đó chứng tỏ toosendanin có khả năng kháng nhiều tuýp của độc tố botulin. Sử dụng kết hợp với huyết thanh kháng độc tố botulin A, thì toosendanin có tác dụng giảm một cách đáng kể lượng huyết cần cho quá trình giải độc. Thí nghiệm trên tiêu bản dây thần kinh hoành cách cơ hoành của chuột nhắt trắng cho thấy toosendanin có tác dụng phong bế sự dẫn truyền ở khớp thần kinh – cơ.

Ngoài ra, toosendanin còn có tác dụng kích thích ruột thỏ cô lập và tại chỗ, tăng cường trương lực và biên độ co bóp của ruột, do đó dùng toosendanin tẩy giun thì không cần dùng thuốc xổ. 

Sau khi hấp thu, thuốc được đào thải khỏi cơ thể rất chậm. Sau khi dùng thuốc 24 giờ, lượng thuốc đào thải qua nước tiểu và phân là 51% khi dùng thuốc bằng dường tiêm tĩnh mạch, 27% sau khi tiêm bắp thịt và 47% sau khi cho thuốc qua dạ dày. Sau khi dùng thuốc 11 ngày thì lượng thuốc bài tiết đạt 75 – 80%, chứng tỏ thuốc có độ tích lũy nhất định không nên dùng liên tiếp. 

Ngoài ra, nó còn có các đặc tính dược lý khác nhau như các hoạt động chống oxy hóa, chống ung thư, kháng vi-rút, chống sốt rét, kháng khuẩn, kháng nấm và chống sinh sản

4.4 Độc tính

Độc tính của toosendanin thay đổi khá lớn tùy theo loài động vật, độ mẫn cảm thấp tuần tự như sau: mèo, chó và khỉ, thỏ, chuột cống trắng, chuột nhất trắng. LD50 của toosendanin thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm xoang bụng là 13,8 mg/kg, bằng đường tiêm tĩnh mạch là 14,3 mg/kg và bảng đường uống là 244 mg/kg, còn trên chuột cống trắng LD50 của thuốc bằng đường tiêm xoang bụng là 9,8 mg/kg và trên thỏ bằng đường tiêm tĩnh mạch là 4,2 mg/kg. Thuốc có tác dụng kích thích dạ dày. Thí nghiệm trên chuột cống trắng dùng liều lớn 20 – 40 mg/kg cho thẳng vào dạ dày có tác dụng làm cho niêm mạc phù nề, loét, do đó người có loét dạ dày không nên dùng. Dùng với liều 8 – 10 mg/kg thí nghiệm trên chó có tác dụng gây nôn thường xuất hiện sau khi dùng thuốc 3 – 6 giờ. Trong thí nghiệm độc tính bán cấp trên chó, toosendanin dùng với liều 10 mg/kg/lần, cho thẳng vào dạ dày, dùng 5 lần, cứ 2 ngày dùng một lần cho thấy tế bào gan phù nề, men GOT, GPT tăng, nhưng không có hiện tượng tế bào gan hoại tử nên các tổn thương trên có thể hồi phục. Tuy vậy trên lâm sàng những bệnh nhân có bệnh gan không nên dùng. Uống toosendanin với liều lớn gây ngộ độc cấp tính với biểu hiện suy tuần hoàn cấp do tính thẩm thấu của thành mạch tăng, xuất huyết nội tạng, huyết áp tụt và có thể dẫn tới tử vong nếu không xử lý kịp thời. Vì vậy, lá xoan, quả xoan đều có độc tính, không thể ăn.

5 Quả xoan có ăn được không?

Theo tài liệu Trung Quốc, quả xoan có độc, đã có báo cáo trẻ em tử vong do ăn quả xoan. Triệu chứng ngộ độc là nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, tin đập nhanh. Cho chó ăn quả xoan thì xuất hiện nôn mửa ngay nên ít bị ngộ độc, cho bò ngựa ăn có thể bị ngộ độc, còn lợn thì rất nhạy cảm, ăn khoảng 200 g quả xoan, sau nửa giờ xuất hiện triệu chứng ngộ độc, sau 2 – 3 giờ gây tử vong. Triệu chứng chủ yếu dẫn đến tử vong là thần kinh trung ương bị ức chế, hôn mê, giải phẫu bệnh lý cho thấy viêm cấp tính dạ dày ruột, gan xung huyết, phổi ứ máu. Quả xoan chín độc hơn quả xoan còn non. Thành phần gây độc có thể là một protein. 

Về tác dụng kháng khuẩn, quả xoan có tác dụng ức chế sự phát triển của Staphylococcus aureus

6 Lá Xoan có tác dụng gì?

6.1 Tính vị, công năng 

Xoan có vị đắng, tính hàn, có độc khi dùng cần hết sức chú ý, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, sát trùng. 

6.2 Công dụng 

Vỏ xoan và hoạt chất toosendanin đã được một số nước dùng làm thuốc trị giun.

Đặc biệt ở Trung Quốc, người ta đã dùng vỏ xoan điều trị cho hơn 20.000 bệnh nhân nhiễm giun đũa, dùng viên toosendanin điều trị cho trên 5000 bệnh nhân và đã có một số nhận xét sau đây: Vỏ thân và vỏ rễ xoan đều có tác dụng diệt giun. Kết quả làm sàng cho thấy vỏ rễ có tác dụng mạnh gấp đôi vỏ thân. Vỏ thân ở đoạn gốc cũng có tác dụng tương đương vỏ rễ.

Thu hoạch tốt nhất vào mùa đông xuân trước khi cây nảy lộc. Về dạng thuốc thường dùng dạng nước, cũng có thể dùng dạng viên. Thành phần có tác dụng khó tan trong nước nên cần dùng nhỏ lửa sắc lâu. Liều dùng thích hợp cho người lớn 4,5 – 9g vỏ khô. Viên hoạt chất tonsendanin, người lớn dùng 6 – 8 viên, trẻ em 2 – 4 tuổi dùng 2 viên, 4-8 tuổi dùng 3 – 4 viên (mỗi viên chứa 0,025 g topsendanin). Về hiệu quả tẩy giun, dùng trị giun đũa, sau khi dùng thuốc thời gian giun bị tống ra ngoài xuất hiện chậm, thường sau 24 – 48 giờ nhưng cũng có trường hợp sau vài giờ. Tỷ lệ ra giun không ổn định từ 20 – 100%, tỷ lệ phân sạch trứng giun đạt 5,5 – 92,8%. 

Đã có báo cáo cho biết dùng nước sắc vỏ xoan điều trị 50 trường hợp tắc ruột do giun đạt kết quả tốt. Phương pháp như sau: dùng 200 ml nước sắc vỏ xoan 25% thụt trực tràng, sau đó nửa giờ dùng 300 – 500 ml thụt lần thứ 2, sau đó 1 giờ dùng 600 ml thụt lần thứ 3. Nếu sau 24 giờ không thấy giun bị tống ra ngoài thì lặp lại các bước trên một lần nữa. Nếu có tình trạng mất nước nghiêm trọng thì phải bổ sung dịch truyền trước. Ngoài ra người ta còn dùng rễ xoan tươi (120 g) không bỏ vỏ, dưới dạng nước sắc 100% chữa giun chui ống mật đạt kết quả nhất định. Về tác dụng phụ và độc tính, dùng vỏ xoan thường xuất hiện tác dụng phụ sau khi dùng thuốc 1 – 6 giờ, biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tỷ lệ xuất hiện tác dụng phụ có khi đạt 100% nhưng cũng có khi rất thấp, thường xuất hiện trong khoảng vài phút đến vài giờ nhưng cũng có khi kéo dài tới 15 – 16 giờ. Nhẹ thì các triệu chứng trên tự nhiên biến mất, không cần xử lý. Còn khi bị ngộ độc nghiêm trọng thì xuất hiện liệt hô hấp, xuất huyết nội tạng, rối loạn thị giác, rối loạn tâm thần, có khi dẫn tới tử vong. Hoạt chất toosendanin có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, gây tổn thương gan, có tác dụng tích luỹ do đó không nên dùng liên tục. Ngộ độc thường là do dùng quá liều hoạt bệnh nhân mẫn cảm với thuốc. Khi bị ngộ độc có thể dùng nước sắc Cam Thảo với đường trắng làm thuốc giải độc. 

Ngoài ra vỏ xoan còn có tác dụng diệt giun kim và giun tóc 

Ở Việt Nam, vào những năm 60 của thế kỷ 20, Đỗ Tất Lợi đã nghiên cứu dùng vỏ xoan để tẩy giun, thấy trên toàn bộ những người thí nghiệm và trên 117 trường hợp theo dõi cẩn thận, không có ai dùng thuốc có thể hiện phản ứng xấu. Toàn bộ những người dùng thuốc đều ra giun kim, 86% ra giun đũa, có em bé ra tới 105 con giun và có người đã uống nhiều thuốc tẩy giun khác như sirô piperazin, santonin chưa bao giờ ra giun, nay uống vỏ xoan đã ra giun Tuy vậy khi dùng rộng rãi trong nhân dân do vỏ xoan có độc và liều dùng thường không chính xác nên đã gây nên một số và ngộ độc nghiêm trọng, cho nên gần đây hầu như không thấy sử dụng vỏ xoan dễ trị giun. Mặt khác hiện nay trên thị trường đã có nhiều thuốc trị giun hiệu quả lại an toàn hơn vỏ xoan nhiều. 

Theo y học cổ truyền, lá xoan có độc nhưng có thể dùng để điều trị các bệnh ngoài da như chốc lở, mụn nhọt, viêm da và nhiễm trùng ecpet mảng tròn bằng cách đun sôi lá và lấy nước rửa hoặc lau lên vùng da bệnh.

Lá xoan còn được dùng làm thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, cho lá xoan vào chum đựng đậu, ngô để tránh mọt, nấm. Hoặc sắc nước lá xoan (4 kg lá cho 10 lít nước) phun lên những cây bị sâu bọ ăn hại

Một số công dụng
Một số công dụng

7 Những dạng dùng vỏ xoan có kinh nghiệm ở Việt Nam

7.1 Dạng bột

Bóc lấy vỏ xoan, cạo bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài, chỉ lấy vỏ lụa, sao cho hơi vàng, đỡ mùi hăng rồi tán nhỏ, chia thành từng gói 0,7 – 1,0 g.

Liều dùng như sau: Uống liền 3 buổi sáng sớm vào lúc đói

Trẻ em dưới 1 tuổi 0,15 – 0,20 g/ngày
Trẻ 2 tuổi 0,2 – 0,25 g/ngày
Trẻ 3 tuổi 0,25 – 0,35 g/ngày
Trẻ 4 tuổi 0,35 – 0,50 g/ngày
Từ 5 tuổi trở lên 0,7 – 1,0 g/ngày
10 tuổi trở lên 1,50 – 2,0 g/ngày
Người lớn 2,0 – 3,0 g/ngày

7.2 Dạng thuốc sắc

Vỏ lấy về cạo bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài, thái nhỏ, phơi khô và sao cho bớt mùi hăng. Sắc 4 nước, mỗi lần đun sôi và giữ sôi 1,5 – 2,0 giờ. Cô các nước sắc lại cho có trọng lượng bằng vỏ ban đầu. Sau đó thêm cùng một thể tích sirô đơn. Trộn đều uống liều như sau.

  • Trẻ em 1 – 2 tuổi uống 20ml tương đương với 10g vỏ khô,
  • 3 – 5 tuổi uống 30 ml tương đương 15g vỏ khô,
  • 6 – 9 tuổi uống 40 ml tương đương 20g vỏ khô,
  • 16 – 19 tuổi uống 65 ml tương đương 32,5g vỏ khô,
  • trên 19 tuổi uống 75 – 80 mnl tương dương 37,5 – 40g vỏ khô.

Uống vào sáng sớm lúc đói. Nhịn ăn đến trưa ăn uống bình thường. Chỉ dùng 1 buổi sáng. 

7.3 Dạng viên Melia

  • Trẻ em 1-4 tuổi uống 1-3 viên
  • 5-15 tuổi uống 4-6 viên
  • Trên 15 tuổi dùng 7-10 viên

8 Tài liệu tham khảo

  1. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam Tập 2 (Xuất bản năm 2006). Xoan trang 1111 – 1116, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 04 tháng 08 năm 2023.
  2. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Xoan trang 161 – 167, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 04 tháng 08 năm 2023.
  3. Tác giả Mohammad Faheem Khan và cộng sự (Ngày đăng tháng 10 năm 2014). Bioactivity-guided chemical analysis of Melia azedarach L. (Meliaceae), displaying antidiabetic activity, ScienceDirect. Truy cập ngày 04 tháng 08 năm 2023.

Để lại một bình luận